Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin

Tóm tắt: Bài viết này trình bày một số bình luận và khuyến nghị hoàn thiện về quyền tiếp cận thông tin của công dân liên quan đến bí mật kinh doanh theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

 

Abstract: This article presents some comments and recommendations for completing the right of citizens' access to information relating to business secrets in accordance with the Law on Access to Information.

 

Ở nước ta, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân. Cụ thể hóa Hiến pháp, cùng với quá trình đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực, góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, góp phần đưa chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền được thông tin và pháp luật về quyền được thông tin của công dân ở nước ta thời gian qua còn có những vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Tiếp cận thông tin là hết sức cần thiết, thực hiện quyền tiếp cận thông tin là đảm bảo quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, là cơ sở, tạo điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ khác của con người, của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Luật Tiếp cận thông tin được thông qua ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Luật ra đời là một công cụ quan trọng thực thi quyền giám sát của công dân với hoạt động của các cơ quan nhà nước và đặc biệt là hoạt động kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước với nhau[1]; tạo ranh giới rõ ràng cho việc xác định đâu là thông tin công dân được tiếp cận và đâu là thông tin công dân không được tiếp cận hoặc tiếp cận trong phạm vi hẹp theo những quy định khắt khe của các luật chuyên ngành khác.

Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu về nội dung thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện, đặc biệt là thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin về thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện: “1. Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý. 2. Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý. 3. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.

Với nội dung của điều luật trên, tác giả có một số bình luận sau đây:

Thứ nhất, bí mật kinh doanh là gì? Bí mật kinh doanh cũng là một vấn đề có thể được hiểu rất rộng. Theo quy định pháp luật hiện hành[2] và theo cách hiểu được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ[3] thì bí mật kinh doanh có các vấn đề pháp lý như sau:

- Khái niệm: Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

- Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ: Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện: (i) Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; (ii) Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; (iii) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

- Sử dụng bí mật kinh doanh là việc thực hiện các hành vi: Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hóa; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.

- Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh: Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh: Bí mật về nhân thân; bí mật về quản lý nhà nước; bí mật về quốc phòng, an ninh; thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

- Chủ sở hữu bí mật kinh doanh không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi: (i) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp; (ii) Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); (iii) Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không nhằm mục đích thương mại; (iv) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập; (v) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thỏa thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.

- Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh: Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

+ Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

+ Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

+ Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;

+ Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;

+ Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này;

+ Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 128 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Như vậy, theo đánh giá chung của tác giả, nội dung của Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin quy định về những thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh có nhiều mối liên hệ và cách hiểu tương đối thống nhất theo tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này. Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh nên để ở nhóm những thông tin được tiếp cận có điều kiện hay những thông tin không được tiếp cận? Qua nghiên cứu kinh nghiệm của pháp luật quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia, theo tác giả, những thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh phải nằm và nên nằm trong nhóm thông tin không được tiếp cận hoặc được miễn trừ cung cấp và việc có cung cấp hay không do pháp luật liên quan quy định[4]. Bởi vì: (i) Bí mật kinh doanh - bí mật thương mại là những thông tin không phải do các cơ quan nhà nước tạo ra, không phải là những thông tin để công dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát và kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước đang nắm giữ nó, nên công dân không cần phải được tiếp cận; (ii) Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh chính là liên quan đến lợi ích kinh tế của các chủ thể kinh doanh; nếu nói bí mật nhà nước - lợi ích kinh tế của Nhà nước không được cung cấp và không được tiếp cận trong khi lợi ích kinh tế của các chủ thể kinh doanh ngoài nhà nước lại có thể được cung cấp cho công dân là cách tiếp cận chưa thực sự hợp lý. Lợi ích kinh tế quốc gia phải dựa vào lợi ích của các thành phần kinh tế trong xã hội; (iii) Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh chính là lợi thế cạnh tranh của các đối thủ trên thị trường, do các chủ thể kinh doanh tạo ra và nắm giữ; việc trao quyền tiếp cận thông tin cho công dân và coi đó là một loại thông tin như nhiều loại thông tin khác là một sự tiếp cận không phù hợp với thực tiễn nước ta đã và đang phát triển doanh nghiệp không bền vững và thiếu bản sắc cũng như những bí quyết, bí mật kinh doanh riêng, tạo dấu ấn trên thị trường trong và ngoài nước. Trên thực tế, những thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh gần như không thể bị tiết lộ và trước hết trách nhiệm bảo mật thuộc về cá nhân tạo ra và nắm giữ bí mật đó[5].

Thứ hai, thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh thường được tiếp cận và mong muốn tiếp cận từ các chủ thể kinh doanh hay nói hẹp hơn là các thương nhân (cá nhân hoặc pháp nhân có đăng ký kinh doanh) nhưng theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, đây là quyền của công dân. Như vậy, khi tiếp cận thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh - những thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh lại chỉ cần là công dân thì hoàn toàn có quyền tiếp cận những thông tin này mà không cần phải có tư cách của chủ thể kinh doanh[6]. Với chủ thể rộng như vậy, việc cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên thực tế. Đây là hoạt động yêu cầu và cung cấp thông tin của công dân thực sự cho thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin đối với mức độ chính xác, kịp thời... của thông tin là rất thấp bởi những yếu tố đó của thông tin chính là do chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó tạo ra và nắm giữ nó[7]. Bên cạnh đó, nếu các đối tác là cá nhân người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, mặc dù họ chỉ được tiếp cận thông tin nếu có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định[8], nhưng hoàn toàn có thể thuê một công dân Việt Nam để thu thập thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của đối tác kinh doanh mang quốc tịch Việt Nam, đó có thể là xuất phát điểm cho những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với cả các chủ thể kinh doanh trong và ngoài nước.

Thứ ba, thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý. Như vậy, bí mật kinh doanh của chủ sở hữu nắm giữ hoặc vừa tạo ra, vừa nắm giữ nhưng cũng lại do cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền nắm giữ - đây phải là những bí mật kinh doanh đã được Nhà nước bảo hộ thì cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này mới được nắm giữ (bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh). Tuy nhiên, thực tế bí mật kinh doanh không phải đăng ký bảo hộ[9] và nếu bị xâm phạm thì chủ sở hữu bí mật kinh doanh sẽ phải có nghĩa vụ chứng minh quyền được bảo hộ của mình bằng các chứng cứ thể hiện hoạt động mà trong đó thông tin tạo thành bí mật kinh doanh được tạo ra, tìm ra, có được và biện pháp bảo mật thông tin đó[10]. Như vậy, trên thực tế, cơ quan đăng ký và quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh gần như không hoặc rất ít nắm giữ bí mật kinh doanh, do đó, quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin không thực sự có ý nghĩa thi hành trên thực tiễn.

Thứ tư, bí mật kinh doanh có thể được cung cấp cho công dân mà chỉ cần chủ sở hữu đó đồng ý là được cung cấp nhưng lại không có những quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề này. Quy định này thực tế đã có mối liên hệ thống nhất với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nhưng nếu bí mật kinh doanh cung cấp cho công dân xong có phải cam kết tiếp tục giữ bí mật kinh doanh đó không? Nếu không có những cam kết mang tính pháp lý bắt buộc phải tiếp tục giữ bí mật thì thông tin được cung cấp đó cho công dân sẽ chính thức không còn là thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh nữa, khi đó, thông tin này cũng không còn nằm trong nhóm những thông tin được tiếp cận có điều kiện và sẽ trở thành thông tin được tiếp cận rộng rãi.

Như vậy, theo tác giả, quy trình yêu cầu cung cấp thông tin phải diễn ra như sau: (i) Người sở hữu bí mật kinh doanh (chủ thể kinh doanh) có đăng ký quyền bảo hộ; (ii) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành ghi nhận; (iii) Công dân có yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh; (iv) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang nắm giữ sẽ hỏi ý kiến của chủ sở hữu bí mật kinh doanh; (v) Chủ sở hữu đồng ý; (vi) Công dân được tiếp cận thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh; (vii) Công dân cần phải có những cam kết mang tính pháp lý tiếp tục giữ bí mật kinh doanh đó (nếu vi phạm cam kết sẽ có trách nhiệm pháp lý gì?). Đây là một quy trình cần được quy định cụ thể[11], tuy nhiên, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin chỉ dừng lại ở quy định về mẫu văn bản chấp thuận của cá nhân, tổ chức liên quan đến bí mật kinh doanh mà không có mẫu cam kết giữ bí mật kinh doanh của công dân khi tiếp cận.

Thứ năm, thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh hoàn toàn có thể được cung cấp trong trường hợp vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định của khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin[12]. Người có quyền quyết định việc cung cấp thông tin ở đây chính là người đứng đầu cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trường hợp này, mặc dù cá nhân sẽ quyết định, nhưng cần phải có cơ chế tập thể làm việc thảo luận, đề nghị, tham vấn... về nội dung cụ thể đối với những loại thông tin đó. Những thông tin nào sẽ vì lợi ích công cộng, sức khỏe cộng đồng theo quy định của luật liên quan cần phải được xác định và quản lý tốt. Trong bối cảnh việc quản lý thông tin chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, thủ tục hành chính có nhiều bất cập, nhưng thông tin lại hoàn toàn có thể bị tiết lộ với những chi phí không chính thức, tạo điều kiện cho tham nhũng[13] - đây chính là vấn đề cần được hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt để tránh sự tùy tiện của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong quản lý thông tin và đảm bảo thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được Nhà nước bảo hộ thật sự, tạo niềm tin cho các chủ thể kinh doanh.

Thứ sáu, Luật Tiếp cận thông tin được thông qua vào thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 vẫn còn hiệu lực, điều đó có nghĩa nghị định dự kiến được ban hành để hướng dẫn Luật Tiếp cận thông tin trên cơ sở của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Với một đạo luật chỉ có 37 điều, vai trò của nghị định là rất cần thiết và quan trọng trong việc hướng dẫn chi tiết mọi vấn đề mà luật chưa quy định rõ hoặc quy định chi tiết các biện pháp thi hành[14]. Việc Bộ Tư pháp vừa là cơ quan chủ trì xây dựng luật vừa là cơ quan chủ trì xây dựng nghị định cũng là một khía cạnh hết sức thuận lợi cho thực hiện xây dựng văn bản dưới luật.

Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ra đời và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 lại quy định việc xây dựng nghị định hướng dẫn luật chỉ ban hành để quy định chi tiết những điều, khoản, điểm được giao trong luật và các biện pháp thi hành[15]... Điều đó cho thấy, nếu không được luật giao thì nội dung của nghị định cũng sẽ rất ngắn gọn và chủ yếu là quy định chi tiết các biện pháp thi hành. Để phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hiệu lực của văn bản quy định chi tiết, Nghị định này xác định thời điểm có hiệu lực là ngày 01/7/2018, cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với điều kiện, nguồn lực thực tế, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định, đối với thông tin được các cơ quan nhà nước tạo ra hoặc nắm giữ trước ngày 01/7/2018 thì được tiếp cận theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

Nghị định hướng dẫn Luật Tiếp cận thông tin được xây dựng chịu sự điều chỉnh của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Với thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được đề cập ở trên, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP không có quy định cụ thể, chi tiết mà chỉ hướng dẫn thi hành một số nội dung. Cụ thể: Để cụ thể hóa điểm b khoản 1 Điều 34, điểm g khoản 1 Điều 17 của Luật Tiếp cận thông tin, Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 15/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 14/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định đã quy định về danh mục, phân loại, cập nhật thông tin. Theo đó, Nghị định quy định trách nhiệm lập, cập nhật danh mục thông tin phải công khai theo Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin, danh mục thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện theo Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin và danh mục thông tin đã được cung cấp. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính thống nhất trong việc xây dựng danh mục thông tin phải công khai của các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin, Nghị định cũng quy định về nội dung của danh mục thông tin phải công khai, cách thức kết nối giữa danh mục với các cơ sở dữ liệu khác hiện có chứa đựng thông tin và yêu cầu đăng tải danh mục trên chuyên mục về cung cấp thông tin tại trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin. Với mục đích “chuẩn hóa” các thông tin trước khi cung cấp thông tin cho công dân, đảm bảo các thông tin cung cấp cho công dân không thuộc thông tin không được tiếp cận, thông tin được tiếp cận có điều kiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định quy định trách nhiệm của đơn vị chủ trì tạo ra thông tin phải rà soát, xác định nội dung thông tin trong hồ sơ, tài liệu thuộc thông tin không được tiếp cận, thông tin được tiếp cận có điều kiện. Trên cơ sở đó, đơn vị đầu mối cung cấp thông tin có trách nhiệm loại bỏ các nội dung thông tin mang tính bí mật trước khi cung cấp cho công dân. Theo Điều 7 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP, đơn vị chủ trì tạo ra thông tin có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, xác định nội dung thông tin trong hồ sơ, tài liệu thuộc thông tin không được tiếp cận, thông tin được tiếp cận có điều kiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin trước khi chuyển cho đầu mối cung cấp thông tin. Đơn vị đầu mối cung cấp thông tin có trách nhiệm kiểm tra, loại bỏ các nội dung thông tin quy định khoản 1 Điều 7 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP trước khi cung cấp. Như vậy, thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh sẽ có sự nắm giữ của khá nhiều người, đó là người sở hữu, cơ quan quản lý thông tin, người đứng đầu cơ quan quản lý thông tin và đầu mối cung cấp thông tin. Càng nhiều người nắm giữ, tính chất bí mật của thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh càng khó đảm bảo.

Với những nội dung trong Nghị định số 13/2018/NĐ-CP nêu trên, thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh chưa thực sự tạo ra cách hiểu, cách tiếp cận thống nhất, đảm bảo tính bí mật của thông tin và thật sự có lợi cho người sở hữu bí mật kinh doanh cũng như tạo sự thuận lợi trong quá trình thực thi trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan quản lý bí mật kinh doanh đó.

Tóm lại, Luật Tiếp cận thông tin ra đời dựa trên cơ sở hiến định và để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 cũng là một trong những bước ngoặt trong đời sống pháp lý và nhu cầu của công dân trong bối cảnh chúng ta đang hướng đến một xã hội dân sự. Việc tiếp tục nghiên cứu, góp ý cho các dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân là một hoạt động mang tính chính trị, pháp lý sâu sắc và là trách nhiệm cao cả của mỗi công dân để hiểu và tự bảo vệ những quyền, lợi ích hợp pháp của chính bản thân được pháp luật quy định, bảo hộ. Hy vọng với những nghiên cứu trên đây sẽ góp phần để Luật Tiếp cận thông tin sớm có thể áp dụng và thực thi hiệu quả, hướng đến xây dựng một Nhà nước thực sự là “của dân, do dân và vì dân”.

ThS. Phạm Quý Đạt

Đại học Luật Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

[1]. Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.

[2]. Xem khoản 10 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 và Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

[3].Xemtại:http://www.noip.gov.vn/web/noip/home/vn?proxyUrl=/noip/cms_vn.nsf/(agntDisplayContent)? OpenAgent&UNID=8F45BC6949E693224725777300335F6F, truy cập ngày 23/11/2017.

[4]. Trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin trình Chính phủ ngày 29/9/2015, tại khoản 2 Điều 1 quy định: Thông tin thuộc bí mật kinh doanh, thông tin về sở hữu trí tuệ được tiếp cận theo quy định của pháp luật liên quan.

[5]. Bản chất của bí mật kinh doanh là tồn tại không công khai, được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để giữ nó nằm ngoài phạm vi tiếp cận của công chúng. Đối với bí mật kinh doanh, không thể sử dụng các công cụ của pháp luật về sở hữu trí tuệ như đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ để ghi nhận quyền của chủ sở hữu bí mật kinh doanh.

[6]. Ví dụ: Khi Doanh nghiệp A muốn tìm hiểu thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của Doanh nghiệp B do Nguyễn Văn C làm chủ và là người sở hữu bí mật kinh doanh đó. Doanh nghiệp A sẽ có rất nhiều cách tìm hiểu và hoàn toàn có thể cử một nhân viên của mình hoặc thuê bất kỳ một công dân nào đủ điều kiện có thể yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đó, việc còn lại là chờ Nguyễn Văn C có đồng ý hay không.

[7]. Cơ quan nhà nước nắm giữ thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh trong trường hợp này chỉ như là cầu nối và rất ít trách nhiệm nên rất có thể thông tin sẽ khó đảm bảo tính bảo mật trên thực tiễn.

[8]. Xem khoản 1 Điều 36 của Luật Tiếp cận thông tin.

[9]. Bí mật kinh doanh không phải đăng ký bảo hộ bởi nếu đăng ký bảo hộ thì phải có bản mô tả chi tiết, như vậy việc bảo mật bí mật dù do cơ quan bảo hộ nắm giữ nhưng rất khó có thể đảm bảo chắc chắn bí mật đó không thể bị tiết lộ, do vậy chỉ khi nào chủ sở hữu bí mật kinh doanh bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh thì họ mới phải chứng minh quyền của mình đối với bí mật kinh doanh mà mình tạo ra hoặc sở hữu.

[10]. Xem chi tiết tại trang web của Thanh tra - Bộ Khoa học và công nghệ trên địa chỉ: http://thanhtra.most.gov.vn/vi/boluatphapdien/view/id/389 truy cập ngày 1/12/2017.

[11]. Nội dung này Luật không giao Chính phủ quy định chi tiết.

[12]. Xem khoản 3 Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin.

[13]. Tham nhũng hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả tham nhũng trong khu vực công và tham nhũng trong khu vực tư (khu vực kinh doanh).

[14]. Xem Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

[15]. Xem Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin

Tác giả ThS. Phạm Quý Đạt - Đại học Luật Hà Nội
Tạp chí http://tcdcpl.moj.gov.vn
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ