TÒA ÁN NHÂN DÂN
HUYỆN TỦA CHÙA
TỈNH ĐIỆN BIÊN
---------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------------------
Bản án số: 12/2017/HSST
Ngày 21/3/2017
 

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TỦA CHÙA, TỈNH ĐIỆN BIÊN

 

Với thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: ông Trương Anh Tuấn .
Các Hội thẩm Nhân dân: Ông Lý A Tùng- Chủ tịch UBMTTQ huyện
Bà Vi Thu Hằng- Chủ tịch Hội phụ nữ huyện
Thư ký ghi biên bản phiên toà: ông Thào A Thu - Cán bộ Toà án Nhân dân huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên tham gia phiên tòa:  Bà Lê Thị Ánh Nguyệt -  Kiểm sát viên.
Ngày 21 tháng 3 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tủa Chùa,  tỉnh Điện Biên mở phiên toà xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 12/2017/TL-HSST ngày 08/02/2017 đối với bị cáo:
Họ và tên: Nguyễn Văn A - tên gọi khác: không; Sinh năm 1985 tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Dân tộc: Mông; Nghề nghiệp: làm ruộng, nương; Trình độ văn hóa: 05/12. Con ông Giàng A Minh – SN 1966 và con bà Mùa Thị Pằng – SN 1966. Bị cáo có vợ là Sùng Thị Pài và 04 con, con lớn nhất sinh năm 2003, con nhỏ nhất sinh năm 2009.
Tiền sự: không; Tiền án: không. Tạm giữ, tạm giam: không, bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.
Nguyên đơn dân sự: Đại diện UBND xã Y, huyện Tủa Chùa: Ông Mùa A Sang- SN 1970- Chủ tịch UBND xã Y. /có mặt

Những Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

-     ông Giàng A Sủ- SN 1994- Trưởng thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa - là Đại diện cộng đồng thôn X, xã Y được giao quản lý, bảo vệ rừng ./có mặt
-     Bà Sùng Thị Pài – SN 1985; trú tại: thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. /có mặt

Những Người làm chứng:

-     anh Sùng A Giàng- SN 1994; trú tại: thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. /có mặt
-     anh Sùng A Hồng- SN 1994; trú tại: thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. /có mặt
-     anh Sùng A Ninh-SN 1983; trú tại: thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. /có mặt
-     anh Giàng A Nhinh- SN 1994; trú tại: thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. /có mặt
-     anh Giàng A Linh- SN 1994; trú tại: thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. /có mặt
Người phiên dịch: ông Giàng A Dè- SN 1985; Trú tại tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. /có mặt

NHẬN THẤY
Bị cáo Nguyễn Văn A bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Tủa Chùa truy tố  về hành vi phạm tội như sau:
Vào hồi 14 giờ 30 phút, ngày 01 tháng 11 năm 2016, Hạt kiểm lâm huyện Tủa Chùa nhận được tin báo của ông Giàng A Sủ là Trưởng thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa về việc phát hiện Nguyễn Văn A đang có hành vi khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 7 tiểu khu 558 thuộc rừng phòng hộ của thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa. Kết quả điều tra đã xác định được trong tháng 9 và tháng 10 năm 2016 bị cáo đã một mình vào rừng phòng hộ thuộc thôn X, xã Y, dùng máy cưa xăng cầm tay cắt hạ 04 cây gỗ nghiến và 02 cây gỗ nhãn rừng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Hạt kiểm lâm huyện và UBND xã Y tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định chủng loại, khối lượng, nhóm gỗ, loại rừng, vị trí khai thác lâm sản của bị cáo, đã xác định được bị cáo đã dùng máy cưa cắt hạ gồm: 04 cây gỗ nghiến thuộc gỗ nhóm IIA, gồm 129 khúc, lóng, cành, bìa bạnh thu giữ tại vị trí khoảnh 7 tiểu khu 558 và tại nhà của bị cáo, có khối lượng 18,775m3 gỗ tròn; 02 cây gỗ nhãn rừng thuộc gỗ nhóm V, gồm 15 khúc, lóng, cành thu giữ tại khoảnh 7 tiểu khu 558 rừng phòng hộ thuộc thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa, có khối lượng 1,585m3 gỗ tròn. Kết quả xem xét vị trí, sử dụng máy định vị GPS 78S xác định tọa độ và đối chiếu với bản đồ giao đất giao rừng, quyết định giao đất giao rừng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã Y, huyện Tủa Chùa, xác định khu vực bị cáo  khai thác gỗ thuộc khoảnh 7 tiểu khu 558 thuộc rừng phòng hộ do cộng đồng thôn X, xã Y, huyện Tủa Chùa quản lý, bảo vệ.
Vật chứng thu giữ của bị cáo gồm: 129 khúc, lóng, cành, bìa bạnh gỗ nghiến; 15 khúc, lóng, cành cây nhãn rừng; 01 chiếc máy cưa xăng cầm tay; 01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu HUNDA màu đen, bạc, trắng đã qua sử dụng, không có biển kiểm soát và 01 dây cao su màu đen dài 3,3m, rộng 1,5cm.
Tại cơ quan điều tra bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình, việc khai thác trái phép cây rừng do bị cáo một mình thực hiện, sau khi dùng máy cưa cắt thành từng khúc, lóng, bị cáo đã dùng xe mô tô của gia đình vận chuyển về nhà được 28 lóng, khúc gỗ nghiến, số gỗ còn lại chưa kịp vận chuyển về nhà thì bị bắt quả tang; mục đích bị cáo khai thác gỗ trái phép là để làm nhà.
Trong quá trình điều tra bị cáo đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng số tiền để bồi thường thiệt hại là 2.000.000đ.
Tại kết luận định giá tài sản ngày 05 tháng 01 năm 2017 của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tủa Chùa kết luận: 117 khúc, lóng, cành gỗ nghiến giá thị trường tại thời điểm tháng 10/2016 là 137.835.000đ; 12 bìa, bạnh  gỗ  nghiến  có  giá  3.573.000đ;  15  khúc,  lóng,  cành  gỗ  nhãn  rừng  có  giá 3.962.500đ. Tổng giá trị gỗ nghiến và gỗ nhãn rừng xác định giá thị trường tại thôn X, xã Y là 145.370.500đ (một trăm bốn mươi năm triệu ba trăm bảy mươi nghìn năm trăm đồng)
Đại diện Nguyên đơn dân sự, Uỷ ban nhân dân xã Y đề nghị HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho nhà nước thiệt hại về gỗ rừng do bị cáo đã gây ra theo kết luận định giá tài sản.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Sùng Thị Pài là vợ bị cáo đề  nghị trả lại cho gia đình chị 1/2 giá trị chiếc máy cưa là tài sản chung của gia  đình.
Cáo trạng số 03/QĐ-VKS-HS ngày 06/02/2016 của Viện kiểm sát huyện Tủa Chùa đã truy tố bị cáo Nguyễn Văn A về tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo khoản 1 Điều 175 của Bộ luật hình sự. Tại phiên tòa, Đại diện VKSND huyện giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị hội đồng xét xử: áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175, các Điểm b, h,p khoản 1 Điều 46; khoản 1,2 Điều 60 của BLHS xử phạt Bị cáo Nguyễn Văn A từ 12 đến 18 tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách từ 24 tháng đến 36 tháng; Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo theo khoản 3 Điều 175 của BLHS; áp dụng điều 42 của BLHS, các Điều 584, 585, 589 của BLDS buộc bị cáo phải bồi thường cho nhà  nước số tiền 145.370.500đ; áp dụng điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 41 BLHS và  các điểm a,b,đ khoản 2 Điều 76 của BLTTHS tịch thu sung quỹ nhà nước số lượng gỗ thu giữ, tịch thu sung quỹ công cụ phương tiện bị cáo đã sử dụng phạm tội  gồm 01 chiếc xe mô tô và 01 chiếc máy cưa xăng, tịch thu tiêu hủy 01 dây cao su; áp dụng điều 99 của BLTTHS, điểm đ khoản 1 điều 12, điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự có giá ngạch cho bị cáo;
Tại phiên toà bị cáo không tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, ăn năn hối cải và xin giảm nhẹ hình phạt.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng.

XÉT THẤY
Đã có đủ cơ sở để xác định bị cáo Nguyễn Văn A vì muốn có gỗ để làm nhà, mặc dù không được cấp có thẩm quyền cho phép, bị cáo đã một mình mang máy cưa vào rừng thuộc thôn X, xã Y chặt hạ 04 cây gỗ nghiến có khối lượng 18,775m3 gỗ tròn và 02 cây gỗ nhãn rừng có khối lượng 1,585m3 gỗ tròn, lời khai nhận của bị cáo tại cơ quan CSĐT và tại phiên tòa phù hợp với lời khai của Đại diện nguyên đơn dân sự, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án như biên bản kiểm tra xác minh của Hạt kiểm lâm, biên bản tạm giữ, thu giữ vật chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, xác định chủng loại, khối lượng, nhóm gỗ, loại rừng. Theo kết quả xác minh điều tra của Hạt Kiểm lâm huyện tại vị trí bị cáo khai thác trái phép cây rừng, đối chiếu với bản đồ giao đất giao rừng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng thì khu vực bị cáo khai thác rừng thuộc khoảnh 7 tiểu khu 558, là rừng  phòng hộ do cộng đồng thôn X, xã Y quản lý, bảo vệ; Kết quả xác định nhóm gỗ ngày 24/11/2016 của Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã xác định có 04 cây gỗ nghiến và 02 cây gỗ nhãn rừng bị chặt hạ, theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ gỗ nghiến thuộc nhóm IIA trong danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cấm khai thác và theo Quyết định số 1298-CNR ngày 26/11/1977 của Bộ Lâm nghiệp về ban hành bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước, xác định theo tính chất của gỗ thì gỗ nghiến thuộc nhóm II và gỗ nhãn rừng thuộc nhóm V. Khối lượng gỗ bị cáo khai thác trái phép đã vượt quá mức quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 12 của Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản nhưng chưa vượt quá hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.4 và 1.5 mục 1 phần IV của Thông tư liên  tịch  số  19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC  ngày 08 tháng 3 năm 2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Do đó, hành vi khai thác trái phép cây rừng của bị cáo Nguyễn Văn A đã vi phạm khoản 1 điều 12 của Luật bảo vệ và phát triển rừng, đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật hình sự, vì vậy Cáo trạng và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ, HĐXX chấp nhận.
Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, xâm hại đến sự phát triển bền vững và ổn định của môi trường sinh thái tự nhiên, xâm hại trực tiếp đến quyền quản lý, sử dụng tài nguyên của nhà nước được pháp luật hình sự bảo vệ. Bị cáo nhận thức được hành vi khai thác trái phép cây rừng là vi phạm pháp luật, mặc dù đã được Trưởng thôn X nhắc nhở, cấm khai thác trái phép nhưng vẫn cố ý thực hiện, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội một mình với lỗi cố ý trực tiếp. Trước tình hình chặt phá, khai thác trái phép lâm sản ngày càng công khai với nhiều thủ đoạn, diện tích rừng đang bị thu hẹp dần, để bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời răn đe, giáo dục và phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo vệ môi trường thì các hành vi khai thác, chặt phá, buôn bán lâm sản trái phép cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Bị cáo xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức xã hội và hiểu biết pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Xuất phát từ truyền thống của đồng bào dân tộc là làm nhà bằng gỗ, với mục đích khai thác gỗ để làm nhà ở nên bị cáo đã phạm tội, xét quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội, bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và đã tự nguyện nộp một phần bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra; Trước khi phạm tội bị cáo chưa có tiền sự, chưa có tiền án, bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Đây là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b,h,p khoản 1 Điều 46 của BLHS cần áp dụng cho bị cáo, bị cáo không có tình tiết tăng nặng theo điều 48 của Bộ luật hình sự và Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao.
Xét thấy bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 của BLHS, bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và đã  thực sự ăn năn hối cải, bị cáo có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, trước khi phạm tội  bị cáo không có tiền án, tiền sự; HĐXX thấy việc buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù tại trại giam là không cần thiết, mà chỉ cần giao cho chính quyền địa phương và gia đình quản lý, giám sát bị cáo cũng đủ để giáo dục bị cáo sửa chữa lỗi lầm, trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Về hình phạt bổ sung: xét thấy bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có khả năng thi hành hình phạt bổ sung là phạt tiền nên HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo theo khoản 3 Điều 175 của BLHS,
Về bồi thường dân sự: Cần buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước số tiền 145.370.500đ, bị cáo đã tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại là 2.000.000đ, cần buộc bị cáo tiếp tục bồi thường số tiền còn lại 143.370.500đ cho nhà nước theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật hình sự và các Điều 584, 585, 589 của Bộ luật dân sự.
Về xử lý vật chứng: Đối với số lượng gỗ bị cáo đã khai thác trái phép là tài sản thuộc sở hữu của nhà nước nên cần tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 76 của BLTTHS; Đối với 01 chiếc xe mô tô và 01 chiếc máy cưa cầm tay chạy xăng là tài sản chung của gia đình bị cáo, HĐXX thấy bị cáo đã sử dụng vào việc khai thác và vận chuyển trái phép cây rừng và việc bị cáo mang đi khai thác, vận chuyển gỗ về nhà, vợ bị cáo là Sùng Thị Pài có biết nhưng không ngăn cản, để mặc cho bị cáo thực hiện, do đó cần tịch thu xung quỹ nhà nước công cụ phương tiện phạm tội của bị cáo theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 41 của BLHS và điểm a khoản 2 Điều 76 của BLTTHS; Đối với 01 dây cao su là vật không có giá trị nên cần tịch thu tiêu hủy theo điểm đ khoản 2 điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Về án phí: Bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo nên cần miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự có giá ngạch cho bị cáo theo quy định tại điểm đ khoản 1 điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH
1.                  Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn A phạm tội: Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng
Áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 175; Điểm b, h, p Khoản 1 Điều 46; Khoản 1, 2 Điều 60 của Bộ luật hình sự; Khoản 1 Điều 12 của Luật bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn A 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Nguyễn Văn A cho UBND xã Y, huyện Tủa Chùa giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND xã Y trong việc giám sát và giáo dục bị cáo.
Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
2.                  Về Bồi thường dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự và các Điều 584, 585, 589 của Bộ luật dân sự.
Buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước số tiền 145.370.500đ (một trăm bốn mươi năm triệu ba trăm bảy mươi nghìn năm trăm đồng), khấu trừ số tiền bị cáo đã nộp để bồi thường 2.000.000đ (hai triệu đồng) hiện cơ quan Thi hành án dân sự huyện Tủa Chùa đang quản lý, buộc bị cáo phải bồi thường tiếp 143.370.500đ (một trăm bốn mươi ba triệu ba trăm bảy mươi nghìn năm trăm đồng) cho nhà nước.
3.                  Xử lý vật chứng: Áp dụng Điểm a Khoản 1, Khoản 3 Điều 41 của Bộ luật hình sự và các Điểm a,b,đ Khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự,
-     Tịch thu sung quỹ Nhà nước:
+ 117 khúc, lóng, cành gỗ nghiến có khối lượng 18,378m3; 12 bìa, bạnh gỗ nghiến có khối lượng 0.397m3; 15 khúc, lóng, cành gỗ nhãn rừng có khối lượng 1,585m3.
+ 01 chiếc xe mô tô, màu sơn đen, bạc, trắng, nhãn hiệu HUNDA, không có biển kiểm soát.
+ 01 chiếc máy cưa có ba lam xích, vỏ màu đỏ, nhãn hiệu HUSQVARNA-365.
-     Tịch thu tiêu hủy: 01 dây cao su màu đen dài 3,3m, rộng 1,5cm.
(Các vật chứng nêu trên cơ quan Thi hành án dân sự huyện Tủa Chùa đang quản lý theo các biên bản giao nhận vật chứng ngày 08/02/2017 và ngày 09/02/2017 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra và Chi cục thi hành án dân sự huyện Tủa Chùa).
4.                  Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Điểm đ Khoản 1 Điều 12, Điều 23 của Nghị quyết số 326/UBTVQH14 quy định về mức  thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự có giá ngạch cho bị cáo.

Kháng cáo: bị cáo có quyền kháng cáo bản án, nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo phần bản án liên quan đến quyền lợi nghĩa vụ của mình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án./.

HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM
Các Hội thẩm nhân dân                                                        Thẩm phán- Chủ tọa phiên tòa
 
 
 
 
 
 
Nơi nhận:
-   Phòng KTNV và THA - TAND tỉnh;
-   Bị cáo; nguyên đơn dân sự;
-   Người có QLNVLQ;
-   VKSND Tủa Chùa;
-   CC Thi hành án dân sự Tủa Chùa;
-   Cơ quan THAHS CA Tủa Chùa;
-   Cơ quan THAHS CA Tủa Chùa;
-   Sở Tư pháp;
Lưu: Hồ sơ vụ án, HSTHA.
TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM THẨM PHÁN - CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
 
 
 
 
Trương Anh Tuấn
 
Tên bản án

Bản án số 12/2017/HSST ngày 21/03/2017 của TAND tỉnh Điện Biên về vi phạm khai thác và bảo vệ rừng

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English