QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 08/2013/HS-GĐT NGÀY 12/07/2013 VỀ VỤ ÁN HÌNH SỰ HÀ HỮU HIỂN PHẠM TỘI TRỐN THUẾ 

 

Ngày 12 tháng 7 năm 2013, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

Hà Hữu Hiển sinh năm 1975; trú tại: thôn Dầu, xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc; khi phạm tội là Giám đốc Cồng ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng; con ông Hà Hữu Lộc và bà Nguyễn Thị Cát; bị bắt tạm giam từ ngày 27/5/2011 đến ngày 26/10/2011.

* Nguyên đơn dân sự: Chi cục thuế huyện Sông Lô; địa chỉ: thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; do ông Nguyễn Văn Nghiêm (là chi cục trưởng) làm đại diện.

* Người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

-  Ông Nguyễn Tiến Hải, sinh năm 1950; trú tại: thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc;

-  Bà Phạm Thị Minh, sinh năm 1959; trú tại: số nhà 64 Đá Thờ, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ;

-  Bà Phạm Thị Bích Nhiễn (tức Bốn) sinh năm 1968; trú tại: số nhà 102 đường Bà Triệu, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc;

-  Bà Hà Thị Nội, sinh năm 1956; trú tại: số 10 ngõ 266 phố Đội Cấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

NHẬN THẤY

Công ty TNHH Việt Thắng (gọi tắt là Công ty Việt Thắng) do Hà Hữu Hiển là Giám đốc với ngành nghề kinh doanh là khai thác và chế biến đất, đá, cát, sỏi và một số ngành nghề khác. Ngày 29/01/2010, Hà Hữu Hiển và bà Hà Thị Nội (trú tại số 10 ngõ 266 Đội Cấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) ký hợp đồng liên doanh với nội dung Công ty Việt Thắng chịu trách nhiệm xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi tại lòng sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; tỷ lệ góp vốn mỗi bên là 50%.

Thực hiện thỏa thuận trên, Hà Hữu Hiển đã làm hồ sơ đứng tên Công ty Việt Thắng để trình cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt. Từ ngày 26/5/2010 đến ngày 13/8/2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra các quyết định cho Công ty Việt Thắng khai thác cát sỏi thuộc địa phận trên với tổng diện tích cấp mỏ khai thác là 52,6ha; tổng trữ lượng cát, sỏi là 2.863.993m3; công suất khai thác là 95.000m3/năm; thời hạn khai thác là 05 năm kể từ ngày ban hành quyết định.

Ngày 20/9/2010, Hiển và bà Nội tiếp tục ký thêm hợp đồng số 2467 về việc cùng đầu tư, quản lý để khai thác mỏ khoảng sản. Hai bên thành lập bộ phận sản xuất kinh doanh trực thuộc công ty Việt Thắng lấy tên là Ban quản lý mỏ trong đó Hiển là giám đốc còn bà Nội là Phó giám đốc. Vốn đầu tư ban đầu là 4.460.000.000 đồng. Tại thời điểm ký hợp đồng này bà Nội nộp cho Công ty Việt Thắng 2.230.000.000 đồng.

Do không đủ tiền để đóng theo kỷ phần nên ngày 06/6/2010, Hà Hữu Hiển đã mời những người thân quen tham gia cổ phần và sẽ được phân chia lợi nhuận trên cơ sở góp vốn. Tại biên bản thỏa thuận ngày 06/6/2010 thể hiện: ông Nguyễn Tiến Hải góp 10%, bà Phạm Thị Bích Nhiễn (Bốn) góp 15%, bà Phạm Thị Minh góp 15%, Hà Hữu Hiển góp 10%, Công ty Việt Thắng 5% (nộp vào lợi nhuận của Công ty), bà Hà Thị Nội góp 45% và bà Nội cử chị Đỗ Thị Luyến làm đại diện quản lý mỏ.

Để chuẩn bị phương tiện, thiết bị phục vụ cho việc khai thác cát, sỏi, Công ty Việt Thắng đã mua 01 nhà nổi, 01 tàu Cuốc, 01 chiếc thuyền, nhà cửa bến bãi và nhiều chi phí khác cho việc khảo sát thiết kế, bồi thường hoa màu, lệ phí cấp phép... Quá trình khai thác cát, sỏi diễn ra có 2 giai đoạn, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: từ ngày 09/10/2010 đến ngày 17/11/2010, Công ty Việt Thắng khai thác được khoảng 160.000m3, thu được tổng số tiền 8.997.650.000 đồng, trong đó đã chi phí tại mỏ là 659.828.000 đồng, trích 13% giao cho Công ty Việt Thắng nộp thuế là 396.892.000 đồng, chia cho các cá nhân góp vốn là 7.916.920.000 đồng, tồn quỹ là 23.987.000 đồng do ông Hải quản lý. Số tiền 7.916.920.000 đồng nêu trên được chia như sau: bà Nội là 3.776.190.000 đồng, bà Minh là 1.018.300.000 đồng, bà Bốn là 1.018.300.000 đồng, ông Hải la 474.600.000 đồng và Hiển là 1.629.530.000 đồng. Ngoài số tiền trên thì Hiển còn nhận 396.892.000 đồng trích lại để Công ty Việt Thắng nộp tiền thuế nêu trên nhưng Hiển đã không kê khai nộp thuế mà sử dụng cá nhân. Tổng cộng số tiền Hiển được ăn chia và nhận là 2.026.422.000 đồng. Số tiền 396.892.000 đồng các cá nhân được trích nộp thuế gồm: bà Nội 187.565.000 đồng, bà Minh 59.551.000 đồng, bà Bốn 59.551.000 đồng, ông Hải 23.802.000 đồng và Hiển là 66.423.0000 đồng.

Biết không thể trốn thuế kéo dài, ngày 06/11/2010, Hiển đã có Công văn gửi Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc hỏi cách tính thuế. Ngày 10/11/2010, Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc có công văn trả lời cụ thể về cách tính thuế cho Hiển.

Giai đoạn 2: sau khi có văn bản trả lời của Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 18/11/2010 đến ngày 29/12/2010, Công ty Việt Thắng đã khai thác được khoảng 79.291m3 cát, thu được tổng số tiền là 4.762.634.000 đồng. Đồng thời Công ty Việt Thắng và các cá nhân góp vốn đã nộp thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tài nguyên 10%; phí môi trường 2000 đồng/m3 với tổng số tiền là 1.100.877.000 đồng để công ty Việt Thắng kê khai, nộp thuế trong đó bà Nội nộp 495.394.650 đồng, bà Minh nộp 165.131.550 đồng, bà Bốn nộp 165.131.550 đồng. Sau khi trích nộp thuế số tiền còn lại là 3.661.756.000 đồng các thành viên chia nhau như sau: bà Nội 1.647.790.000 đồng, bà Minh 549.263.400 đồng, bà Bốn 549.263.400 đồng, ông Hải 219.705.360 đồng và Hiển là 695.733.640 đồng.

Toàn bộ doanh thu bán cát, trích nộp thuế, chi phí, ăn chia lợi nhuận giai đoạn này được hạch toán chung trong hệ thống sổ kế toán với các hoạt động khác của Công ty. Thực tế phản ánh theo sổ kế toán của Công ty từ ngày 18/11/2010 đến ngày 29/12/2010 doanh thu bán cát là 4.762.634.000 đồng nhưng Công ty Việt Thắng xuất hóa đơn giá trị gia tăng và kê khai thuế doanh thu ban ra từ ngày 15/11/2010 đến ngày 29/12/2010 là 5.407.795.895 đồng, tăng so với thực tế khái thác là 645.161.895 đồng.

Tại bản kết luận giám định tài chính số 07 ngày 31/8/2011, Tổ chức giám định tài chính tỉnh Vĩnh Phúc kết luận: từ ngày 09/10/2010 đến ngày 29/12/2010 tiền bán cát của Công ty Việt Thắng là 13.749.076.000 đồng. Công ty Việt Thắng đã hạch toán kê khai số tiền bán cát kỳ tháng 11, kỳ tháng 12 năm 2010 là 5.407.795.895 đồng; tiền bán cát không hạch toán trong năm 2010 là 8.341.280.105 đồng, nhưng chưa nộp thuế vì vậy phải truy thu vào ngân sách Nhà nước số tiền 3.376.669.812 đồng. Công ty Việt Thắng có trách nhiệm thu nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền này. Trong đó, bà Nội phải nộp thuế và phí là 1.606.324.968 đồng, bà Minh phải nộp thuế và phí là 295.011.656 đồng, bà Bốn phải nộp thuế và phí là 295.011.656 đồng, ông Hải phải nộp thuế và phí là 193.537.876      đồng, Hiển phải nộp thuế và phí là 986.783.656 đồng.

Quá trình điều tra, truy tố gia đình Hiển đã tự nguyện nộp số tiền 990.000.000 đồng để khắc phục hậu quả thay cho Hiển; ông Hải đã tự nguyện nộp 40.000.000 đồng. Tổng cộng là 1.030.000.000 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 03/2012/HSST ngày 17/01/2012, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết định áp dụng khoản 3 Điều 161; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt Hà Hữu Hiển 03 năm tù về tội “Trốn thuế” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm kể từ ngày tuyên án.

Về trách nhiệm dân sự: áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 41, Điều 42 Bộ luật hình sự buộc Công ty Việt Thắng phải nộp cho Chi cục thuế huyện Sông Lô số tiền thuế là phí là 3.376.669.812 đồng. Xác nhận gia đình Hà Hữu Hiển đã nộp số tiền 990.000.000 đồng, còn lại Công ty Việt Thắng phải nộp số tiền 2.386.669.812 đồng.

Ngày 31/01/2012, Hà Hữu Hiển kháng cáo với nội dung: toàn bộ số tiền do Công ty Việt Thắng trốn thuế đã chia cho các thành viên là bà Nội, bà Bốn, bà Minh và ông Hải nên đề nghị truy thu từ những người này để trả ngân sách Nhà nước, không buộc công ty Việt Thắng nộp 79.733.396 đồng án phí dân sự vì đây không phải là tranh chấp dân sự.

Tại kháng nghị số 75/QĐ-KNPT ngày 01/02/2012, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm nêu trên; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử lý vật chứng theo hướng tịch thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 1.030.000.000 đồng là vật chứng đã thu được; truy thu của những người liên quan khoản tiền không hợp pháp là số tiền do Công ty Việt Thắng trốn thuế và phí mà có đã chia để nộp vào ngân sách Nhà nước là 2.346 669.812 đồng và không buộc Công ty Việt Thắng phải nộp án phí dân sự.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 209/2012/HSPT ngày 27/4/2012, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 41 Bộ luật hình sự: truy thu số tiền trốn thuế và phí của Công ty Việt Thắng để nộp ngân sách Nhà nước. Tổng số tiền là 3.376.669.812 đồng, trong số tiền này các cá nhân phải chịu trách nhiệm là: bà Nội 1.606.324.968 đồng; bà Minh 295.011.656 đồng; bà Nhiễn (Bốn) 295.011.656 đồng; ông Hải 193.537.876 đồng (ghi nhận ông Hải đã nộp 40.000.000 đồng); bị cáo Hiển nộp 986.783.656 đồng (ghi nhận bị cáo Hiển đã nộp 990.000.000 đồng).

Tại Quyết định số 22/QĐ-VKSTC-V3 ngày 22/10/2012, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 209/2012/HSPT ngày 27/4/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên để xét xử phúc thẩm lại, với lý do:

"... Trong vụ án này, Công ty Việt Thắng đã khai thác cát, sỏi từ ngày 911012010 đến ngày 2911212010 doanh thu bán cát, sỏi của Công ty Việt Thắng là 13.749.076.000 đồng. Công ty Việt Thắng đã hạch toán kê khai doanh thu số tiền bán cát, sỏi chịu các loại thuế và phí từ ngày 15/11/2010 đến 2911212010 là 5.407.795.895 đồng. Còn lại số tiền 8.341.280.105 đồng doanh thu bán cát, sỏi chịu các loại thuế và phí từ ngày 9/10/2010 đến ngày 14/11/2010, Công ty Việt Thắng chưa kê khai và chưa nộp thuế và phí vào ngân sách Nhà nước tổng số tiền là 3.376.669.812 đồng. Trách nhiệm không kê khai thu nhập chịu thuế và nộp các loại thuế, phí này thuộc về Công ty Việt Thắng. Mặt khác, cũng trong thời gian khai thác và bán cát, sỏi này trước khi chia lợi nhuận cho các cổ đông, Công ty Việt Thắng đã trích từ doanh thu để lại số tiền là 389.892.000 đồng nộp thuế cho Nhà nước, nhưng Hiển vẫn không kê khai và nộp các loại thuế cho Nhà nước mà Hiển chiếm đoạt sử dụng cá nhân số tiền này. Như vậy, việc không kê khai và nộp thiếu thuế vào ngân sách Nhà nước hoàn toàn thuộc về Công ty Việt Thắng. Bởi vậy, Công ty Việt Thắng cố nghĩa vụ phải truy nộp số tiền thuế và phí còn thiếu vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật thuế, sau đó Công ty Việt Thắng với các cổ đông tự thỏa thuận giải quyết với nhau về số tiền thuế và phí còn thiếu hoặc giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Vì vậy, Tòa án sơ thẩm quyết định: “buộc Công ty Việt Thắng phải nộp cho Chỉ cục thuế huyện Sông Lô số tiền thuế và phí là 3.376.669.812 đồng” là phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp, Luật thuế và thỏa thuận giữa Công ty Việt Thắng với bà Nội, bà Minh, bà Bốn, ông Hải và Hiển. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “truy thu số tiền thuế và phí của Công ty Việt Thắng để nộp ngân sách Nhà nước. Tổng số tiền là 3.376.669.812 đồng”, nhưng không buộc Công ty Việt Thắng phải truy nộp số tiền này vào ngân sách Nhà nước mà lại quyết định: “Trong số tiền này các cá nhân phải chịu trách nhiệm là: bà Hà Thị Nội 1.606.324.968 đồng; bà Phạm Thị Minh 295.011.656 đồng; bà Phạm Thị Bích Nhiễn (Bốn) 295.011.656 đồng; ông Nguyễn Tiến Hải 193.537.876 đồng và Hà Hữu Hiển 986.783.656 đồng là không phù hợp với quy định của pháp luật và thỏa thuận của Công ty Việt Thắng với các cổ đông”

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Hà Hữu Hiển là Giám đốc, đại diện Công ty TNHH Việt Thắng, đã có hành vi trốn thuế. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Hà Hữu Hiển về tội “Trốn thuế” là có căn cứ. Tuy nhiên, các Cơ quan tiến hành tố tụng còn có thiếu sót là không đề cập, làm rõ trách nhiệm của kế toán trưởng của Công ty Việt Thắng trong việc kê khai thuế và nộp thuế. Ngoài ra, khi xem xét về phần trách nhiệm truy thu nộp thuế, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có những sai lầm như sau:

1. Về điều tra:

Công ty Việt Thắng là một pháp nhân, theo Luật doanh nghiệp thì Công ty Việt Thắng phải có nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế va thực hiện các nghĩa vụ tai chính khác theo quy định của pháp luật. Mặt khác, tại hợp đồng hợp tác kinh doanh mà Hà Hữu Hiển là đại diện Công ty Việt Thắng ký với các cá nhân là bà Hà Thị Nội, ông Nguyễn Tiến Hải, bà Phạm Thị Bích Nhiễn (Bốn), bà Phạm Thị Minh đã quy định rõ lợi nhuận thu được sau khi đã trừ chi phí thì Công ty Việt Thắng được hưởng 10% và Công ty Việt Thắng phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các khoản thuế và phí cho Nhà nước. Như vậy, theo quy định của Luật doanh nghiệp và Hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu trên thì trách nhiệm nộp các khoản thuế và phí cho Nhà nước là của Công ty Việt Thắng, các thành viên góp vốn có trách nhiệm nộp các khoản thuế và phí cho Công ty để Công ty thực hiện nghĩa vụ nêu trên. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định Công ty Việt Thắng (đại diện là Hà Hữu Hiển) có hành vi trốn thuế nhưng lại không xác định số tài sản có và còn lại của công ty Việt Thắng để kê biên, đảm bảo thi hành án là không đúng quy định của pháp luật.

2. Về xét xử

Tại Kết luận giám định tài chính số 07 ngày 31/8/2011 của Tổ chức giám định tài chính tỉnh Vĩnh Phúc thì trong thời gian từ ngày 09/10/2010 đến ngày 29/12/2010, Công ty Việt Thắng chỉ hạch toán kê khai số tiền bán cát kỳ tháng 11/2010 và tháng 12/2010; số tiền thuế và phí chưa đóng trong năm 2010 là 3.376.669.812 đồng. Do đó, Công ty Việt Thắng phải có nghĩa vụ nộp số thuế còn thiếu trên cho Nhà nước và các thành viên góp vốn phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền thuế lẽ ra phải nộp theo tỷ lệ góp vốn cho Công ty Việt Thắng. Việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty Việt Thắng phải nộp số tiền thuế nêu trên là đúng nhưng lại không buộc các cá nhân là bà Hà Thị Nội, ông Nguyễn Tiến Hải, bà Phạm Thị Bích Nhiễn và bà Phạm Thị Minh phải hoàn trả lại cho Công ty Việt Thắng số tiền đã được hưởng lợi từ hành vi trốn thuế của Hà Hữu Hiển là có thiếu sót. Tòa án cấp phúc thẩm không tuyên vê phần trách nhiệm truy nộp số tiền trốn thuế của Công ty Việt Thắng mà chỉ buộc các cá nhân đã chiếm hưởng số tiền trốn thuế phải nộp lại số tiền trên cho Nhà nước là không đúng với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì từ ngày 09/10/2010 đến ngày 17/11/2010, các thành viên góp vốn đã trích 396.892.000 đồng (trong đó, bà Nội đóng 187.565.000 đồng, bà Minh 59.551.000 đồng, bà Bốn 59.551.000 đồng, ông Hải 23.802.000 đồng và Hiển là 66.423.000 đồng) để giao cho Công ty Việt Thắng nộp thuế nhưng Hà Hữu Hiển không nộp thuế mà sử dụng số tiền trên vào mục đích cá nhân. Hành vi này có dấu hiệu của tội chiếm đoạt, nhưng chưa được điều tra làm rõ. Khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cũng không buộc Hiển phải có trách nhiệm nộp lại số tiền trên và khấu trừ vào tổng số thuế mà các cá nhân phải nộp là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 209/2012/HSPT ngày 27/4/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 03/2012/HSST ngày 17/01/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về phần trách nhiệm dân sự; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

 

Tên bản án

Quyết định giám đốc thẩm 08/2013/HS-GĐT về vụ án hình sự Hà Hữu Hiển phạm tội trốn thuế

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án

Tiếng Việt

English