Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
XỬ LÝ ĐIỂM NÓNG CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI MẤY VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

XỬ LÝ ĐIỂM NÓNG CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI MẤY VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

NGUYỄN XUÂN TẾ

PGS. TS Khoa học chính trị, Trưởng phòng NCKH&HTQT- ĐH Luật TP.HCM

Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược gắn bó chặt chẽ với nhau. Tình hình thời sự đang diễn ra hàng ngày trên thế giới đã chứng minh tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta trong việc dự đoán sự phát triển của thế giới hiện đại. Ngay cả những sự kiện đã và đang diễn ra (mà gần đây nhất là vấn đề Tây Nguyên các ngày 10/4, 11/4) càng làm cho chúng ta phải mài sắc ý chí cảnh giác cách mạng, phá vỡ âm mưu thâm độc của những lực lượng thù địch câu kết giữa những kẻ phá rối trong nước và thế lực phản động ở ngoài nước.

Chính vì thế, việc xử lý tình huống chính trị, trong đó có xử lý các điểm nóng chính trị– xã hội, cần phải được xây dựng thành lý thuyết, khái quát thành những qui trình, giúp cho các nhà hoạt động chính trị có bản lĩnh trong cuộc sống và có nghệ thuật xử lý thành thạo những vụ việc xảy ra trong thực tiễn. Hoạt động chính trị là một lĩnh vực đặc thù, nó vừa là sự kết hợp sự từng trải kinh nghiệm sống, là nghệ thuật xử lý tình huống, nhưng cũng lại là khoa học. V.I Lê-nin đã từng căn dặn: chính trị phải được thụ thai từ khoa học.

Với tinh thần cầu thị, chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu một số vấn đề lý thuyết, đặc biệt là đi khảo sát và tổng kết thực tiễn. Địa phương đầu tiên mà chúng tôi tiếp cận là Tây Nguyên. Kịch bản sự kiện ngày 10/4, 11/4 vừa qua xảy ra ở Tây Nguyên càng khắc đậm những đặc điểm của điểm nóng chính trị- xã hội ở địa phương này năm 2001. Tiếp đó là An Giang; sở dĩ chúng tôi chọn An Giang vì đây là nơi đặc trưng cho tình hình người Khơme ở đồng bằng sông Cửu Long.

Mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi về đề tài xử lý điểm nóng chính trị- xã hội nhằm:

- Nghiên cứu để làm rõ cơ sở lý luận về xử lý tình huống chính trị- xã hội. Làm rõ các khái niệm tình huống chính trị, điểm nóng xã hội, điểm nóng chính trị- xã hội và sự chuyển hóa của chúng.

- Khảo sát thực tế, xác định những nguyên nhân khách quan, chủ quan. Từ đó tìm ra được qui trình giải pháp giải quyết điểm nóng chính trị- xã hội. Hay nói cách khác là tổng kết thực tiễn, đúc rút bài học xử lý tình huống chính trị ở từng địa bàn.

- Trên cơ sở đó giúp cho người cán bộ lãnh đạo chính trị có nhận thức đúng và biết cách xử lý khi điểm nóng chính trị- xã hội xảy ra hoặc khả năng chủ động phòng ngừa để không xảy ra các tình huống chính trị.

A. MẤY VẤN ĐỀ LÝ LUẬN1

I. KHÁI NIỆM TÌNH HUỐNG CHÍNH TRỊ, ĐIỂM NÓNG XÃ HỘI, ĐIỂM NÓNG CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI

1. Tình huống chính trị

Chính trị là một trong những lĩnh vực hoạt động cơ bản của con người. Nếu trong điều kiện bình thường thì hoạt động của các chủ thể cầm quyền sẽ diễn ra theo qui trình: ra quyết định, triển khai thực hiện, tổng kết, rút kinh nghiệm và chuẩn bị ra quyết định mới… Các quá trình sau lại tiếp tục diễn ra như vậy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải lúc nào các chủ thể cầm quyền cũng tuân theo một qui trình như vậy mà trong quá trình triển khai các bước, họ có thể còn gặp phải những trở ngại như các hiện tượng: nhân dân khiếu kiện, biểu tình chống đối; lực lượng phản động gây bạo loạn; bản thân các chủ thể cầm quyền thoái hoá, biến chất, chia bè cánh chống đối lẫn nhau…; trong những điều kiện nhất định có thể dẫn đến tình huống thiếu chủ thể cầm quyền…. Những hiện tượng này gây nên sự bất ổn về mặt chính trị- xã hội hoặc có khả năng trực tiếp gây nên sự bất ổn định chính trị- xã hội, đòi hỏi phải áp dụng những giải pháp đặc biệt để giải quyết.

Như vậy, tình huống chính trị là những sự kiện, biến cố không bình thường, diễn ra trong đời sống chính trị- xã hội, gây nên sự bất ổn định hoặc có khả năng trực tiếp gây nên sự bất ổn định chính trị- xã hội, đòi hỏi con người phải áp dụng những giải pháp đặc biệt để giải quyết.

Tình huống chính trị thường gắn với sự khủng hoảng chính trị. Đây cũng là thời điểm, hoàn cảnh dễ nảy sinh xung đột, rối loạn xã hội, có nguy cơ đe dọa đến sự ổn định bền vững của chế độ. Tình huống chính trị còn là những bùng phát gây bất lợi về chính trị trong một phạm vi nhất định.

Tình huống chính trị có thể trực tiếp nảy sinh trong lĩnh vực chính trị như những mâu thuẫn giữa các lực lượng ngay trong bộ máy cầm quyền, sự chống đối của các thế lực trong và ngoài nước; sự chống đối của nhân dân với những người nắm giữ quyền lực, các cơ quan quyền lực và thể chế chính sách của nhà nước. Chẳng hạn, khi kinh tế khủng hoảng, trì trệ có thể dẫn đến sự bất ổn về mặt chính trị. Những vấn đề dân tộc, tôn giáo nếu không có giải pháp đúng cũng có thể dẫn đến những xung đột về chính trị.

Tình huống chính trị có thể biểu hiện ở những dấu hiệu cơ bản sau :

- Sự bất mãn, chống đối của nhân dân với chính quyền nhà nước;

- Bộ máy quyền lực tê liệt hoặc thiếu chủ thể cầm quyền (khoảng trống quyền lực );

- Những chuẩn mực luật pháp, đạo đức, văn hoá không được tuân thủ;

- Khủng hoảng về tư tưởng, niềm tin gây tổn hại đến ý thức hệ chủ đạo của xã hội;

- Các lực lượng tiêu cực, phản động có điều kiện trỗi dậy gây mất an ninh xã hội, làm tăng nguy cơ đối với sự bền vững của chế độ xã hội.

Một tình huống chính trị xuất hiện không nhất thiết phải có đầy đủ các dấu hiệu trên mà có thể chỉ cần một vài dấu hiệu nào đó, gây nên bất ổn định chính trị- xã hội.

2. Điểm nóng xã hội và điểm nóng chính trị– xã hội

Trong những năm gần đây, thuật ngữ “điểm nóng” được sử dụng trong một số văn bản của các cơ quan Đảng, Nhà nước và khá phổ biến trong các văn bản của những cơ quan bảo vệ pháp luật như: Thanh tra, Viện kiểm sát, Công an, Tòa án và cả trong đời sống sinh hoạt thường ngày.

Thế nhưng cho đến nay chưa có cơ quan nào, ngành nào (kể cả những cơ quan có trách nhiệm giải quyết) đưa ra khái niệm đầy đủ, chính xác về “điểm nóng” để làm cơ sở cho việc phân loại, xác định chính xác diễn biến tình hình nơi xảy ra vụ việc để đề ra các biện pháp giải quyết phù hợp.

Nhiều địa phương, ngành đã xác định “điểm nóng” theo các tiêu thức riêng của mình, thậm chí theo quan điểm cá nhân của từng người. Do vậy, việc đánh giá diễn biến tình hình ở cơ sở không đồng nhất, có nơi chỉ “sốt nhẹ” nhưng đã xác định là “điểm nóng”, ngược lại có nơi “nóng” thật sự nhưng vì những lý do khác nhau mà không được xác định là “điểm nóng”.

Cả hai khuynh hướng trên đều dẫn tới hậu quả là cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo không phù hợp, từ đó làm giảm hiệu quả, hiệu lực của các quyết định giải quyết. Thậm chí có nơi, có lúc còn làm tình hình thêm phức tạp.

Đã đến lúc cần phải có một định nghĩa (hoặc khái niệm) về “điểm nóng” và xác định các tiêu chí, các yếu tố đặc trưng của “điểm nóng” để làm cơ sở cho việc đánh giá diễn biến tình hình khiếu nại, tố cáo, diễn biến các mâu thuẫn xảy ra trong từng địa phương, từng ngành và toàn quốc góp phần vào việc đánh giá, phân loại chính xác cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời, cần đầu tư nghiên cứu để đề ra các biện pháp giải quyết có hiệu quả “điểm nóng”, cũng như các biện pháp làm hạn chế phát sinh “điểm nóng”.

a. Điểm nóng xã hội :

Khi điểm nóng xã hội nổ ra thường có những biểu hiện sau :

+ Đời sống xã hội trong trạng thái không bình thường, bất ổn định, có lúc rối loạn;

+ Sự phản ứng, xung đột của đám đông, của các lực lượng không còn tự kiềm chế được trở thành sức mạnh, áp lực chống đối lẫn nhau;

+ Hành vi của đám đông quần chúng đã vượt qua ngoài khuôn khổ của pháp luật và chuẩn mực văn hoá đạo đức;

+ Diễn ra trong không gian và thời gian nhất định, có khả năng lan tỏa sang nơi khác;

Từ những biểu hiện trên có thể khái quát: điểm nóng xã hội là đời sống xã hội trong trạng thái không bình thường, bất ổn định, rối loạn, diễn ra sự xung đột, chống đối giữa các lực lượng với những hành vi không còn tự kiềm chế được, đã vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật và chuẩn mực văn hoá đạo đức, diễn ra tại một địa điểm, trong một thời gian nhất định và có khả năng lan tỏa sang nơi khác.

Điểm nóng xã hội có thể diễn ra ở những địa bàn và trong những lĩnh vực khác nhau. Nó có thể phát sinh ở khu vực nông thôn, miền núi hay thành thị, ở các xí nghiệp hay trường học… nó có thể diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội… Điểm nóng xảy ra ở các khu vực trên được gọi chung là điểm nóng xã hội.

b. Điểm nóng chính trị- xã hội :

Điểm nóng chính trị- xã hội là điểm nóng xã hội diễn ra trong lĩnh vực chính trị- xã hội khi mà sự chống đối của đám đông quần chúng của các lực lượng đối lập đã hướng trực tiếp vào những người nắm quyền lực chính trị, cơ quan quyền lực và thể chế chính sách của chính quyền nhà nước.

Trong thực tiễn thường xảy ra các điểm nóng xã hội nhiều hơn là các điểm nóng chính trị- xã hội. Còn điểm nóng chính trị- xã hội xảy ra ít hơn nhưng phức tạp và quyết liệt hơn vì nó liên quan trực tiếp tới quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, điểm nóng xã hội trong các lĩnh vực khác đều có khả năng trực tiếp trở thành điểm nóng chính trị- xã hội. Chẳng hạn, những cuộc đình công, bãi công của người lao động chống giới chủ, học sinh bãi khoá chống ban lãnh đạo nhà trường, nông dân tranh chấp đất đai với nhau… nếu không có cách xử lý đúng đều có thể chuyển thành cuộc đấu tranh chống chính chính quyền nhà nước. Như vậy, nếu chúng ta xử lý tốt điểm nóng xã hội thì sẽ hạn chế sự phát sinh điểm nóng chính trị- xã hội. Điểm nóng xã hội có thể có nguồn gốc từ những tranh chấp dân sự, từ sự khiếu kiện của nhân dân không được giải quyết kịp thời, để dây dưa, kéo dài, gây tích đọng mâu thuẫn và bùng phát thành điểm nóng chính trị- xã hội. Do đó, để điểm nóng xã hội và điểm nóng chính trị- xã hội không nổ ra cần giải quyết tốt những tranh chấp về mặt dân sự, giải quyết kịp thời những khiếu kiện của nhân dân; ngăn ngừa sự chống đối của các lực lượng phản động.

Từ sự phân tích trên có thể cho thấy, điểm nóng có nổ ra hay không, mức độ như thế nào không chỉ phụ thuộc vào những điều kiện, nhân tố khách quan ngoài chủ thể cầm quyền mà nó còn phụ thuộc vào chính chủ thể cầm quyền. Ngay trong điều kiện khủng hoảng xã hội, hay khủng hoảng chính trị xã hội, nếu chủ thể cầm quyền có giải pháp đúng thì cũng có thể không phát sinh điểm nóng, hoặc điểm đóng có nổ ra thì tác hại cũng không lớn. Ngược lại nếu chủ thể cầm quyền áp dụng giải pháp sai lầm thì sẽ làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng và khó tránh khỏi nổ ra điểm nóng xã hội hoặc điểm nóng chính trị- xã hội. Thực tế cho thấy, khi thể chế chính trị quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ những người cầm quyền thoái hoá biến chất thì nhân dân nổi dậy chống lại, lực lượng đối lập lợi dụng cơ hội lật đổ lực lượng cầm quyền. Và do vậy, điểm nóng bùng phát.

II. XỬ LÝ CÁC ĐIỂM NÓNG CHÍNH TRỊ- XÃ HỘI

1. Những yêu cầu xử lý điểm nóng chính trị - xã hội

- Thứ nhất, cần phải áp dụng các giải pháp làm cho điểm nóng nguội dần và hạn chế sự lan tỏa sang nơi khác. Biện pháp này còn được gọi là hạ nhiệt độ “rút ngòi nổ”, ví như phải dập tắt một đám cháy sao cho nó không bùng phát lớn hơn, không lan tỏa sang nơi khác mà nguội dần đi. Các giải pháp hành động trong trường hợp này phải mau lẹ, chính xác; phải hạn chế một cách tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.

- Thứ hai, phải khắc phục tình trạng bất ổn định, tạo lập sự ổn định chính trị xã hội làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Sự ổn định có thể ở hai trạng thái:

+ Ổn định bề ngoài, nhất thời nhưng bên trong lại chứa đựng nguy cơ bùng phát bất ổn định lớn hơn. Ổn định tạo tiền đề cho sự phát triển và đảm bảo cho sự ổn định bền vững lâu dài.

+ Trạng thái thứ hai mới thật sự là yêu cầu xử lý điểm nóng chính trị- xã hội. Ổn định chính trị là nhằm mục tiêu phát triển kinh tế và chỉ trên cơ sở phát triển kinh tế mới có thể đảm bảo cho sự định hướng lâu dài về chính trị- xã hội.

- Thứ ba, cần tạo ra những tiền đề, nhân tố để điểm nóng không tái phát. Để đạt yêu cầu này thì những giải pháp xử lý điểm nóng không phải chỉ mang tính chất cấp thiết; nhất thời, “chữa cháy”, mà có ý nghĩa chiến lược, cơ bản và lâu dài. Thường phải có những giải pháp chữa trị căn nguyên sinh ra điểm nóng và kết hợp với tổng thể các giải pháp khác để cho đời sống xã hội phát triển vững mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội…

- Thứ tư, cần củng cố sự bền vững của cơ sở chính trị và tăng cường hiệu lực của hệ thống chính trị. Xử lý điểm nóng chính trị- xã hội không chỉ với mục tiêu thiết lập sự ổn định chính trị, mà cơ bản hơn là củng cố sự bền vững của cơ sở chính trị. Sự bền vững ấy chính là chính sách an dân, chiếm được lòng dân và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân với nhà nước huy động sự tham gia của nhân dân vào công việc nhà nước. Và cũng trên cơ sở đó mà củng cố và tăng cường hiệu lực của hệ thống chính trị, sao cho sau khi xử lý điểm nóng, cơ sở chính trị và hệ thống chính trị mạnh hơn trước.

2. Quy trình, giải pháp xử lý điểm nóng chính trị- xã hội

Xử lý điểm nóng chính trị- xã hội có thể trải qua các bước sau:

Bước một: Nắm tình hình, phân tích nguyên nhân và nhận dạng mâu thuẫn

Khi điểm nóng nổ ra, để có căn cứ cho những giải pháp đúng thì việc nắm tình hình có ý nghĩa quyết định. Cần có thông tin chính xác về các mặt:

- Số lượng quần chúng tham gia biểu tình, chống đối; thành phần tham gia, đối tượng tham gia; hình thức tổ chức lực lượng…

- Họ nêu những yêu sách gì? Những yêu sách ấy phải do cơ quan nào giải quyết?

- Ai là người cầm đầu? Số lượng những người qúa khích? Những âm mưu vàthủ đoạn? Họ có quan hệ và được sự chỉ đạo của các lực lượng phản động trong nước và ngoài nước hay không?

Phương thức nắm tình hình có thể thông qua chính quyền, các đoàn thể quần chúng ở cơ sở, dựa vào dân; bằng nghiệp vụ chuyên môn của cơ quan công an và các cơ quan an ninh khác… Cần phải bám sát địa bàn, thông tin kịp thời những diễn biến về cơ quan tham mưu tổng hợp để lập ra những phương án xử lý.

Trên cơ sở tổng hợp thông tin về nhiều mặt, người chỉ huy và bộ phận tham mưu tổng hợp phải đánh giá đúng nguyên nhân phát sinh điểm nóng. Có thể phân loại các nguyên nhân :

- Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan: Nguyên nhân khách quan có thể do điều kiện kinh tế, xã hội gặp khó khăn, do dân trí thấp lại bị kẻ xấu, phản động lôi cuốn, kích động… Nguyên nhân chủ quan thuộc về những khiếm khuyết, sai lầm của chính sách thể chế của các cơ quan quyền lực và những người nắm giữ quyền lực.

- Nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài: Nguyên nhân bên trong thường được xem xét từ những mâu thuẫn nảy sinh trong phạm vi cơ sở, địa phương hoặc trong phạm vi toàn quốc. Đó có thể là những mâu thuẫn về sắc tộc tôn giáo; sự bất công giữa các tầng lớp dân cư, giữa lao động và giới chủ, giữa quần chúng nhân dân và cán bộ nắm giữ quyền lực... Nguyên nhân bên ngoài có thể là do sự biến động lớn về kinh tế, chính trị, xã hội có tính khu vực và toàn cầu tác động đến từng quốc gia; do sự tác động của các lực lượng thù địch quốc tế …

- Nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp: Nguyên nhân sâu xa của một điểm nóng chính trị- xã hội có thể là do sự hận thù giai cấp trong những năm chiến tranh cách mạng, lực lượng phản động còn lưu vong ở nước ngoài móc nối tác động vào trong nước. Nguyên nhân sâu xa cũng có thể do những thể chế hiện hành (theo nghĩa hẹp) đã lạc hậu, không kịp thay đổi, phát sinh những tiêu cực, ách tắc trong sản xuất đời sống. Còn nguyên nhân trực tiếp thì dễ nhận thấy khi nổ ra điểm nóng; chẳng hạn điểm nóng Thái Bình xảy ra năm 1998 có nguyên nhân trực tiếp là do cán bộ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, nhưng nó lại là hậu quả của cả một thể chế chưa được đổi mới.

Điểm nóng ở các tỉnh vùng Tây Nguyên có nguyên nhân trực tiếp từ sự phân hóa giàu nghèo đồng bào dân tộc ít người với những dân từ nơi khác đến khai phá vùng Tây Nguyên. Thế nhưng nguyên nhân sâu xa của vấn đề lại từ lực lượng Fulro trước đây chạy ra nước ngoài, nay trở lại móc nối với lực lượng bên trong, kích động đồng bào gây bạo loạn.

Sự phân định các nguyên nhân trên cũng có ý nghĩa tương đối vì giữa chúng có quan hệ và chuyển hoá lẫn nhau. Sau khi phân tích nguyên nhân cần xác định những mâu thuẫn xem điểm nóng đó chứa đựng mâu thuẫn đối kháng hay không đối kháng, mâu thuẫn giữa nội bộ nhân dân hay mâu thuẫn giữa ta và địch, mức độ của các mâu thuẫn và sự đan xen của các mâu thuẫn ấy. Trên cơ sở nhận dạng, xác định đúng mâu thuẫn mới có căn cứ để định ra quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, phương thức giải quyết và tổ chức lực lượng thực hiện. Nếu như xác định sai mâu thuẫn thì toàn bộ nhận thức và hành động sẽ sai lầm, hậu họa sẽ không nhỏ, điểm nóng sẽ không được giải quyết mà còn bùng phát lớn hơn.

Bước hai : Áp dụng những biện pháp rút ngòi và hạn chế sự lan tỏa sang nơi khác

a. Trước hết, phải thiết lập được sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, phát huy hiệu lực của hệ thống chính trị để giữ vững quyền lực chính trị.

Người chỉ huy, người đứng đầu có vị trí đặc biệt quan trọng. Người chỉ huy có đủ bản lĩnh, có phương pháp đúng sẽ thống nhất được các quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo và tổ chức lực lượng thực hiện, tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động. Nếu không có người chỉ huy đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc, khắc phục sự rối ren, phức tạp diễn ra ngay bên trong nội bộ thì khó có thể giải quyết được sự phức tạp, rối loạn bên ngoài xã hội. Trong trường hợp cần thiết có thể phải thay người chỉ huy. Tuy nhiên việc thay thế người chỉ huy cũng có thể là một sai lầm vì lực lượng đối lập đấu tranh chống lực lượng cầm quyền thường chĩa mũi nhọn vào những người đứng đầu cứng rắn nhất. Nếu chúng ta thay thế người đứng đầu bằng một người khác yếu hơn thì rất dễ bị đối phương đánh đổ. Cứ như vậy người thay thế tiếp theo lại yếu hơn nữa... và cuối cùng dẫn đến sự mất quyền lực .

Xử lý điểm nóng chính trị- xã hội cần có sự chỉ đạo thống nhất của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở. Bởi vì, đây là một vấn đề nhạy cảm, phạm vi tác động không chỉ ở nơi xảy ra điểm nóng mà còn ảnh hưởng đến các nơi khác trong phạm vi cả nước, thậm chí nó có thể ảnh hưởng đến an ninh khu vực và quốc tế. Do vậy, cần phải có sự thống nhất, phối hợp của cả hệ thống chính trị mới có thể tìm ra cách giải quyết đúng đắn.

b. Lựa chọn phương thức giải quyết- những lực lượng và phương tiện cần thiết :

Trước hết cần xác định rõ phương thức giải quyết, đó là tuyên truyền, thuyết phục hay trấn áp, hoặc kết hợp cả hai phương thức trên. Nếu như xác định dùng biện pháp tuyên truyền thuyết phục là chính thì lực lượng tham gia giải quyết cơ bản là Mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Không nhất thiết phải huy động lực lượng công an và quân đội, hoặc chỉ sử dụng một bộ phận nhỏ để hỗ trợ cùng các lực lượng khác, để làm công tác bảo vệ. Nếu như xác định dùng biện pháp trấn áp là chính thì công an, quân đội là lực lượng chủ công. Nếu kết hợp cả hai phương pháp trên thì tuỳ theo điều kiện cụ thể mà tổ chức phối hợp các lực lượng. Điều quan trọng là phải có sự phân công và phối hợp giữa các lực lượng sao cho phát huy mọi thế mạnh của từng lực lượng để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Việc sử dụng các phương tiện trong chính trị cũng rất quan trọng, đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là một thứ vũ khí sắc bén không chỉ trong hoạt động chính trị nói chung mà nó còn phải phát huy được tính lợi hại trong quá trình xử lý các điểm nóng chính trị- xã hội. Thông qua đài phát thanh, truyền hình, báo chí và các phương tiện truyền thông khác, hệ thống thông tin đại chúng có thể giúp cho quần chúng phân định đúng sai, định hướng dư luận xã hội để tập hợp lực lượng, cô lập đối phương… Cách sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng là nghệ thuật chính trị. Tùy điều kiệu cụ thể mà có thể có cách thức sử dụng công cụ này khác nhau. Điều cần lưu ý ở đây là phải nắm chắc và chi phối phương tiện thông tin đại chúng. Nếu như công cụ này để rơi vào tay đối phương thì sự thất bại là khó tránh khỏi.

Việc lựa chọn các phương thức, các lực lượng và phương tiện nhằm giải quyết hai vấn đề sau :

- Để giải tán đám đông quần chúng, tùy những điều kiện cụ thể mà áp dụng các giải pháp khác nhau:

+ Nếu những yêu sách của quần chúng là chính đáng thì có thể chấp nhận những yêu sách ấy và giải quyết kịp thời những vấn đề có thể giải quyết được. Những vấn đề chưa thể giải quyết ngay cần cam kết với quần chúng sẽ sớm đưa ra xem xét. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu làm như vậy, đám đông, quần chúng sẽ tự giải tán …

+ Đưa cán bộ vào đám đông vận động, lôi kéo những quần chúng tích cực, những người bị động, hùa theo; tách họ khỏi lực lượng cầm đầu quá khích; yêu cầu họ trở về nơi làm việc hoặc nơi cư trú; đồng thời, nhận diện răn đe, cô lập những người quá khích cầm đầu.

+ Trong trường hợp nguy cấp có thể phải dùng đến sức mạnh của lực lượng công an, quân đội, buộc mọi người phải giải tán.

- Đối sách đối với những người cầm đầu đám đông quần chúng, có thể áp dụng các giải pháp sau:

+ Thương lượng với người đứng đầu nếu như người đó đại diện cho yêu sách chính đáng của đám đông quần chúng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, rất có thể trong lúc đối đầu giữa hai bên bọn họ có thể có hành vi tráo trở không thực hiện cam kết hoặc xuyên tạc những nội dung thương lượng để kích động quần chúng, nâng cao vị thế của mình. Do vậy, cần có sự đề phòng cần thiết.

+ Nếu những người đứng đầu là những phần tử xấu, lợi dụng hoàn cảnh để xuyên tạc sự thật, kích động quần chúng, gây nên bất ổn định, rối loạn xã hội thì có thể vạch trần thủ đoạn của họ để cho quần chúng nhận thức rõ đúng, sai. Song nếu như không có đủ chứng lý để vạch tội họ thì sẽ gây tác dụng ngược chiều, quần chúng sẽ phản đối và càng làm tăng thêm vai trò của người đứng đầu.

+ Trong trường hợp cần thiết có thể bắt giữ người đứng đầu. Tuy nhiên, nếu như việc bắt giữ được thực hiện không đúng lúc, không đúng pháp luật thì có thể kích thích thêm sự chống đối của quần chúng. Việc bắt giữ người đứng đầu phải hợp pháp, phải giải thích, tuyên truyền cho quần chúng thấy được việc làm đó là cần thiết và đúng đắn. Nếu như trong quá trình xử lý lại hữu khuynh, do dự, thiếu kiên quyết bắt giữ người đứng đầu trong những trường hợp cần thiết thì tình hình có thể sẽ trở nên phức tạp hơn.

+ Trong trường hợp người đứng đầu là những phần tử phản động thì chỉ khi bắt được người đứng đầu mới có thể giải quyết được điểm nóng. Vấn đề quan trọng là cần phải chọn những thời điểm thích hợp tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể.

+ Giải tán đám đông quần chúng và đối sách với người đứng đầu là hai giải pháp có quan hệ mật thiết với nhau. Người đứng đầu chỉ dựa vào đám đông quần chúng mới có sức mạnh, và ngược lại, đám đông chỉ có sức mạnh khi có tổ chức, có người đứng đầu. Nếu như chúng ta giải quyết tốt việc giải tán đám đông, tách quần chúng ra khỏi người đứng đầu thì có điều kiện đối sách với người đứng dầu. Ngược lại, khi có đối sách đúng với người đứng đầu thì lại có điều kiện để giải tán đám đông quần chúng. Thực chất ở đây là thể hiện mối quan hệ giáo dục tuyên truyền, thuyết phục với số đám đông quần chúng và áp dụng những biện pháp chuyên chính khi cần thiết.

c. Chuẩn bị phương án xử lý tình huống xấu nhất có thể xảy ra ngăn ngừa nguy cơ lan tỏa sang nơi khác trong thực tế thường phải chuẩn bị ít nhất là ba phương án giải quyết.

Lúc đầu giải quyết theo phương án tốt nhất, nếu như tình hình phức tạp có thể chuyển sang phương án thứ hai hoặc thứ ba… Cần phải chuẩn bị cả những phương án xử lý tình huống xấu nhất để khi xảy ra có thể ứng phó kịp thời, không bị rơi vào tình trạng bị động, lúng túng hoặc trở tay không kịp.

Cần có biện pháp kiềm chế không để cho điểm nóng bùng phát lớn và lan tỏa sang nơi khác. Có thể dùng lực lượng vũ trang đóng quân gần hoặc xung quanh điểm nóng để yểm trợ khi cần thiết, để khu biệt điểm nóng với những vùng lân cận. Để hạn chế sự lan tỏa của điểm nóng còn có thể áp dụng những giải pháp như tăng cường những nhân tố chính trị, xã hội, tăng cường công tác tư tưởng giải quyết đời sống… ở những vùng lân cận.

d. Những phương châm cần lưu ý khi áp dụng phương thức, biện pháp giải quyết :

- Cần phải kết hợp sự kiên định về nguyên tắc với sự mềm dẻo, linh hoạt về biện pháp. Về nguyên tắc chỉ đạo, có những nguyên tắc chung về quan điểm, đường lối, có những nguyên tắc chỉ đạo cụ thể cho từng điểm. Cần phải có sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đặc biệt là không được mất phương hướng chính trị, nản chí đấu tranh khi gặp những tình huống phức tạp. Cần kiên định lập trường kiên quyết giữ vững quyền lực chính trị. Nhưng những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề lại phải dựa trên nguyên tắc “tùy cơ ứng biến”, không được cứng nhắc, máy móc.

- Trước hết, cần chọn giải pháp tốt nhất (thượng sách) để giải quyết, không được ngay từ đầu lựa chọn giải pháp bất đắc dĩ (hạ sách). Đối với trường hợp nhân dân biểu tình chống đối chính quyền có lẽ không nên áp dụng ngay từ đầu những giải pháp cưỡng chế, trấn áp mà trước hết cần phải áp dụng giải pháp tuyên truyền, thuyết phục, thương lượng... Nhưng đối với trường hợp lực lượng phản động gây bạo loạn, chống đối chính quyền nhà nước thì có thể việc dùng lực lượng công an, quân đội dập tắt ngay từ đầu lại là cần thiết.

- Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải dựa vào dân. Khi giải quyết điểm nóng, việc làm phân hoá quần chúng lôi cuốn được quần chúng về phía mình là một điều có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vì chỉ khi tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của đa số quần chúng thì chúng ta mới có thể giải quyết được điểm nóng. Do vậy, cần phải kiên nhẫn, biết tin vào dân ngay cả khi họ ở trong trạng thái giận dữ, có những hành vi bất nhã; xúc phạm đến chúng ta.

Cần phải tuyên truyền, thuyết phục họ, kiềm chế bản thân và đặc biệt không được có những hành vi trả đũa tương xứng.

Bước ba: Khắc phục hậu quả khi điểm nóng được dập tắt.

Khi giải tán được đám đông và xử lý những người đứng đầu thì điểm nóng về cơ bản đã được dập tắt. Công việc tiếp theo là phải áp dụng những giải pháp để đưa xã hội trở lại hoạt động ổn định bình thường.

Trước hết, phải đưa hoạt động cơ bản ở những nơi đã xảy ra điểm nóng trở lại với nhịp điệu bình thường trước đó. Nếu như đó là các nhà máy, xí nghiệp thì phải đưa sản xuất trở lại bình thường, công nhân trở lại làm việc.

Nếu đó là trường học thì các lớp học phải được mở lại, học sinh đi học, thầy giáo lên lớp giảng bài… Trên cơ sở khôi phục các hoạt động cơ bản ấy mới có điều kiện ổn định các mặt khác.

Khắc phục những thiệt hại về người và của nếu có xảy ra. Các công trình phục vụ cho sản xuất, đời sống nếu bị hư hại phải được sửa chữa; những người bị thương phải được cứu chữa, người bị chết phải được giải quyết hậu quả. Giải quyết tốt những công việc này mới tạo điều kiện ổn định xã hội.

Điều quan trọng là phải phân định rõ đúng sai, xử lý đúng mức những người vi phạm trong khi nổ ra điểm nóng. Như vậy công tác thanh tra phải được triển khai kịp thời và phải có kết luận rõ ràng. Kết luận của thanh tra cần được công bố công khai, có sự thảo luận, đối chứng, làm rõ đúng sai. Để cho những kết luận của thanh tra đúng với thực tế khách quan, được đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ, những người sai phạm cần phải thừa nhận những sai lầm khuyết điểm của mình.

Sau công tác thanh tra, cần tiến hành xử lý những người vi phạm. Tùy theo mức độ vi phạm của từng người mà có thể có mức xử lý khác nhau từ hình thức kiểm điểm trước nhân dân, xử phạt hành chính, tới hình thức truy tố trước pháp luật.

Thực tế cho thấy cần phải xử lý nghiêm minh cả hai phía: cán bộ mắc sai lầm và những người qúa khích vi phạm pháp luật khi nổ ra điểm nóng. Nếu như nguyên nhân của sự chống đối từ phía nhân dân là do cán bộ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ thì trước hết phải xử lý nghiêm minh đối với cán bộ rồi sau đó mới xử lý những người do quá khích vi phạm pháp luật. Trong trường hợp điểm nóng nổ ra do bọn phản dộng, kẻ xấu lợi dụng, kích động quần chúng thì khi xử lý cần phân tích rõ những hành vi gây rối của họ để cho mọi người thấy rõ đúng sai; mặt khác, cũng phải thừa nhận những khiếm khuyết của cán bộ, của thể chế chính sách để kẻ xấu lợi dụng và sửa chữa những khiếm khuyết ấy.

Nếu như trong quá trình xử lý có sự thiên vị, dung túng, bao che hoặc là xử quá nặng mặt này hoặc quá mức mặt kia thì khó có thể tạo đựơc sự ổn định và sẽ để lại những hậu qủa lâu dài cho đời sống xã hội.

Giải quyết những vấn đề trên chỉ đem lại những kết quả tích cực khi thực hiện nhất quán các nguyên tắc: công khai, dân chủ, công minh theo đúng pháp luật và các chuẩn mực văn hoá đạo đức.

Đồng thời với quá trình thanh tra, xử lý là quá trình thanh lọc cán bộ phạm sai lầm, lựa chọn cán bộ thay thế, củng cố các tổ chức chính trị- xã hội như Đảng, chính quyền các đoàn thể nhân dân.

Khắc phục những thiệt hại về vật chất có thể nhìn thấy được đã là những công việc khó khăn, phức tạp, nhưng khắc phục những tổn thương về tư tưởng, tình cảm con người sau điểm nóng lại là vấn đề dai dẳng và phức tạp hơn nhiều.

Bước bốn: Rút kinh nghiệm, dự báo tình hình và áp dụng những giải pháp để điểm nóng không tái phát

a. Qua điểm nóng cần tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm trên những mặt sau:

- Ưu, nhược điểm của cán bộ lãnh đạo:

Qua xử lý điểm nóng sẽ thấy rõ ai là người kiên định, sáng tạo, linh hoạt, ai là người thụ động, nhu nhược, hữu khuynh… và từ đó có thể loại trừ những cán bộ bất tài, bất lực, tuyển lựa cán bộ có năng lực phẩm chất đảm nhiệm công việc trong các cơ quan Đảng, nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Qua điểm nóng còn có thể thấy rõ được ưu nhược điểm của công tác cán bộ trong cả giai đoạn trước đó.

- Đánh giá ưu, nhược điểm của hệ thống tổ chức quyền lực:

Thực tế cho thấy, trong điều kiện bình thường, nếu nhìn nhận hệ thống tổ chức quyền lực người ta dễ lầm tưởng là nó rất hùng mạnh. Không ít những địa phương nơi mà những điểm nóng nổ ra chỉ trước đó ít lâu được công nhận Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh… nhưng khi điểm nóng nổ ra thì hệ thống đó lại tỏ ra bất lực và tan rã rất nhanh. Qua điểm nóng cũng cho thấy mức độ nhạy cảm chính trị của các cấp từ trung ương đến cơ sở và hiệu lực của các cấp ấy.

- Đánh giá ưu nhược điểm của phương thức lãnh đạo, chỉ đạo:

Chúng ta thường nêu ra công thức: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là nhằm mục đích thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Nhưng trên thực tế, các chủ thể quyền lực ở một số nơi lại tỏ ra quan liêu, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân nên nhân dân biểu tình chống lại. Qua điểm nóng còn cho thấy sự cồng kềnh, chồng chéo, sự hoạt động kém hiệu lực và bất lực của hệ thống chính trị.

- Đánh giá về những khiếm khuyết và bất cập của chính sách, thể chế và luật pháp nhà nước:

Những ưu nhược điểm của cán bộ, của hệ thống tổ chức quyền lực và phương thức hoạt động của hệ thống ấy thường có nguồn gốc từ chính sách, thể chế và luật pháp nhà nước. Qua những điểm nóng ở nông thôn chúng ta thấy rất rõ những khiếm khuyết, bất cập về chính sách, thể chế của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Qua điểm nóng tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy cần phải hoàn chỉnh chính sách đối với đồng bào các dân tộc: những điểm nóng tôn giáo cho thấy cần phải hoàn thiện luật pháp về tôn giáo…

- Đánh giá về cơ sở chính trị- xã hội trong quần chúng:

Qua điểm nóng, do sự chống đối của nhân dân với chính quyền nhà nước, có thể có những đánh giá khác nhau về cơ sở chính trị- xã hội trong nhân dân. Sự đánh giá đó phải tuỳ thuộc vào những điều kiện cụ thể. Trong trường hợp nhân dân tự tổ chức chống lại tệ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, sự tha hoá của chính quyền nhà nước, thì đó lại là cơ sở chính trị vững vàng cho một chính quyền nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong trường hợp nhân dân bị kẻ xấu, phản động lôi kéo, kích động thì cần phải đánh giá bản chất của nhân dân nơi xảy ra điểm nóng, tìm hiểu nguyên nhân và mức độ bị lôi cuốn, kích động để tìm ra những giải pháp nhằm chuyển hoá quần chúng theo hướng tích cực…

Đặc biệt cần đánh giá cụ thể lực lượng phản động còn ẩn náu trong nhân dân hay không; số đã bộc lộ ra, số vẫn còn tiếp tục giấu mặt; khả năng hoạt động của các lực lượng ấy.

b. Dự báo tình hình và áp dụng các giải pháp để điểm nóng, không tái phát :

Trên cơ sở đánh giá các vấn đề một cách khách quan và cụ thể có thể dự báo tình hình xem điểm nóng có thể tái phát trở lại hay không? Mức độ tái phát ra sao? Xu hướng tái phát? Tái phát theo chiều hướng giảm dần hay ngày càng nghiêm trọng hơn? Cần phải áp dụng những giải pháp gì để điểm nóng không tái phát?

Để điểm nóng không tái phát cần áp dụng tổng hợp các giải pháp về kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng cơ bản nhất vẫn là phát triển kinh tế và tạo dựng cơ sở chính trị trong nhân dân. Cần áp dụng các giải pháp an dân cả về vật chất và tinh thần.

[1] Tham khảo tài liệu Tập bài giảng xử lý tình huống chính trị – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2001.

XỬ LÝ ĐIỂM NÓNG CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI MẤY VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Tác giả NGUYỄN MINH ĐOAN
Tạp chí ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL SỐ 4/2004
Năm xuất bản 2004
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.

VĂN BẢN CÙNG CHỦ ĐỀ