Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

 

HÒA GIẢI TRONG THƯƠNG MẠI VÀ PHÁT TRIỂN PHƯƠNG THỨC HÒA GIẢI TRONG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

 

THS. LƯU HƯƠNG LY – Giảng viên Khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội

 

Hoà giải thương mại hay trung gian thương mại1 (Commercial Mediation) là một phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Cùng với thương lượng và trọng tài, hoà giải được coi là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) và rất được các doanh nhân ưa chuộng do những ưu điểm vượt trội của các phương thức này so với tố tụng tòa án. Với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nói chung và phương thức hòa giải nói riêng tại Việt Nam, bài viết giới thiệu những đặc điểm cơ bản nhất của phương thức hòa giải và phân tích một số điểm còn khiếm khuyết của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành của Việt Nam liên quan đến phương thức hòa giải trên cơ sở đối chiếu và so sánh với kinh nghiệm của một số nước.

1. Bản chất và sự phát triển của phương thức hòa giải ở một số nước

Bản chất của phương thức hòa giải

Hoà giải là quá trình các bên đàm phán với nhau về việc giải quyết tranh chấp với sự trợ giúp của một bên thứ ba độc lập (hoà giải viên)2. Hòa giải khác với phương thức thương lượng ở sự có mặt của bên thứ ba (hòa giải viên) và cũng khác với phương thức trọng tài ở chỗ, hòa giải viên không có quyền xét xử và ra phán quyết như trọng tài viên. Vai trò của hòa giải viên trong quá trình hòa giải chỉ dừng lại ở việc khuyến khích và trợ giúp các bên tìm ra một giải pháp mang tính thực tế mà tất cả các bên liên quan đều có thể chấp nhận sau khi xem xét, nghiên cứu những lợi ích và nhu cầu của họ. Tùy thuộc nội dung, tính chất của vụ tranh chấp và sự thỏa thuận của các bên, số lượng hòa giải viên có thể là một hoặc nhiều. Theo thông lệ quốc tế, căn cứ vào tổ chức đứng ra thực hiện việc hòa giải, hòa giải được chia thành hai hình thức là hòa giải công (public mediation) và hòa giải tư (private mediation). Hòa giải công do các cơ quan nhà nước, chủ yếu là các Tòa án, đứng ra thực hiện (gọi là court-based mediation). Hòa giải tư thường do các tổ chức trọng tài thương mại3 hoặc các tổ chức hòa giải thương mại chuyên nghiệp tiến hành4. Ngoài ra, các bên cũng có thể yêu cầu các cá nhân (thường là chuyên gia về hòa giải hoặc về lĩnh vực đang có tranh chấp) đứng ra hòa giải.

Sự phát triển của phương thức hòa giải trên thế giới

Hiện nay, hầu hết các tổ chức trọng tài thương mại lớn trên thế giới đều có quy tắc hòa giải và tổ chức việc hòa giải nhằm giúp các tổ chức, cá nhân kinh doanh giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả5. Hoạt động hòa giải cũng bắt đầu diễn ra nhộn nhịp tại các nước trong khu vực với sự xuất hiện của nhiều trung tâm hòa giải như Trung tâm hòa giải của CIETAC (Trung Quốc), Trung tâm hòa giải Delhi (Ấn Độ), Trung tâm hòa giải Hồng Kông, Trung tâm hòa giải Indonesia, Trung tâm hòa giải Malaysia, Trung tâm hòa giải Philippine, Trung tâm hòa giải Singapore, Trung tâm hòa giải Thái Lan6… và đã thể hiện được những ưu điểm rõ rệt về thời gian, chi phí và hiệu quả, thu hút được sự chú ý của đông đảo giới luật sư và doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại Singapore, theo số liệu thống kê của Trung tâm hòa giải Singapore (SMC), tính tới tháng 4/2009, đã có 1.400 vụ tranh chấp được đưa tới trung tâm này để hòa giải, trong đó tỷ lệ hòa giải thành công chiếm khoảng 75%. Trong số các vụ tranh chấp được hòa giải thành, trên 90% được giải quyết chỉ trong vòng một ngày làm việc. Các tranh chấp được đưa ra hòa giải tại đây rất đa dạng từ các tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng, hợp đồng, công ty, bảo hiểm, hàng hải cho tới các loại tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, lao động, công nghệ thông tin, bồi thường thiệt hại… Ngay cả những vụ tranh chấp có giá trị lớn (trên 90 triệu đô la Singapore) cũng đã được tiến hành hòa giải tại SMC. Về mặt chi phí, các bên tranh chấp rõ ràng cũng đã tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn nếu so với tố tụng tại Tòa án. Ví dụ, đối với một vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa trung thẩm (High Court), nếu các bên chọn con đường hòa giải tại SMC, các bên có thể tiết kiệm được tới 80.000 đô la Singapore. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối năm 2008 với 18.884 bên tranh chấp và 1.563 luật sư đại diện cho các bên tranh chấp khi tham gia hòa giải tại SMC, trên 80% đối tượng được hỏi đã khẳng định tiết kiệm được chi phí và thời gian khi sử dụng phương thức này và trên 94% cho biết sẽ giới thiệu phương thức này cho các tổ chức cá nhân khác khi có tranh chấp tương tự7.

Hiện nay, tại Việt Nam, phương thức hoà giải thường được tiến hành kết hợp với phương thức tố tụng trọng tài hay Tòa án, theo đó, việc hòa giải giữa các bên tranh chấp chủ yếu do các thẩm phán hoặc trọng tài viên tiến hành trong quá trình tố tụng8. Ngoài ra, trên thực tế, các bên tranh chấp cũng có thể nhờ tới các chuyên gia là những người có kỹ năng và kinh nghiệm về hòa giải hoặc một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực đang tranh chấp (như tài chính, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm…) đứng ra thực hiện việc hòa giải9. Trung tâm hòa giải với tư cách tổ chức hòa giải thương mại chuyên nghiệp mới bắt đầu được hình thành với việc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) đưa ra Bộ quy tắc hoà giải và bắt đầu cung cấp dịch vụ này vào năm 200710.

2. Những nguyên tắc cơ bản của hòa giải

Hòa giải mang tính chất tự nguyện

Cũng giống như trọng tài, các bên tham gia vào quy trình hòa giải trên tinh thần tự nguyện, không bên nào có thể ép buộc bên nào tham gia vào phương thức này. Sự tự nguyện còn được thể hiện ở việc các bên có thể quyết định hoàn toàn quy trình hòa giải. Về nguyên tắc, sau khi được các bên lựa chọn, hòa giải viên sẽ gợi ý và hướng dẫn các bên về quy trình thủ tục hòa giải mà hòa giải viên dự định tiến hành. Tuy nhiên, các bên có quyền đề xuất với hòa giải viên những thay đổi cần thiết cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Cuối cùng, các bên hoàn toàn quyết định về việc giải quyết nội dung vụ tranh chấp. Khác với trọng tài viên, hòa giải viên không có quyền xét xử và ra phán quyết mà kết quả giải quyết vụ tranh chấp phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Tùy thuộc mô hình hòa giải và phong cách mà từng hòa giải viên áp dụng, hòa giải viên có thể cung cấp những nhận định, đánh giá về nội dung vụ tranh chấp cũng như ý kiến tư vấn về cách thức giải quyết vụ tranh chấp. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, những nhận định và ý kiến của hòa giải viên chỉ có tính chất tham khảo và không có tính chất ràng buộc đối với các bên tranh chấp. Việc các bên có đi đến thỏa thuận hòa giải hay không và nội dung của thỏa thuận đó sẽ do các bên tự quyết định.

Hòa giải mang tính bí mật

Khi tham gia vào quá trình hòa giải, các bên phải ký cam kết không tiết lộ những thông tin có được từ quá trình hòa giải. Nếu việc hòa giải không thành và các bên phải sử dụng trọng tài hay Tòa án để tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp thì những thông tin có được trong quá trình hòa giải sẽ không thể trở thành bằng chứng để chống lại một trong các bên. Bản thân hòa giải viên cũng phải cam kết giữ bí mật tất cả những thông tin do các bên cung cấp trong quá trình hòa giải. Nếu việc hòa giải không thành và các bên phải sử dụng trọng tài hay Tòa án để tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp thì các bên cũng không được yêu cầu triệu tập hòa giải viên với tư cách nhân chứng cho vụ tranh chấp.

Hòa giải viên phải độc lập và khách quan trong quá trình giải quyết tranh chấp

Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của quá trình hòa giải. “Độc lập” và “khách quan” không có nghĩa hòa giải viên và một hay cả hai bên tranh chấp không quen biết nhau, trên thực tế hòa giải viên và các bên tranh chấp có thể cùng hoạt động trong một lĩnh vực. Nguyên tắc này đòi hỏi hòa giải viên không được thể hiện thái độ thiên vị đối với bất cứ bên tranh chấp nào trong việc điều khiển quá trình hòa giải cũng như trong việc đưa ra các nhận định hay ý kiến tư vấn. Trong trường hợp một trong các bên cảm thấy hòa giải viên vi phạm nguyên tắc độc lập và khách quan, bên đó có quyền yêu cầu thay đổi hòa giải viên hoặc yêu cầu chấm dứt và rút lui khỏi quá trình hòa giải.

Hòa giải không làm ảnh hưởng đến việc các bên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác

Tùy thuộc vào yêu cầu của bản quy tắc hòa giải của từng trung tâm hòa giải, nhìn chung, việc sử dụng phương thức hòa giải không làm ảnh hưởng đến việc các bên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác như trọng tài hay Tòa án. Các bên có thể tiến hành hòa giải song song với quá trình tố tụng trọng tài hay Tòa án11. Đây cũng chính là một điểm hấp dẫn thể hiện sự linh hoạt của phương thức này.

3. Quy trình hòa giải

Trên thực tế, không có một quy trình hòa giải mang tính thống nhất trên toàn thế giới mà mỗi trung tâm hòa giải và mỗi hòa giải viên sẽ áp dụng những quy trình riêng phù hợp với nội dung và tính chất của vụ tranh chấp. Nhìn chung, quy trình hòa giải thường bắt đầu bằng việc hai bên tranh chấp cùng đề nghị hòa giải với hòa giải viên hoặc một tổ chức hòa giải; một bên cũng có thể đơn phương liên hệ với hòa giải viên hoặc với một tổ chức hòa giải để yêu cầu tiến hành hoà giải, khi đó hòa giải viên hoặc tổ chức hòa giải sẽ liên hệ và thuyết phục phía bên kia tham gia hòa giải. Việc hòa giải chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của cả hai bên tranh chấp. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên sẽ áp dụng các kỹ năng giải quyết tranh chấp của mình nhằm giúp các bên thảo luận và thương lượng với nhau để tìm ra giải pháp cuối cùng cho vụ tranh chấp. Trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận, hòa giải viên sẽ giúp các bên soạn thảo thỏa thuận hòa giải một cách chi tiết, bản thỏa thuận này có giá trị pháp lý như một hợp đồng. Một trong các bên hoặc bản thân hòa giải viên có quyền chấm dứt hòa giải vào bất cứ giai đoạn nào của quá trình hòa giải khi thấy việc hòa giải sẽ không mang lại hiệu quả (ví dụ khi có bằng chứng để cho rằng một trong các bên thiếu thiện chí…).

Như vậy, so với tố tụng trọng tài và Tòa án thì phương thức hòa giải rõ ràng linh hoạt hơn cả về mặt thủ tục cũng như kết quả giải quyết vụ tranh chấp. Các bên hoàn toàn làm chủ quy trình hòa giải cũng như quyết định nội dung thỏa thuận về việc giải quyết vụ tranh chấp. Kinh nghiệm của các nước nơi hòa giải phát triển cho thấy phương thức này cũng giúp các bên tiết kiệm thời gian và chi phí hơn nhiều so với tố tụng trọng tài và tòa án. Ngoài ra, nguyên tắc bí mật của hòa giải cũng giúp các bên bảo vệ được bí mật kinh doanh của mình, đặc biệt là giữ gìn hình ảnh của doanh nghiệp mình trong mắt các đối tác và khách hàng. Điều quan trọng nhất mà hòa giải có thể mang lại cho các doanh nghiệp đó là việc duy trì mối quan hệ kinh doanh giữa các bên, điều này đặc biệt quan trọng khi các bên tranh chấp vốn là những đối tác có mối quan hệ kinh doanh lâu dài và có sự tín nhiệm nhất định đối với nhau. Khác với tính chất đối kháng của tố tụng trọng tài và tòa án, mục tiêu của phương thức hòa giải là tạo ra không khí thân thiện, mang tính xây dựng và tin tưởng giữa các bên tranh chấp, từ đó giúp các bên đề ra biện pháp giải quyết vụ tranh chấp. Trong suốt quá trình hòa giải, hòa giải viên phải tạo ra được bầu không khí cởi mở, hợp tác và khuyến khích các bên trao đổi thảo luận với nhau nhằm tìm ra một giải pháp cho vụ tranh chấp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận.

4. Một số vấn đề pháp lý phát sinh khi phát triển phương thức hòa giải thương mại tại Việt Nam

Vấn đề thực thi điều khoản hòa giải

Điều khoản hòa giải được hiểu là thỏa thuận giữa các bên về việc đưa vụ tranh chấp sẽ hoặc đã phát sinh ra giải quyết bằng phương thức hòa giải. Theo kinh nghiệm thực tiễn về hòa giải tại các nước phát triển, một điều khoản hòa giải thông thường sẽ được soạn thảo như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến hợp đồng này trước hết sẽ được giải quyết bằng phương thức hòa giải tại… (tên của một trung tâm hòa giải)… phù hợp với bản Quy tắc hòa giải của trung tâm này. Các bên cam kết sẽ tham gia hòa giải với thái độ thiện chí và bị ràng buộc bởi thỏa thuận đạt được trong quá trình hòa giải”.

Ngoài ra, các bên cũng có thể quy định thêm về việc giải quyết vụ tranh chấp tại Tòa án hay trọng tài nếu việc hòa giải không thành công và cam kết về việc giữ bí mật các thông tin tài liệu có được trong quá trình hòa giải cũng như việc yêu cầu triệu tập hòa giải viên với tư cách người làm chứng…

Cũng tương tự như điều khoản trọng tài, điều khoản hòa giải có thể được quy định thành một điều khoản ngay trong hợp đồng giữa các bên hoặc được các bên thoả thuận trong một hợp đồng riêng. Điều khoản này có thể được soạn thảo trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Vấn đề đặt ra là khi các bên đã có điều khoản hòa giải (ví dụ các bên thỏa thuận tiến hành hòa giải tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) và một bên đơn phương khởi kiện tới Tòa án thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án hay sẽ tạm dừng việc thụ lý vụ án và yêu cầu các bên tiến hành hòa giải (tại VIAC) trước? Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì việc các bên có thỏa thuận hòa giải không phải là một căn cứ để Tòa án từ chối thụ lý vụ án. Như vậy, việc các bên có thỏa thuận hòa giải trở nên vô nghĩa hoặc cùng lắm cũng chỉ có ý nghĩa khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng phương thức này, mà không hề có ý nghĩa ràng buộc của một quy định trong hợp đồng. Nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực hòa giải tại các nước phát triển đều cho rằng, việc Tòa án không công nhận và yêu cầu các bên thực thi thỏa thuận hòa giải trước khi thụ lý vụ án là đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của hợp đồng và không hỗ trợ cho sự phát triển của phương thức này12. Không ai bắt các bên tham gia vào thỏa thuận hòa giải, do vậy, về nguyên tắc, các bên có trách nhiệm tôn trọng và thực thi những điều mà họ đã thỏa thuận. Ngoài ra, về mặt chính sách, nhằm thúc đẩy sự phát triển của phương thức hòa giải, góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác giải quyết tranh chấp nhằm giảm tải cho hệ thống Tòa án thì việc Tòa án tạm dừng việc thụ lý vụ án và yêu cầu các bên tiến hành hòa giải trước là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Vấn đề cơ bản ở đây chính là sự cân nhắc giữa một bên là việc đảm bảo quyền được tiếp cận hệ thống Tòa án của các tổ chức, cá nhân trong xã hội với một bên là việc khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả thông qua phương thức hòa giải, giảm tải công việc cho các Tòa án. Hiện nay, pháp luật của một số nước như Anh, Australia, Hong Kong, Singapore13… cũng đang đi theo xu hướng công nhận và cho thi hành điều khoản hòa giải. Theo kinh nghiệm của các nước này, trong trường hợp trong hợp đồng giữa các bên có điều khoản hòa giải, Tòa án sẽ chỉ tiến hành thụ lý vụ án nếu (i) điều khoản hòa giải giữa các bên được quy định không rõ ràng (ví dụ không quy định thời hạn dành cho việc hòa giải), hoặc (ii) đã hết thời hạn dành cho việc hòa giải theo hợp đồng mà các bên không tiến hành hòa giải, hay (iii) các bên đã tham gia vào quá trình hòa giải và đã hết thời hạn dành cho việc hòa giải theo hợp đồng mà các bên không đạt được thỏa thuận. Nếu bên khởi kiện không chứng minh được vụ tranh chấp thuộc một trong các trường hợp nói trên, Tòa án sẽ tạm dừng quá trình tố tụng và yêu cầu các bên thực hiện điều khoản hòa giải trước.

Vấn đề đảm bảo tính bí mật của quá trình hòa giải

Vấn đề này thực sự có khả năng trở thành rào cản pháp luật lớn nhất đối với sự phát triển của phương thức hòa giải tại Việt Nam (đặc biệt là hòa giải tư) trong thời gian sắp tới. Cũng giống như đối với phương thức trọng tài, nguyên tắc bí mật được coi là nguyên tắc nền tảng và chính là điểm hấp dẫn của phương thức hòa giải. Thực tiễn phát triển của phương thức hòa giải trên thế giới cho thấy, chìa khóa thành công của phương thức này phụ thuộc rất nhiều vào sự cởi mở của các bên trong việc chia sẻ các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp. Nếu nguyên tắc bí mật trong hòa giải không được đảm bảo thì các bên khó có thể thẳng thắn trao đổi với nhau và với hòa giải viên về việc giải quyết vụ tranh chấp và quá trình hòa giải sẽ rất dễ đi đến thất bại… Vấn đề đặt ra là liệu các bên có “dám” trao đổi thẳng thắn và cởi mở với nhau không nếu như pháp luật không có cơ chế nào để đảm bảo tính bí mật của các thông tin và tài liệu14 được trao đổi trong quá trình hòa giải? Tiếc rằng pháp luật tố tụng dân sự hiện hành của Việt Nam còn bỏ ngỏ vấn đề này. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 chưa có quy định cụ thể nào nhằm hạn chế quyền của Tòa án trong việc triệu tập hòa giải viên như là một nhân chứng của vụ án. Điều 66, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 có quy định người làm chứng được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nghề nghiệp. Liệu những thông tin mà hòa giải viên có được trong quá trình hòa giải có được coi là bí mật nghề nghiệp và hòa giải viên có quyền từ chối cung cấp những thông tin này? Mặt khác, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể nào ngăn cấm hòa giải viên vi phạm cam kết của mình và tham gia tố tụng trọng tài hay tố tụng tòa án với tư cách nhân chứng nhằm chống lại một bên. Về vấn đề chứng cứ, pháp luật cũng chưa có quy định nhằm đảm bảo cho việc các chứng cứ được các bên đưa ra trong quá trình hòa giải sẽ không được ra làm chứng cứ tại Tòa án và trọng tài. Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 quy định, Tòa án không công bố công khai chứng cứ có liên quan đến bí mật nghề nghiệp và bí mật kinh doanh theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Việc các thông tin, tài liệu được các bên đưa ra trong quá trình hòa giải có được coi là bí mật nghề nghiệp hay không vẫn còn chưa rõ. Ngay cả nếu những thông tin, tài liệu này được coi là bí mật nghề nghiệp hay bí mật kinh doanh thì pháp luật chỉ yêu cầu Tòa án không công bố công khai chứ không yêu cầu Tòa án không sử dụng nhằm chống lại một bên. Như vậy, vấn đề bảo mật các thông tin, tài liệu trong quá trình hòa giải và vấn đề hạn chế việc triệu tập hòa giải viên với tư cách người làm chứng vẫn là những vấn đề chưa được quy định rõ trong pháp luật Việt Nam.

Do đó, với mục tiêu khuyến khích sự phát triển của phương thức hòa giải như là một biện pháp xã hội hóa công tác giải quyết tranh chấp nhằm giảm tải cho hệ thống Tòa án, Bộ luật Tố tụng Dân sự cần có quy định cụ thể về việc hòa giải viên có nghĩa vụ từ chối tham gia với tư cách người làm chứng trong quá trình tố tụng Tòa án hay trọng tài sau này. Ít nhất pháp luật Việt Nam cũng cần ghi nhận những hiểu biết và thông tin mà hòa giải viên có được trong quá trình hòa giải là bí mật nghề nghiệp và hòa giải viên có nghĩa vụ từ chối khai báo những thông tin này. Ngoài ra, tất cả những thông tin tài liệu do các bên đưa ra trong quá trình hòa giải phải được đảm bảo bí mật và không thể trở thành chứng cứ nhằm chống lại một bên trong tố tụng tại Tòa án hay trọng tài.

Vấn đề thực thi thỏa thuận hòa giải

Nói chung, pháp luật của nhiều nước chưa coi thỏa thuận hòa giải có giá trị pháp lý như một phán quyết trọng tài để có thể được công nhận và cho thi hành ngay, mà thường chỉ coi thỏa thuận hòa giải như một hợp đồng giữa các bên. Do vậy, trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận giải quyết vụ tranh chấp nhưng sau đó một bên không thực thi thỏa thuận này thì bên kia có quyền đệ đơn tới Tòa án để giải quyết vụ tranh chấp và thỏa thuận hòa giải trở thành một bằng chứng quan trọng. Thực tế cho thấy, trong những trường hợp như vậy, Tòa án các nước thường tiến hành thủ tục tố tụng rất nhanh chóng, ghi nhận thỏa thuận hòa giải và ra phán quyết có lợi cho bên bị vi phạm. Pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng đang đi theo hướng này, do vậy, đây không phải là một vấn đề lớn đối với hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta.

Chú thích:

(1) Hiện nay, những thuật ngữ này được sử dụng tại Việt Nam một cách thiếu nhất quán. Trong bài viết này, tác giả sử dụng thuật ngữ hòa giải, việc các bên tự thỏa thuận với nhau không có sự tham gia của bên thứ ba sẽ được gọi là thương lượng (tương đương với khái niệm ‘Negotiation’).

(2) Xem Goldberg, Sander & Rogers, Dispute Resolution: Negotiation, Mediation and Other Processes, (1992), trang 103.

(3) Ví dụ hòa giải theo Quy tắc hòa giải của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

(4) Việt Nam chưa có hình thức tổ chức hòa giải chuyên nghiệp này.

(5) Trong đó có ICC, AAA, WIPO, LCIA, HKIAC, UNCITRAL…

(6) Trên thực tế vào năm 2007, 07 trung tâm hòa giải là Trung tâm hòa giải Delhi (Ấn Độ), Trung tâm hòa giải Hồng Kông, Trung tâm hòa giải Indonesia, Trung tâm hòa giải Malaysia, Trung tâm hòa giải Philippine, Trung tâm hòa giải Singapore, Trung tâm hòa giải Thái Lan đã thành lập Hiệp hội Hòa giải châu Á (AMA) với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của hoạt động hòa giải tại châu Á, chia sẻ thông tin dữ liệu và những kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực. Xem website của Hiệp hội này tại < http://www.asianmediationassociation.org>.

(7)Những thông tin và số liệu trên được lấy từ website của SMC online tại <http://www.mediation. com.sg/mediation statistics.htm>

(8) Xem kết quả bảo cáo ‘Dự án điều tra cơ bản: Thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam và vai trò của các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp’ do Viện Nghiên cứu khoa hoc pháp lý – Bộ Tư pháp thực hiện trong bài ‘Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế – Doanh nghiệp còn lúng túng’ trên Báo Người đại biểu nhân dân online tại <http://www.daibieunhandan.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ ContentID /99439/Default.aspx#>

(9) Tuy vậy rất khó có thống kê chính xác về hình thức hòa giải này.

(10) Quy tắc hòa giải và Biểu phí hòa giải được đăng tại website của VIAC tại http://www.viac.org.vn/vi-VN/Home/default.aspx. Rất tiếc, hiện nay chưa thấy VIAC đưa ra con số thống kê cụ thể số lượng các vụ tranh chấp đã được đưa ra hòa giải cũng như tỷ lệ thành công của việc hòa giải tại đây để giúp các cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp có thể đánh giá hoạt động hòa giải của trung tâm này.

(11)Chú ý: khi tiến hành hòa giải tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), theo quy định của Quy tắc hòa giải của Trung tâm này thì các bên phải cam kết sẽ không tiến hành tố tụng tại trọng tài hay Tòa án trong suốt quá trình hòa giải.

(12)Ví dụ LV Katz, ‘Enforcing an ADR Clause – Are Good Intentions All You Have?’, (1988) 26 American Business Law Journal 575; M Shirley & A Wood, ‘Dispute Resolution Clauses’, (1991) 7 Queensland University of Technology Law Journal 165; Joel Lee, ‘The Ènforceability ò Mediation in Singapore’, Singapore Jỏunal of Legal Studies, (1999) 229-247…

(13) Ví dụ, xem Chỉ thị số 31 của Tòa án hướng dẫn về Hòa giải của Hồng Kông tại <http://www.news.gov.hk/en/category/lawandorder/091229/html/091229en08004.htm> theo đó, Tòa án Hồng Kông sẽ khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) và trong quá trình diễn ra hoạt động hòa giải giữa các bên, Tòa án có thể ra quyết định tạm dừng quá trình tố tụng cho đến khi quá trình hòa giải kết thúc.

(14) Đặc biệt là các bí mật kinh doanh.

 

HÒA GIẢI TRONG THƯƠNG MẠI VÀ PHÁT TRIỂN PHƯƠNG THỨC HÒA GIẢI TRONG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

Tác giả THS. LƯU HƯƠNG LY – Giảng viên Khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội
Tạp chí
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ