Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay

1. Thực trạng công tác pctn ở nước ta hiện nay

   Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, hiện diện trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tham nhũng tồn tại ở mọi quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, không phân biệt trình độ phát triển. Ở Việt Nam, ngay từ những ngày đầu hình thành Nhà nước kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về tệ nạn tham nhũng, lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức và coi trộm cắp tiền bạc của nhân dân, gây tổn hại kinh tế cho Chính phủ cũng là mật thám, phản quốc. Lịch sử nước ta cho thấy, đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng luôn gắn liền với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Việt Nam.

   Pháp lệnh chống tham nhũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2000 là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác đấu tranh chống tham nhũng. Nội dung của Pháp lệnh tập trung chủ yếu vào việc “chống” tham nhũng trên cơ sở các quy định về trừng trị, xử lý tội phạm và tài sản tham nhũng. Với sự ra đời của Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 và các văn bản pháp luật khác, như: Bộ luật hình sự; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Pháp lệnh cán bộ, công chức…,cuộc đấu tranh PCTN ở nước ta bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh chống tham nhũng trong giai đoạn này đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập, chưa đáp ứng được các yêu cầu của quá trình hội nhập và phát triển.

   Khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998, Luật PCTN được Quốc hội khoá XI tại Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-6-2006 được coi là một liệu pháp mới cho cuộc đấu tranh PCTN. Với 48 điều trên tổng số 92 điều là các quy định về “phòng ngừa tham nhũng”, có thể nói tư tưởng phòng ngừa được thể hiện rất rõ nét trong Luật PCTN năm 2005( sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012).

   Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Luật PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng… trong đó có các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công như: trụ sở, trang thiết bị và phương tiện làm việc; tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; trả lương qua tài khoản đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách; đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng v.v…

   Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 23.380 văn bản mới; sửa đổi, bổ sung 24.024 văn bản để thực hiện Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các cơ quan chức năng ban hành nhiều quy định về cơ chế phối hợp trong PCTN như: Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về PCTN; Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc xử lý các vụ án tham nhũng(1)… Sau 8 năm thực hiện Luật PCTN và 7 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) với quyết tâm, nỗ lực của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị, công tác PCTN, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công.

   Trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí ã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, công tác PCTN, lãng phí còn nổi lên một số bất cập sau đây:

   Một là, một số văn bản, quy định nhằm thực hiện cơ chế, chính sách về PCTN chưa được ban hành đúng thời gian đã đề ra, như: quy định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; quy định về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng; đề án về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... Một số quy định đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung như chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng...

   Hai là, một số nơi, công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN mới tập trung đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên; việc tuyên truyền chưa được sâu rộng đến cấp cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa thật sự hấp dẫn; số báo, đài có chuyên trang, chuyên mục về PCTN còn ít và chưa duy trì thường xuyên. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng về công tác PCTN còn hạn chế, dẫn tới thiếu tự giác trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN.

   Ba là, việc công khai, dân chủ một số mặt hoạt động như cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, đầu tư dự án, xây dựng... vẫn còn nhiều hạn chế. Vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch. Nhiều chế độ, định mức, tiêu chuẩn chậm được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, nhất là các quy định về chi tiêu tài chính. Tình trạng vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nhiều cán bộ, công chức vẫn còn nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhân dân. Việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập còn ít, kết quả kê khai chưa được công khai, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn.

   Bốn là, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; còn có sự nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu khi có sai phạm và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; cán bộ lãnh đạo, quản lý “chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) chưa đi vào cuộc sống.

   Năm là, một số bộ, ngành, địa phương chưa thấy hết được ý nghĩa, tầm quan trọng và đòi hỏi cấp bách của việc tháo gỡ những cản trở, vướng mắc cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính; chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt và ưu tiên các nguồn lực cho công tác này. Các thủ tục hành chính vẫn còn thiếu tính liên thông và phối hợp trong thực hiện.

   Sáu là, công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn hạn chế, chưa tương xứng tình hình tham nhũng hiện nay. Hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở và chủ yếu là đối tượng trực tiếp thực hiện. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao, tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế v.v…

   2. những thách thức đặt ra trong công tác pctn ở Việt nam hiện nay

   Xuất phát từ thực tế tình hình tham nhũng ở nước ta hiện nay, có thể thấy những thách thức đặt ra trong công tác PCTN ở nước ta như sau:

   Thứ nhất, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, kể cả cấp Trung ương và địa phương chưa nêu gương về đạo đức, lối sống và chưa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

   Thứ hai, tính công khai, minh bạch, dân chủ trong xã hội và trong hoạt động của hệ thống chính trị còn hạn chế.

   Thứ ba, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

   Thứ tư, một số biện pháp PCTN được nhiều nước trên thế giới thực hiện và đánh giá tốt nhưng vẫn chưa được áp dụng ở Việt Nam.

   Thứ năm, tham nhũng ở Việt Nam mang tính phổ biến; vừa tinh vi, phức tạp, vừa trắng trợn, lộ liễu; xảy ra ở hầu hết các ngành, các cấp, thậm chí xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, nên việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý rất khó khăn.

   Thứ sáu, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn nhiều sơ hở, bất cập, thiếu công khai, minh bạch và nhất quán, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; thu - chi ngân sách; đầu tư, mua sắm công; quản lý doanh nghiệp nhà nước; quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Chế độ tiền lương của công chức, viên chức chưa hợp lý, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, không bảo đảm cho cuộc sống.

   Thứ bảy, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Thiếu cơ chế giám sát có hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đối với hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và hoạt động PCTN nói riêng; thiếu quy định cụ thể để bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng như nghiêm trị hành vi đe dọa, trả thù người tố cáo.

   Thứ tám, tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN chưa thật hợp lý; điều kiện hoạt động, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị này còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ yên tâm công tác; công tác quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, trong đó có việc kiểm tra, giám sát, PCTN trong nội bộ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát và tòa án chưa được chú trọng.

   3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về pctn

   PCTN là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Qua việc nghiên cứu về vấn đề này, chúng tôi xin kiến nghị một số nội dung như sau:

   Một là, xác định PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc PCTN cần triển khai trên cơ sở quán triệt nghiêm túc Kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 (khóa XI), theo đó cần tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

   1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, lãng phí.

   

   2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN, lãng phí.

   3. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN, lãng phí. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật…

   4. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí.

   5. Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong PCTN, lãng phí.

   

   6. Đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác PCTN.

   Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; có các biện pháp cần thiết để hạn chế việc đối phó của đối tượng có dấu hiệu tham nhũng khi bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử, thi hành án; xử lý nhanh chóng, kịp thời các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.

   Ba là, tăng cường các hoạt động giám sát của các cơ quan, của đại biểu Quốc hội đối với công tác PCTN. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận, của báo chí, của cử tri và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng.

   Bốn là, tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có chức năng chuyên trách PCTN với các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng.

   Năm là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về cơ chế quản lý công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển; thực hiện cải cách chế độ tiền lương, bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức có nguồn thu nhập chủ yếu bằng lương, sống bằng lương; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật, pháp lệnh về quản lý kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, việc chi phí hội nghị, lễ hội, tiếp khách, đi công tác nước ngoài.

   Sáu là, cần nghiên cứu thiết lập thiết chế chuyên trách để hỗ trợ Quốc hội trong PCTN. Cần tham khảo một số mô hình các cơ quan PCTN được áp dụng trên thế giới; tăng cường sự gắn kết giữa Kiểm toán Nhà nước với Quốc hội, nhất là với Ủy ban Tài chính, ngân sách, Ủy ban Kinh tế trong việc phát hiện việc sử dụng không đúng quy định ngân sách nhà nước. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước phải được trình, thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội; hoạt động của Kiểm toán Nhà nước phải theo sự chỉ đạo của Quốc hội.

 

(1) Viện Nghiên cứu Lập pháp: Báo cáo Hội thảo “Vai trò của Quốc hội trong PCTN”, ngày 09-9-2012.

TS. Hoàng Văn Tú

(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp

thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc Hội)

 

 

Tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay

Tác giả TS. Hoàng Văn Tú (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc Hội)
Tạp chí noichinh.vn
Năm xuất bản 2014
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ