Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ TP. HCM

KHOA QTKD

 

 

 

ĐỀ TÀI:

NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT CĂN BẢN VỀ HỢP ĐỒNG

 

 

 

                                                  Môn học: Luật Kinh Doanh               

                                                          GVHD: Ths. Châu Quốc An

                                                                      Nhóm thực hiện: Nhóm 8

         

 

 

DANH SÁCH NHÓM 8

 

Stt

Họ và tên

MSSV

Ghi chú

1

Bạch Thị Thu Hà

0964012055

Nhóm trưởng

2

Hà Quốc Hòa

40701151

 

3

Mai Công Hòa

   

4

Đỗ Phi Hùng

0964012080

 

5

Vũ Huy Thành

1164010065

 

6

Nguyễn Chí Thảo

1164010066

 

7

Ngô Phi Thụy Vũ

1164010096

 

8

Hoàng Trung Quân

0964012168

 

9

Nguyễn Quốc Tường

0964012238

 

10

Đỗ Văn Thành

1064012105

 

11

Nguyễn Thanh Toàn

116400078

 

 

 

BẢNG PHÂN CHIA CÔNG VIỆC CỦA CÁC THÀNH VIÊN

 

Stt

Họ và tên

Diễn giải

Ghi chú

1

Bạch Thị Thu Hà

Phụ trách cơ sở lý luận và tổng hợp toàn bộ bài tiểu luận

Nhóm trưởng

2

Hà Quốc Hòa

Phụ trách phần thực trạng

 

3

Mai Công Hòa

Phụ trách tìm hiểu tài liệu

 

4

Đỗ Phi Hùng

Phụ trách tìm hiểu tài liệu

 

5

Vũ Huy Thành

Phụ trách nghiên cứu phần kiến nghị

 

6

Nguyễn Chí Thảo

Phụ trách phần thực trạng

 

7

Ngô Phi Thụy Vũ

Phụ trách nghiên cứu phần kiến nghị

 

8

Hoàng Trung Quân

Phụ trách tìm hiểu tài liệu

 

9

Nguyễn Quốc Tường

Phụ trách tìm hiểu tài liệu

 

10

Đỗ Văn Thành

Phụ trách tìm hiểu tài liệu

 

11

Nguyễn Thanh Toàn

Phụ trách tìm hiểu tài liệu

 

 

 

 

 

 

 

MỤC LỤC

 

Chương 1: Cơ sở lý luận

Chương 2: Thực trạng

Chương 3: Kiến nghị và kết luận

 

 

 

 

 

                                                                                               

 

 

 

CHƯƠNG I:

CƠ SỞ LÝ LUẬN

Thuật ngữ “hợp đồng”, khế ước” được sử dụng rất phổ biến trong các quan hệ dân sự giữa các cá nhân, tổ chức với nhau. Tuy nhiên hợp đồng được xem là một giao ước theo đó các bên bị ràng buộc về mặt pháp lý với nhau bởi các quyền và nghĩa vụ. Do đó có thể nói rằng hợp đồng phải là một loại giao ước được điều chỉnh bởi pháp luật.

1. Khái niệm hợp đồng:

Theo Điều 388 Bộ luật dân sự 2005, Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

 

Các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực:

§  Chủ thể hợp pháp

§  Chủ thể tự nguyện

§  Nội dung không trái pháp luật và đạo đức xã hội

§  Thủ tục và hình thức phù hợp với quy định

Phân loại hợp đồng:

Căn cứ:

§   Theo nội dung của hợp đồng

§   Theo lĩnh vực đời sống

§   Theo nghĩa vụ trong hợp đồng

§   Theo hình thức của hợp đồng

§   Theo sự phụ thuộc về hiệu lực của hợp đồng

§   Theo đối tượng của hợp đồng

§   Theo tính chất đặc thù của hợp đồng

§   Theo tính thong dụng (quy định của Bộ luật dân sự 2005)

2. Giao kết hợp đồng:

2.1. Nguyên tắc gia kết:

v   Tự do giao kết nhưng không trái pháp luật, đạo đức xã hội

v   Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác trung thực và ngay thẳng

2.2. Chủ thể giao kết:

§   Cá nhân

§   Pháp nhân

§   Các chủ thể khác

2.3. Nội dung giao kết:

Theo Điều 402 Bộ luật dân sự, nội dung hợp đồng bao gồm:

1.       Đối tượng của hợp đồng (là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm)

2.       Số lượng, chất lượng

3.       Giá, phương thức thanh toán

4.       Thời hạn, địa điểm, phương thức thức hiện hợp đồng

5.       Quyền, nghĩa vụ của các bên

6.       Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

7.       Phạt vi phạm hợp đồng

8.       Các nội dung khác

2.4. Hình thức giao kết:

§  Là phương tiện ghi nhận thức thực tế sự cam kết của các bên

§  Có hai cách xác định:

-      Là hình thức do các bên tự lựa chọn

-      Là hình thức do nhà nước quy định

Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn:

§ Hình thức giao kết bằng hình thức cụ thể

§ Hình thức giao kết miệng

§ Hình thức giao kết bằng văn bản

Trường hợp nhà nước quy định

§  Phải là hình thức văn bản

§  Phải có chứng thực, đăng ký hoặc xin phép.

Ví dụ: công chứng, UBND, cục sở hữu trí tuệ.

 

2.5. Trình tự giao kết:

Ø  Đề nghị giao kết

·        Theo khoản 1 điều 390 Bộ luật dân sự 2005 thì: đề nghị giao kết Hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.

·        Yêu cầu khi đưa ra đề nghị giao kết

·        Giới hạn của đề nghị giao kết

Ø  Chấp nhận đề nghị giao kết

·         Chấp nhận toàn bộ đề nghị

·         Thời hạn của sự chấp nhận

Lưu ý:

-         Trường hợp chậm trả lời

-         Trường hợp chỉ chấp nhận một phần đề nghị

2.6. Địa điểm giao kết:

Địa điểm giao kết Hợp đồng dân sự do các bên thỏa thuận dân sự do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

2.7. Thời điểm giao kết:

·        Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời hoặc chấp nhận giao kết

·        Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết.

·        Thời điểm giao kết Hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng

·        Thời điểm giao kết Hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

2.8. Hiệu lực của hợp  đồng:

·         Điều kiện có hiệu lực (giao dịch dân sự)

· Thời điểm có hiệu lực (Điều 405)

·         Sự vô hiệu của hợp đồng (giao dịch dân sự vô hiệu)

3. Thực hiện hợp đồng:

Khi tham gia giao kết hợp đồng, các chủ thể đều nhằm thỏa mãn mục đích kinh doanh hay dân sự của mình. Mục đích này chỉ có thể đạt được qua việc nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của bên kia. Thực hiện hợp đồng là mỗi bên thực hiện những nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, chẳng hạn trả tiền khi mua hàng, giao hàng hóa cho người mua trong quan hệ mua bán, thực hiện dịch vụ theo thỏa thuận với người thuê dịch vụ, … Việc thực hiện hợp đồng cần phải dựa trên các nguyên tắc luật định và được đảm bảo bằng các biện pháp tài sản như thế chấp, cầm cố. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng có thể phát sinh việc sửa đổi, hủy bỏ chấm dứt hợp đồng.

3.1. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng

Theo Điều 412 Bộ Luật Dân sự 2005 đề cập đến các nguyên tắc sau:

v Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng , số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác;

v Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;

v Không được xâm hại đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi hợp pháp của người khác.

3.2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng

Ø  Là các biện pháp tác động mang tính dự phòng do các bên thỏa thuận đặt ra nhằm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ, ngăn ngừa và khắc phục hậu quả xấu do vi phạm nghĩa vụ.

Ø  Bao gồm:

·         Cầm cố tài sản

·         Thế chấp tài sản

·         Ký cược

·         Ký quỹ

·         Bảo lãnh

·         Tín chấp

3.3. Sửa đổi hợp đồng

Ø  Các bên có thể thỏa thuận

Ø  Hình thức ghi nhận sửa đổi phải phù hợp với hình thức hợp đồng đã giao kết

Ø  Giải quyết hậu quả của việc sửa đổi (chi phí bỏ ra để thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện, tiền bồi thường thiệt hại do sửa đổi hợp đồng)

3.4. Nội dung thực hiện:

Ø  Đối với hợp đồng đơn vụ: (Điều 413 Bộ luật dân sự 2005)

Ø  Đối với hợp đồng song vụ: (Điều 414 Bộ luật dân sự 2005)

Ø  Đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

4. Chấm dứt – hủy bỏ hợp đồng

Theo quan điểm của luật dân sự, chấm dứt hợp đồng là dấu hiệu chỉ báo quyền và nghĩa vụ của các bên không còn tồn tại.

4.1. Chấm dứt hợp đồng:

Ø  Các trường hợp:

-      Hợp đồng đã hoàn thành

-      Do các bên đã thỏa thuận

-      Chủ thể giao kết chết hoặc chấm dứt

-      Bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt

-      Không thực hiện được vì đối tượng không còn

Ø  Đơn phương chấm dứt thực hiện

·        Điều kiện: khi có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định

·        Thủ tục: Phải thông báo

·        Trách nhiệm:

-      Bên nào có lỗi bên ấy phải bồi thường

4.2. Hủy bỏ hợp đồng:

Ø  Điều kiện: có sự vi phạm hợp đồng

Ø  Yêu cầu: Phải thông báo

Ø  Trách nhiệm:

-      Phải hoàn trả tài sản đã nhận từ khi giao kết

-      Phải bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ thông báo (và gây thiệt hại)

5. Trách nhiệm pháp lý trong quan hệ hợp đồng

5.1. Đặc điểm trách nhiệm pháp lý trong quan hệ hợp đồng

Ø  Áp dụng khi có vi phạm và cho người vi phạm

Ø  Biểu hiện sự cưỡng chế của nhà nước

Ø  Là hậu quả bất lợi cho người vi phạm

Ø  Luôn liên quan trực tiếp đến tài sản

Ø  Vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng

5.2. Các loại trách nhiệm

Ø  Trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng (nghĩa vụ giao vật, nghĩa vụ thực hiện hay không thực hiện một công việc)

Ø  Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng

Ø  Phạt hợp đồng

Ø  Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

                   

CHƯƠNG II:

THỰC TRẠNG

        Trong thực tiễn đời sống hiện nay, có nhiều mối quan hệ như mua bán hàng hóa, trao đổi, vay mượn, và ngày càng có nhiều loại giao dịch khác do tính chất phát triển đa dạng của các quan hệ xã hội. Trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, các giao dịch đều phải được thực hiện bằng hợp đồng.
Hợp đồng là kết quả của sự ưng thuận giữa các bên. Tuy nhiên, trong thực tế, không hiếm trường hợp sự ưng thuận này có “khiếm khuyết” và nhìn chung, pháp luật hợp đồng các nước đều dự liệu ba trường hợp “khiếm khuyết” cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Đó là nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa trong quá trình giao kết hợp đồng. Ở Việt Nam, vấn đề xử lý lừa dối hay đe dọa trong giao kết hợp đồng đã tồn tại khá sớm....

Do đó, khi vấn đề nhầm lẫn trong giao kết hợp đồng được đặt ra, Tòa án thường “mượn” các quy định của Pháp lệnh HĐDS hay của BLDS để giải quyết. 

BLDS 2005 đã có sự sửa đổi so với BLDS năm 1995 và Pháp lệnh HĐDS về nhầm lẫn. Cụ thể, Điều 131 BLDS năm 2005 về “giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn” quy định: “Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này”. Trong quá trình vận dụng chế định này chúng ta thấy thể hiện một số bất cập về nguyên nhân gây nhầm lẫn, đối tượng của nhầm lẫn, xử lý vấn đề nhầm lẫn cũng như về khái niệm nhầm lẫn.

1. Về nguyên nhân của sự nhầm lẫn

1.1. Nguyên nhân

BLDS đưa ra hai nguyên nhân của sự nhầm lẫn làm cho hợp đồng vô hiệu.

Theo đoạn 1 của Điều 131, nhầm lẫn do lỗi vô ý hay cố ý của bên kia và thực tế cho thấy hai loại nhầm lẫn này hoàn toàn có thể tồn tại. Tuy nhiên, ngoài hai nguyên nhân trên, BLDS không có đưa ra một nguyên nhân nào khác nữa và đây chính là một bất cập.

1.2. Thiếu nguyên nhân

Trong thực tế có thể xảy ra một bên nhầm lẫn mà bên kia hoàn toàn “không có lỗi”; bên kia không có lỗi cố ý hay lỗi vô ý. Bởi, cả hai cùng có nhầm lẫn và không thể suy luận rằng một ai trong hai bên có lỗi. Ví dụ, bên bán nghĩ rằng tài sản của mình bán là đồ cổ của thế kỷ thứ 15 và người mua cũng nghĩ là như vậy. Một thời gian sau, cả hai bên được biết rằng đây là đồ cổ của thế kỷ thứ 12. Như vậy, bên bán có nhầm lẫn, bên mua cũng vậy và nhầm lẫn của bên bán hoàn toàn không có “lỗi” của bên mua. Những ví dụ loại này không hiếm trong thực tế.

Ví dụ, ngày 15/11/1998, anh Mạnh mua của anh Thắng một chiếc xe Dream với giá là 28 triệu đồng. Ngày 8/12/1998, khi vợ anh Mạnh sử dụng thì Công an kiểm tra giấy tờ và phát hiện xe máy này là tang vật của một vụ án đang điều tra. Theo Tòa án, “thực tế chiếc xe Dream II anh Thắng đã bán cho anh Mạnh không phải là của anh mà là tang vật của vụ cướp tài sản của công dân nên hợp đồng mua bán xe giữa anh Thắng với anh Mạnh là vô hiệu. Buộc anh Thắng phải có trách nhiệm trả anh Mạnh số tiền 28 triệu đồng”. Cũng theo Tòa án, “việc anh Thắng mua chiếc xe máy Dream II của anh Quang cũng là anh bị nhầm lẫn và không biết chiếc xe này là tang vật của vụ án hình sự”. Từ đó, Tòa án đã căn cứ vào “điều 136 và 141-146 BLDS (năm 1995)” để “xác định giao dịch dân sự giữa anh Thắng và anh Mạnh là vô hiệu (...); chấp nhận yêu cầu của anh Mạnh đòi anh Thắng số tiền 28 triệu đồng”. Đối với Tòa án, hợp đồng vô hiệu vì có nhầm lẫn. Bởi Tòa án đã viện dẫn Điều 141 BLDS năm 1995 trong khi đó điều này quy định “giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn”. Ở đây, bên mua là anh Mạnh có nhầm lẫn, khi mua anh Mạnh không thể nghĩ rằng đây là tang vật của một vụ án hình sự, nhưng thực tế đây lại là tang vật của một vụ cướp. Vẫn theo Tòa án, bản thân anh Thắng “cũng” “bị nhầm lẫn”.

Trong vụ việc vừa nêu, hợp đồng bị vô hiệu do nhầm lẫn là hợp đồng giữa anh Mạnh và anh Thắng; cả hai cùng nhầm lẫn. Do vậy, không thể coi ai trong hai người có lỗi cả. Tòa án đã vận dụng BLDS năm 1995 và cho rằng có nhầm lẫn làm cho hợp đồng vô hiệu. Cách giải quyết như vậy là hoàn toàn thuyết phục. Bởi, BLDS năm 1995 (và Pháp lệnh HĐDS) không phân biệt nguyên nhân của nhầm lẫn như BLDS năm 2005. Do đó, mọi nguyên nhân làm cho một bên nhầm lẫn đều thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS năm 1995. BLDS năm 2005 thay đổi so với BLDS năm 1995 và chỉ đề cập đến 02 nguyên nhân, do đó cách giải quyết của BLDS năm 2005 là chưa toàn diện, không đầy đủ. Nếu vụ việc tương tự như trên xảy ra và phải áp dụng BLDS năm 2005 thì chúng ta thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết.

2. Về đối tượng của sự nhầm lẫn

2.1. Nội dung hợp đồng

Trong thực tế, không hiếm trường hợp các bên nhầm lẫn nội dung hợp đồng; một bên yêu cầu sửa đổi phần nhầm lẫn và được bên kia cũng như Tòa án thừa nhận.

Ví dụ, vào năm 1997, vợ chồng bà Sáu, ông Tuấn có lập hợp đồng trao đổi nhà, đất với vợ chồng ông Hòa, bà Phương. Qua đó, ông Tuấn, bà Sáu giao phần đất ngang 05m; dài 20m cho vợ chồng ông Hòa bà Phương tọa lạc tại khóm 9, phường 7, thị xã Trà Vinh, nay là số 95 Nguyễn Thị Minh Khai, khóm 9, phường 7, thị xã Trà Vinh. Phía vợ chồng ông Hòa, bà Phương phải giao cho vợ chồng bà Sáu căn nhà 29/11 Phạm Thái Bường, phường 3, thị xã Trà Vinh. Theo yêu cầu của bà Sáu, vợ chồng ông Hòa, bà Phương làm thủ tục mua bán căn nhà trên cho con bà Sáu là Kiều Quốc Vương đứng tên, để thuận lợi cho việc hợp thức hóa. Nhưng khi đến phường làm thủ tục thì mới phát hiện trong giấy tờ chỉ ghi địa chỉ nhà là đường Độc Lập, khóm 2, phường 3. Bà Sáu cũng đã yêu cầu ký lại hợp đồng mới cho phù hợp với địa chỉ nhà đất trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nhưng vợ chồng bà Phương, ông Hòa nghi ngờ có sự gian dối nên không đồng ý ký. Từ đó, bà Sáu yêu cầu hủy hợp đồng. Về vụ việc này, theo Tòa án, “xét thấy tại phiên tòa hôm nay anh Vương được bà Sáu và ông Tuấn ủy quyền tự nguyện rút lại đơn kháng cáo không yêu cầu hủy hợp đồng trao đổi nhà đất, chỉ yêu cầu ông Hòa và bà Phương lập lại hợp đồng trao đổi nhà, đất lập vào năm 1997. Yêu cầu của anh Vương được ông Hòa và bà Phương chấp nhận lập lại hợp đồng mới cho anh Vương theo đúng địa chỉ căn nhà số 29/11, Phạm Thái Bường, phường 3, thị xã Trà Vinh. Xét thấy việc thỏa thuận giữa anh Vương với ông Hòa, bà Phương là sự tự nguyện đúng pháp luật nghĩ nên công nhận”8.

Ba văn bản về hợp đồng có quy định về nhầm lẫn là Pháp lệnh HĐDS, BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 đều chỉ đề cập tới nhầm lẫn về “nội dung” của hợp đồng. Cụ thể, theo khoản 3, Điều 15, Pháp lệnh HĐDS, hợp đồng vô hiệu “khi một bên hợp đồng bị nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của hợp đồng” và theo khoản 1, Điều 141, BLDS năm 1995, “khi một bên do nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của giao dịch mà xác lập giao dịch, thì có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó; nếu bên kia không chấp nhận yêu cầu thay đổi của bên bị nhầm lẫn, thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu”. BLDS năm 2005 có quy định về nhầm lẫn tại Điều 131 và ở đây chúng ta cũng chỉ thấy đề cập tới nhầm lẫn “về nội dung” của hợp đồng. Một vấn đề đặt ra là khi có sự nhầm lẫn về chủ thể của hợp đồng thì phải giải quyết như thế nào?

2.2. Chủ thể của hợp đồng

Trong thực tế, hoàn toàn có thể xảy ra nhầm lẫn về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Vụ việc sau đây dường như là một ví dụ.

Ngày 21/4/2006, ông Trường và bà Thu có lập hợp đồng thỏa thuận hợp tác thành lập Công ty cổ phần đầu tư thẩm mỹ Xuân Trường với ngành nghề kinh doanh gồm mua bán mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, dụng cụ thẩm mỹ, y ngoại tổng quát, đào tạo nghề. Ông Trường là Tổng Giám đốc. Lợi nhuận công ty sau khi trừ chi phí hoạt động chia đều 50% cho ông Trường và bà Thu. Công ty đã đi vào hoạt động được khoảng 2 tháng thì hai bên bắt đầu có mâu thuẫn. Ông Trường khởi kiện yêu cầu bà Thu phải bồi thường cho ông các khoản thiệt hại và khoản tiền mà ông đã đầu tư vào công ty. Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp, Tòa án đã tuyên hợp đồng hợp tác giữa ông Trường và bà Thu là vô hiệu do nhầm lẫn (Tòa án đã viện dẫn Điều 131, BLDS năm 2005). Cơ sở để Tòa án cho rằng có sự nhầm lẫn trong hợp đồng thỏa thuận hợp tác giữa ông Trường và bà Thu là “Bà Thu không phải là bác sỹ nên bị nhầm lẫn y ngoại tổng quát với phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ ngay từ khi xác lập hợp đồng thỏa thuận hợp tác”. Ở đây, Tòa án cho rằng sự nhầm lẫn xuất phát từ nhận thức của bà Thu bởi bà đã nhầm “y ngoại tổng quát” là “phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ”. Điều đó có nghĩa là đối với bà Thu, có sự khác nhau giữa nhận thức của bà Thu về chuyên môn của ông Trường và “sự thật” về chuyên môn của ông Trường. Trong nhận thức của mình, bà Thu nghĩ rằng bằng cấp chuyên môn của ông Trường là y ngoại tổng quát, tức là ông Trường có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ nên mới hợp tác kinh doanh. Ông Trường có chuyên môn về y ngoại tổng quát nhưng ông lại không có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ. Như vậy, nếu có nhầm lẫn như Tòa án đã nhận định thì đây là nhầm lẫn về chủ thể giao kết hợp đồng.

BLDS chỉ đề cập đến nhầm lẫn về “nội dung” của hợp đồng còn vụ việc vừa rồi dường như có nhầm lẫn về chủ thể. Mặc dù vậy, Tòa án vẫn cho tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Xét về góc độ văn bản thì Tòa án đã thiếu cơ sở pháp lý.

Trong vụ việc sau đây, dường như hợp đồng đã được giao kết và một bên đã nhầm lẫn về chủ thể của hợp đồng.

Cụ thể, bà Lê Thị Hoà và ông Hoàng Hiếu Dân đã ly hôn ngày 11/5/2001, nhưng tại giấy vay ngày 18/1/2003 do ông Hoàng Hiếu Dân lập, xác định ông có vay bà Oanh 30 lượng vàng; phía dưới dòng chữ “Người vay” ông Dân ký tên và ghi rõ họ tên, phía bên phải giấy này có chữ ký bà Lê Thị Hòa.  

Theo Tòa án, “không đủ cơ sở xác định bà Lê Thị Hòa là người vay (...). Tuy nhiên, bà Oanh nêu bà chỉ đồng ý cho hai vợ chồng vay chứ không cho ông Dân vay, vì ông Hoàng Hiếu Dân và bà Lê Thị Hòa muốn giấu tình trạng hôn nhân giữa hai người nên bà Hòa dù không vay nợ nhưng vẫn ký thì bà cũng có một phần lỗi làm bà Oanh nhầm tưởng mà cho vay, nên đây là giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn và phải tuyên bố giao dịch này vô hiệu, bà Lê Thị Hòa phải có một phần trách nhiệm, cụ thể là bà Lê Thị Hòa phải trả ½ số nợ là phù hợp”. Ở đây, Tòa án đã áp dụng “Điều 131; Điều 137 BLDS”10 năm 2005, tức các quy định về nhầm lẫn trong BLDS.

Trong vụ việc vừa nêu, Tòa án cho rằng có nhầm lẫn và tuyên bố vô hiệu hợp đồng, nhưng với thông tin của bản án thì khó có thể khẳng định có nhầm lẫn về “nội dung” của hợp đồng. Nếu có nhầm lẫn ở đây thì đó dường như là nhầm lẫn về “chủ thể” của hợp đồng.

3. Về khái niệm nhầm lẫn

Trong các vụ việc nêu trên, chúng ta thấy Tòa án xác định là có nhầm lẫn nhưng không lý giải tại sao đó là nhầm lẫn. BLDS quy định hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu do nhầm lẫn nhưng không có định nghĩa “nhầm lẫn”. Trong thực tế, không hiếm trường hợp Tòa án kết luận có nhầm lẫn nhưng phân tích kỹ thì kết luận về sự có tồn tại hay không “nhầm lẫn” có thể khác.

Ví dụ, theo ông Trăng trình bày, ngày 22/9/2005, ông và ông Lê Viết Hùng ký kết hợp đồng thuê nhà với nội dung: Ông Hùng cho ông thuê toàn bộ căn nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, quận Bình Thạnh, giá thuê mỗi tháng 5.000.000 đồng, tiền thuê nhà thanh toán 03 tháng 01 lần và đặt cọc 03 tháng tiền thuê nhà để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Sau đó đôi bên có tranh chấp và theo Tòa án, “xét thấy, căn nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, quận Bình Thạnh do ông Lê Viết Huế và bà Tô Anh Tuyết là chủ sở hữu. Ông Huế và bà Tuyết chết không để lại di chúc và bà Trinh, bà An không có ủy quyền cho ông Hùng. Do đó, ông Hùng ký kết hợp đồng cho ông Trăng thuê căn nhà và ký nhận đặt cọc thuê nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, quận Bình Thạnh là giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập”5. Ở đây, Tòa án đã cho rằng có “nhầm lẫn” và đã tuyên bố hợp đồng vô hiệu trên cơ sở Điều 141 và khoản 2, Điều 146 BLDS năm 1995, quy định về nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng. Tại sao lại có nhầm lẫn ở đây? Nhầm lẫn về cái gì?

Nếu có nhầm lẫn thì dường như là nhầm lẫn về chủ thể cho thuê tài sản vì, ông Hùng chỉ là một người thừa kế và hai người thừa kế khác (bà Trinh và bà An) không thể hiện việc đồng ý cho thuê tài sản. Tuy nhiên, trong lời trình bày ông Hùng đã nêu “ngày 19/9/2005, ông Hoàng Hán Trăng đến đặt vấn đề thuê nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, quận Bình Thạnh, ông nói rõ với ông Trăng về tình trạng căn nhà hiện tại vẫn do cha mẹ ông đứng tên sở hữu chủ nhưng cha mẹ ông đã chết nên nhà không thể ra công chứng được. Ông Trăng đồng ý thuê nhà và đã đặt cọc 100 USD, hẹn đến ngày 22/9/2005 tiến hành lập hợp đồng. Đúng hẹn ngày 22/9/2005, ông Trăng đến ký hợp đồng với ông, ông có nhắc lại một lần nữa là nhà không thể ra công chứng, nhưng ông Trăng trả lời không sao, miễn sao ông cung cấp giấy tờ nhà cho ông Trăng thì ông Trăng ra công chứng được. Ông đã cung cấp đầy đủ giấy tờ nhà và giao chìa khoá nhà cho ông Trăng coi như hợp đồng có hiệu lực”. Nếu thông tin này là chính xác thì không có nhầm lẫn vì ông Trăng đã biết sự việc. Có lẽ, Tòa án đã “tùy tiện” xác định có nhầm lẫn là do BLDS cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng không định nghĩa khái niệm này.        

Tương tự như vậy, trong vụ việc sau đây, Tòa án đã xác định có nhầm lẫn nhưng chúng ta không biết nhầm lẫn thể hiện như thế nào.

Cụ thể, căn nhà 85/10 Bình Tây, phường 1, quận 6 có nguồn gốc tạo lập của ông Huỳnh Điền (chết năm 1981) và bà Lê Thị Kiêm (chết năm 1977). Ông Điền, bà Kiêm có 08 người con chung: bà Lê Thị Hai, ông Huỳnh Hà (chết, không vợ, con), ông Huỳnh Tô, bà Huỳnh Ngọc Lan, ông Lê Văn Hùng, ông Huỳnh Minh Lý, ông Huỳnh Hưng Luân và ông Huỳnh Hưng Thuận. Năm 2001, ông Huỳnh Tô làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với một phần diện tích di sản là 43,6m2. Theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 193/2002 ngày 26/6/2002 do Uỷ ban nhân dân quận 6 cấp, chủ sở hữu là ông Điền và bà Kiêm – do ông Hùng đại diện khai trình. Ngày 27/7/2004, bà Lê Thị Hai, ông Huỳnh Minh Lý và ông Huỳnh Hưng Thuận lập giấy ưng thuận (có xác nhận chữ ký của Ủy ban nhân dân phường 1, quận 6) cho ông Hùng đại diện được quyền bán, tặng cho căn nhà 85/10 Bình Tây, phường 1, quận 6. Ngày 19/8/2004, ông Hùng lập hợp đồng tặng cho căn nhà 85/10 Bình Tây, phường 1, quận 6 cho ông Huỳnh Tô, hợp đồng được chứng thực tại Phòng Công chứng số 2 thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, ông Tô đem bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thế chấp để vay tiền. Khi có tranh chấp, Tòa án đã xét “theo lời khai của bà Hai, ông Hùng, ông Lý, ông Thuận phù hợp với lời khai của bị đơn (bút lục 95) là bị đơn (ông Huỳnh Tô) đề nghị ký hợp đồng tặng cho để dễ dàng thực hiện việc vay tiền Ngân hàng, do vậy cấp sơ thẩm xác định người ký hợp đồng cho tặng bị nhầm lẫn khi giao dịch dân sự này là có cơ sở. Do đó, cấp sơ thẩm xác định hợp đồng cho tặng nêu trên vô hiệu và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn (bà Ngọc Lan) tuyên huỷ hợp đồng là có đúng”6. Ở đây, Tòa án đã khá “vội vàng” khi kết luận có “nhầm lẫn”...

Chúng ta có thể nói, nhầm lẫn tồn tại trong BLDS nhưng BLDS lại không định nghĩa khái niệm này và thực tiễn đôi khi gặp khó khăn hay không thực sự rõ ràng khi xác định nhầm lẫn tồn tại hay không. Thiết nghĩ, nhân dịp sửa đổi BLDS chúng ta nên đưa khái niệm này vào trong BLDS.

 

CHƯƠNG III:

KIẾN NGHỊ VÀ KẾT LUẬN

1. Kiến nghị về cách sửa đổi nguyên nhân nhầm lẫn:

Thực chất, việc quy định như BLDS năm 2005 có vẻ thuyết phục khi phân biệt lỗi cố ý hay lỗi vô ý nhưng thực tế cách quy định này không đầy đủ, thiếu toàn diện như đã phân tích. Chúng ta nên sửa đổi BLDS theo hướng là không nên giới hạn các nguyên nhân làm cho một bên nhầm lẫn ở lỗi cố ý hay vô ý của bên kia. Vậy hướng sửa đổi BLDS nên tiến hành như thế nào?

Thứ nhất là chúng ta nên quay lại Pháp lệnh HĐDS và BLDS năm 1995 bằng cách quy định cho phép yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn mà không quy định “nguyên nhân” của sự nhầm lẫn: tất cả các nguyên nhân làm cho một bên nhầm lẫn đều có thể làm cho hợp đồng vô hiệu. Nếu theo hướng này, chúng ta có thể thay đoạn “khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn (...) mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó...” thành “khi một bên nhầm lẫn (...) mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó...”. Với kiến nghị này chúng ta không phân biệt nguyên nhân làm cho một bên nhầm lẫn; quy định này bao gồm nhầm lẫn do lỗi vô ý, lỗi cố ý của một bên hay cả trường hợp hai bên cùng có lỗi. Điều đó có nghĩa là ngoài hai nguyên nhân làm cho một bên nhầm lẫn như hiện nay chúng ta đã thêm các nguyên nhân khác. Về đoạn 2 của Điều 131, theo đó “trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn (...) thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này”, chúng ta nên giữ để cho phép áp dụng các quy định về lừa dối đối với nhầm lẫn do lỗi cố ý của một bên.

Lưu ý là Cộng hòa Pháp đang sửa đổi BLDS về phần hợp đồng và hiện nay họ đã có một dự thảo sửa đổi. Ở đây họ cũng không quan tâm đến nguyên nhân của sự nhầm lẫn. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể theo hướng này.

 

Thứ hai là, ngoài hai nguyên nhân làm cho một bên nhầm lẫn như BLDS hiện nay, chúng ta bổ sung thêm một nguyên nhân nữa. Đó là một bên nhầm lẫn về một vấn đề mà bên kia cũng bị nhầm lẫn: cả hai cùng nhầm lẫn. Với hướng đi này thì sau đoạn 1 của Điều 131, theo đó, “Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn ...” chúng ta có thể thêm một đoạn nữa là các quy định trên cũng được áp dụng đối với trường hợp “cả hai bên cùng nhầm lẫn”.

Lưu ý là hướng xử lý như trên đã được thể hiện trong Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng. Ở đây, Điều 4:103 đã cho phép một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu (nếu các điều kiện khác hội đủ) khi:

(i)          nhầm lẫn được gây ra do thông tin của bên kia cung cấp;

(ii)       bên kia biết hoặc phải biết có nhầm lẫn nhưng đã để cho nạn nhân nhầm lẫn trái với nguyên tắc thiện chí;

(iii)     hoặc bên kia cũng có cùng nhầm lẫn.

Có thể có ý kiến cho rằng, không cần sửa đổi BLDS mà chỉ cần “mở rộng” khái niệm nhầm lẫn “do lỗi vô ý” đối với trường hợp cả hai cùng nhầm lẫn, nên coi trường hợp cả hai cùng nhầm lẫn là một trường một bên nhầm lẫn “do lỗi vô ý” của bên kia. Hướng đi này dường như không ổn vì việc xác định một bên có lỗi kéo theo hậu quả liên quan đến bồi thường thiệt hại. Do vậy, với cách “giải thích thông thoáng” khái niệm “lỗi” chúng ta có thể dẫn đến hậu quả là buộc một bên ngay tình phải chịu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, để bảo vệ bên ngay tình nếu vẫn xác định có “lỗi” để cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu, chúng ta có thể quyết định bên “có lỗi” đó không phải bồi thường. Tuy nhiên, với cách xử lý này, chúng ta lại mâu thuẫn với quy định tại Điều 137, BLDS về “hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu” theo đó “bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.

 2. Kiến nghị cách sửa đổi về đối tượng của sự nhầm lẫn

Phần trình bày trên cho thấy, văn bản chỉ giới hạn ở nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng trong khi đó thực tế có thể tồn tại nhầm lẫn về chủ thể. Mặc dù văn bản chỉ giới hạn ở nhầm lẫn về nội dung, thực tiễn xét xử vẫn cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về chủ thể. Tòa án dường như đã “vượt rào”, thiếu cơ sở “văn bản” cho quyết định của mình. Để thực tiễn có “cơ sở pháp lý” cho những phán quyết của mình về nhầm lẫn đối với trường hợp như ở trên, chúng ta nên sửa đổi BLDS. Nên thêm quy định cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về chủ thể.

Không hiếm hệ thống luật đã quy định rõ khả năng tuyên bố hợp đồng vô hiệu do có nhầm lẫn về chủ thể tham gia hợp đồng. BLDS Pháp cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về chủ thể nếu đó là nhầm lẫn về những yếu tố quan trọng của đối tác và khi nhân thân của đối tác có vai trò quan trọng đối với quyết định giao kết hợp đồng. Giải pháp này vẫn được giữ lại và bổ sung trong dự thảo sửa đổi BLDS Pháp về hợp đồng.

Với việc so sánh và phân tích thực tiễn Việt Nam ở trên, thiết nghĩ, chúng ta nên bổ sung quy định về nhầm lẫn về chủ thể: một bên có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng khi nhân thân của chủ thể tham gia giao kết hợp đồng là quan trọng trong việc giao kết.

 3.Kiến nghị về khái niệm nhầm lẫn

Trước khi đi vào kiến nghị cụ thể về khái niệm nhầm lẫn, chúng ta nên biết một số lý luận liên quan đến khái niệm này.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nhầm lẫn là “sự khác nhau giữa nhận thức của một bên về một vấn đề và thực tế của vấn đề này. Chẳng hạn, một bên nhận thức rằng đây là thật nhưng thực tế là giả”. “Bất kỳ sự khác nhau nào giữa nhận thức và thực tế đều có thể được coi là nhầm lẫn”. Trong vụ việc liên quan đến mua xe (đối tượng của vụ cướp) nêu trên, nhầm lẫn được thể hiện ở chỗ bên mua nghĩ rằng xe không phải là tài sản của một vụ cướp (thông thường khi mua xe, người mua nghĩ rằng xe hợp pháp) nhưng thực tế thì đây là tang vật của một vụ án hình sự. Điều đó có nghĩa là đối với bên mua có sự khác nhau giữa nhận thức của họ về chiếc xe và thực tế về chiếc xe này.

Nhầm lẫn phải tồn tại ở thời điểm “xác lập giao dịch”. Điều đó có nghĩa là “nhận thức” của bên nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng và “sự thật” về nội dung này phải được xác định tại thời điểm “xác lập giao dịch”. Tại thời điểm này, chúng ta phải biết cụ thể “nhận thức” của bên cho rằng đã nhầm lẫn là gì và “sự thực” về nội dung của hợp đồng tại thời điểm này như thế nào. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không được sử dụng những thông tin nảy sinh sau thời điểm này. Trong thực tế, chúng ta thường cần phải khai thác những thông tin phát hiện sau để biết có nhầm lẫn hay không, nhất là để biết “sự thật” như thế nào. Trong ví dụ mua xe Dream chẳng hạn, xe là đối tượng của vụ án hình sự và sự thật này tồn tại ở thời điểm giao kết hợp đồng nhưng chúng ta chỉ biết xe là đối tượng vụ án hình sự sau khi hợp đồng được giao kết, tức là khi Công an dừng xe và thông báo về chiếc xe.

Nhận thức của một người đối với một sự việc có thể thay đổi theo thời gian nên thời điểm nhận thức của họ cần được xác định một cách chính xác. Như đã nói ở trên, phải xác định nhận thức này vào thời điểm giao kết hợp đồng. Để hiểu rõ hơn, xin dẫn một ví dụ. Giả sử, A bán cho B một bức tranh. Khi bán, A chắc chắn rằng bức tranh này không phải của tác giả C (vì cho rằng đây là của tác giả D). Nhưng sau này, chuyên gia cho rằng đây có thể là tác phẩm của tác giả nổi tiếng C. Ở đây có sự khác nhau giữa nhận thức của A và thực tế của bức tranh nên có thể được coi là có nhầm lẫn. Thêm vào ví dụ tình tiết sau: trước khi bán một thời gian, A đã từng nghĩ rằng tác phẩm đó là của C, nhưng lúc muốn bán để chắc chắn hơn, A đã mời chuyên gia về đánh giá và chuyên gia này khẳng định tác phẩm không phải là của C. Do đó, khi bán A nghĩ rằng đây không là tác phẩm của C và quyết định đem bán. Như vậy, trước khi bán, A nhận thức về tài sản khác với thời điểm giao kết hợp đồng. Ở đây, chúng ta phải đánh giá nhận thức của bên nhầm lẫn vào thời điểm giao kết.

Vẫn liên quan đến đánh giá “nhận thức” của bên bị coi là có nhầm lẫn, lưu ý thêm là việc đánh giá này thực chất rất khó vì “nhận thức” là vấn đề nội tâm. Nếu các bên nêu rõ “nhận thức” này trong hợp đồng thì chúng ta chỉ việc căn cứ vào hợp đồng để biết được nhận thức của các bên. Tuy nhiên, có những trường hợp nhận thức này không nói rõ trong hợp đồng. Chẳng hạn, khi mua chiếc xe máy thì người mua không nêu rõ trong hợp đồng là chiếc xe này không là đối tượng của vụ cướp. Do vậy, trong những trường hợp đó, chúng ta nên dùng phương pháp suy đoán bằng cách xác định “nhận thức” của một người bình thường trong hoàn cảnh tương tự. Một người bình thường khi mua xe Dream với giá 28 triệu thì hiển nhiên họ phải nghĩ chiếc xe này không là đối tượng của một vụ cướp; nếu họ biết xe là đối tượng của vụ cướp thì họ không mua với giá như thế. Ở đây, bên mua đã trả chiếc xe với giá 28 triệu đồng nên có thể suy đoán là bên mua “nghĩ” rằng chiếc xe này không phải là đối tượng của một vụ cướp.

Một số văn bản quan trọng về hợp đồng, bên cạnh thừa nhận nhầm lẫn là căn cứ làm cho hợp đồng vô hiệu, đã cố gắng làm sáng tỏ khái niệm nhầm lẫn.

Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên tham khảo định nghĩa nhầm lẫn này nếu chúng ta muốn đưa khái niệm nhầm lẫn vào trong BLDS.

Kết luận

 

Nhầm lẫn trong giao kết hợp đồng khá phổ biến, các vụ việc phân tích ở trên phần nào đã cho thấy điều này. BLDS của chúng ta đã có quy định về chế định này nhưng đã thể hiện một số bất cập. Nhân dịp sửa đổi BLDS, chúng ta nên hoàn thiện chế định này như về khái niệm nhầm lẫn, về nguyên nhân gây ra nhầm lẫn và đối tượng của nhầm lẫn khi việc giao kết hợp đồng có nhầm lẫn.

  

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT CĂN BẢN VỀ HỢP ĐỒNG

Tác giả Nhóm 8
Tạp chí TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ TP. HCM
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ