Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

 

 

Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp tố tụng nói chung, Luật tố tụng hành chính nói riêng. Nguyên tắc này được quy định tại Điều 11 của Luật tố tụng hành chính năm 2015. Để thực hiện nguyên tắc này, Luật tố tụng hành chính quy định cho Viện kiểm sát (cùng cấp và cấp trên trực tiếp) có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, đương sự  có quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

          Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng hiểu rõ các quy định của pháp luật tố tụng hành chính về quyền kháng cáo, nhất là các quy định về chủ thể có quyền kháng cáo, thời hạn kháng cáo, thủ tục kháng cáo… dẫn đến kháng cáo quá hạn hoặc kháng cáo không hợp lệ nên không được Tòa án chấp nhận xem xét giải quyết. Thậm chí có trường hợp đương sự không đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm nhưng không biết để thực hiện quyền kháng cáo. Vì vậy, để đương sự trong vụ án hiểu và thực hiện  quyền kháng cáo của mình, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu và phân tích các quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đên quyền kháng cáo của đương sự.

          1. Người có quyền kháng cáo

          Điều 204 Luật TTHC quy định về người có quyền kháng cáo “Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.

          Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (khoản 7 Điều 3 LTTHC). Nên những trường hợp kháng cáo dẫn đến xét xử phúc thẩm có thể do người khởi kiện hoặc người bị kiện hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

          Luật TTHC năm 2015 quy định: Người kháng cáo là cá nhân có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ có thể tự mình làm đơn kháng cáo, nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo (khoản 2,3 Điều 205 Luật TTHC). Tương tự như người kháng cáo là cá nhân Luật TTHC năm 2015 quy định: Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức có thể tự mình làm đơn kháng cáo và có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho cơ quan, tổ chức kháng cáo (Khoản 4 Điều 205 Luật TTHC). Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo và người đại diện theo pháp luật của đương sự cũng được quyền ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo (khoản 5 Điều 205).

          Tại khoản 6 Điều 2005 còn quy định: Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Tòa án hoặc người được Chánh án phân công.

          Đây là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật tố tụng hành chính năm 2015.

          2. Đơn kháng cáo

          Khi thực hiện quyền kháng cáo thì người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo phải có đầy đủ các nội dung: Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; Tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo; kháng cáo tòan bộ hay một phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo; chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Đối với trường hợp người kháng cáo không tự mình kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền có kháng cáo; họ tên, địa chỉ của đương sự ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền.

          Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.

3. Đối tượng kháng cáo và nội dung kháng cáo

Đối tượng kháng cáo: Theo Điều 204 Luật TTHC, đối tượng mà đương sự, người đại diện của đương sự có quyền làm đơn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm.

Nội dung kháng cáo: Người có quyền kháng cáo có thể kháng cáo toàn bộ hoặc một phần nội dung của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.     

          4. Thời hạn kháng cáo

          Đối với mỗi đối tượng khác nhau, thời hạn kháng cáo cũng khác nhau. Cụ thể:

- Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục thông thường là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.

          Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng  thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án.

          - Thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ (theo thủ tục thông thường) là 7 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được bản án, quyết định hoặc kể từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc được niêm yết.

Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày tổ chức dịch vu bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tam giữ hoặc bị tạm giam, ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam.

          Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định tại Điều 205 Luật TTHC, Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm lại đơn kháng cáo hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

          Ngoài ra, Luật TTHC còn có quy định kháng cáo quá hạn đối với những trường hợp có lý do khách quan, gặp trở ngại vì các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh… khiến cho người có quyền kháng cáo không thực hiện được quyền kháng cáo; trong trường hợp này người làm đơn kháng cáo quá hạn phải có bản tường trình ghi rõ lý do; sau đó Tòa án cấp phúc thẩm sẽ mở phiên họp xem xét việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn theo quy định tại Điều 208 Luật TTHC.

5. Quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo

Khoản 1 Điều 218 Luật TTHC có quy định “Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 206 của Luật này  thì người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu”.

Khoản 2 Điều 218 Luật TTHC quy định“Trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo… nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu nếu thời hạn kháng cáo đã hết”.

Khoản 3 Điều 218 Luật TTHC quy định“Trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo… Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo”.

Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trước khi mở phiên toà phải được làm thành văn bản và gửi cho Toà án cấp phúc thẩm.

6. Quyền bổ sung chứng mới của người kháng cáo

Cùng với quyền kháng cáo và các quyền liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, người kháng cáo có quyền bổ sung chứng cứ mới theo quy định tại Điều 219 Luật TTHC: “Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền bổ sung chứng cứ mới ...”.

Theo quy định trên, không chỉ người kháng cáo được quyền bổ sung chứng cứ mới mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cũng có quyền bổ sung chứng cứ mới. Đây là quy định nhằm bảo đảm cho đương sự có điều kiện bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình tại Tòa án cấp phúc thẩm; đồng thời bảo đảm cho Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết vụ án được đầy đủ, toàn diện và có căn cứ pháp luật.

 

 

Tác giả: Nguyễn Thị Đào Hoa - Nguồn: Phòng 10, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc

Tìm hiểu quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015 về quyền kháng cáo của đương sự

Tác giả Nguyễn Thị Đào Hoa
Tạp chí Phòng 10, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc
Năm xuất bản 2016
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ