Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Vai trò thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em

Tóm tắt: Bài viết phân tích, luận giải vai trò của thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em với vị trí là một bộ phận của pháp luật về trẻ em và nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em vào đời sống thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.

Abstract: The article analyzes, interprets the role of law implementation on minor protection as one part of law on minors and with a view to realize policies of the Party and law of the State on minor protection in the current practical life in Vietnam.

Thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ trẻ em là giai đoạn không thể thiếu và rất quan trọng của cơ chế điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội có liên quan đến bảo vệ trẻ em. Với tư cách là yếu tố điều chỉnh mối quan hệ xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cho trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh; ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

1. Vai trò của thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trong giai đoạn hiện nay

1.1. Hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em vào đời sống thực tiễn

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) là nội dung cơ bản của chiến lược phát triển con người, góp phần tạo nguồn nhân lực tương lai cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng về công tác BVCSGDTE đã được pháp luật hóa trong hệ thống quy phạm pháp luật về trẻ em. Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ trẻ em chỉ có thể phát huy hết được vai trò khi nó trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, gia đình trong cuộc sống hằng ngày; phải được tuân thủ một cách tự giác của các chủ thể pháp luật.

Những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật về công tác bảo vệ trẻ em đã từng bước được hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em được tăng cường. Việc thực hiện các quy định pháp luật về huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa hoàn thiện. Đạo đức, lối sống xuống cấp, lệch chuẩn của một bộ phận trẻ em đang trở thành nỗi lo của gia đình và xã hội. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bị lạm dụng sức lao động có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng trẻ em phạm tội, trẻ em lang thang, bị tai nạn, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn là những vấn đề bức xúc. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tính cấp bách và tầm quan trọng của pháp luật và thực hiện pháp luật về BVCSGDTE; chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho công tác này.

Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà ở đó mọi hoạt động của bộ máy nhà nước suy cho cùng cũng vì con người, vì hạnh phúc con người luôn được xác định là mục tiêu cao nhất; pháp luật được xác định có vai trò tối cao trong đời sống xã hội và Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Để phát huy hiệu lực, hiệu quả trong điều chỉnh các quan hệ xã hội về bảo vệ trẻ em thì ngoài việc xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, với đầy đủ các thuộc tính hiện đại còn phải nâng cao trình độ pháp luật của cán bộ và nhân dân, phải xác lập được cơ chế thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em có hiệu quả. Việc tuân thủ và thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em cũng chính là thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác bảo vệ trẻ em trong thực tiễn cuộc sống.

1.2. Bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh

Trẻ em là công dân đặc biệt được gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Do trẻ em còn non nớt về thể chất và tinh thần nên trẻ em không thể tự mình thực hiện đầy đủ các quyền mà phần nhiều phải dựa vào người lớn.

Là thành viên của xã hội, trẻ em cũng được hưởng đầy đủ những quyền cơ bản của con người như quyền được sống; quyền được bảo vệ về tính mạng, nhân phẩm; quyền được phát triển và tham gia... Khi thực hiện pháp luật về bảo đảm các quyền trẻ em cần đảm bảo nguyên tắc những lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em và tương ứng với từng độ tuổi phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em. Trẻ em tự mình không thực hiện được các quyền mà phải chủ yếu thông qua người lớn. Việc thực hiện quyền con người của trẻ em còn phụ thuộc vào sự phát triển của đất nước, xã hội và mức độ trưởng thành về trí lực, thể lực của trẻ.

Trẻ em có quyền được phát triển đầy đủ và toàn diện trong gia đình, đó phải là tổ ấm giúp các em được nuôi dưỡng và phát triển an toàn, không để gây ra những mất mát, tổn thương về thể xác và tinh thần.

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Theo Công ước này, trẻ em có quyền được sống trong môi trường an toàn, được bảo vệ khỏi bị thương tích và bạo lực. Tuyên bố “Một thế giới phù hợp trẻ em năm 2002” đã nêu rõ yêu cầu các quốc gia thực hiện “chăm sóc cho mọi trẻ em, nuôi dạy trẻ trong một môi trường an toàn tạo điều kiện cho các em có cuộc sống thể chất khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái”. Việc phê chuẩn các văn kiện, điều ước quốc tế đã đặt ra trách nhiệm pháp lý của nước ta trước cộng đồng quốc tế về thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về trẻ em để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hài hòa với pháp luật quốc tế, sự ứng phó kịp thời với những mối quan hệ xã hội mới, cũng như hội nhập một cách vững chắc với các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về quyền trẻ em. Do đó, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em ngày càng được hoàn thiện và thực thi có thể được coi là đặt nền tảng cho công tác bảo vệ trẻ em, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và đảm nhận sứ mệnh là chủ nhân tương lai của đất nước.

Tuy nhiên, nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ, nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức. Việc ngược đãi, xâm hại, đánh đập, bóc lột, sao nhãng đối với trẻ em vẫn chưa được gia đình, cộng đồng phòng, chống tích cực, chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý kịp thời. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là  do thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em chưa thật sự hiệu quả, chưa phát huy được vai trò của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Điều đó cho thấy, thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em góp phần quan trọng bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

1.3. Phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em

Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi các hình thức bạo hành, xâm hại và bóc lột. Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và mọi công dân và xã hội trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khỏi bị xâm hại, bóc lột và sao nhãng, bao gồm cả việc loại bỏ những nguy cơ gây tổn hại và ngăn chặn các yếu tố đang gây tổn hại cho trẻ. Bảo vệ trẻ em còn hướng tới việc can thiệp khẩn cấp và giúp đỡ trực tiếp các đối tượng trẻ em đang có nguy cơ hoặc đã bị xâm hại, bóc lột và sao nhãng nhằm ngăn chặn, giúp phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em.

Pháp luật về bảo vệ trẻ em bao gồm các quy định về bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bị phân biệt đối xử; bị bóc lột, lạm dụng về thể xác và tinh thần, bị sao nhãng, lơ là hoặc bị bỏ rơi; các quy định về bảo vệ trẻ em trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt như mất môi trường gia đình, trong hoàn cảnh chiến tranh hoặc thiên tai; các quy định về điều kiện chăm sóc đầy đủ hoặc phục hồi cho trẻ em trong những trường hợp cần thiết; các quy định về chính sách, hình thức và biện pháp trợ giúp trẻ em, tạo cho các em được hưởng các quyền cơ bản, có cơ hội để phát triển toàn diện bản thân...

Ở Việt Nam, Nhà nước đã quy định và thực thi nhiều biện pháp nhằm bảo vệ trẻ em. Pháp luật của nước ta liên tục được điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến trẻ em, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và từng bước hội nhập với luật pháp quốc tế.

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc xử lý các hành vi vi phạm đối với trẻ em được quy định trong pháp luật hình sự. Ở Việt Nam, việc xử lý còn bằng chế tài hành chính. Pháp luật về trẻ em quy định về các biện pháp phúc lợi xã hội (phòng ngừa và đáp ứng nhu cầu) cần có dành cho trẻ em và gia đình của trẻ em.

Công tác phòng ngừa như tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện quyền trẻ em, giảm nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội, tăng cường tiếp cận y tế, giáo dục, vui chơi giải trí và bảo vệ trẻ em được thực hiện thông qua các chương trình, dự án riêng hoặc được lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành. Tháng hành động vì trẻ em, Tết trung thu cho trẻ em và xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em được duy trì hàng năm, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Công tác phát hiện, can thiệp giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được quan tâm trước những tác động tiêu cực đến trẻ em trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chính sách và chương trình đã hỗ trợ cho những gia đình nghèo và trẻ em dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, nhiều nội dung của pháp luật về bảo vệ trẻ em được đưa ra chủ yếu còn mang tính nguyên tắc, định khung, thiếu tính cụ thể, dẫn đến khó thực hiện; thiếu các quy định về biện pháp thúc đẩy nhằm thực hiện các quyền của trẻ em; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh khi các cơ quan, tổ chức, các nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc cá nhân có hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến hiệu lực thi hành luật chưa cao; còn có những khoảng trống nhất định so với Công ước của Liên hợp quốc. Cần có những hoạt động thực hiện mang tính thiết thực hơn trong quá trình hiện thực hóa các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em hiện nay.

1.4. Bảo đảm trợ giúp trẻ em

Thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trước hết là nhằm mục đích tạo dựng một môi trường an toàn, lành mạnh dành cho trẻ em. Tuy nhiên, khi mà việc bảo vệ trẻ em ở cấp độ tạo dựng môi trường lành mạnh, an toàn và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không thành công thì cần thiết phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho những trẻ em đã phải chịu ngược đãi, bóc lột, sao nhãng, xâm hại với mục đích thúc đẩy quá trình phục hồi và tái hòa nhập, phòng ngừa tổn thương trong tương lai.

Bảo đảm trợ giúp trẻ em bao gồm hỗ trợ cho cả trẻ em có nguy cơ cao hoặc đang bị tổn hại được bảo đảm an toàn, chăm sóc phục hồi cho trẻ em. Hỗ trợ trẻ em bằng hình thức can thiệp trực tiếp đối với từng cá nhân trẻ em và gia đình của trẻ em. Các biện pháp hỗ trợ phải được ra quyết định bởi người có thẩm quyền trên cơ sở đánh giá hoàn cảnh cụ thể của từng trẻ em mà không dựa trên các hình thức lạm dụng, xâm hại. Tùy theo nhu cầu của từng đối tượng trẻ em và gia đình mà có các hình thức cung cấp dịch vụ cho phù hợp như: Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị tổn hại; bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường xâm hại, bóc lột, yếu tố đe dọa hoặc đang gây tổn hại nghiêm trọng cho trẻ em; chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em; đoàn tụ, hòa nhập gia đình, nhà trường cho trẻ em; giáo dục cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, hòa nhập cho trẻ em; giáo dục pháp luật, tư vấn pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; hỗ trợ trẻ em tiếp cận giáo dục phổ thông, học nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ trẻ em, gia đình tiếp cận nguồn tài chính, tạo thu nhập, phúc lợi xã hội để cải thiện điều kiện sống cho trẻ em; giám sát sự an toàn của trẻ em và gia đình trẻ em định kỳ.

Biện pháp can thiệp bảo vệ trẻ em được thực hiện trên cơ sở đánh giá của công chức lao động - thương binh và xã hội; nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em, có sự phối hợp chặt chẽ với cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội, công an, y tế, giáo dục, tổ chức đoàn thể, có kế hoạch can thiệp, hỗ trợ đối với từng trẻ. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tách trẻ em khỏi người chăm sóc ở nơi trẻ em có nguy cơ tiếp tục bị tổn hại; giám sát và theo dõi để bảo đảm sự thành công của kế hoạch can thiệp.

Công tác trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi và hòa nhập cộng đồng được thực hiện thông qua các chính sách trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trợ giúp cho các hộ gia đình nghèo và trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác. Các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đa dạng và phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng.

Trẻ em với đặc điểm còn chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, vì vậy, thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em, trong đó đặc biệt chú ý tới các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Luật Trẻ em năm 2016 đã dành 04 điều quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trong những trường hợp này thể hiện bước phát triển trong quá trình thực hiện các chiến lược về bảo vệ trẻ em ở nước ta giai đoạn hiện nay.

2. Một số giải pháp thúc đẩy thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em

Để khắc phục những hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của gia đình, xã hội về bảo vệ sự an toàn cho trẻ em; tăng cường phối kết hợp và lồng ghép hoạt động giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; thiết lập cơ chế, chính sách cho việc hình thành và vận hành bảo vệ trẻ em mang tính hệ thống ở tất cả các cấp, các ngành cần thiết phải có một số giải pháp thúc đẩy thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em với những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, hoàn thiện luật pháp, chính sách và nâng cao hiệu quả theo dõi, đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng luật pháp, cơ chế, chính sách và theo dõi đánh giá; tạo hành lang pháp lý và các điều kiện cần thiết để xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em và phát triển các dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các cấp; tạo môi trường hành chính thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về dịch vụ bảo vệ trẻ em và quy trình can thiệp trợ giúp trẻ em cần bảo vệ đặc biệt và bảo vệ khẩn cấp.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi về bảo vệ trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và thay đổi hành vi bảo vệ trẻ em của gia đình, xã hội; trang bị, bổ sung kỹ năng phòng ngừa bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi làm tổn hại trẻ em, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, trẻ em bị tổn hại.

Thứ ba, củng cố tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm tiếp tục củng cố về tổ chức, nhân lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo, nhóm công tác liên ngành về bảo vệ trẻ em ở các địa phương; xây dựng tổ chức và bố trí nhân lực bảo vệ trẻ em ở các tỉnh, huyện, xã; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, tổ chức có liên quan theo hướng chuyên nghiệp đối với người hưởng lương và bán chuyên nghiệp đối với cộng tác viên và tình nguyện viên.

Thứ tư, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em của các tổ chức cung cấp dịch vụ như trung tâm công tác xã hội hoặc trung tâm công tác xã hội trẻ em, văn phòng tư vấn, điểm công tác xã hội; hình thành mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các địa phương và từng bước chuyên nghiệp hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; tạo cơ hội cho nhiều trẻ em cần bảo vệ đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, bỏ mặc được tiếp cận với dịch vụ xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, triển khai tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em cần được các cấp, các ngành chủ động, tích cực thực hiện, xây dựng và triển khai rộng mô hình tư pháp thân thiện là một trong những yêu cầu khách quan nhằm phát huy vai trò thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em ở Việt Nam hiện nay.

ThS. Lã Văn Bằng

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Vai trò thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em

Tác giả ThS. Lã Văn Bằng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí http://tcdcpl.moj.gov.vn
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ