TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐẦM DƠI, TỈNH CÀ MAU

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Bản án số: 23/2017/DS-ST

Ngày: 08/5/2017

V/v “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra”

 

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐẦM DƠI, TỈNH CÀ MAU

Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:

- Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa:  Ông Trần Quốc Kiên

- Các Hội thẩm nhân dân:

1. Ông Châu Hải Dương;

2. Bà Phạm Thị Hà.

- Thư ký phiên tòa: Bà Nguyễn Ngọc Trúc – Thư ký Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đầm Dơi tham gia phiên tòa: Ông Dương Tấn Viễn – Kiểm sát viên.

Ngày 08 tháng 5 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 233/2016/TLST - DS ngày 14 tháng 11 năm 2016 về “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 93/2017/QĐXXST – DS ngày 12 tháng 4 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1955. (có mặt)

Địa chỉ: Ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

2. Bị đơn: Ông Lê Phong Nhã, sinh năm 1978. (có mặt)

Địa chỉ: Ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

- Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Nga trình bày:

Vào khoảng 16 giờ ngày 05/01/2014 âl, 05 con heo con mỗi con khoảng 12kg của bà đi ăn dưới gầm cầu kênh Thầy Bảy thì bị con chó của ông Nhã cắn chết 01 con. Sau khi heo bị thương bà có báo chính quyền địa phương lập biên bản nhưng ông Nhã không đến nên không lập được biên bản. Bà có đem con heo qua nhà ông Nhã yêu cầu bồi thường nhưng ông Nhã cho rằng heo của bà qua phần đất của ông Nhã thì bị chó cắn chết bỏ. Khi heo chết, bà mang cho con trăn của ông Chung Hoàng Việt ăn.

Vị trí heo bị chó cắn bà xác định là khi heo đi ăn ở dạ cầu, cầu là của nhà nước xây dựng trên đất của ông Nhã, có từ 2 đến 3 con chó của ông Nhã rượt đuổi nên heo chạy đến biền lá đất của ông Nhã (từ dạ cầu đến biền lá khoảng 10 tầm 3m).

Bà xác định lúc heo bị chó cắn chết thì giá tại địa phương một con bằng 1.000.000đ (một triệu đồng).

Nay bà khởi kiện yêu cầu anh Nhã bồi thường cho bà trị giá con heo con là 1.000.000 đồng (một triệu đồng) tương đương với giá trị con heo con bị chết.

- Bị đơn ông Lê Phong Nhã trình bày:

Khoảng 16 giờ chiều ngày mùng 06 tết năm 2014 nhà ông đang cúng tắc, heo con của bà Nga đi qua phần đất ngay cột điện trên đất của ông thì bị chó của ông cắn. Lúc đó ông có uống rượu ở nhà nên bị xỉn và không tham gia việc lập biên bản. Một thời gian sau (khoảng nữa năm 2015) bà Nga có đơn yêu cầu ra ấp, chính quyền ấp hòa giải thì ông có nhận lỗi với bà Nga và thỏa thuận bồi thường cho bà Nga 600.000 đồng nhưng bà Nga không đồng ý.

Ông xác định giá heo con (heo bị chó cắn) tại địa phương trị giá một con bằng 1.000.000 đồng (một triệu đồng).

Nay ông không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của bà Nga, bởi vì lúc heo bị chó cắn thì heo chưa chết, sau đó có chết hay không thì ông không biết. Hơn nữa, heo con đã 12kg thì vẫn sử dụng được.

* Tại phiên tòa Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng:

Điều 604 và Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2005; Pháp lệnh số 10/2009/PL – UBTVQH ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án. Tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nga yêu cầu ông Nhã bồi thường ½ giá trị con heo bằng 500.000 đồng.

Án phí dân sự sơ thẩm ông Nhã phải chịu theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Tại đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Nga yêu cầu ông Lê Phong Nhã bồi thường cho bà giá trị một con heo con là 1.200.000 đồng. Qua quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bà Nga xác định trong việc heo bà bị chó cắn thì có một phần lỗi của bà để heo qua đất ông Nhã. Do đó, bà Nga thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện là yêu cầu ông Nhã bồi thường giá trị của ½ con heo. Xét việc thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nga là trong phạm vi khởi kiện ban đầu nên được chấp nhận.        

[2] Về thời hiệu khởi kiện theo Điều 588 và điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định điều khoản chuyển tiếp được thực hiện theo Bộ luật dân sự năm 2015. Như vậy thời hiệu khởi kiện bà Nga được quyền khởi kiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của bà bị xâm phạm. Do đó, việc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Nga là còn thời hiệu khởi kiện.

[3] Hội đồng xét xử thấy rằng vào ngày 06/01/2014 05 con heo con của bà Nga đi ăn trên đất của ông Nhã thì bị chó của ông Nhã cắn bị thương 01 con là thực tế có xảy ra, được các bên đương sự thừa nhận nên thuộc trường hợp những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự. Ngoài ra, qua lời trình bày của bà Nga và ông Nhã trong quá trình giải quyết vụ án; lời trình bày của ông Nhã tại biên bản hòa giải của ấp không ghi thời gian (BL 02) và lời trình bày của người làm chứng trong vụ án chứng minh được sau khi heo bị chó cắn thì hai ngày sau heo chết, bà Nga không sử dụng được con heo bị chó cắn chết.

Bà Nga và ông Nhã thống nhất giá 01 con heo con tại thời điểm tết năm 2014 một con bằng 1.000.000 đồng, cũng như việc thống nhất con heo con của bà Nga bị chó ông Nhã cắn trị giá 1.000.000 đồng. Do đó, bà Nga bị thiệt hại toàn bộ 01 con heo con trị giá 1.000.000 đồng là có căn cứ, làm cơ sở cho Hội đồng xét xử tính mức bồi thường thiệt hại trong vụ án.

Xét yêu cầu khởi kiện của bà Nga thì thấy rằng: Vị trí heo con của bà Nga bị chó nuôi của ông Nhã cắn chết là trên đất của ông Nhã. Bà Nga và ông Nhã xác định vật nuôi của hai bên được thả rông theo tập quán nên xảy ra sự việc chó cắn heo chết. Theo Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm chủ súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”, “4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Căn cứ điều luật viện dẫn trên, thấy rằng ông Nhã là chủ sở hữu súc vật (nuôi chó), vật nuôi trong nhà nhưng do lỗi quản lý của ông Nhã nên chó nuôi của ông Nhã cắn chết heo nuôi của bà Nga. Đối với bà Nga cũng là người sở hữu vật nuôi trong nhà là heo con nhưng cũng không quản lý đúng quy định, để heo con chạy qua đất của ông Nhã, hậu quả làm chó của ông Nhã cắn chết heo của bà Nga, làm cho bà Nga bị thiệt hại 01 con heo trị giá 1.000.000 đồng. Như vậy, trong trường hợp trên cả bà Nga và ông Nhã đều có lỗi ngang nhau trong việc quản lý vật nuôi của mình, đã gây thiệt hại cho bà Nga nên mỗi bên phải chịu 50% mức độ lỗi là đúng quy định của pháp luật.

Từ các căn cứ phân tích trên, xét thấy yêu cầu khởi kiện của bà Nga và đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ nên được chấp nhận.

[4] Đối với việc ông Nhã cho rằng nếu ông bồi thường ½ giá trị của con heo con cho bà Nga thì bà Nga phải giao lại cho ông trị giá ½ con heo đã chết là không có căn cứ. Bởi lẽ như phân tích trên, bà Nga bị thiệt hại toàn bộ 01 con heo con trị giá 1.000.000 đồng. Mặt khác, qua thu thập chứng cứ khi heo con bị chết thì bà Nga cũng không sử dụng được. Do đó, Hội đồng xét xét xử căn cứ mức độ lỗi của mỗi bên để phân chia mỗi bên chịu ½ là có căn cứ.
[5] Án phí sơ thẩm dân sự ông Nhã phải nộp án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo quy định của pháp luật. Bà Nga không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;      

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng: Điều 604, Điều 605, Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 588 và điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Pháp lệnh số 10/2009/PL – UBTVQH ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án.

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Nga.

Buộc ông Lê Phong Nhã có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bà NguyễnThị Nga trị giá ½ con heo con bằng 500.000đồng (năm trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày bà Nga có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Nhã không chịu trả số tiền trên, thì hàng tháng ông Nhã còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015.

Án phí dân sự sơ thẩm buộc ông Nhã phải chịu 200.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Nga không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm; hoàn trả lại cho bà Nga 100.000đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã dự nộp tại biên lai số 0008300 ngày 14/11/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đầm Dơi.

"Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Án xử công khai báo cho các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nơi nhận:

T/M: HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa

- TAND tỉnh Cà Mau;

- VKSND huyện Đầm Dơi;

- Chi cục THADS huyện Đầm Dơi;

- Người tham gia tố tụng;

- Lưu hồ sơ vụ án;

- Lưu văn phòng.

 

 

 

 

Trần Quốc Kiên

 

                                                       

 

 

 

 

 

 

 

Tên bản án

Bản án số: 23/2017/DS-ST. Ngày 08/5/2017. Tỉnh Cà Mau

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

 

CHỦ ĐỀ

BÌNH LUẬN VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

PHẦN BÌNH LUẬN

 BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN

BẢN ÁN THAM KHẢO

Bản án số: 17/2016/DSST ngày 11 tháng 8 năm 2016 về bồi thường thiệt hại do tháo nước mặn vào ruộng gây thiệt hại. Tòa án nhân dân Huyện An Biên, Tỉnh Kiên Giang.

Bản án số: 23/2017/DS-ST ngày 08/5/2017 về yêu cầu bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Tòa án nhân dân Đầm Dơi – Cà Mau.

Bản án số: 04/2016/DSST ngày  06/6/2016 về kiện đòi bồi thường chặt gốc cây café gây thiệt hại. Tòa án Nhân dân Krông Năng – Đắc Lắk.

LUẬT ÁP DỤNG

-        Bộ luật dân sự 2015 ( các từ điều 584 đến điều 593).

-        Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006.

Trong hoạt động hàng ngày của cá nhân/tổ chức có rất nhiều tình huống phát sinh mà trong số ấy có thể gây thiệt hại cho người khác. Những thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý, vô ý thậm chí chúng ta phải chịu trách nhiệm bồi thường ngay cả những sư kiện phát sinh do lỗi hoàn toàn của người bị thiệt hại.

1.      Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường:

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường ( Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015).

Nghĩa là khi cá nhân/tổ chức gây ra thiệt hại thì có trách nhiệm bồi thường. Thiệt hại ấy có thể là về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, uy tín, nhân phẩm. Trong phần này tôi tập trung vào những thiệt hại về tài sản phải bồi thường, còn việc bồi thường phần tính mạng, sức khỏe, danh dự…sẽ bàn ở phần bình luận khác với những vụ án khác.

2.      Nguyên tắc bồi thường thiệt hại:

2.1 Có thiệt hại xảy ra:

Cá nhân/tổ chức chỉ phải bồi thường khi hành vi của mình đủ gây ra những thiệt hại cho người khác. Có thể trong nhiều tình huống gây ra một loạt hành vi trái luật nhưng không gây thiệt hại cho người khác nên không buộc phải bồi thường vì chưa gây thiệt hại về tài sản.

Trong bản án số : 23/2017/DS-ST ngày 08/5/2017 tại Tòa án nhân dân Huyện Đầm Dơi – Cà Mau Nguyên đơn là Bà Nguyễn Thị Nga khởi kiện Ông Lê Phong Nhã ( Bị đơn) ra tòa án để yêu cầu bồi thường vì cho rằng Bị đơn đã có hành vi để chó nhà cắn chết 1 con lợn của Bà gây thiệt hại 1.000.000 đồng.

Trong bản án số 17/2016/DSST Ngày 11 tháng 8 năm 2016 tại Tòa án Huyện An Biên – Kiên Giang, Ông Nguyễn Văn Đợi khởi kiện để yêu cầu bồi thường vì cho rằng Ông Nguyễn Chí Hồng đã có hành vi tháo nước mặn vào ruộng gây chết lúa với thiệt hại 5.000.000 đồng.

Tòa án chấp nhận đơn khởi kiện của các nguyên đơn vì nhận định yêu cầu của các bị hại là có cơ sở, đã có thiệt hại trên thực tế.

2.2 Có hành vi trái luật:

Các hành vi gây thiệt hại phải trái pháp luật, hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.

Lỗi có thể là cố ý hoặc vô y, tuy nhiên trong một số  trường hợp có thể không có lỗi cũng phải bồi thường. Cụ thể là khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi (trừ trường hợp người bị thiệt hại cố ý thực hiện hành vi hay có sự kiện bất khả kháng).

Trở lại bản án số : 23/2017/DS-ST ngày 08/5/2017 tại Tòa án nhân dân Huyện Đầm Dơi – Cà Mau. 05 con heo con mỗi con khoảng 12kg của Nguyên đơn đi ăn dưới gầm cầu kênh Thầy Bảy thì bị con chó Bị đơn cắn chết 01 con,  Bị đơn cho rằng Ông không có lỗi, hành vi của Ông không trái luật vì lý do heo của nguyên đơn tự ý đi vào phần đất nhà ông nên bị chó cắn, lỗi thuộc về nguyên đơn đã không quản lý đàn heo. Hội đồng xét xử nhận định “ Xét yêu cầu khởi kiện của bà Nga thì thấy rằng: Vị trí heo con của bà Nga bị chó nuôi của ông Nhã cắn chết là trên đất của ông Nhã. Bà Nga và ông Nhã xác định vật nuôi của hai bên được thả rông theo tập quán nên xảy ra sự việc chó cắn heo chết.

Theo Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm chủ súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”, “4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.

Căn cứ điều luật viện dẫn trên, thấy rằng ông Nhã là chủ sở hữu súc vật (nuôi chó), vật nuôi trong nhà nhưng do lỗi quản lý của ông Nhã nên chó nuôi của ông Nhã cắn chết heo nuôi của bà Nga. Đối với bà Nga cũng là người sở hữu vật nuôi trong nhà là heo con nhưng cũng không quản lý đúng quy định, để heo con chạy qua đất của ông Nhã, hậu quả làm chó của ông Nhã cắn chết heo của bà Nga, làm cho bà Nga bị thiệt hại 01 con heo trị giá 1.000.000 đồng. Như vậy, trong trường hợp trên cả bà Nga và ông Nhã đều có lỗi ngang nhau trong việc quản lý vật nuôi của mình, đã gây thiệt hại cho bà Nga nên mỗi bên phải chịu 50% mức độ lỗi là đúng quy định của pháp luật”.

 Hội đồng đã xét góc độ lỗi của hai bên là đúng, phù hợp với quy định pháp luật. Cả nguyên đơn và bị đơn đều có hành vi trái luật. Tuy nhiên chỉ hành vi của bị đơn là gây thiệt hại, nên trách nhiệm bồi thường thuộc bị đơn.

2.4  Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với kết quả:

Đương sự chỉ phải bồi thường khi thiệt hại đó có quan hệ với hành vi của mình. Nếu thiệt hại trên thực tế xảy ra bởi tác động của hành vi khác hoặc do tổng thể 1 loạt hành vi cùng tác động mà trong số ấy chỉ có vài hành vi thuộc về trách nhiệm của mình thì đương sự chỉ phải bồi thường những thiệt hại do những hành vi có quan hệ với hậu quả đó.

Trong Bản án số: 17/2016/DSST Ngày 11 tháng 8 năm 2016 vào thời điểm giữa tháng 3 đến đầu tháng 5 năm 2015 âm lịch, Bị đơn đã tự ý tháo nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Vợ chồng ông Đợi, bà Lan có 4,5 công ruộng tầm lớn và vợ chồng ông Hải, bà Mai có 09 công tầm lớn nằm giáp ranh với ruộng của Bị đơn nên nước mặn từ ruộng nuôi tôm của Bị đơn đã ngấm qua ruộng của ông Đợi và gia đình ông Hải. Đến tháng 5 năm 2015 âm lịch, hộ ông Đợi và ông Hải xạ lúa thì lúa bị chết hết, sau đó hộ ông Đợi và ông Hải tiếp tục cải tạo đất, vãi vôi, xả nước để xạ lúa lần hai nhưng lúa vẫn tiếp tục bị thiệt hại và đến cuối vụ hộ ông đợi thu hoạch được 04 bó lúa lừng (lúa lép hẹt) và hộ ông Hải thu hoạch được 05 đến 06 bao lúa lừng (lúa lép hạt). Nguyên đơn cho rằng nguyên nhân lúa chết là do hành vi xả nước mặn vào ruộng của bị đơn. Bị đơn cho rằng Bị đơn lên vuông để tăng gia sản xuất, trồng rau nuôi cá đồng, do thời tiết vụ hè thu năm 2015 nắng hạn làm đất bị nhiễm mặn dẫn đến thiệt hại của các hộ dân trồng lúa trong đó có hộ của gia đình ông Đợi và gia đình ông Hải chứ ông không gây thiệt hại nên không đồng ý bồi thường. Bị đơn không chấp nhận bồi thường vì cho rằng hành vi của Ông không liên quan đến ruộng ngập mặn của nguyên đơn mà vì thời tiết nắng nóng.

Tòa nhận định “Hi đồng xét xử thấy lời trình bày của Bị đơn là không có cơ sở thuyết phục bởi các lý do sau: 1/Đất ruộng của ông nằm trong vùng quy hoạch hai vụ lúa/năm ông đã tự động chuyển đổi mục đích sử dụng đất là trái với chủ trương của địa phương; 2/ Dù Bị đơn cho rằng không đưa nước mặn vào ruộng nhưng việc ông đưa nước mặn vào ruộng được ban lãnh đạo ấp Kinh 1A cũng như nhiều người dân đều biết thể hiện qua sự trình bày của họ khi Toà án tiến hành xác minh tại địa phương, vào ngày 06/7/2015 khi đoàn cán bộ xã, ấp đến đo độ mặn và lập “Biên bản về việc đưa nước mặn vào nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch” thì ống bộng đưa nước mặn từ kinh số 1 vào ruộng của ông vẫn chưa được đóng lại và nước mặn vẫn đang xả vào vuông tôm (trong lời trình bày của ông Nguyễn Minh Xuân – trưởng ấp Kinh 1A và ông Trịnh Minh Quang – phó ấp Kinh 1A), bản thân ông còn ký vào biên bản đo độ mặn này và đồng ý khắc phục xả nước mặn ra; 3/ Thời tiết vụ hè thu 2015 nắng hạn làm đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn nhưng không có hộ dân nào phải xạ lúa hai lần trừ ruộng của ông Hải và ông Đợi nằm giáp ranh với đất ruộng của Bị đơn, năng suất lúa của các hộ dân chỉ bị sút giảm chứ không mất trắng, cụ thể năng suất trung bình vẫn đạt từ 700kg đến khoảng 800kg/công ruông tầm lớn (tương đương khoảng 5,44 tấn đến 6,17 tấn/ha), những hộ dân có đất ruộng nằm xa đất ruộng của Bị đơn như ông Huỳnh Thanh Hải xác định thời tiết khó canh tác nhưng năng suất lúa vẫn ổn định; 4/ Các hộ được đo độ mặn đều có đất ruộng nằm giáp đất ruộng của ông, khi ông đưa nước mặn vào ruộng gặp trời nắng hạn nước mặn xâm nhập nhanh qua các ruộng kế bên và bị nhiễm mặn nên có độ mặn bằng ruộng của ông là lẽ đương nhiên, cách đó hai dây ruộng có ruộng của ông Huỳnh Thanh Hải xác định đất không bị nhiễm mặn và năng suất lúa cuối vụ vẫn ổn định. Từ những phân tích trên xác định lời trình bày của ông là không có cơ sở và buộc ông phải bồi thường cho hộ ông Đợi và ông Hải là có căn cứ.”. Hội đồng xét xử đã chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi tháo nước mặn gây chết lúa chứ không phải từ nguyên nhân trời nắng nóng, nên việc Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn là hợp lý.

2.4 Xác định thiệt hại.

Khi đưa ra yêu cầu bồi thường đương sự phải đưa ra được cách tính thiệt hại, phải kèm theo hóa đơn, chứng từ hoặc bằng chứng khác thể hiện được giá trị của thiệt hại. Việc chứng minh là không hề đơn giản bởi không phải thiệt hại nào cũng có thể xác định được bằng hóa đơn chứng từ. Trong phần lớn trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên, tập quán, giá trị tài sản tại địa phương để xác định mức bồi thường.

Trong Bản án 23/2017/DS-ST, Bà Nga và ông Nhã thống nhất giá 01 con heo con tại thời điểm tết năm 2014 một con bằng 1.000.000 đồng, cũng như việc thống nhất con heo con của bà Nga bị chó ông Nhã cắn trị giá 1.000.000 đồng. Do đó, bà Nga bị thiệt hại toàn bộ 01 con heo con trị giá 1.000.000 đồng là có căn cứ, làm cơ sở cho Hội đồng xét xử tính mức bồi thường thiệt hại trong vụ án. Bị đơn cho rằng con heo sau khi chết vẫn còn giá trị và yêu cầu được hưởng ½ giá trị, tuy nhiên xét về tập quán thì heo con sau khi chết được đem chôn lấp nên tòa không chấp nhận yêu cầu của Bị đơn.

Thực tế xét xử cho thấy, trong trường hợp khó khăn khi  xác định mức thiệt hại thì đương sự có thể liên hệ ủy ban xã, phường địa phương để xác nhận các chi phí hợp lý theo tập quán địa phương. Khi có xác nhận của các cơ quan địa phương thì tòa án có thể căn cứ vào đó để xem xét.

2.5 Mức bồi thường, hình thức bồi thường.

Về nguyên tắc thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại hoặc căn cứ vào thỏa thuận của các bên.

Mức bồi thường căn cứ vào mức độ lỗi gây ra thiệt hại. Nếu lỗi xuất phát từ lỗi cả 2 bên thì mỗi bên chịu một nữa thiệt hại.

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Trong trường hợp này đương sự chứng minh bằng cách xin xác nhận của chính quyền địa phương hoặc nộp cho tòa các tài liệu như sổ đói nghèo...

Việc bồi thường có thể bằng tiền, tài sản khác hoặc công việc.