TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TÒA KINH TẾ

Quyết định giám đốc thẩm Số: 18/2008/KDTM-GĐT
Ngày: 29/8/2008

V/v: “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty”.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------------------

 

NHÂN DANH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM:  

1. Ông Nguyễn Ngọc T - Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa

2. Ông Nguyễn Ngọc M- Hội thẩm nhân dân

3. Bà Hoàng Thị D- Hội thẩm nhân dân

Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Văn K, Thẩm tra viên chính Tòa án nhân dân tối cao.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa: Ông Đoàn Ngọc T-Kiểm sát viên.

Ngày 29 tháng 8 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty” gồm:

NGUYÊN ĐƠN:

Ông NĐ_ Nguyễn Hữu Ngọc;

Trú tại thôn Dương Lôi, xã TH, huyện TS, tỉnh BN.

BỊ ĐƠN:

BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm;

Trụ sở Dốc Sặt. xã ĐQ, huyện TS, tỉnh BN.

NHẬN THẤY:

Theo đơn khởi kiện đề ngày 25/8/2005, lời trình bày của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc trong quá trình giải quyết vụ án và các tài liệu, chứng cứ do ông NĐ_Ngọc xuất trình có trong hồ sơ vụ án thấy:

Ngày 02/8/1999, ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc

-   250.000.000 đồng tiền mặt BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm vay của ông NĐ_Ngọc bằng “Biên bản giao nhận tiền vay” ngày 05-01-2001 và thế chấp bằng toàn bộ tài sản của Công ty trên cơ sở “ Biên bản họp hội nghị các thành viên về việc bổ sung vốn điều lệ” ngày

29/10/1999 (BL. 13,15.T1);

-   Khu nhà xưởng mái tôn rộng hơn 200m2 trên diện tích đất 261m2 thuê 50 đã nộp thuế cho Nhà Nước trị giá 110.000.000 đồng, thực hiện theo Quyết định ngày 29/10/2002 của Giám đốc Công ty (BL. 14.T1)

-   Ứng chi 126.000.000 đồng để ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu một ngôi nhà dân gian Việt Nam bằng gỗ sang Malaysia giữa BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm với công ty Sejagat Harta Sdn Bhd Malaysia (BL.154.T1).

Ngày 20/01/2003, Giám đốc BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm Nguyễn Kim ra quyết định số 18/QĐ-CT chấm dứt tư cách thành viên BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm BN của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc (BL.20,92.T1).

Ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc yêu cầu:

Hủy bỏ quyết định số 18/QĐ-CT ngày 28/10/2003 của Giám đốc BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm của Giám đốc BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm, phục hồi toàn bộ quyền lợi thành viên Công ty của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc tại BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm; bồi thường những thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, về thu nhập bị mất do Quyết định sai trái này

gây ra;

Buộc Giám đốc BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm BN phải thanh toán số tiền còn nợ

(gốc  và  lãi)  trong  công  trình  Malaysia  và  các  Khoản  nợ  theo  cam  kết,  cụ  thể  gồm:

126.000.000 đồng chi phí khai thác công trình Malaysia và hoàn trả 250.000.000 đồng mà ông Giám đốc Nguyễn Kim đã vay cho Công ty;

Chia lợi nhuận của Công ty cho các thành viên theo tỷ lệ vốn góp.

Ông Nguyễn Kim Giám đốc BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm xác nhận ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc là thành viên của BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm từ ngày 02/8/1999 và được phân công hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ông NĐ_Ngọc có góp vốn vào Công ty là 34.876.000 đồng thể hiện tại phiếu thu ngày 26/7/1999 và hai phiếu thu ngày 04/02/2002. Riêng phiếu thu ngày 15-02-2001 với số tiền nộp 100.000.000 đồng là hoàn toàn không có thực. Về công trình Malaysia, cả ông Kim và ông NĐ_Ngọc đều có công khai thác. Khi xong phần thủ tục ban đầu, chuẩn bị đến giai đoạn thi công thì ông NĐ_Ngọc bị bắt và bị Tòa án quân sự Quân khu I xử phạt hai năm tù về tội “Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức”, thu lại thẻ thương binh. Do đây là lĩnh vực kinh doanh của ông NĐ_Ngọc, nên BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm đã ký hợp đồng với ông Nguyễn Văn Chừng (bố đẻ của ông NĐ_Ngọc) để tiếp tục thi công đến hoàn thiện công trình. Năm 2004, giữa BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm và ông Chừng đã NĐ_Ngọc toán xong. Tổng giá trị công trình là 882.000.000 đồng, phần chi phí của ông Chừng kê khai và đã lĩnh là 678.000.000 đồng, phần ông Kim chi phí là 187.662.000 đồng. Ngoài phần nộp thuế cho Nhà nước và nộp cho Công ty 1,5%, số lãi còn lại giữa ông Chừng và ông Kim đã thanh toán xong, không ai thắc mắc gì. Việc ông NĐ_Ngọc đòi số tiền chi phí khai thác 126.000.000 đồng là không có căn cứ, nếu ông NĐ_Ngọc xuất trình được chứng cứ từ hơp lệ Công ty sẽ thanh toán đầy đủ.

Về số tiền 250.000.000 đồng ông NĐ_Ngọc kiện đòi Công ty với lý do cho Công ty vay và trực tiếp giao tiền cho ông Kim ngày 05/01/2001 là không có thực, các chứng từ mà ông NĐ_Ngọc đưa ra như “Biên bản giao nhận tiền vay” và “ Biên bản ghi nhớ” điều là giả. “Biên bản giao nhận tiền vay” thì đã có giám định xác định rõ không phải là chữ ký của ông Kim, còn “ Biên bản ghi nhớ” thì tại thời điểm 17/12/2002 ông Kim đang ở miền Nam để ký hợp đồng với Cơ sở gỗ mỹ nghệ Ngô Hồng (Vũng Tàu) và Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Thành Long(thành phố HCM).

Về việc ông NĐ_Ngọc đòi chia lợi nhuận của Công ty, đây là yêu cầu trái với quy định của BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm; theo quy định này thì ở BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm mỗi người hoạt động kinh doanh độc lập trên một lĩnh vực và tự hạch toán lỗ lãi – lời ăn

, lỗ chịu chỉ phải đóng thuế qua Công ty và phải nộp cho Công ty 1,5% tổng giá trị hợp đồng để chi phí hành chính, số tiền này là rất nhỏ. Vì vậy, BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm chưa bao giờ có việc chia lợi nhuận cho các thành viên.

Do ông NĐ_Ngọc vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín của BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm, nên tất cả các thành viên Công ty đã nhất trí ra nghị quyết và Giám đốc Công ty đã ra quyết định số 18/QĐ-CT ngày 28/10/2003 chấm dứt tư cách thành viên Công ty của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc (BL.92.T1).

Vì vậy BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm yêu cầu Tòa án bác đơn khởi kiện của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc. Ngày 23/12/2005, Tòa án nhân dân tỉnh BN đã xét xử vụ án và ra bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2005/KDTM-ST (BL. 325-320.T1).

Không nhất trí với bản án sơ thẩm, ngày 26/12/2005 ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại  bản  án  kinh  doanh  thương  mại  phúc  thẩm  số  19/2007/KDTM-PT  ngày  19, 22/01/2007, Toà phúc thẩm Toàn án nhân dân tối cao tại HN đã xử:

“Hủy bản án kinh tế sơ thẩm số 05/2005/KDTM-ST ngày 23/12/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh BN về vụ án tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty giữa nguyên đơn là ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc với bị đơn là BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm do ông Nguyễn Kim- Giám đốc Công ty đại diện.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh BN giải quyết sơ thẩm lại vụ án”.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2007/KDTM-ST ngày 17/7/2007, Tòa án nhân dân tỉnh BN đã xử:

“1. Hủy quyết định số 18/QĐ-CT ngày 28/10/2003 “về việc chấm dứt tư cách thành viên BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm do ông Nguyễn Kim Giám đốc thay mặt cho BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm ký.

2. Bác yêu cầu của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc đòi BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm

phải trả 126.000.000 đồng tiền khai thác công trình Malaysia.

3. Bác yêu cầu của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc đòi kiện BĐ_Công ty Thành Tâm phải trả 250.000.000 đồng mà ông NĐ_Ngọc cho rằng Công ty vay thông qua ông Nguyễn Kim ngày 05/01/2001.

4.  Bác  yêu  cầu  của  ông  NĐ_Nguyễn  Ngọc  Ngọc  kiện  đòi  bồi  thường  thiệt  hại

694.730.000 đồng về danh dự, nhân phẩm, về chi phí theo kiện, về mất thu nhập vì không có cơ sở.

5. Bác yêu cầu của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc đòi chia lợi nhuận đối với các hoạt động kinh doanh của các thành viên khác trong BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm và số tiền trích lại 1,5% lợi nhuận để chi phí hành chính trong Công ty”

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 23 và 27/7/2007, ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc có đơn kháng cáo (BL.175-170.T3).

Tại  bản  án  kinh  doanh  thương  mại  phúc  thẩm  số  243/2007/KDTM-PT  ngày 06/12/2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại HN đã xử:

“Chấp nhận kháng cáo của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc, sửa bản án sơ thẩm như sau: “1.1. Hủy Quyết định số 18/Q Đ-CT ngày 28/10/2003 của Giám đốc BĐ_Công ty

TNHH Tâm Tâm, nay là BĐ_Công ty Tâm Tâm BN về việc chấm dứt tư cách thành viên BĐ_Công ty Tâm Tâm của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc.

1.2.BĐ_Công ty Tâm Tâm BN có trách nhiệm bổ sung đăng ký danh sách thành viên và sổ thành viên của Công ty đối với ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc.

1.3. Buộc BĐ_Công ty Tâm Tâm BN phải khôi phục các quyền và nghĩa vụ của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc trong BĐ_Công ty Tâm Tâm BN.

2. Buộc BĐ_Công ty Tâm Tâm BN phải thanh toán và trả nợ cho ông NĐ_Nguyễn Hữu  Ngọc 376.000.000đồng.

3. Ghi nhận sự tự nguyện rút kháng cáo về Khoản tiền chia lợi nhuận với Công ty và Khoản tiền đòi Công ty phải bồi thường danh dự, nhân phẩm cho ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc…”

Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 14/12/2007 BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm có đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định số 08/KN-VKSTC-V12 ngày 29-4-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 243/2007/KDTM- PT ngày 06/12/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại HN (phần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về Khoản tiền 126.000.000 đồng chi phí khai tác công trình Malaysia và 250.000.000 đồng tiền Công ty vay của ông NĐ_Ngọc) đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xử hủy bản án phúc thẩm nêu trên và bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2007/KDTM-ST ngày 17/7/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh BN; giao lại hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân tỉnh BN xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm , đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cáo giữ nguyên quan điểm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu trong kháng nghị.

XÉT THẤY:

1.  Về  Khoản  tiền  126.000.000  đồng  chi  phí  khai  thác  công  trình  Malaysia  ông

NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc đòi BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm phải thanh toán:

Trong suốt quá trình tố tụng, cả ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc, ông Nguyễn Kim và các thành viên khác của BĐ_Công ty Thành Tâm đều xác nhận phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh của BĐ_Công ty Tâm Tâm là: Mỗi thành viên được phân công hoạt động trong một lĩnh vực và phải tự lo toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Khi phát sinh doanh số thì phải nộp tiền thuế qua Công ty và phải nộp vào quỹ của Công ty 1,5% để sử dụng chi tiêu vào các hoạt động hành chính của Công ty. Lãi còn lại thành viên đó được hưởng, lỗ thì phải tự chịu. Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xác minh, làm rõ phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh trên của BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm có được quy định bằng văn bản hay không? Nếu có thì được quy định tại văn bản nào? Các quy định này có phù hợp với quy định của pháp luật không? Để làm căn cứ giải quyết yêu cầu của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc đối với Khoản tiền đã chi phí vào công trình Malaysia là có sai sót.

Trong suốt quá trình tố tụng ông Nguyễn Kim thay mặt BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm luôn xác nhận công trình nhà gỗ dân gian xuất khẩu sang Malaysia thuộc lĩnh vực hoạt động của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc, cả ông Kim và ông NĐ_Ngọc đều có công khai thác được công trình này. Nếu phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh trên của BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm không trái với quy định của pháp luật và được áp dụng vào việc hạch toán công trình Malaysia, thì yêu cầu thanh toán 126.000.000 đồng tiền chi phí khai thác công trình Malaysia của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc là quan hệ giữa cá nhân ông NĐ_Ngọc với ông Nguyễn Kim (hai người có công khai thác và được hưởng lợi từ công trình này) hay là quan hệ giữa ông NĐ_Ngọc với Công ty? Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh, làm rõ quan hệ tranh chấp là quan hệ nào đã buộc BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm có nghĩa vụ thanh toán 126.000.000 đồng chi phí khai thác công trình Malaysia cho ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc là chưa đủ căn cứ vững chắc.

Theo hợp đồng BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm ký với phía Malaysia thì tổng giá trị công  trình  này  là  95.748  USD  tương  đương  với  1.481.508.804  đồng  theo  tỷ  giá  là 15.472VND/USD. Việc thi công công trình này BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm ký hợp đồng thuê ông Nguyễn Văn Chừng (bố đẻ của ông NĐ_Ngọc, không phải là thành viên Công ty) làm và Công ty đã thanh lý hợp đồng này với ông Chừng. Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm không đưa ông Chừng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên không xác định được khi tham gia thi công công trình này ông Chừng có đại diện cho quyền lợi của ông NĐ_Ngọc không? Trong số tiền ông Chừng được nhận đã có 126.000.000 đồng chi phí khai thác công trình của ông NĐ_Ngọc hay chưa …?

Tòa án cấp sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu này của ông NĐ_Ngọc đều thiếu căn cứ thuyết phục.

2.  Về  Khoản  tiền  250.000.000  đồng  ông  NĐ_Nguyễn  Ngọc  Ngọc  khai  báo  cho

BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm vay thông qua Giám đốc Công ty Nguyễn Kim:

Cả nguyên đơn và bị đơn đều xuất trình nhiều chứng cứ để bảo vệ mình, phản bác chứng cứ của bên kia; các chứng cứ của bên này đều bị bên kia cho là giả mạo, cụ thể:

-  Biên bản giao nhận tiền vay đề ngày 05/01/2001 do nguyên đơn xuất trình (BL.205.T1) thì bị đơn cho là giả mạo, qua giám định xác định không phải là chữ ký của ông Nguyễn Kim - đại diện của bị đơn (BL.251.T1).

-   Bản ghi nhớ đề ngày 17/12/2002 do nguyên đơn xuất trình (BL.87.T2) thì bị bị đơn cho là giả mạo, qua giám định xác định đúng là chữ ký của ông Nguyễn Kim , đại diện của bị đơn và con dấu là của BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm (BL.70-73.T2) Ông Nguyễn Kim một mặt công nhận chữ ký là của mình, con dấu là của Công ty nhưng vẫn cho là tài liệu giả hoặc được viết trên giấy đã được ký và đóng dấu sẵn chứ không có việc vay tiền như nội dung ghi trong văn bản này. Đồng thời, ông Nguyễn Kim còn nại ra lý do thời gian bản ghi nhớ này ông Kim đang ở Vũng Tàu và thành phố HCM để ký hợp đồng với các đối tác làm ăn (xuất trình hai bản hợp đồng ngày 17/12/2002 (BL.83, 83.T2), kết quả xác minh của Tòa án nhân dân tỉnh BR-VT và Tòa án nhân dân thành phố HCM theo yêu cầu ủy thác của Tòa án nhân dân tỉnh BN cũng xác nhận tại thời điểm đó ông Nguyễn Kim đang công tác ở hai thành phố trên (BL. 127-126.T3)

-   Văn bản làm việc đề ngày 01/3/2002 tại Trại tạm giam của Quân khu I do bị đơn xuất trình (BL.78.T2), có chữ ký của nguyên đơn nhưng nguyên đơn lại cho là giả và xuất trình chứng cứ là xác nhận của Trại tạm giam T82-Quân khu I, chứng minh ngày 01/3/2003 không có người của BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm đến trại giam làm việc với nguyên đơn (BL.81.T2); có hai nội dung và hai kiểu chữ viết khác nhau thể hiện trên văn bản làm việc ngày 01/02/2003 này: Sát phần chữ ký của ông NĐ_Ngọc ở góc dưới bên phải là chữ ký của ông NĐ_Ngọc với nội dung là lời nhắn cho bố về việc đưa một thuốc, quần áo lót vào trại cho ông NĐ_Ngọc và làm đơn bảo lãnh cho ông NĐ_Ngọc gửi đến Viện kiểm sát; phần trên của văn bản này là chữ viết của ông Nguyễn Kim (BL.37.T2) có nội dung là kết quả làm việc giữa Công ty với ông NĐ_Ngọc về các Khoản tiền có liên quan giữa ông NĐ_Ngọc với Công ty.

-   Ngoài ra, đại diện bị đơn còn xuất trình biên bản làm việc giữa BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm với ông NĐ_Ngọc ngày 28-2-2003 tại Trại tạm giam T82 của Quân khu I (BL.79.T3); xác nhận của Trại tạm giam T82 Quân khu I có việc BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm đến trại giam làm việc với bị can NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc vào khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2003 (BL81.T3); Biên bản làm việc giữa BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm với ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc ngày 21/12/2002 có chữ ký của ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc, xác định không có các Khoản tiền mà ông NĐ_Ngọc yêu cầu (BL.78.T3)

Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nêu trên (chủ yếu dựa vào “Bản ghi nhớ” ngày 17/12/2002), không tiến hành trưng cầu giám định thêm các chứng cứ do các đương sự xuất trình, không xác minh lại kết quả ủy thác điều tra tại tỉnh BR - VT và thành phố HCM, cũng như không xác minh lại các xác nhận của Trại tạm giam, nên kết luận của Tòa án cấp phúc thẩm về khoản tiền này là chưa đủ căn cứ vững chắc.

3.  Các  nội  dung  khác  của  bản  án  kinh  doanh  thương  mại  phúc  thẩm  số

243/2007/KDTM-PT ngày 06/12/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại HN không bị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị và không có liên quan đến nội dung bị kháng nghị Hội đồng giám đốc thẩm không xem xét.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào Khoản 3 Điều 291; Khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ

Luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH:

1.  Hủy  bán  án  kinh  doanh,  thương  mại  phúc  thẩm  số  04/2007/KDTM-ST  ngày

17/7/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh BN và hủy bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 243/2007/KDTM-PT ngày 06/12/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại HN về phần: “2. Buộc BĐ_Công ty Tâm Tâm BN phải thanh toán và trả nợ cho ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc 376.000.000 đồng” và phần “4. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc phải nộp 21.894.600 đồng được trừ 10 triệu đồng tiền tạm ứng Biên lai 002294 ngày 29/8/2005 và 200 ngàn đồng tạm ứng dự phí phúc thẩm biên lai ngày 28/12/2005 tại Thi hành án dân sự tỉnh BN, còn phải nộp 11.694.600 đồng.

-     BĐ_Công ty TNHH Tâm Tâm BN phải nộp 14.280.000 đồng.

-     Ông NĐ_Nguyễn Hữu Ngọc không phải nộp án phí phúc thẩm Hoàn trả ông NĐ_Ngọc 200.000 đồng đã nộp dự phí kháng cáo tại biên lai số 002332 ngày 23-7-2007 tại Thi hành án dân sự tỉnh BN.

Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn xin thi hành án, bên phải thi hành án phải trả lãi đối với Khoản tiền chưa thi hành án theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thi hành án tương ứng với thời gian chậm thi hành án”.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh BN để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

3.  Các  quyết  định  khác  của  bản  án  kinh  doanh,  thương  mại  phúc  thẩm  số 243/2007/KDTM-PT ngày 06/12/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại HN không bị hủy tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy một phần:

Các Tòa án không xác minh, làm rõ phương thức hoạt động của Công ty (bị đơn) nên đã buộc Công ty (bị đơn) phải bồi thường cho nguyên đơn là không đúng.

 

 

 

 

Tên bản án

Quyết định số 18/2008/KDTM-GĐT Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án