Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

 

Một số quy định về người đại diện trong tố tụng hình sự

 

 

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, có nhiều quy định liên quan đến người đại diện. Người đại diện có thể là người tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho người bị buộc tội, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự hoặc cũng có thể với tư cách là người đại diện của người tham gia tố tụng khác. Trong phạm vi bài viết này tác giả đề cập tới một số quy định về người đại diện trong tố tụng hình sự.

1. Một số quy định liên quan đến người đại diện

Một là, quy định về người đại diện của người tham gia tố tụng

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, người tham gia tố tụng thuộc các trường hợp sau phải có người đại diện:

(i) Bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là pháp nhân.

+ Quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân (Điều 60, Điều 61). Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân quy định tại Điều 435.

+ Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ của bị hại được quy định tại khoản 2, 4 Điều 63. (khoản 5 Điều 62)

+ Người đại diện của pháp nhân là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền và nghĩa vụ quy định lần lượt tại các Điều 63, 64, 65.

(ii) Bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân dưới 18 tuổi, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

+ Người đại diện của bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân có quyền và nghĩa vụ quy định lần lượt tại các Điều 60, 61, 63, 64, 65.

+ Người đại diện của bị can, bị cáo có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại (Điều 457).

(ii) Bị hại là cá nhân dưới 18 tuổi, chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

+ Quyền và nghĩa vụ của người đại diện của cá nhân dưới 18 tuổi, chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thực hiện như quy định quyền và nghĩa vụ của bị hại tại khoản 2, khoản 4 Điều 62. (khoản 3 Điều 62)

(iv) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng dưới 18 tuổi.

Hai là, quy định về các trường hợp phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi

Nếu người đại diện của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định; người định giá tài sản; người phiên dịch, người dịch thuật thì họ phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi  theo quy định lần lượt tại khoản 1 Điều 49, khoản 5 Điều 68, khoản 5 Điều 69, khoản 4 Điều 70.

Ba là, quy định về bào chữa có liên quan đến người đại diện

- Người bào chữa: là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Người đại diện của người bị buộc tội có thể là người bào chữa.

- Lựa chọn người bào chữa (Điều 72, Điều 422): Người đại diện của người bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa cho người bị buộc tội.

+ Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện của họ để những người này nhờ người bào chữa.

+ Trong thời hạn 24 giờ kể khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người đại diện của họ. Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện của họ để những người này nhờ người bào chữa.

+ Trường hợp người đại diện của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.

+ Người đại diện của người bị buộc tội có quyền đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận từ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương trở lên cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

- Chỉ định người bào chữa (Điều 73, Điều 422)

+ Nếu người đại diện của bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người đại diện của người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa.

+ Người đại diện của người bị buộc tội có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa (kể cả người bào chữa do chỉ định). Trường hợp người đại diện từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa thì phải có có sự đồng ý của người bị buộc tội, trừ trường hợp người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi (khoản 1 Điều 77).

+ Thủ tục người đại diện của người bị buộc tội từ thay đổi người bào chữa thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76; thủ tục người đại diện của người bị buộc tội từ chối người bào chữa thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 77.

+ Trường hợp chỉ định người bào chữa mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa. Nếu người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa thì Hội đồng xét xử tiếp tục xét xét (khoản 2 Điều 291, điểm a khoản 1 Điều 351).

- Đăng ký bào chữa (Điều 78)

+ Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa là người đại diện phải xuất trình các giấy tờ: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;

+ Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Bốn là, quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

- Người đại diện của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thể làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

- Quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được quy định lần lượt tại Điều 83, Điều 84.

Năm là, quy định về Kê biên tài sản (Điều 128, Điều 437)

Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt người đại diện của bị can, bị cáo.

Sáu là, quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại (Điều 155)

- Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của người đại diện của bị hại nếu bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

- Người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Bảy là, quy định về sự có mặt và tham gia tố tụng của người đại diện

- Đối với bị can là người dưới 18 tuổi thì khi hỏi cung phải có mặt người đại diện của bị can. Người đại diện của bị can phải cùng ký vào biên bản hỏi cung (Điều 184).

- Đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định giao họ cho người đại diện giám sát để bảo đảm sự có mặt của họ khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 418)

- Người đại diện của người dưới 18 tuổi được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra (Điều 420).

- Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung người đại diện của họ. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người đại diện của họ. Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện của họ tham dự (Điều 421).

- Người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được điều tra viên, kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can (Điều 421).

- Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại diện của bị cáo, trừ trường hợp những người này vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Đối với vụ án có bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người đại diện hỏi bị hại, người làm chứng (Điều 423).

- Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người đại diện của bị hại (Điều 444).

- Từ khi xác định được người có hành vi nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Người đại diện của người đó có thể tham gia tố tụng trong trường hợp cần thiết (Điều 448).

- Người đại diện của người dưới 18 tuổi phải xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại (nếu có) trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng.

Tám là, quy định về kháng cáo của người đại diện (Điều 331)

- Người đại diện của bị cáo, bị hại (thuộc trường hợp có người đại diện) có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

- Người đại diện của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự (thuộc trường hợp có người đại diện) có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

- Người đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (thuộc trường hợp có người đại diện) có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Chín là, quy định về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân

- Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ của mình. Nếu có sự thay đổi những thông tin này thì người đại diện theo pháp luật phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 434).

- Khi triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải gửi giấy triệu tập. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ra quyết định dẫn giải (Điều 440).

- Việc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải do điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc tại trụ sở của pháp nhân. Trước khi tiến hành lấy lời khai lần đầu, điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải giải thích cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết rõ quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 435 của Bộ luật này và phải ghi vào biên bản. Không được lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân vào ban đêm. Kiểm sát viên lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong trường hợp người này không thừa nhận hành vi phạm tội của pháp nhân, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc kiểm sát viên lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng được tiến hành theo quy định. Việc lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của người đại diện, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Biên bản lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ  luật Tố tụng hình sự (Điều 442).

2. Một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn

Thứ nhất, chưa có quy định về chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ có quy định về chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi mà không có quy định về chỉ định người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại dưới 18 tuổi, người có khó khăn nhận thức, làm chủ hành vi; người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự là chưa đảm bảo nguyên tắc về quyền bình đẳng trước pháp luật được quy định tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự. Bị hại dưới 18 tuổi, người có khó khăn nhận thức, làm chủ hành vi; người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, nhất là bị hại dưới 18 tuổi không chỉ bị thiêt hại về thể chất, tinh thần và tài sản mà hành vi nguy hiểm cho xã hội của người bị can, bị cáo còn gây tác động lớn đến tâm lý của họ, có khi khiến họ trở thành người bị tâm thần hoặc sống tự kỷ không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai... Không phải bị hại nào cũng có điều kiện để nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho họ. Cho nên trong thực tiễn việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ do người đại diện của họ thực hiện. Tuy nhiên, trình độ hiểu biết pháp luật của người đại diện đôi khi cũng bị hạn chế. Điều này dẫn đến một thực tế đó là quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi nhất là người bị hại trong các vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không được đảo bảo.

Thứ hai, chưa có quy định về chỉ định người đại diện

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có quy định về người đại diện. Tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp bị can, bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi sống lang thang, cơ nhở, không xác định được địa chỉ; bị hại là người có khó khăn nhận thức, làm chủ hành vi; người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự và không có người đại diện thep pháp luật thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải cử người đại diện cho bị can, bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi; bị hại là người có khó khăn nhận thức, làm chủ hành vi; người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Thông thường, cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để cử người đại diện cho bị can, bị cáo, bị hại dưới 18 tuổi; bị hại là người bị hại là người có khó khăn nhận thức, làm chủ hành vi; người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Điều này cũng dẫn đến những nhận thức khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định giai đoạn nào mới cử người đại diện, việc cử người đại diện thực hiện như thế nào.

Thứ ba, về thủ tục đăng ký bào chữa cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định về thủ tục đăng ký bào chữa tại Điều 78. Tuy nhiên Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại không quy định về thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; bị hại, đương sự. Điều này đã dẫn tới một thực tế là khi người đại diện của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; bị hại, đương sự là cá nhân dưới 18 tuổi, có khó khăn nhận thức, làm chủ hành vi; người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự muốn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những người này nhưng họ không biết phải làm như thế nào. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng lúng túng trong các tình huống này.

Thứ tư, chưa quy định rõ về người đại diện của cá nhân

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ có những quy định chung về người đại diện. Do đó, có thể hiểu người đại diện trong tố tụng hình sự cũng bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Vấn đề này đã xảy ra trong thực tế là có cơ quan tiến hành tố tụng từ chối đăng ký bào chữa cho người đại diện theo ủy quyền hoặc không chấp nhận người đại diện theo ủy quyền là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người tham gia tố tụng hoặc không chấp nhận cho người đại diện theo ủy quyền của người tham gia tố tụng trong các trường hợp khi tiến hành tố tụng bắt buộc phải có người đại diện.

Thứ năm, chưa quy định rõ về người có nhược điểm về thể chất; người có nhược điểm về tâm thần

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định: Nếu người đại diện của người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có quy định việc xác định tình trạng người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất; người bị buộc tội có nhược điểm về tâm thần như thế nào, có bắt buộc có kết luận của cơ quan có thầm quyền hay có quyết định của Tòa án không, trình tự thủ tục như thế nào; người có nhược điểm về thể chất; người có nhược điểm về tâm thần có giống như người có khó khăn nhận thức làm chủ hành vi như quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 không[1].

Từ việc tìm hiểu các quy định về người đại diện trong Bộ luật Tố tụng hình sự để thấy rằng khi áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự vào thực tiễn đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định. Điều này đã gây ra những cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật, đôi khi còn tạo thành những rào cản làm hạn chế việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự./.

Dương Tấn Thanh

Tòa án nhân dân thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh


[1] Xem khoản 1 Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: “Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.”

 

 

Một số quy định về người đại diện trong tố tụng hình sự

Tác giả Dương Tấn Thanh - Tòa án nhân dân thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Tạp chí http://tcdcpl.moj.gov.vn
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ