Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

Việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Ở nước ta, vấn đề việc làm đối với người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Những năm qua, pháp luật về việc làm đối với người khuyết tật đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhằm giúp cho những người khuyết tật có thu nhập ổn định, tự tin vào bản thân và hoà nhập với cộng đồng xã hội.

 

Abstract: The issue of jobs for handicapped people has been paid attention and is concerned by the Party and the State in our country. Legal stipulations on jobs for handicapped people have been promulgated, amended, supplemented, and completed in recent years in order to help handicapped  people to have stable income, self-confidence and to integrate into social community.

 

Người khuyết tật (NKT) là những người có sự khiếm khuyết suốt đời về thể chất, tinh thần, trí tuệ mà những khiếm khuyết này tạo ra những rào cản làm hạn chế khả năng tham gia đầy đủ và có hiệu quả vào các hoạt động xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác[1]. Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật quy định: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm sức lao động được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. NKT là thành viên của cộng đồng xã hội nên họ cũng cần có việc làm và đảm bảo việc làm như những người bình thường khác, trong đó, giải quyết việc làm và đảm bảo việc làm bền vững cho NKT là mục tiêu hướng đến và là nguyện vọng của cả cộng đồng. Hiện cả nước có trên 7 triệu NKT, 62% số đó trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi); trong đó 32% còn khả năng lao động, 5% NKT đã qua đào tạo nghề. Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm đào tạo được từ 8-10 ngàn NKT, trên 50% số NKT sau đào tạo tìm được việc làm phù hợp và có thu nhập[2].

1. Việc làm cho người khuyết tật - Từ quy định đến thực tiễn

Việc làm là hoạt động tạo ra thu nhập và không bị pháp luật cấm. Việc làm đặt ra đối với NKT không chỉ giúp cho NKT có thu nhập ổn định mà còn giúp họ hòa nhập cộng đồng, tự tin và được bình đẳng như những người lao động khác. Do vậy, đảm bảo việc làm cho NKT được ghi nhận trong Công ước quốc tế và trong pháp luật quốc gia.

Theo Liên Hợp Quốc, các quốc gia phải công nhận quyền được làm việc của NKT trên cơ sở bình đẳng với những người khác; trong đó các quốc gia thành viên phải bảo vệ và thừa nhận việc làm và đảm bảo việc làm cho NKT bằng cách ban hành pháp luật phù hợp, bảo đảm NKT không bị bắt lao động cực nhọc như nô lệ hay khổ sai, được bảo vệ trên cơ sở bình đẳng với những người khác, trước những công việc lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc[3]. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cần thiết phải ban hành chính sách việc làm nhằm đảm bảo cho NKT được tiếp cận với cơ hội việc làm và nghiêm cấm phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật. Ngoài ra, cũng theo tổ chức này thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải có trách nhiệm nhận NKT vào làm việc.

Ở Việt Nam, vấn đề việc làm và đảm bảo việc làm cho NKT được Nhà nước và xã hội coi trọng, quan tâm thích đáng. Các quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010 đã nhấn mạnh, Nhà nước cần tạo điều kiện để NKT có việc làm và làm việc phù hợp với sức khoẻ, đặc điểm khuyết tật của NKT (Điều 33), khuyến khích các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc. Nếu doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là NKT được hưởng chính sách ưu tiên hơn. Mặt khác, Nhà nước còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc, được miễn thuế thu nhập cá nhân, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước… Ngoài ra, để đảm bảo cho NKT có cuộc sống và việc làm phù hợp, Luật còn quy định thành lập quỹ hỗ trợ việc làm cho NKT. Đây là quỹ xã hội từ thiện với mục tiêu huy động nguồn lực trợ giúp NKT. Quỹ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đóng góp hoặc từ các khoản thu khác. Năm 2012, Bộ luật Lao động một lần nữa khẳng định việc làm và đảm bảo việc làm cho NKT là nhiệm vụ quan trọng, trong đó: “Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc việc làm của lao động là NKT, có chính sách khuyến khích và ưu đãi NSDLĐ tạo việc làm và nhận lao động là NKT vào làm việc, theo quy định của Luật Người khuyết tật” (khoản 1 Điều 176).

Thứ nhất, trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo việc làm cho người khuyết tật

Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp và tạo việc làm cho NKT, bởi họ cũng là công dân, là lực lượng lao động của xã hội. Bộ luật Lao động còn quy định Nhà nước thực hiện bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người lao động khuyết tật. Tuy nhiên, Luật Người khuyết tật cũng như Bộ luật Lao động chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước được thể hiện ở giai đoạn nào trong quá trình từ khâu tuyển dụng, toàn bộ quá trình lao động đến khi kết thúc quá trình lao động đó. Mặt khác, việc tạo điều kiện cho NKT vay vốn với lãi suất thấp nhưng lại không quy định cụ thể tỉ lệ đó là bao nhiêu dẫn đến khi thực hiện thủ tục vay vốn gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng NKT được giải quyết vay vốn để tự tạo việc làm là rất thấp.

Thứ hai, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân

NKT là đối tượng lao động đặc thù nên các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (gọi tắt là NSDLĐ) càng cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến các đối tượng này, nhất là về việc làm và đảm bảo việc làm nhằm đảm bảo cho họ được bình đẳng như những người lao động bình thường khác, tránh sự phân biệt đối xử và kì thị. Biểu hiện rõ nhất của trách nhiệm đó là trong quá trình tuyển dụng NKT vào làm việc, Luật Người khuyết tật có quy định NSDLĐ không được từ chối tuyển dụng NKT có đủ tiêu chuẩn vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật để hạn chế cơ hội làm việc của NKT. Trách nhiệm đó còn được thể hiện thông qua việc sắp xếp, bố trí công việc, môi trường làm việc, điều kiện làm việc cho NKT. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp tùy theo điều kiện, khả năng, nhu cầu của mình mà quyết định nhận hay không nhận NKT vào làm việc. Một thực tế khác là nếu doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật thì được hưởng các chính sách ưu tiên về vay vốn và được vay với lãi suất thấp. Trong khi nếu doanh nghiệp không sử dụng lao động khuyết tật hoặc có sử dụng nhưng không đủ tỉ lệ thì không được hưởng chính sách này. Doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không đủ số lượng lao động khuyết tật thì doanh nghiệp cũng không bị cơ quan có thẩm quyền nào xử lý. Vì vậy, cần sửa đổi theo hướng quy định rõ trách nhiệm phải nhận NKT vào làm việc để các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn trong quá trình tuyển dụng người lao động khuyết tật. Mặt khác sẽ là cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp đóng tiền vào quỹ việc làm cho NKT, đảm bảo nguồn tài chính cho quỹ. Thực tế cho thấy, hiện nay, rất ít NSDLĐ thực hiện đúng chính sách của Nhà nước về tuyển dụng, sử dụng NKT. NKT có nhu cầu lao động nhưng chưa có việc làm trên phạm vi cả nước vẫn chiếm khoảng 30%[4].

Thứ ba, về chính sách ưu đãi cho người sử dụng lao động khi tuyển dụng người khuyết tật làm việc

Để khuyến khích các doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc, Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp này. Mục đích của các chế độ, chính sách này nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh, là động lực để các doanh nghiệp tiếp nhận NKT vào làm việc và đảm bảo việc làm thường xuyên cho NKT. Thực tế, số doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT đạt tỉ lệ từ 30% tổng số lao động trở lên là không nhiều. Các doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật nhưng tỉ lệ lại dưới 30% lao động khuyết tật thì lại không được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thực tế, có khoảng 65% doanh nghiệp sử dụng lao động NKT được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ về vay vốn, giảm thuế, hỗ trợ tín dụng[5]. Một số NKT tự tạo việc làm thì cũng chưa được vay vốn hoặc có được vay thì phải thông qua các tổ chức như Hội phụ nữ, Hội nông dân hay phải nhờ các tổ chức khác bảo lãnh. Vì vậy, cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật và NKT. Mặt khác, để khuyến khích các doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc, Nhà nước cần có thêm những quy định để hỗ trợ thêm kinh phí cho doanh nghiệp khi họ lắp đặt, thay thế phương tiện, công cụ, trang thiết bị phục vụ cho NKT làm việc[6].

2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về đảm bảo việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, cần ban hành quy định pháp luật theo hướng “đảm bảo sự công bằng” cho NKT để không bị phân biệt đối xử và kì thị, đáp ứng yêu cầu mọi NKT được đảm bảo việc làm mà không có bất kì sự phân biệt đối xử nào trên cơ sở khuyết tật[7] và đảm bảo nguyên tắc mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử. Việc hoàn thiện quy định pháp luật về chống phân biệt đối xử với NKT nhằm khắc phục những lỗ hổng pháp lý của pháp luật Việt Nam. Theo đó cần: (i) Sớm ban hành Luật Phòng, chống phân biệt đối xử nhằm đáp ứng yêu cầu của ILO và phù hợp với Hiến pháp năm 2013; (ii) Sớm sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật Lao động đối với hành vi cấm phân biệt đối xử và kì thị đối với NKT ở tất cả các khâu của quá trình lao động, giúp NKT tự tin hơn trong cuộc sống và tự khẳng định được vị trí của mình trong xã hội.

Thứ hai, cần quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đảm bảo việc làm cho NKT. Cụ thể: (i) Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách việc làm và đảm bảo việc làm cho NKT phù hợp với thực tiễn và đặc điểm khuyết tật của NKT; xây dựng hệ thống cơ chế chính sách về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ do NKT tạo ra để giúp NKT tiêu thụ được sản phẩm của mình và duy trì việc làm thường xuyên; ban hành các chính sách ưu tiên nhất định cho NKT về môi trường lao động để NKT có điều kiện làm việc và đảm bảo việc làm phù hợp; (ii) Đối với người sử dụng lao động, Nhà nước cần cụ thể hoá trách nhiệm của NSDLĐ khi phải nhận NKT vào làm việc, như khôi phục lại quy định NSDLĐ có trách nhiệm phải nhận NKT vào làm việc theo tỉ lệ tương ứng căn cứ vào loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp; tăng mức phạt tiền cao lên gấp nhiều lần hoặc áp dụng chế tài xử phạt hình sự cho đối tượng này nhằm buộc họ phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với NKT và từ đó sẵn sàng nhận NKT vào làm việc. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về việc làm, đảm bảo việc làm cho NKT để thay đổi nhận thức, tư duy của cộng đồng xã hội, xoá bỏ tư tưởng coi NKT là người phụ thuộc, là người dư thừa trong gia đình và xã hội[8]. Làm được điều này giúp người khuyết tật được bình đẳng, tự tin khi làm việc và tạo việc làm.

Thứ ba, cần cụ thể hóa, chi tiết hóa chính sách ưu đãi đối với NSDLĐ khi tuyển dụng lao động khuyết tật. Cụ thể: (i) Với doanh nghiệp sử dụng dưới 30% lao động là NKT thì không được hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp này thì Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách miễn cho doanh nghiệp trích nộp bảo hiểm xã hội của những người lao động khuyết tật và số tiền thâm hụt đó sẽ được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước; (ii) Những doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật nếu không được hưởng chính sách ưu đãi thì được hỗ trợ tiền trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lao động cho NKT; (iii) Cần có sự tách biệt giữa biện pháp khuyến khích và biện pháp bắt buộc đối với các doanh nghiệp sử dụng NKT nhằm giảm bớt gánh nặng cho NSDLĐ, đảm bảo sự hợp lý giữa các doanh nghiệp khác nhau trên thị trường; (iv) Xây dựng mạng lưới các trung tâm giới thiệu việc làm cho NKT dưới nhiều hình thức khác nhau như trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm người tìm việc - việc tìm người dành cho NKT hoặc các câu lạc bộ giới thiệu việc làm… Từ những chính sách ưu đãi đó NSDLĐ sẽ sẵn sàng chấp nhận NKT vào làm việc tạo cơ hội việc làm và giải quyết được công ăn việc làm cho NKT.

Có thể nói, những năm qua, việc làm và đảm bảo việc làm cho NKT ở Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và chú trọng. Các quy định của pháp luật về vấn đề này được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế của đời sống xã hội và đặc điểm khuyết tật của NKT. Tuy nhiên, nhu cầu bổ sung và hoàn thiện pháp luật về việc làm cho NKT vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần đảm bảo việc làm, đảm bảo thu nhập hợp pháp, thay đổi nhận thức của cộng đồng, xoá bỏ phân biệt đối xử và kì thị với NKT, từ đó, tạo động lực để NKT phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập cộng đồng và đóng góp một phần cho xã hội.

ThS. Nguyễn Ngọc Lan

Đại học Thủ đô Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

[1]. Xem thêm: Điều 2 Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật của Liên Hợp Quốc năm 2007.

[2]. Xem thêm: Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 của Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật.

[3]. Xem thêm: Điều 27 Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.

[4]. Xem thêm: Dạy nghề, tạo việc làm cho NKT: cần chính sách bền vững và gắn kết hơn, http://sggp.org.vn/xahoi/2012/12/307836/, truy cập ngày 20/01/2018.

[5]. Báo cáo tổng kết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2015.

[6]. Xem thêm: Đinh Thị Cẩm Hà (2014), Bảo đảm việc làm và thu nhập cho người khuyết tật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 21 (277), T11/2014, tr. 51.

[7]. Xem thêm: Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2007.

[8]. Hoàng Kim Khuyên (2017), “Thực trạng các quy định về việc làm đối với NKT ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 02/2017, tr. 49.

Việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay

Tác giả ThS. Nguyễn Ngọc Lan - Đại học Thủ đô Hà Nội
Tạp chí http://tcdcpl.moj.gov.vn
Năm xuất bản 0
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ