Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Bảo đảm quyền của người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh - một số vấn đề pháp lý

Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng quy định của pháp luật và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền của người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Abstract: This paper analyzes the current status of the law and recommends some legal completion measures to ensure the rights of users of the medical service.

1. Thực trạng quy định pháp luật về quyền của người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Khoản 3 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định người bệnh “là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”, để được chẩn đoán bệnh, cấp cứu, điều trị, chăm sóc hoặc phục hồi chức năng. Chủ thể là người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh được phân loại như sau:

- Chủ thể trực tiếp sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh: Là chủ thể thường xuyên, trực tiếp tham gia quan hệ khám, chữa bệnh, có nhu cầu được khám, chữa bệnh hoặc chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế.

- Chủ thể không trực tiếp sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh: Các chủ thể trực tiếp bàn bạc, thỏa thuận ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh còn người thứ ba được hưởng lợi ích từ kết quả của hoạt động dịch vụ khám, chữa bệnh (ký kết hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh để phục vụ lợi ích của người thứ ba). Đó là các trường hợp: (i) Cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động ký kết hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh với các cơ sở y tế để cung ứng các dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người lao động, công chức, viên chức; (ii) Thân nhân của người thứ ba (người bệnh) ký kết hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh với cơ sở y tế để cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh cho người bệnh; (iii) Trường hợp người bệnh không đủ các điều kiện về năng lực chủ thể để trực tiếp ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh với cơ sở y tế tự nguyện (như bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải khám, chữa bệnh, giám định sức khỏe, tâm thần hoặc thân nhân bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi). Như vậy, chủ thể của dịch vụ khám, chữa bệnh gồm hai bên hoặc nhiều bên. Bên cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh là các tổ chức hành nghề được thành lập hợp pháp hoặc người cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh hành nghề với tư cách cá nhân. Bên sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh là tổ chức, cá nhân bất kỳ có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh và có năng lực chủ thể. Mục đích tham gia dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế là để nhận thù lao còn mục đích của bên sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh là nhằm thỏa mãn nhu cầu về khám, chữa bệnh.

Người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh có năng lực chủ thể đều có quyền tham gia quan hệ dịch vụ khám, chữa bệnh để thỏa mãn nhu cầu của mình là được khám, chữa bệnh. Khi đủ 18 tuổi trở lên, người bệnh được xác lập các quyền và nghĩa vụ của hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc họ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng khám, chữa bệnh. Trường hợp người bệnh không có đầy đủ năng lực hành vi (chưa thành niên, mất năng lực hành vi, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi), các giao dịch sẽ do người đại diện xác lập và thực hiện.

Về bản chất, hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh được thiết lập dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện của bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm riêng biệt của dịch vụ khám, chữa bệnh là tính bất đối xứng. Thầy thuốc có rất nhiều tri thức, thông tin về chẩn đoán, điều trị, trong khi đó, người bệnh lại hiểu rất ít về bệnh tật và các chỉ định điều trị, hay nói cách khác, hầu như người bệnh hoàn toàn dựa vào các quyết định của thầy thuốc trong việc lựa chọn và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh cho mình. Người bệnh không có sự lựa chọn nào khác ngoài khám, chữa bệnh vì nó gắn với sức khỏe, tính mạng của họ. Những yếu tố như vậy đòi hỏi pháp luật về khám, chữa bệnh phải quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh, đảm bảo tính bình đẳng, thỏa thuận của hợp đồng cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã dành toàn bộ Mục 1 Chương II (từ Điều 7 đến Điều 13) quy định những quyền cơ bản mà người bệnh được hưởng, bao gồm:

Một là, quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế (Điều 7): Cụm từ “có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế” tại Điều 7 là một khái niệm định tính, không rõ ràng. Trong Hiến chương về quyền của người bệnh của Châu Âu quy định, mỗi cá nhân đều có quyền tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng. Quyền về chất lượng khám, chữa bệnh đòi hỏi các tổ chức chăm sóc sức khỏe phải đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các tiêu chuẩn khám, chữa bệnh chuẩn mực đó một cách khách quan và được định kỳ xem xét, đánh giá. Sự an toàn của người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh còn được hiểu là họ có quyền được đảm bảo sự an toàn trong suốt quá trình khám, chữa bệnh chứ không nên giới hạn ở việc “điều trị bằng phương pháp an toàn, hợp lý và có hiệu quả”. Đây cũng là điểm hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh vì trên thực tế đã có một số trường hợp khi có tranh chấp xảy ra về chất lượng khám, chữa bệnh đã được giải quyết theo chiều hướng có lợi cho cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt cơ sở y tế có mục tiêu lợi nhuận.

Hai là, quyền được tôn trọng bí mật riêng tư (Điều 8): Bí mật riêng tư thuộc về quyền nhân thân của mỗi con người, đối với người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh thì nguyên tắc này cần được đảm bảo. Đó là quyền được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án và chỉ được phép công bố khi người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định. Tuy nhiên, điều luật này chưa đề cập đến quyền bí mật về đời tư cá nhân người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, gồm cả mối quan hệ với người thân của họ cũng như quyền đối với hình ảnh của họ. Sự việc xảy ra hồi đầu năm 2018, tại Thẩm mỹ viện T (TP. Hồ Chí Minh), bác sĩ T đã đến phòng bệnh lì xì Tết và thăm khám cho các nữ bệnh nhân và “livestream” (tường thuật trực tiếp) cảnh khám ngực, hướng dẫn nữ bệnh nhân chăm sóc bộ ngực mới nâng đã gây tranh cãi trong cộng đồng. Câu hỏi xoay quanh vấn đề này là hành động “livestream” của bác sĩ T có đúng theo quy định pháp luật về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền cá nhân đối với hình ảnh quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được cá nhân đó đồng ý, nếu sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh (trừ trường hợp tại khoản 2 Điều 32 có thể sử dụng hình ảnh mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ). Tuy nhiên, trong sự việc này, nếu chưa có sự đồng ý của các nữ bệnh nhân mà bác sĩ T đã đăng tải hình ảnh lên trang mạng xã hội của Thẩm mỹ viện nhằm mục đích quảng bá cho thẩm mỹ viện của mình là vi phạm pháp luật và vi phạm quyền đời tư cá nhân là quyền cá nhân đối với hình ảnh.

Ba là, quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh (Điều 9) gồm: Không bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bị ép buộc khám, chữa bệnh, được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội.

Bốn là, quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh (Điều 10): Đó là quyền được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị; chấp nhận hoặc từ chối tham gia nghiên cứu y sinh học về khám, chữa bệnh; được lựa chọn người đại diện để thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của mình trong khám, chữa bệnh.

Năm là, quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh (Điều 11): Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, cũng là tài liệu pháp lý và được bảo quản theo chế độ mật về bí mật nhà nước. Quy định hiện nay cho phép người bệnh được cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản. Tuy nhiên, việc không được tiếp cận trực tiếp với hồ sơ bệnh án của mình trên thực tế đã nảy sinh các tranh chấp khi người bệnh gặp tai biến trong quá trình điều trị, chứng cứ để chứng minh lỗi của người hành nghề/cơ sở điều trị là hồ sơ bệnh án lại chỉ là bản tóm tắt. Người bệnh không có quyền được bản sao bệnh án khi mong muốn được tiếp cận các thông tin liên quan đến chính bản thân mình, vì thế họ cũng khó có cơ sở để tham khảo ý kiến từ chuyên gia y khoa khác về bệnh tình của mình hoặc khi xảy ra tranh chấp giữa người bệnh hoặc gia đình người bệnh khi có tai biến xảy ra vì người bệnh không đủ cơ sở chứng minh có sai sót chuyên môn do cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện.

Liên quan đến quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án, Việt Nam có lẽ là một trong một số ít nước trên thế giới còn hạn chế quyền này của bệnh nhân. Trước đây, hồ sơ bệnh án thường được bệnh viện hay bác sĩ giữ kín trong mối quan hệ kín giữa bệnh nhân và bác sĩ, nhưng thực tế đã có những vụ án khi bệnh nhân tử vong, người nhà yêu cầu tìm hiểu nguyên nhân tử vong nhưng bệnh viện không tiết lộ hồ sơ bệnh án, chỉ khi Tòa án can thiệp, thông tin trong bệnh án mới được cung cấp. Vì thế, luật pháp hiện đại cho phép bệnh nhân quyền được tiếp cận và chỉnh sửa (nếu cần) những thông tin trong hồ sơ bệnh án bởi tầm quan trọng của hồ sơ bệnh án. Trong thời đại điện tử, hồ sơ bệnh án có thể được bảo mật bằng mã số mà chỉ có bệnh nhân biết được. Khi bệnh nhân có quyền truy cập hồ sơ bệnh án của mình cũng có nghĩa là bệnh nhân làm chủ thông tin của mình, có thể kiểm tra và đề nghị sửa đổi (nếu thông tin không đúng). Quy định cơ sở y tế độc quyền trong việc tiếp cận hồ sơ bệnh án không còn phù hợp với thực tế trong mối liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ. Trong quan hệ hợp đồng khám, chữa bệnh, bệnh nhân đóng vai trò hợp tác một cách chủ động với bác sĩ (chứ không phải ở mối quan hệ xin - cho), trong đó có quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án của mình.

Sáu là, quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Trong trường hợp này, người bệnh phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối điều trị (Điều 12). Đây có thể được hiểu là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khám, chữa bệnh của người bệnh, kể cả trường hợp người bệnh yêu cầu được ra khỏi cơ sở khám, chữa bệnh để chuyển sang điều trị tại cơ sở khác.

Bảy là, quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (Điều 13): Trong những trường hợp này, người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định việc khám, chữa bệnh.

Tám là, một số vấn đề khác liên quan đến quyền của người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như:

- Quy định về quyền khiếu nại của người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh: Các tranh chấp về khám, chữa bệnh là tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong khám, chữa bệnh giữa các đối tượng sau: Người bệnh, người đại diện của người bệnh; người hành nghề; cơ sở khám, chữa bệnh (khoản 1 Điều 80 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009). Cách thức giải quyết tranh chấp khám, chữa bệnh được giải quyết như sau: Các bên tranh chấp có trách nhiệm tự hòa giải về nội dung tranh chấp; trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 80 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009). Liên quan đến quy định giải quyết tranh chấp này có hai vấn đề cần xem xét: (i) Quyền khiếu nại của người bệnh là một trong những quyền cơ bản được nhiều quốc gia thừa nhận, đây cũng là quyền trong hoạt động thương mại (Điều 318 Luật Thương mại năm 2005). Tuy nhiên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chưa thừa nhận đây là một quyền của người bệnh, dẫn đến việc khi người bệnh có khiếu nại đối với hành vi vi phạm của cơ sở khám, chữa bệnh thì được giải quyết theo trình tự và thủ tục của Luật Khiếu nại, tố cáo mà không coi đây là tranh chấp về khám, chữa bệnh và giải quyết theo thủ tục giải quyết tranh chấp; (ii) Với bản chất là hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhưng khi có tranh chấp xảy ra, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 lại giới hạn quyền khởi kiện của người bệnh được yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình mà yêu cầu hòa giải là thủ tục bắt buộc giữa hai bên trong giải quyết tranh chấp, chỉ khi có biên bản về việc hòa giải không thành, các bên mới khởi kiện tại Tòa án. Trong khi đó, một phương thức giải quyết tranh chấp trong khám, chữa bệnh khá phổ biến hiện nay của các nước là thông qua bên thứ ba như Hội đồng y khoa hoặc Y sĩ đoàn, một tổ chức độc lập với Bộ Y tế do Chính phủ thành lập, với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp về y khoa, cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám, chữa bệnh, luật gia, người hành nghề... sẽ khắc phục được khuynh hướng độc quyền của Nhà nước trong thực hiện một số hoạt động công quyền.

- Quy định về quyền đòi bồi thường của người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh: Trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh do “người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật” được quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 gồm: Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; xâm phạm quyền của người bệnh. Điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định “trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây tai biến cho người bệnh hoặc trường hợp tại điểm b Điều 73 của Luật thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám, chữa bệnh, nếu cơ sở khám, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường”. Chỉ khi người hành nghề tuân thủ đầy đủ quy chế chuyên môn mà vẫn xảy ra tai biến thì không phải bồi thường. Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định là “người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Trên thực tiễn, khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng khám, chữa bệnh và đặt ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, có hai quan điểm giải quyết, quan điểm thứ nhất là giải quyết theo yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quan điểm thứ hai coi yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được xác định là vi phạm hợp đồng khám, chữa bệnh cũng là vi phạm nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng khám, chữa bệnh. Tác giả đồng thuận với quan điểm thứ hai và cho rằng, để xác định mức bồi thường, căn cứ áp dụng là quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ tại Điều 13, Điều 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm thiệt hại về vật chất, tinh thần. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.

2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền của người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam hiện nay

Qua quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật và tìm hiểu thực tiễn, tác giả có một số kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật về khám, chữa bệnh trong thời gian tới, liên quan đến những quy định nhằm bảo đảm quyền của người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh ở Việt Nam hiện nay, đó là:

Thứ nhất, khái niệm khám bệnh, chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành chưa bao quát hết các dịch vụ y tế theo cách tiếp cận chăm sóc toàn diện (gồm cả chăm sóc y tế và phi y tế). Điều này đồng nghĩa cần thay đổi khái niệm “người bệnh” bằng khái niệm “người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh” bởi trong thực tế có trường hợp thực hiện thẩm mỹ làm đẹp, tiêm chủng, đẻ thường... không phải người bệnh nhưng họ vẫn sử dụng dịch vụ y tế.

Thứ hai, Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định quyền của người bệnh được “khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế”. Để phù hợp với các quy định về quyền của người bệnh, cần làm rõ quy định này là “quyền được thụ hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng được công bố”. Theo tinh thần đó, người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh có quyền được tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao, điều đó tương ứng với việc cơ sở cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ phải tuân thủ các đặc điểm kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn chất lượng của dịch vụ khám, chữa bệnh.

Thứ ba, quyền của người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh được cung cấp các thông tin liên quan đến tình trạng bệnh ghi trong hồ sơ bệnh án cũng như các chi phí khám, chữa bệnh tại Điều 11 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 được giải thích là: Được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quy định này là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp khiếu nại của người bệnh khi có tai biến xảy ra trong thời gian qua. Một hồ sơ bệnh án tóm tắt không thể là chứng cứ pháp lý để chứng minh sai sót từ người hành nghề, hay là chứng cứ trước cơ quan tố tụng. Vì vậy, cần thiết sửa đổi quy định này theo hướng người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh có quyền được xem hồ sơ bệnh án và được cung cấp bản sao lục hồ sơ nếu có yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

Thứ tư, người bệnh có quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, bao gồm bí mật thông tin về đời tư trong hồ sơ bệnh án và tình trạng sức khỏe và chỉ được phép công bố khi họ đồng ý chia sẻ hoặc đội ngũ y bác sĩ điều trị cho người bệnh đó hội chuẩn hay trao đổi kinh nghiệm nội bộ. Tuy nhiên, từ thực tế thực hiện quyền tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh cho thấy, cần bổ sung nội hàm của quy định này chặt chẽ là “quyền được giữ bí mật toàn bộ quá trình trao đổi, điều trị giữa bệnh nhân và người hành nghề khám, chữa bệnh” để phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về quyền cá nhân đối với bí mật đời tư và quyền về hình ảnh.

Thứ năm, là chủ thể của hợp đồng dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không đề cập đến quyền của người bệnh được khiếu nại đối với những sai sót, về chất lượng dịch vụ hay về thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Đây là một trong những quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận, vì vậy cần thừa nhận khiếu nại là quyền của người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Quyền khiếu nại của người bệnh cần phải được tiếp cận theo hướng là căn cứ phát sinh tranh chấp trong khám, chữa bệnh chứ không phải là khiếu nại hành chính và được giải quyết theo thủ tục khiếu nại, tố cáo. Điều đó có nghĩa là khi người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh khiếu nại, không phải Hội đồng chuyên môn của chính cơ sở khám, chữa bệnh đó giải quyết, mà sẽ do Hội đồng Y khoa thụ lý và giải quyết.

Thứ sáu, cần bổ sung quy định về quyền đòi bồi thường của người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã có chương riêng quy định về sai sót chuyên môn nhưng chỉ quy định trách nhiệm và vai trò của cơ quan quản lý, người hành nghề mà chưa đề cập đến quyền của người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh là quyền đòi bồi thường do vi phạm các nghĩa vụ từ phía cơ sở điều trị hoặc người hành nghề. Đây cũng là điểm cần được lưu ý khi sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 trong thời gian tới.

ĐINH THỊ THANH THỦY *

Đại học Thương mại

Bảo đảm quyền của người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh - một số vấn đề pháp lý

Tác giả ĐINH THỊ THANH THỦY - Đại học Thương mại
Tạp chí http://tcdcpl.moj.gov.vn
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ