Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

LỰA CHỌN NGÀNH NGHỀ KINH DOANH DƯỚI GÓC ĐỘ QUYỀN TỰ DO KINH DOANH

Tóm tắt: Dưới góc nhìn so sánh giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật Trung Quốc, Hoa Kỳ và Singapore, bài viết chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt về quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh của chủ thể kinh doanh. Từ đó, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về ngành nghề kinh doanh nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam.


Quyền tự do kinh doanh là khả năng hành động, khả năng lựa chọn và quyết định, một cách có ý thức của cá nhân hay doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh; chẳng hạn như quyết định các vấn đề khi thành lập doanh nghiệp, lựa chọn quy mô và ngành nghề kinh doanh, lựa chọn địa bàn kinh doanh, lựa chọn đối tác, tự do lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp[1]… Bên cạnh đó, còn cách tiếp cận khác cho rằng, tự do kinh doanh là quyền của cá nhân trong việc thành lập và vận hành doanh nghiệp mà không bị sự can thiệp, cản trở từ phía Nhà nước[2]. Theo đó, quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh là một khía cạnh của quyền tự do kinh doanh. 
1. Quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh dưới góc nhìn so sánh

1.1.  Tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm

Điều 5 Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 có khẳng định rằng: “Pháp luật chỉ có thể cấm những hành vi có hại đối với xã hội. Tất cả những gì mà pháp luật không cấm đều là điều cho phép và không ai có thể bị buộc phải làm điều gì mà pháp luật không quy định”[3]. Quan điểm này không chỉ tác động tới nước Pháp, mà còn tác động tới các quốc gia khác trên thế giới bởi đây là một khía cạnh của quyền con người nói chung và tự do kinh doanh nói riêng. Chính vì lẽ đó, từ Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận về quyền tự do kinh doanh và đến Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Người dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33).

Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”[4] và trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện nay không cần phải ghi ngành nghề kinh doanh. Tức là, ngoài danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của Nhà nước thì doanh nghiệp có thể kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào doanh nghiệp lựa chọn mà không cần phải được sự “cho phép kinh doanh” của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh hiện nay cũng ít hơn so với giai đoạn trước kia. Theo pháp luật hiện hành, danh mục cấm đầu tư kinh doanh chỉ gồm có 07 ngành nghề[5]. Trước đó, Luật Đầu tư năm 2005 đưa ra danh mục ngành nghề cấm kinh doanh với số lượng khá lớn là 12 ngành nghề[6]. Sự thay đổi này cho thấy, chủ thể kinh doanh tự do hơn trong việc lựa chọn ngành nghề đầu tư kinh doanh. Với mục đích tạo điều kiện cho chủ thể kinh doanh dễ dàng tiếp cận và lựa chọn ngành nghề đầu tư kinh doanh, Việt Nam đã có hai động thái tích cực là mở cửa thị trường hàng hóa dịch vụ và hệ thống hóa ngành nghề kinh tế Việt Nam: (i) Cam kết mở cửa thị trường với 11 ngành và khoảng 110 phân ngành dịch vụ rất khác nhau, từ dịch vụ viễn thông, tài chính, giao thông vận tải tới các dịch vụ khác như dịch vụ liên quan tới sản xuất, dịch vụ nghe nhìn[7]; (ii) Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được hệ thống hóa chi tiết đến cấp 4[8].

Quyền tự do kinh doanh đã từng bước được phổ quát hóa trong pháp luật Việt Nam. Điều này cũng được thể hiện rõ khi pháp luật Việt Nam hiện hành tương đồng với pháp luật của các nước trên thế giới. Cụ thể:

Pháp luật doanh nghiệp Singapore và Luật Đăng ký kinh doanh Singapore khá giống với pháp luật Việt Nam về quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh. Trước hết, Luật Công ty Singapore ghi nhận: “Doanh nghiệp có đầy đủ năng lực để thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh hoặc lĩnh vực kinh doanh nào…”[9]. Theo đó, doanh nghiệp được kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào mà pháp luật Singapore không cấm. Hai là, cơ quan quản lý kế toán và doanh nghiệp (ACRA) cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với những thông tin rất ngắn gọn và không cần phải ghi ngành nghề kinh doanh. Ba là, các chủ thể kinh doanh dễ dàng tiếp cận, lựa chọn ngành nghề kinh doanh được ghi nhận trong Bộ quy chuẩn các ngành, nghề được phép kinh doanh - Tiêu chuẩn phân loại ngành (SSIC). Bộ tiêu chuẩn này được Cục thống kê Singapore cập nhật thường xuyên thông qua các cuộc điều tra và tổng hợp dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quản lý hành chính. Qua ba điểm nêu trên cho thấy, pháp luật Singapore và Việt Nam đã trao cho doanh nghiệp quyền chủ động trong lựa chọn ngành nghề kinh doanh với ngành nghề kinh doanh mở.
So với Việt Nam và Singapore, quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh của các chủ thể theo pháp luật Trung Quốc có phần hạn chế. Bởi vì, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty ngoài yêu cầu ghi tên, địa chỉ, vốn đăng ký, tên người đại diện thì giấy chứng nhận vẫn phải ghi nhận ngành nghề kinh doanh của công ty[10]. Ngoài ra, Luật Công ty Trung Quốc quy định: “Ngành nghề kinh doanh của công ty được quy định cụ thể trong điều lệ công ty và phải được đăng ký theo quy định của pháp luật. Nếu bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào của công ty cần được sự cho phép bởi quy định pháp luật hoặc quyết định hành chính, thì ngành nghề đó sẽ được phê duyệt theo luật này”[11]. Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật “cho phép” chứ không được kinh doanh ngành nghề pháp luật “không cấm”. 

1.2.  Điều kiện đầu tư kinh doanh

Theo pháp luật Hoa Kỳ, một số chủ thể kinh doanh và một số ngành nghề kinh doanh được quy định những điều kiện kinh doanh riêng. Tại Hoa Kỳ tồn tại hai hệ thống cấp phép[12]: (i) Hệ thống cấp phép của Liên bang: Doanh nghiệp nhập hoặc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, sinh học, công nghệ sinh học hoặc có nhà máy trên khắp các bang, sẽ phải xin giấy phép từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ; doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến tàu bay; việc vận chuyển hàng hóa, người qua đường hàng không sẽ cần phải áp dụng cho một hoặc nhiều giấy phép từ Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ… và các ngành nghề kinh doanh khác sẽ xin phép theo quy định của pháp luật. (ii) Hệ thống cấp phép của Bang: Mỗi bang khác nhau có quy định riêng về ngành nghề kinh doanh có điều kiện với các điều kiện khác nhau. Các Bang thường quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện rộng hơn các so với Liên bang. Ngoài các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật Liên bang, pháp luật của các Bang điều chỉnh hoạt động kinh doanh phổ biến tại địa phương như: Các cuộc đấu giá, xây dựng và giặt khô, nông nghiệp, hàn chì, nhà hàng, bán lẻ và bán hàng tự động... Nhìn chung, thủ tục xin phép và cấp phép kinh doanh tại Hoa Kỳ khá rõ ràng, chi tiết giúp cho các chủ thể kinh doanh dễ dàng thực hiện nên quyền gia nhập thị trường và quyền tự do kinh doanh được tôn trọng.

Về điều kiện kinh doanh của chủ thể kinh doanh, Singapore đặt ra điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề như: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ khám chữa bệnh, giao thông vận tải và lưu trữ, xuất nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh khách sạn, nhà trọ, hoạt động trong ngành giải trí[13]… Để được kinh doanh tại Singapore, chủ thể kinh doanh có thể phải xin cấp giấy phép[14]: (i) Giấy phép bắt buộc: Chủ thể phải có giấy phép này mới được thành lập doanh nghiệp. Loại giấy phép này chỉ áp dụng với một số ngành nghề như thành lập trường tư, công ty sản xuất video, công ty du lịch, các nhà phân phối rượu…; (ii) Giấy phép nghề nghiệp: Loại giấy phép này thường được các tổ chức nghề nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyên cấp cho những chủ thể kinh doanh dịch vụ gắn với chuyên môn như luật sư, bác sĩ, kiểm toán, giám định viên…; (iii) Giấy phép hoạt động: Sau khi thành lập, doanh nghiệp muốn thực hiện một số hoạt động kinh doanh phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền như các hoạt động: Xuất nhập khẩu, quảng cáo… và các loại giấy phép khác. Qua những thông tin trên cho thấy việc cấp phép hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Singapore khá chặt chẽ nhưng không làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của chủ thể. Bởi vì, Singapore xây dựng trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cấp phép kinh doanh trực tuyến nên chủ thể dễ dàng thực hiện mà không phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin cấp phép.

Theo Luật Cấp phép kinh doanh năm 2003 của Trung Quốc, việc cấp giấy phép được áp dụng cho những vấn đề sau[15]: Các hoạt động đặc biệt liên quan trực tiếp tới ninh quốc gia; sự phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên giới hạn; các ngành nghề cung cấp dịch vụ công; thiết bị quan trọng liên quan trực tiếp đến an ninh công cộng... Cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc có quyền cấp những loại giấy tờ sau[16]: Giấy phép; giấy chứng nhận; văn bản chấp thuận hoặc xác nhận và giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật.

Tương tự như các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng có quy định về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[17]. Chủ thể kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh. Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo một số hình thức sau đây: Giấy phép; giấy chứng nhận đủ điều kiện; chứng chỉ hành nghề; chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; văn bản xác nhận; các văn bản và điều kiện khác theo quy định của pháp luật[18].
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực trong quy định của pháp luật cũng như hỗ trợ của hạ tầng kỹ thuật để giúp các chủ thể kinh doanh tự do gia nhập thị trường, đặc biệt khi họ kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Năm 2016, Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014 đã ghi nhận chính thức chỉ còn 243 ngành nghề. Thêm vào đó, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã tổng hợp và nêu rõ các điều kiện kinh doanh và hình thức điều kiện kinh doanh. Chính nhờ có hạ tầng kỹ thuật và dữ liệu thông tin công khai, minh bạch của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giúp cho chủ thể kinh doanh dễ dàng tiếp cận thông tin để thực hiện thủ tục cần thiết gia nhập thị trường.

Việt Nam hiện là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ - AFAS và là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do - FTAs khác. Điều kiện kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài theo WTO, AFAS và FTAs đã được Việt Nam từng bước nội luật hóa. Các nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư khá linh hoạt như[19]: (i) Đối tượng áp dụng điều kiện đầu tư của nhiều điều ước quốc tế khác nhau thì nhà đầu tư được lựa chọn điều kiện của một trong các điều ước quốc tế đó; (ii) Phân ngành và ngành chưa cam kết hoặc chưa có trong biểu cam kết WTO và điều ước quốc tế khác thì áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam; (iii) Nhà đầu tư thuộc quốc gia vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thì được áp dụng điều kiện của biểu cam kết WTO; (iv) Trường hợp chưa có quy định trong biểu cam kết, điều ước quốc tế và trong pháp luật Việt Nam thì xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2.        Một số nhận định và kiến nghị 

Thứ nhất, căn cứ đặt ra quy định điều kiện kinh doanh
Theo khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 ghi nhận: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Tuy vậy, hiện nay nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện bị đặt ra những điều kiện kinh doanh thiếu căn cứ pháp luật.

Ví dụ: Điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh xuất khẩu gạo bao gồm: Có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa, cơ sở xay, xát quy định nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế[20]. Rõ ràng, nếu không quy định các điều kiện trên cho ngành nghề kinh doanh xuất khẩu gạo cũng không tác động xấu tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều đó cho thấy, các điều kiện trên đưa ra với ngành nghề kinh doanh xuất khẩu gạo là thiếu căn cứ. Tương tự với ngành nghề kinh doanh xuất khẩu gạo, nhiều ngành nghề kinh doanh khác có những điều kiện về trình độ, bằng cấp, chuyên môn, kinh nghiệm đối với người quản lý, người thực hiện rất phức tạp nhưng thiếu căn cứ như: Ngành nghề kinh doanh dịch vụ giám định thương mại[21], ngành kinh doanh lữ hành quốc tế[22] và nhiều ngành nghề khác.
Qua ví dụ trên cho thấy, nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam bị hạn chế bởi các điều kiện thiếu căn cứ, làm cản trở quyền tự do gia nhập thị trường của chủ thể kinh doanh. Vì vậy, để quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, trong đó có quyền tự do gia nhập thị trường trở nên phổ quát hơn, chúng tôi kiến nghị: (i) Rà soát và hủy bỏ những điều kiện thiếu căn cứ trong danh mục 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Việt Nam hiện nay; (ii) Trường hợp xuất hiện ngành nghề kinh doanh mới, cần phải quy định điều kiện kinh doanh thì các điều kiện được đặt ra phải dựa trên căn cứ tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014.
Thứ hai, ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam
Khoản 4 và 6 Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP đã có quy định về ghi ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam. Nếu chủ thể kinh doanh ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục nhưng cũng không thuộc hai trường quy định tại khoản 4 và 6 Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP sẽ gặp khó khăn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2014, nội dung của giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp phải có thông tin về ngành nghề kinh doanh. Các chủ thể kinh doanh, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn rất lớn khi không biết kê khai như thế nào trong giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp và có được đồng ý hay không đối với ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục. Chủ thể kinh doanh “băn khoăn” về vấn đề này rất dễ lý giải bởi vì họ phải đợi “cơ quan đăng ký doanh nghiệp xem xét và bổ sung vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”[23]. Thiết nghĩ quy định “chờ xem xét và bổ sung” nêu trên mâu thuẫn với quyền “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” đã được ghi nhận tại khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Chúng tôi kiến nghị như sau:
- Chủ thể kinh doanh có quyền đăng ký bất kỳ ngành nghề nào mà pháp luật không cấm (kể cả ngành nghề đó chưa có trong danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam và các văn bản pháp luật khác). Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đúng quy định và không có quyền từ chối với lý do ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục và chưa được xem xét, bổ sung vào cơ sở dữ liệu.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận đề nghị đăng ký ngành nghề kinh doanh mới từ các chủ thể kinh doanh. Sau khi xem xét, phân tích, cơ quan đăng ký doanh nghiệp thực hiện một trong các hoạt động sau: (i) Kiến nghị với Quốc hội bổ sung ngành nghề vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh đối với trường hợp ngành nghề đó xâm phạm tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng; (ii) Bổ sung ngành nghề vào cơ sở dữ liệu và đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành nghề kinh doanh mới (nếu ngành nghề không thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh).

Thứ ba, sự rõ ràng của điều kiện kinh doanh
Nhiều ngành nghề kinh doanh hiện nay có điều kiện kinh doanh được quy định không rõ ràng. Chính sự không rõ ràng này dẫn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể tùy tiện trong quản lý và ảnh hưởng tới quyền tự do gia nhập thị trường của chủ thể kinh doanh. Ví dụ như: “Có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong hoạt động điện ảnh”[24] là điều kiện đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty kinh doanh sản xuất phim; “có phẩm chất đạo đức tốt”[25] là điều kiện cấp chứng chỉ luật sư; “có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu, đủ năng lực để kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng”[26] là điều kiện được sản xuất xăng dầu.  Rõ ràng, với những điều kiện mang tính chung chung, trừu tượng như: “Có phẩm chất tốt”, “có năng lực”, “có kinh nghiệm”… sẽ dễ dẫn đến sự tùy tiện hoặc cản trở từ phía cơ quan quản lý. Điều này tác động rất lớn tới quyền tự do của chủ thể kinh doanh. Vì lẽ đó, chúng tôi kiến nghị: Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát và điều chỉnh những điều kiện kinh doanh sao cho rõ ràng, cụ thể, chi tiết, tránh dùng những từ trừu tượng, chung chung và khó định lượng như trên.

Thứ tư, thẩm quyền quy định và giải quyết hồ sơ đăng ký ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Theo khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 ghi nhận: “Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”. Tuy vậy, hiện nay số lượng lớn các điều kiện kinh doanh được ghi nhận trong các thông tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Các văn bản pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh do Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành là trái với tinh thần ghi nhận tại khoản 3 Điều 7 Luật này.
Việt Nam nếu tiếp tục thừa nhận thẩm quyền và cho áp dụng các điều kiện kinh doanh được quy định trong các văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ dẫn đến một số hệ lụy như sau: (i) Số lượng các điều kiện kinh doanh do các cơ quan này quy định nhiều gây cản trở quyền tự do gia nhập thị trường của chủ thể kinh doanh; (ii) Quy định về điều kiện kinh doanh giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ về cùng một vấn đề có thể chồng chéo, mâu thuẫn khiến chủ thể kinh doanh khó khăn trong việc áp dụng; (iii) Các điều kiện kinh doanh được nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, do nhiều cơ quan khác nhau quản lý khiến chủ thể kinh doanh gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về điều kiện kinh doanh; hoàn tất thủ tục liên quan tới điều kiện kinh doanh và liên hệ với cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Để chủ thể kinh doanh dễ dàng gia nhập thị trường và quyền tự do kinh doanh được phổ quát hóa tại Việt Nam, chúng tôi có một số giải pháp, kiến nghị như sau:
- Triệt để thực hiện quy định: “Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”. Tức là, các quy định về điều kiện kinh doanh hiện nay được ghi nhận trong các thông tư, quyết định sẽ không được áp dụng nữa.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan có thẩm quyền khác phối hợp với nhau để tổng hợp các điều kiện kinh doanh theo ngành, nhóm ngành cụ thể và tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh hoặc Quốc hội ban hành luật. Thiết nghĩ, khi các cơ quan làm được điều này thì điều kiện đầu tư kinh doanh ở Việt Nam được ban hành đúng thẩm quyền và điều kiện kinh doanh được quy định rõ ràng, thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn. 

- Thành lập cơ quan hành chính “một cửa” làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ liên quan tới điều kiện đầu tư kinh doanh. Cơ quan này gửi thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền để xử lý và tiếp nhận thông tin sau khi được xử lý. Cũng chính cơ quan này sẽ thông báo tới doanh nghiệp về việc đủ hay chưa đủ điều kiện kinh doanh. Nếu làm được điều này sẽ giảm chi phí cơ hội cho chủ thể kinh doanh, giúp họ dễ dàng, chủ động hơn khi gia nhập thị trường.

ThS. NGUYỄN THỊ THU TRANG
Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo:
[1]. Mai Hồng Quỳ (2012), Tự do kinh doanh và vấn đề bảo đảm quyền con người tại Việt Nam, Nxb. Lao động, TP. Hồ Chí Minh, tr. 54.

[2]. Terry Miller & Anthony B.Kim (2010), “Defining Economic Freedom”, The Heritage Foundation & The Wall Street Journal, 2010 Index of Economic Freedom, p. 59.[3]. Viện Nghiên cứu nhà nước và pháp luật (1995), Những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 104.

[4]. Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[5]. Xem khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014 và khoản 1 Điều 1 Luật số 03/2016/QH14 về sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

[6]. Phục lục 4 - Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, Luật Đầu tư năm 2005.

[7]. Ủy ban hỗ trợ thương mại đa biên - Mutrap II (2006), Cẩm nang cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO, Công ty in Phú Thịnh, Hà Nội, tr. 7.

[8]. Xem Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
[9]. Xem Article 23(1) Company Act of Singapore 2017.

[10]. Xem Article 7 Company Law of  the People's Republic of China (Revised in Dec 28, 2013).

[11]. Xem Article 12 Company Law of  the People's Republic of China (Revised in Dec 28, 2013).

[12]. Xem website của Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ Chính phủ Hoa Kỳ (SBA): https://www.sba.gov/business-guide/launch/apply-for-licenses-permits-federal-state, cập nhật lần cuối 10/9/2017.

[13]. Nguyễn Thị Huyền Trang (2017), “Pháp luật về điều kiện kinh doanh của một số quốc gia trên thế giới”, Mục nghiên cứu - trao đổi Tạp chí Tài chính tại website: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phap-luat-ve-dieu-kien-kinh-doanh-cua-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-116354.html, cập nhật lần cuối 09/9/2017.

[14]. Xem website Hệ thống dịch vụ cấp phép kinh doanh (OBLS) của Chính Phủ Singapore, https://licence1.     business.gov.sg, cập nhận lần cuối 10/9/2017.

[15]. Article 12 Administrative License Law of the People's Republic of China - 2003.
[16]. Article 39 Administrative License Law of the People's Republic of China - 2003.
[17]. Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014.
[18]. Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2014.
[19]. Xem điểm b, c, d, đ khoản 2 Điều 10 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2014.
[20]. Điều 4 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
[21]. Xem khoản 1 Điều 259 Luật Thương mại năm 2005.
[22]. Xem điểm c khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch năm 2017.
[23]. Trích khoản 5 Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
[24]. Khoản 2 Điều 15 Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi năm 2009).
[25]. Trích Điều 10 Luật Luật sư năm 2006.
[26]. Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

 

LỰA CHỌN NGÀNH NGHỀ KINH DOANH DƯỚI GÓC ĐỘ QUYỀN TỰ DO KINH DOANH

Tác giả ThS. NGUYỄN THỊ THU TRANG
Tạp chí
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ