Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

 

Các quy định pháp luật về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

 

 

 

Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định hiện hành về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và tài liệu, thông tin thu thập được từ các biện pháp đó; từ đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất hoàn thiện.

1. Quy trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, chương XIV, từ điều 223 đến 228 quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Theo đó, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm các hoạt động: (i) Ghi âm bí mật; (ii) ghi hình bí mật; (iii) nghe điện thoại bí mật; (iv) thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Các hoạt động này chỉ được thực hiện trong phạm vi giới hạn là trong giai đoạn điều tra vụ án, tức chỉ được thực hiện sau khi có quyết định khởi tố vụ án và phải kết thúc trước khi có kết luận điều tra[1].

Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng trong hai trường hợp, gồm: (i) Những vụ án liên quan tới tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; hoặc (ii) Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng[2].

Về thẩm quyền áp dụng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Truờng hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng[3]. Ở đây, có hai vấn đề cần lưu ý liên quan đến thẩm quyền của Viện kiểm sát:

Thứ nhất, Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, và điều luật không quy định về việc Thủ trưởng cơ quan điều tra có quyền từ chối. Mặt khác, về nguyên tắc, cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát[4]. Có nghĩa là, trong mọi trường hợp, khi Viện trưởng Viện kiểm sát yêu cầu thực hiện các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra có nghĩa vụ phải ban hành quyết định thực hiện.

Thứ hai, căn cứ theo nội dung điều luật, về phía cơ quan điều tra, luật cho phép Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên có quyền ban hành quyết định áp dụng, nhưng lại chỉ cho phép Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu mà chưa đề cập tới Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp cao hơn trong việc yêu cầu cơ quan điều tra cùng cấp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Như vậy, có thể suy ra rằng, đối với các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, hoặc thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì Viện kiểm sát hoàn toàn không có quyền yêu cầu phía Cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp này[5]. Đây là một thiếu sót về thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát trong các hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt.

Khi ban hành quyết dịnh áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, thì quyết định phải ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa diểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung khác theo quy định mà văn bản tố tụng phải có tại khoản 2 Ðiều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015[6].

Sau khi ban hành, quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành[7]. Tuy nhiên, trong quy định này, luật lại không nói rõ thời hạn mà Cơ quan điều tra phải gửi quyết định áp dụng sang Viện kiểm sát và thời hạn mà Viện kiểm sát phải phê chuẩn kể từ khi nhận được quyết định áp dụng. Có lẽ, các nhà làm luật đã để các quy định này lại cho các văn bản phối hợp liên ngành dưới luật để phù hợp với tình hình thực tế.

Sau khi áp dụng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết[8].

Trước, trong và sau khi áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật về việc áp dụng này[9].

Về thời hạn áp dụng, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thực hiện không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015[10]. Như vậy, có nghĩa là thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể ngang bằng với thời hạn điều tra theo quy định tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Theo đó, chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.

Trong quá trình áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp: (i) Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền; (ii) Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; (iii) Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt[11].

Cần lưu ý, điều luật quy định rằng khi thuộc một trong ba trường hợp trên, Viện trưởng Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ, nghĩa là đây là nghĩa vụ bắt buộc chứ không phải quyền tùy nghi.

Trong các trường hợp cần hủy bỏ, trường hợp có vi phạm trong quá trình áp dụng khá mơ hồ về nội hàm. Bởi lẽ, luật không quy định quá nhiều về quá trình thực hiện các biện pháp đó, mà chỉ quy định chung là Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, và người thi hành có nghĩa vụ giữ bí mật trong quá trình thực hiện. Trong khi đó, có vẻ như vi phạm theo quy định về các trường hợp phải hủy bỏ có nội hàm rộng hơn nghĩa vụ giữ bí mật, nếu không thì các nhà làm luật đã quy định trực tiếp về việc vi phạm giữ bí mật. Có lẽ, các trường hợp vi phạm này sẽ được quy định cụ thể hơn trong các văn bản phối hợp liên ngành dưới luật để phù hợp và uyển chuyển với tình hình thực tế.

2. Tài liệu, thông tin được thu thập từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Khi áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, dựa vào các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, các loại thông tin, tài liệu có thể thu thập được bao gồm tệp tin hình ảnh, âm thanh và các dữ liệu điện tử khác. Theo quy định, các tài liệu, thông tin được thu thập từ các biện pháp này sẽ được xử lý theo hai hướng: Thứ nhất, các tài liệu, thông tin có liên quan đến vụ án có thể được sử dụng làm chứng cứ trong khởi tố, điều tra, truy tố, và xét xử vụ án hình sự; Thứ hai, các tài liệu, thông tin không liên quan đến vụ án phải được tiêu hủy kịp thời[12].

Các quy định về thông tin, tài liệu và chứng cứ được thu thập từ các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chứa đựng một số vấn đề pháp lý chưa rõ như sau:

Một là, trong trường hợp các thông tin, tài liệu được thu thập từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được sử dụng làm chứng cứ thì thuộc nhóm chứng cứ nào theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Căn cứ theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chứng cứ được sử dụng trong tố tụng hình sự gồm có 7 loại[13].

Đối với biện pháp thu thập dữ liệu điện tử, thì tài liệu, thông tin thu thập được có thể được xếp vào nhóm chứng cứ là dữ liệu điện tử. Nhưng với ba biện pháp còn lại gồm bí mật ghi âm, bí mật ghi hình, và nghe điện thoại bí mật thì tài liệu, thông tin được thu thập là các tiệp hình ảnh, âm thanh thì nên được xếp vào loại chứng cứ nào thì vẫn là câu hỏi mở. Bởi lẽ, nếu xếp các loại thông tin đó vào dữ liệu điện tử thì không phù hợp với sự phân loại về biện pháp thu thập khi các nhà làm luật đã quy định thu thập bí mật dữ liệu điện tử là một hoạt động riêng biệt với các hoạt động khác. Mặt khác, nếu xếp vào nhóm tài liệu, đồ vật khác thì không phù hợp với định nghĩa của luật. Cụ thể, Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Có nghĩa là nhóm chứng cứ các tài liệu, đồ vật khác phải được cung cấp bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân chứ không phải bởi hoạt động thu thập chủ động của cơ quan điều tra. Như vậy, tính chất pháp lý của các tài liệu, thông tin được sử dụng làm chứng cứ chưa được xác định rõ.

Thứ hai, trong trường hợp nào thì các tài liệu, thông tin này được trở thành chứng cứ, và quy trình để các tài liệu, thông tin này trở thành chứng cứ cũng không được luật đề cập đến. Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án thì phải được tiêu hủy kịp thời và thông tin, tài liệu (có liên quan) có thể được sử dụng làm chứng cứ. Như vậy, để một tài liệu, thông tin được dùng làm chứng cứ thì phải có hai thuộc tính là “có liên quan vụ án” và “được sử dụng”. Hai thuộc tính trên là rất mơ hồ và chưa rõ ràng, đồng thời, việc chưa minh định hóa quy trình chuyển hóa các tài liệu, thông tin trở thành chứng cứ sẽ dẫn đến việc xử lý các tài liệu, thông tin này trở nên khó khăn.

Thứ ba, có một khoảng hở về hướng xử lý các thông tin, tài liệu được thu thập từ các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Một mặt, các thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án có thể được sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự. Mặt khác, các thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án cần phải được tiêu hủy kịp thời. Như vậy, hướng xử lý đối với các thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án, nhưng không được người có thẩm quyền sử dụng như là chứng cứ trong vụ án thì chưa được đề cập đến. Liệu các tài liệu, thông tin đó có thể được lưu trữ như một phần của hồ sơ vụ án hay phải bị tiêu hủy để đảm bảo các quyền tự do về đời tư của cá nhân vẫn là câu hỏi mở.

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, đối với thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp này, cần xem xét quy định quyền yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao cho phù hợp với thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng của cơ quan điều tra cấp Trung ương.

Thứ hai, về các thời hạn trong quy trình ban hành quyết định như thời hạn Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải ban hành quyết định sau khi nhận được yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát, thời hạn Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định cần được sớm bổ sung. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về các hành vi vi phạm trong khi áp dụng các biện pháp này, để làm cơ sở cho việc hủy bỏ quyết định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Thứ ba, quy định về điều kiện, thủ tục, và thẩm quyền chuyển hóa các tài liệu, thông tin thu thập được từ các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trở thành chứng cứ trong vụ án hình sự. Theo đó, nên quy định mọi tài liệu, thông tin có liên quan đến các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự đều phải được sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự, tránh sự áp dụng tùy tiện của người có thẩm quyền. Đồng thời, thẩm quyền chuyển hóa các tài liệu, thông tin này thành chứng cứ nên được trao cho Viện kiểm sát. Bởi lẽ, Viện kiểm sát là chủ thể có thẩm quyền cuối cùng trong việc có quyết định truy tố hay không, nên Viện kiểm sát phải có quyền lựa chọn, cũng như sử dụng chứng cứ cần thiết trong các giai đoạn trước khi truy tố. Khi Viện kiểm sát giới thiệu các tài liệu, thông tin đó ra tại phiên tòa thì các tài liệu, thông tin đó đã mang tư cách là chứng cứ của vụ án hình sự, chứ không chỉ còn là tài liệu, thông tin được thu thập từ các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nên phần việc của Tòa án chỉ là xem xét các giá trị pháp lý của các chứng cứ này dựa trên quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Mặt khác, việc quy định như vậy sẽ tránh được khoảng trống, nơi tồn tại các tài liệu, thông tin có liên quan đến vụ án nhưng không được sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án. Khi đó, các tài liệu, thông tin được thu thập chỉ có thể rơi vào một trong hai trường hợp. Hoặc có liên quan đến vụ án và phải được sử dụng làm chứng cứ, hoặc không liên quan đến vụ án và phải bị tiêu hủy.

Thứ tư, nên bổ sung một quy định theo đó phân loại các tài liệu, thông tin được thu thập được từ các hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt cho phù hợp với loại chứng cứ đươc quy định trong luật. Cụ thể, nên ghi nhận các thông tin, tài liệu thu thập được từ các hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt đều thuộc về nguồn dữ liệu điện tử. Bởi lẽ, suy cho cùng, việc ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại, và thu thập dữ liệu điện tử đều dẫn đến các phương tiện thể hiện là các dữ liệu điện tử như tiệp âm thanh, tiệp hình ảnh./.

Võ Minh Kỳ

Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ


[1] Điều 223 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

[2] Điều 224 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

[3] Khoản 1 Điều 225 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

[4] Khoản 1, Điều 167 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

[5] Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, kiến nghị hoàn thiện, 29/12/2016, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2079 [ truy cập ngày 01/02/2018].

[6] Khoản 2 Điều 225 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

[7] Khoản 3 Điều 225 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

[8] Khoản 3 Điều 225 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

[9] Khoản 4 Điều 225 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

[10] Điều 226 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

[11] Điều 228 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

[12] Điều 227 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

[13] Khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

 

 

Các quy định pháp luật về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Tác giả Võ Minh Kỳ - Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Tạp chí http://tcdcpl.moj.gov.vn
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ