Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

 

 

Nghề luật sư ở Việt Nam đã ra đời và hoạt động như thế nào? 

 

 

 

 

 

(LSVN)- Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam. Cùng với sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, những thiết chế dân chủ đã được khởi tạo và từng bước hoàn thiện trên cơ sở kế thừa những giá trị lịch sử và những thành quả cách mạng. Nhằm bảo đảm các quyền con người, đồng thời góp phần phát huy quyền dân chủ trong chế độ mới, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về việc thành lập đoàn thể luật sư. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, nghề luật sư ở Việt Nam đã và đang tích cực góp phần vào việc hoàn thiện nền tảng pháp luật, hệ thống tư pháp dân chủ nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

 

 

 

Nghề luật sư đã có mặt ở Việt Nam trên một thế kỷ
So với các ngành, nghề truyền thống lâu đời khác như “ngư, tiều, canh, mục”, “sĩ, nông, công, thương, binh” thì nghề luật sư ở Việt Nam còn khá non trẻ. Tuy nhiên, nếu tính theo thực tế từ thì nghề này đã xuất hiện ở nước ta đã hơn một thế kỷ.
Dưới chế độ quân chủ phong kiến phương Đông, Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) đều không có luật sư. Bởi, theo quan niệm lúc đó những người hiểu biết luật lệ, có khả năng chỉ vẽ cho dân chúng cách thức thưa kiện (mà bây giờ ta gọi là “làm tư vấn”) đều bị liệt vào hạng người “xui nguyên giục bị”, bị “phân biệt đối xử”, giống như “bọn người xướng ca vô loại” và đều bị coi là kẻ xấu, bị cấm đi thi. Phép thi Hương ban hành vào tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1462) dưới đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) quy định rõ: “Học trò trong nước, không kể hạng quân hay dân, người nào xin thi, đều cho phép viên quan bảo quản và xã trưởng làm giấy cam đoan người ấy thực sự có đạo đức, hạnh kiểm mới cho ứng thí. Còn những hạng người bất hiếu, bất mục, loạn luân và xui nguyên giục bị đều không được dự thi”1.
Tuy nhiên, trên thực tế trong xã hội Việt Nam khi xưa, ở đâu đó người ta vẫn thấp thoáng thấy sự hiện diện của những “thầy kiện”. Đó có thể là những người thân quen có sự hiểu biết nhất định hay người “văn hay chữ tốt” trong làng ngoài xã được nhờ để “tư vấn”, soạn thảo đơn từ. Sau này, do nhu cầu của xã hội đã dần hình thành những người làm công việc này một cách thường xuyên hơn, thậm chí làm “chui”.
Trong khi đó, khác với nhiều nước phương Đông, phương thức tố tụng phương Tây thời xưa đã có người bào chữa tham gia, bắt nguồn từ sự sáng tạo của nền pháp chế cổ La Mã tồn tại từ hơn 20 thế kỷ trước. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu, hoạt động “bào chữa” chủ yếu vẫn do những người thân, những nhà quý phái La Mã tham gia như là một hoạt động xã hội phụ thêm, chứ chưa phải thành một nghề nghiệp độc lập. Theo sự biến chuyển của xã hội, trước nhu cầu thực tế, hoạt động bào chữa dần trở nên phổ biến và được pháp luật thừa nhận. Qua tìm hiểu cho thấy, vào giai đoạn cuối của nền Cộng hòa La Mã (thành lập vào năm 509 trước công nguyên), người đi kiện đã biết nhờ người thân để giúp đỡ cho mình. Rút kinh nghiệm từ thực tế, nhà cầm quyền La Mã đã từng bước tìm cách quy chế hóa việc hành nghề bào chữa dựa theo những truyền thống và tập quán đã được hình thành sau nhiều thế kỷ.
Dưới thời Hoàng đế Theodosius I (379-395), những người bào chữa chuyên nghiệp đã hợp thành đoàn thể như đoàn thể kỹ nghệ hay tôn giáo. Nhưng phải đến giai đoạn các hoàng đế Justin (518-578) của vương triều Justin (Justinian Dynasty: 518-602) thuộc Đế chế La Mã phía Đông (Eastern Roman Empire) một đạo luật chính thức thiết lập đoàn thể luật sư La Mã mới được ban hành. Kể từ đó, lần đầu tiên luật sư đoàn được công nhận bởi luật lệ của nhà vua. Đoàn thể luật sư La Mã hoạt động trong nhiều thế kỷ và sau này bị tan rã cùng với sự sụp đổ của Đế quốc La Mã.
Còn nước Pháp, trước khi trở thành một quốc gia như ngày nay còn có tên gọi là “La Gaulle”, từng bị La Mã đô hộ suốt một thời gian dài và bị La Mã đồng hóa, nhất là trên bình diện luật pháp. Theo đó, nghề luật sư ở Pháp có thể đã hình thành và chịu ảnh hưởng từ La Mã.
Mô hình tổ chức tư pháp của Đế chế La Mã cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến các nước châu Âu, đặc biệt từ thế kỷ XI sau Công nguyên. Rồi theo con đường xâm lược và đô hộ của thực dân phương Tây, nó được lan truyền đến một số quốc gia Đông Nam Á từ thế kỷ XVII – XVIII. Nằm trong trào lưu này, sau khi xâm chiếm Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX, nhất là khi đã chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa), thực dân Pháp coi đây là “đất đai nước Pháp” và người dân 3 tỉnh này là “thần dân mới của Hoàng đế Pháp”. Ngày 25/7/1864, Hoàng đế Pháp Napoléon III ban Sắc lệnh về tổ chức nền tư pháp ở Nam Kỳ, trong đó, Điều 27 quy định: “Có thể thiết lập bằng Nghị định của Thống đốc, bên cạnh các tòa án những người biện hộ viên (bào chữa viên) đảm trách việc bào chữa và làm lý đoán, làm và ký tên tất cả những giấy tờ cần thiết cho việc thẩm cứu những vụ án dân sự, thương mại và chấp hành những bản án, những quyết định và bảo vệ cho bị can, bị cáo trước các tòa tiểu hình và đại hình”. Sau khi chiếm thêm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), Pháp sáp nhập 3 tỉnh này vào “Nam Kỳ thuộc Pháp”, đặt toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ dưới chế độ thuộc địa, tách Nam kỳ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Lúc này, triều đình Huế không còn quyền hạn gì đối với “Nam kỳ lục tỉnh” vốn là đất của nước Đại Nam nữa (Tuyên bố ngày 25/6/1867 của Phó Đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ De la Grandière – tại chức qua hai nhiệm kỳ 1863-1864 và 1866-1868). Ngày 26/11/1867 Thống đốc Nam Kỳ De la Grandière ký ban hành Nghị định về việc hành nghề bào chữa trước các Tòa án Pháp (dành xét xử người Pháp và người đã nhập quốc tịch Pháp ở Nam Kỳ). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về nghề luật sư, được chính quyền thực dân Pháp ban hành ở Việt Nam theo quy định tại Điều 27 Sắc lệnh ngày 25/7/1864 của Hoàng đế Napoléon III.
Dần dần, khi xâm chiếm thêm được các vùng đất khác, để tổ chức cai trị hiệu quả cũng như nhằm thực hiện các mục đích của mình trước các yêu cầu đặt ra, thực dân Pháp, cùng với việc thiết lập nên bộ máy quyền lực đã từng bước áp dụng luật pháp trên lãnh thổ thuộc địa.
Như vậy, nghề luật sư đã xuất hiện tại Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX và ban đầu luật sư chỉ thuộc về người Pháp và dành cho công dân Pháp cho đến năm 1930.
Những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghề luật sư được hoạt động trở lại qua Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, song do hoàn cảnh thực tế lúc đó, vì nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là cần tập trung mọi nỗ lực vào công cuộc kháng chiến chống Pháp trở lại, nên hầu như ở vùng giải phóng các văn phòng luật sư đều ngưng hoạt động. Một số luật sư đã tham gia cách mạng và trở thành những nhân vật quan trọng như Phan Anh, Trịnh Đình Thảo, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Trần Công Tường, Vũ Văn Hiền, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Bùi Thị Cẩm, Nguyễn Thành Vĩnh,... còn một số chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, vào cuối năm 1949, để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, chính quyền cách mạng đã thiết lập chế độ bào chữa viên tạm thời thay thế vai trò của luật sư. Cụ thể, ngày 18/6/1949 Sắc lệnh số 69/SL ra đời và ngày 22/12/1949 được thay thế bởi Sắc lệnh số 144/SL (sửa đổi Điều 1 Sắc lệnh số 69/SL) mở rộng quyền bào chữa cho các bị cáo trước các tòa án. Qua hai Sắc lệnh 69/SL và 144/SL đã cho thấy quyền bào chữa của công dân không chỉ được thực hiện ở các vụ án hình sự mà còn ở vụ án dân sự, kinh tế.
         Chế độ bào chữa viên được tiếp tục thực hiện sau khi chính quyền cách mạng giành thắng lợi ở vào năm 1954 ở Bắc cho đến ngày đất nước thống nhất (năm 1975). Trong suốt thời kỳ xây dựng miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội, đội ngũ bào chữa viên ngày càng phát triển. Bên cạnh các luật sư cũ đã tham gia kháng chiến, nhiều luật sư, luật gia đã từng làm việc trong chế độ cũ cũng được chọn cho gia nhập đội ngũ bào chữa viên của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Hiến pháp năm 1959 – Hiến pháp đầu tiên đưa nước ta lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lúc bấy giờ về quyền bào chữa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm” (Điều 101). Năm 1963, một văn phòng luật sư thí điểm đầu tiên ở miền Bắc được thành lập, đặt tên là “Văn phòng luật sư Hà Nội”. Sau khi văn phòng luật sư này được tổ chức, tình hình yêu cầu luật sư bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trước tòa án ngày càng tăng. Lúc đầu, luật sư nhận bào chữa những vụ án do Tòa án chỉ định, về sau các bị cáo, đương sự có nhu cầu mời luật sư thì trực tiếp đến “văn phòng luật sư”. Năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao “văn phòng luật sư” sang Ủy ban Pháp chế của Chính phủ (được thành lập năm 1972) để quản lý theo chức năng quy định tại Nghị định số 190/CP ngày 9/10/1972.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, kế thừa thực tế ở miền Bắc, tiếp tục cho thực hiện chế định bào chữa viên nhân dân ở các tỉnh miền Nam, vì các Luật sư đoàn ở miền Nam ra đời từ các chế độ cũ đều đã bị giải tán. Việc thực hiện quyền bào chữa này được triển khai trên cơ sở Điều 4 Sắc luật số 01-SL/76 ngày 18/3/1976 của Hội đồng Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và tinh thần Thông tư số 06-BTP/TT ngày 11/6/1976 của Bộ Tư pháp Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Thực hiện Thông tư nói trên, lúc này, ở thành phố Hồ Chí Minh thiết lập một Phòng Bào chữa viên nhân dân tạm đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, sau được dời qua trụ sở Phòng Chưởng khế Sài Gòn (cũ) đặt tại số 97 Nguyễn Thị Minh Khai (nay là đường Pasteur, quận 1) với nhân số ban đầu được 5 người, rồi tăng lên 7 người. Sau đó, Phòng Bào chữa nhân dân được đặt trực thuộc Ban Pháp chế Thành phố khi cơ quan này được thành lập.
Sau khi thống nhất về mặt nhà nước và pháp luật, tháng 11/1981, Bộ Tư pháp Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tái lập trở lại (2). Điều 133 Hiến pháp năm 1980 nêu rõ: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”. Trong khi chờ đợi quy chế về luật sư được ban hành, sau một thời gian khảo sát thực tế, Bộ Tư pháp ra Thông tư số 691/QLTPK ngày 31/10/1983 hướng dẫn kiện toàn tổ chức sẵn, quy định: Ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng… đã có tổ chức luật sư biện hộ thì tổ chức lại về tổ chức quản lý chặt chẽ hơn. Ở các tỉnh khác và đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, nếu có đủ điều kiện về nhân sự và được Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc khu cho phép thì thành lập “Đoàn bào chữa viên nhân dân tỉnh”.
Ngày 24/11/1984, Đại hội thành lập Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã diễn ra, với 16 luật sư thành viên sáng lập đầu tiên. Trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khác và đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo thì lập Đoàn bào chữa viên nhân dân. Đoàn bào chữa viên nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra được thành lập với 28 người. Như vậy, tổ chức luật sư ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh về mặt “giấy tờ”, đã chậm hơn thành phố Hà Nội hơn 5 năm.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập với quốc tế
Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, ngày 18/12/1987, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh Tổ chức luật sư. Từ đó, các tổ chức luật sư chuyên nghiệp ra đời thay thế các hình thức bào chữa viên nhân dân đã được thiết lập từ 38 năm trước ở miền Bắc (1949), hơn 10 năm sau ngày giải phóng miền Nam (1975), thống nhất đất nước (1976).
Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 đánh đấu bước ngoặc quan trọng biến những người bào chữa viên nhân dân thành đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì mới được tái lập lại trong hoàn cảnh vừa thoát ra khỏi cơ chế tập trung – quan liêu – bao cấp, nên nghề luật sư lúc bấy giờ vẫn còn tồn tại đặc điểm của cơ chế cũ, không phù hợp với sự chuyển biến đổi mới của xã hội. Quy chế luật sư được tiếp tục hoàn thiện vào các năm 2001, 2006 và 2012. Ngày 25/7/2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Luật sư, đưa chế định luật sư ở nước ta xích gần với thông lệ quốc tế. Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã phân định rõ tổ chức hành nghề với tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư; thể hiện theo hướng vừa bảo đảm sự quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hành nghề luật sư, vừa phát huy tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của các Đoàn luật sư.
Sau 5 năm thi hành, Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã góp phần tăng nhanh số lượng đội ngũ luật sư, trong đó đông nhất nước là Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Trước yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là quyết tâm của Việt Nam trong việc sớm gia nhập WTO, ngày 29/6/2006, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XI đã thông qua Luật Luật sư. Luật Luật sư năm 2006 gồm có 9 chương, 94 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Có thể nói Luật Luật sư năm 2006 là sự phát triển thêm một bước tiếp tục hoàn thiện quy chế nghề luật sư ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn không ít bất cập, hạn chế. Chất lượng của đội ngũ luật sư tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, số luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%. Trước tình hình đó, ngày 20/11/2012 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2006. Luật Sửa đổi, bổ sung năm 2012 cùng với việc duy trì các quy định cũ thì đã có những sửa đổi mới, như chuyển giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam một số nhiệm vụ quản lý nhà nước. Luật Luật sư được sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động luật sư nhằm nâng cao chất lượng luật sư, chất lượng hành nghề luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề và bổ sung một số quy định nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư trước những yêu cầu mới của cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, bảo đảm cho hoạt động luật sư tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và trên cơ sở Luật Luật sư năm 2006, sau một thời gian chuẩn bị từ ngày 10-12/5/2009 Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất đã diễn ra với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Như vậy, kể từ tháng 5/2009 nghề luật sư ở Việt Nam đã chính thức có một tổ chức xã hội nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc. Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, kể từ khi thành lập đến nay, bộ máy tổ chức của Liên đoàn đã được kiện toàn, ổn định và phát huy hiệu quả; 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có Đoàn luật sư hoạt động; sau hơn 6 năm, số lượng luật sư cả nước đã tăng từ hơn 5.300 người (tháng 5/2009) lên 10.000 người cùng với hơn 3.500 người tập sự hành nghề luật sư hiện nay. Hơn 6 năm qua, Liên đoàn đã tổ chức được gần 100 lớp bồi dưỡng luật sư với hàng ngàn lượt luật sư tham dự; Liên đoàn đã tặng Bằng khen cho trên một ngàn đơn vị, cá nhân; tặng Kỷ niệm chương cho trên 300 cá nhân và luật sư có nhiều đóng góp cho sự phát triển luật sư Việt Nam. Theo báo cáo của các Đoàn luật sư, từ tháng 5/2009 đến tháng 4/2015 số lượng vụ việc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý khác cho các cá nhân, tổ chức được 77.129 vụ án hình sự (trong đó có 34.635 vụ án hình sự được mời, 42.494 vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng); 65.263 vụ án dân sự; 5.486 vụ án kinh tế; 5.575 vụ án hành chính; 724 vụ án lao động; 272.365 vụ tư vấn trong các vụ việc khác; 9.133 đại diện ngoài tố tụng; 89.491 dịch vụ pháp lý khác; 37.827 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí... Trong những năm gần đây đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu với chất lượng ngày càng được nâng cao; Liên đoàn đã đảm nhận tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho luật sư, Đoàn luật sư trong quá trình hành nghề.
Cùng với hoạt động nghề nghiệp và thực hiện các nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, pháp lý của đất nước. Trong đó, đã có những đóng góp tích cực vào hoạt động cải cách tư pháp, xây dựng pháp luật, rà soát thủ tục hành chính; 4 lần ra tuyên bố phản đối phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đến nay, Liên đoàn đã thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức luật sư của các nước như Canada, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển, CHLB Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia...; tham gia Hiệp hội luật Châu Á Thái Bình Dương (LawAsia), chuẩn bị gia nhập Hiệp hội luật sư quốc tế (IBA); tham gia Chương trình đối tác tư pháp JPP, Tổ chức JICA, UNDP để hỗ trợ xây dựng các Kế hoạch chiến lược 5 năm của Liên đoàn, nâng cao trình độ của luật sư, đóng góp trong cải cách tư pháp.
Ghi nhận về truyền thống, sự nỗ lực và những đóng góp của luật sư trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước, ngày 14/1/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam. Nhân kỷ niệm 70 năm  Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2015), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trải qua 70 năm hình thành, hoạt động với sứ mệnh bảo vệ công lý, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay đội ngũ luật sư Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; cung cấp các dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội ngày càng chất lượng, trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu được của việc phát triển kinh tế tri thức và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 

Chí Trung - Nguyên Hùng

---*---
(1). Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, Tập X, Tổ biên dịch Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa biên dịch và chú giải, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959, trang 75/1023.]
(2) Bộ Tư pháp trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa giải thể sau khi Hiến pháp năm 1959 ra đời, thiết lập hệ thống cơ quan Tòa án và Viện kiểm sát theo mô hình xã hội chủ nghĩa.
---+---
(*) Bài viết được thực hiện trên cơ sở Bản thảo sách “Những chặng đường phát triển định chế luật sư ở Việt Nam” của hai tác giả  Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa. Các tài liệu tham khảo khác: Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ I (2009-2014) và phương hướng công tác nhiệm kỳ II của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ngô Văn Hiệp - Lịch sử hình thành và phát triển thiết chế luật sư tại Việt Nam, Tạp chí Luật sư Việt Nam  số 7, tháng 9/2014, tr.17.

 

 

 

 


Nguồn tin: T/C LSVN

Nghề luật sư ở Việt Nam đã ra đời và hoạt động như thế nào? (*)

Tác giả Chí Trung - Nguyên Hùng
Tạp chí Tạp chí Luật Sư Việt Nam
Năm xuất bản 2015
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ