Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Thực trạng, nguyên nhân tăng biên chế và các giải pháp tinh giản biên chế

 

PGS. TS. Văn Tất Thu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

 

1. Thực trạng biên chế hiện nay

 

Theo số liệu nêu trong Đề án "tiếp tục đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở" tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tháng 5/2013, tổng biên chế (gọi chung cho số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước) từ cấp huyện trở lên là 2.083.157 người (không kể biên chế trong lực lượng vũ trang).
 

Ảnh: Hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ tổ chức tháng 1/2016
 

Đáng chú ý là, tình trạng tăng biên chế xảy ở hầu hết các cấp, các ngành. Cụ thể, trong 5 năm (từ 2007-2011) biên chế các cơ quan của Đảng ở Trung ương tăng 2,23%; biên chế của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương tăng 3,87%; biên chế khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương tăng 2,66%; biên chế các cơ quan của Quốc hội tăng 48,58%; biên chế Văn phòng Chủ tịch nước tăng 15%; biên chế của các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương tăng 14,79% (trong đó, công chức tăng 15,11%, viên chức tăng 14,74%); biên chế ngành Tòa án tăng 32,1%; biên chế ngành Kiểm sát tăng 22,87%; biên chế trong Kiểm toán nhà nước tăng 63,15%.

 

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ ngày 11/10/2013 về kết quả tổng rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thì tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) năm 2002 là 200.784 người, năm 2012 là 273.617 người. Như vậy, trong 10 năm, từ 2002 - 2012 tăng 72.833 biên chế (tăng 36,27%).

 

Tổng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập: năm 2002 là 1.269.337 người; năm 2012 là 1.872.041 người. Trong vòng 10 năm, biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập tăng 602.704 người (tăng 47,48%)

 

Về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố: tính đến tháng 12/2012 có tổng số 1.215.709 người, trong đó, công chức cấp xã là 111.496 người; cán bộ cấp xã là 145.112 người; cán bộ không chuyên trách cấp xã là 229.112 người; cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 729.509 người.

 

Như vậy, "số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong các tổ chức của cả hệ thống chính trị không ngừng tăng, nhất là khối cơ quan hành chính, tư pháp, đơn vị sự nghiệp công". Tuy nhiên, theo đánh giá thì đội ngũ tuy đông nhưng không mạnh, vừa thiếu, vừa thừa; "một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực hạn chế, suy thoái phẩm chất đạo đức, tham nhũng, cửa quyền, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ, không đáp ứng được yêu cầu nhưng chưa có biện pháp đủ mạnh để đưa ra khỏi hệ thống chính trị". Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay có tới 256.608 người (trong khi, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính của cả ba cấp trung ương, tỉnh, huyện chỉ có khoảng 273.617 người) là cấp có số lượng cán bộ, công chức tăng nhanh, nhưng "trình độ, kiến thức, năng lực còn nhiều mặt hạn chế. Nhiều cán bộ, công chức cấp xã có biểu hiện xa dân, ít quan tâm đến rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực, uy tín. Một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở quan liêu, cửa quyền, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân".

 

2. Nguyên nhân tăng biên chế

 

2.1. Nguyên nhân khách quan

 

Tăng biên chế theo tốc độ tăng tự nhiên của dân số, tỷ lệ tăng dân số, rõ nhất trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế và các hoạt động sự nghiệp khác. Điều kiện kinh tế - xã hội ngày một phát triển kéo theo sự tăng nhanh các nhu cầu học tập, khám chữa bệnh và các nhu cầu khác về vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, do đó dẫn đến việc tăng lực lượng cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ và giải quyết các nhu cầu đó.

 

Việc chia tách, nâng cấp các đơn vị hành chính lãnh thổ các cấp làm tăng các tổ chức, đơn vị hành chính, các tổ chức đảng, đoàn thể, mặt trận, hội, tổ chức phi chính phủ. Năm 2000, cả nước có 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 615 đơn vị hành chính cấp huyện, 10.457 đơn vị cấp xã. Đến ngày 31/12/2013, nước ta có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp huyện có 708 đơn vị hành chính; cấp xã có 11.162 đơn vị. Vì vậy, chỉ cần mỗi xã tăng 1 biên chế thì cả nước sẽ tăng 11.162 biên chế.

 

Nhiều nhiệm vụ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở cửa hội nhập quốc tế nên cần thiết phải có thêm tổ chức và cơ quan mới, do đó cần có bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện nhiệm vụ, như: các cơ quan phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, tòa án hành chính, tòa án lao động, thi hành án dân sự, chống buôn lậu, kiểm toán nhà nước, ủy ban chứng khoán nhà nước, các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ khi nước ta gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế, cơ quan rà soát thủ tục hành chính.vv… Ngoài ra, biên chế tăng là do phải tăng cường chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực lớn như: công tác thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm soát, quản lý thị trường, kiểm lâm, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm.v.v…

 

Nguyên nhân tăng "biên chế sự nghiệp" ở trung ương là do thành lập mới, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các bệnh viện, viện nghiên cứu và các đơn vị sự nghiệp khác trên cơ sở quy hoạch mạng lưới các trường đại học, bệnh viện; do nhu cầu phục vụ, cung ứng dịch vụ công thuộc các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế thị trường.

 

"Biên chế sự nghiệp" của địa phương tăng cũng là do thành lập mới, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, tăng quy mô trường lớp, học sinh ở các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên; do thành lập, nâng cấp các tổ chức thuộc hệ thống y tế, như các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện và các trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình; do lập mới các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, lao động, thương binh và xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao để đáp ứng các nhu cầu và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

2.2. Nguyên nhân chủ quan

 

Chủ trương cải cách, sắp xếp, hoàn thiện tinh gọn bộ máy chính là để tinh giản biên chế, giảm số lượng cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện mới chỉ đạt được một số kết quả bước đầu, bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị chưa thực sự tinh gọn, chưa tiến hành đồng bộ giữa đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy với sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định tổ chức bộ máy, biên chế phù hợp với từng cơ quan chưa được làm rõ. Xã hội hóa dịch vụ công còn chậm, chưa có đầu mối thống nhất quản lý biên chế cho cả hệ thống chính trị. Việc chuyển cán bộ cấp xã thành công chức trên diện quá rộng.

 

Các đơn vị sự nghiệp công cũng được sắp xếp, kiện toàn cùng với việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, nhưng số lượng vẫn còn lớn. Cụ thể là, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hiện nay là 1.174 đơn vị, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương là 53.657 đơn vị.

 

Biên chế tăng một phần là do hành chính hóa, đặc thù hóa tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, hội, tổ chức phi chính phủ. Các hội quần chúng ngày một tăng nhanh. Năm 1986, cả nước có 30 hội quần chúng hoạt động trong phạm vi toàn quốc. Năm 1990, có khoảng 100 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 300 hội hoạt động trong phạm vi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2002, có 240 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 1.450 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2012, có 460 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc. Tính đến ngày 31/3/2013 có 2.912 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 5.194 hội hoạt động trong phạm vi cấp huyện và 28.372 hội hoạt động trong phạm vi cấp xã.

 

Về chỉ tiêu giao biên chế, hiện có 28 hội đặc thù hoạt động trong phạm vi toàn quốc được giao 674 biên chế. Ở các địa phương, đến nay có 8.966 hội có tính chất đặc thù và đã được giao 6.771 biên chế.

 

Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức chưa được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ. Mặc dù đã xây dựng được hệ thống các tiêu chuẩn chức danh, song trong thực tế việc giao biên chế chủ yếu theo số lượng; việc tuyển chọn và bố trí sử dụng không theo tiêu chuẩn chức danh. Mặt khác, không ít các tiêu chuẩn chức danh đề ra không sát với thực tế, một số tiêu chuẩn chức danh lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chậm được sửa đổi, bổ sung. Chất lượng, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, số người làm việc có chất lượng và hiệu quả cao không nhiều, số người làm công tác phục vụ khá đông ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công (chiếm khoảng 20%). Thực trạng vừa thiếu vừa thừa trong đội ngũ cán bộ, công chức chậm được khắc phục. Hệ thống tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá cán bộ, công chức chậm được đổi mới, chưa tạo ra cơ sở khách quan để đánh giá, sàng lọc, tinh giản, đưa những người không đủ trình độ năng lực và đạo đức nghề nghiệp ra khỏi nền công vụ. Nhưng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày một cao, khó khăn, phức tạp, do đó vẫn phải tiếp tục tuyển dụng cán bộ, công chức vào bộ máy, dẫn đến hệ quả biên chế tăng là điều tất yếu.

 

Căn cứ và cơ chế giao biên chế chưa được đổi mới căn bản, thiếu những cơ sở quan trọng để xác định biên chế như khung phân loại thống nhất tính chất, nội dung, tầm quan trọng, độ phức tạp, khối lượng công việc, cơ cấu công chức, sản phẩm và định mức lao động cụ thể.v.v... Ngoài ra, việc giao biên chế chủ yếu theo số lượng mà chưa chú ý đến chất lượng biên chế. Cơ chế giao biên chế gắn với giao kinh phí hoạt động hành chính của các cơ quan, đơn vị tổ chức, dẫn đến tình trạng xin tăng biên chế để có thêm kinh phí hoạt động.

 

Biên chế tăng còn do các văn bản quy phạm pháp luật quy định thành lập thêm tổ chức, quy định thêm các chức danh cán bộ, công chức và chế độ, chính sách mới.

 

Ngoài ra, tăng biên chế còn do tuyển chọn đầu vào không chặt chẽ, tinh giản và giải quyết đầu ra không kiên quyết (nhiều cán bộ, công chức nghỉ hưu không đúng tuổi quy định, nhiều cán bộ, công chức yếu kém cả trình độ, năng lực chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức chưa được tinh giản, thanh lọc ra khỏi bộ máy). Việc sàng lọc, tinh giản biên chế không được tiến hành thường xuyên; việc thực hiện chính sách tinh giản và giảm biên chế không thành công như mong đợi. Tổ chức khoa học lao động của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính ít được quan tâm hoàn thiện.

 

Bên cạnh đó, nguyên nhân của việc tăng biên chế một phần là do công tác quản lý biên chế còn hạn chế. Việc không quản lý thống nhất biên chế với quản lý đội ngũ cán bộ, công chức và không tập trung thống nhất vào một đầu mối, còn nhiều cơ quan quyết định, quản lý, đánh giá, sử dụng biên chế theo quy định riêng của mình cũng dẫn đến việc tăng biên chế.

 

3. Các giải pháp thực hiện tinh giản biên chế

 

3.1. Đổi mới nhận thức về bản chất và mục đích của việc tinh giản biên chế

 

Cần phải đổi mới nhận thức một cách đầy đủ về bản chất, mục đích của việc tinh giản biên chế trong bộ máy để có cơ sở xác định rõ đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ và các giải pháp, chế độ thực hiện tinh giản biên chế.

 

Tinh giản biên chế là việc áp dụng các giải pháp phân loại, sàng lọc (tinh lọc, chắt lọc) loại ra khỏi bộ máy những biên chế không cần thiết, làm cho đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng hơn, tinh thông hơn. Mục tiêu của tinh giản biên chế không đơn thuần là giảm về số lượng cán bộ, công chức, giảm chi phí hành chính, giảm ngân sách nhà nước mà là làm cho cơ cấu, số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là chất lượng chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp ngày một nâng cao. Tinh giản biên chế không thuần túy giảm theo số lượng mà phải tinh giản theo cơ cấu cán bộ, công chức.

 

Có quan niệm chính xác và đầy đủ thì khi tiến hành tinh giản không chỉ tinh giản những cán bộ, công chức tuổi cao, sức yếu mà phải xem xét tinh giản cán bộ, công chức theo cơ cấu, cụ thể là theo ngạch, bậc: nếu dôi dư ở ngạch, bậc nào phải tinh giản ở ngạch, bậc ấy; theo trình độ đào tạo: nếu thừa cán bộ, công chức ở trình độ đào tạo nào thì tinh giản ở trình độ ấy; theo giới tính: nếu dôi dư cán bộ, công chức theo giới tính nào thì phải tinh giản theo giới tính đó.v.v...

 

Việc tinh giản biên chế phải bảo đảm yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu cán bộ, công chức. Mục đích của việc tinh giản biên chế là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 

3.2. Xác định chính xác đối tượng cần phải tinh giản biên chế

 

Trong tinh giản biên chế cần phải phân loại, đánh giá một cách khách quan thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Trên cơ sở kết quả phân loại, đánh giá cán bộ, công chức đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất, tầm quan trọng, độ phức tạp và khối lượng công việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức để xác định chính xác các đối tượng và định mức cần phải tinh giản biên chế. Trong các đối tượng cần phải tinh giản chỉ nên phân thành hai đối tượng chính:

 

Một là, đối tượng buộc phải tinh giản là những cán bộ, công chức không đủ, không đạt trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức theo tiêu chuẩn chức danh, ngạch, bậc công chức; những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, vi phạm những điều cán bộ, công chức không được làm, vi phạm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; những cán bộ, công chức 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.v.v... Những đối tượng này phải được xem xét một cách nghiêm túc theo quy định của pháp luật và có giải pháp đủ mạnh để loại ra khỏi biên chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức.

 

Hai là, đối tượng cần phải thực hiện tinh giản biên chế theo chế độ, chính sách khuyến khích của Nhà nước. Đó là những cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp lại tổ chức và đổi mới cơ chế hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức; những người dôi dư do cơ cấu cán bộ, công chức trong cơ quan không hợp lý phải tái cơ cấu lại mà không thể bố trí, sắp xếp được công việc khác; những cán bộ, công chức không đủ sức khỏe để làm việc.v.v... Vì vậy, cần có chế độ, chính sách hợp lý để động viên, khuyến khích họ nghỉ việc, đồng thời đảm bảo về lợi ích để họ không bị thiệt thòi và tự nguyện, tự giác rời khỏi vị trí trong nền công vụ.

 

3.3. Đẩy mạnh cải cách, tinh giản bộ máy, rà soát sắp xếp, phân công, tổ chức lại lao động trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp

 

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để tinh giản biên chế. Kiên định và tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực ở Trung ương, tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực ở địa phương trên cơ sở những yêu cầu và những nguyên tắc khoa học.

 

3.4. Xác định biên chế của từng cơ quan trên cơ sở vị trí, tầm quan trọng, chức năng, nhiệm vụ, khối lượng và độ phức tạp của công việc, cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh, định mức lao động của cán bộ, công chức

 

Để thực hiện việc này cần khẩn trương xây dựng khung phân loại thống nhất, tầm quan trọng, độ phức tạp, khối lượng công việc quản lý hành chính của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; phân loại các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính; xác định cơ cấu cán bộ, công chức; hoàn thiện, chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức; xây dựng định mức lao động, định mức sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức. Đây là giải pháp quan trọng, cần phải đầu tư, nghiên cứu một cách cơ bản. Chỉ khi nào xây dựng được những cơ sở khoa học nói trên mới có thể khắc phục được tình trạng cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong giao và phân bổ cũng như tinh giản biên chế.

 

3.5. Đổi mới và thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng cán bộ, công chức

 

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức; bố trí, sử dụng cán bộ, công chức theo đúng tiêu chuẩn chức danh; thường xuyên phân loại, đánh giá, sàng lọc, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện nghiêm túc chế độ nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định của pháp luật.

 

3.6. Đẩy mạnh việc thực hiện khoán biên chế và chi phí hành chính

 

Thí điểm thực hiện cơ chế cấp phát ngân sách theo kết quả công việc thay cho cơ chế cấp kinh phí chủ yếu dựa vào chỉ tiêu biên chế đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công; nghiên cứu tiến tới chuyển đổi cơ chế giao biên chế sang cơ chế giao kinh phí.

 

3.7. Tăng cường thực hiện xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công

 

Chuyển giao những công việc, nhiệm vụ cơ quan nhà nước không nhất thiết phải trực tiếp thực hiện cho các hội, tổ chức phi chính phủ theo các quy định, tiêu chuẩn của Nhà nước. Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, tạo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế (nhân sự), kinh phí và kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Đồng thời, không công chức hóa viên chức sự nghiệp, thực hiện chế độ hợp đồng lao động dịch vụ thay cho việc cấp biên chế thường xuyên.

 

3.8. Xây dựng chính sách, pháp luật

 

Ban hành đồng bộ các chế độ, chính sách hợp lý để thực hiện sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế (chế độ nghỉ hưu trước tuổi; chế độ cho thôi việc, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức…).

 

3.9. Sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức theo quy định mới của Hiến pháp năm 2013

 

Chính phủ phải có nhiệm vụ, quyền hạn thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức, công vụ trong các cơ quan nhà nước. Bộ Nội vụ có chức năng tham mưu cho Chính phủ thực hiện chức năng, nhiệm vụ này, không nên thành lập một cơ quan mới chuyên về quản lý biên chế.

 

3.10. Hoàn thiện tổ chức khoa học lao động của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước

 

Thực hiện việc phân công và hợp tác lao động rõ ràng, chặt chẽ; bố trí sử dụng đúng người, đúng việc, đúng tiêu chuẩn chức danh; tiêu chuẩn hóa và định mức hóa lao động của từng loại cán bộ, công chức; khuyến khích, động viên lao động; tổ chức tốt quá trình lao động của cán bộ, công chức; xây dựng chức trách, nhiệm vụ cá nhân, quy trình, quy chế công tác của cán bộ, công chức; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và hiện đại hóa hoạt động công vụ.

 

Sắp xếp hoàn thiện bộ máy và tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người. Vì vậy, để thực hiện thành công cần phải có quyết tâm và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, của lãnh đạo các cấp, các ngành. Vấn đề này phải được giải quyết một cách khách quan, công tâm, đồng thời phải dựa trên những cơ sở khoa học mới mang lại kết quả như mong muốn

 

 

 

------------------------

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Kết luận Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở". Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI - Văn phòng Trung ương Đảng, H.2013.

 

2. Tài liệu Hội nghị số 85/TLHN, ngày 23/5/2013: Tờ trình Đề án "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở" (Trình Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI).

 

3. Báo cáo tóm tắt kết quả tổng rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức về biên chế của cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. (Báo cáo ngày 26/10/2013 của Bộ Nội vụ).

 

4. Tài liệu Hội thảo đề án nghiên cứu hội quần chúng (do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 27/6/2013, tại Hà Nội).

 

5. Tổng hợp số liệu thống kê các đơn vị hành chính đến ngày 31/12/2013 của Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ.

 

Theo http://tcnn.vn

Thực trạng, nguyên nhân tăng biên chế và các giải pháp tinh giản biên chế

Tác giả PGS. TS. Văn Tất Thu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Tạp chí http://tcnn.vn
Năm xuất bản 2016
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ