Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

ÁN LỆ Ở ANH QUỐC: LỊCH SỬ, KHÁI NIỆM, NGUYÊN TẮC VÀ CƠ CHẾ THỰC HIỆN

ThS. Nguyễn Đức Lam - Văn phòng Quốc hội

Đối với các nước thuộc hệ thống thông luật - Common Law - (như Anh, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand…), thì án lệ là nguồn chủ yếu và quan trọng, được dẫn chiếu khi xét xử. Ở Việt Nam, khả năng áp dụng án lệ bắt đầu được bàn đến trong một vài năm gần đây[1]. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, có nêu: "Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm". Trong Dự án Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2010, TANDTC đã đề xuất cho phép được xét xử theo án lệ (nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa tán thành, chưa đưa ra Quốc hội bàn và quyết).

Sự thận trọng nói trên là cần thiết vì nói chung, ở Việt Nam, khái niệm án lệ còn mới không chỉ đối với các nhà thực thi pháp luật mà còn đối với cả các nhà khoa học, nên hiện nay còn nhiều quan điểm nhìn nhận khác nhau, nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa có câu trả lời rõ ràng. Trong bối cảnh đó, bài viết cung cấp một số thông tin tham khảo về án lệ ở Anh quốc[2].

1. Lịch sử pháp luật và hệ thống tòa án Anh quốc

Việc nghiên cứu án lệ Anh đòi hỏi phải đặt trong quá trình ra đời, phát triển của pháp luật nước này và hệ thống toà án Anh.

1.1. Lịch sử pháp luật Anh quốc

Hệ thống thông luật trên toàn thế giới bắt nguồn từ Anh quốc vào giai đoạn phát triển về kinh tế, xã hội, chính trị và pháp luật dưới chế độ phong kiến[3]. Một trong những đặc điểm ở Anh lúc đó là các tranh chấp được giải quyết hoàn toàn trong phạm vi hẹp của các lãnh địa mà không quan tâm đến các vùng khác giải quyết như thế nào. Khi nhà vua muốn thiết lập quyền lực tập trung, ý định này gặp phải sự phản kháng từ các vị lãnh chúa. Mặc dù vậy, nhà vua vẫn thành lập các tòa án của mình và cử các thẩm phán đi xét xử lưu động trên toàn vương quốc với thẩm quyền về một số loại vụ việc, chứ không phải có thẩm quyền chung. Bằng các phán quyết của mình có tính chất chung, thông lệ (common) trên toàn vương quốc, các tòa án hoàng gia đã tạo nên những luật lệ thống nhất đầu tiên, tạo nền tảng cho sự thống nhất của cả trật tự pháp lý[4]. Từ đây xuất hiện khái niệm “thông luật”- common law, tức là pháp luật có tính chất chung trên toàn vương quốc Anh.

Đáng nói là, quá trình phát triển và tập trung hóa hệ thống pháp luật ở Anh diễn ra sớm hơn nhiều so với sự phát triển của nghị viện Anh. Trong suốt quá trình song hành, luôn diễn ra sự xung đột giữa luật của tòa án và luật thành văn, phản ánh mâu thuẫn giữa vương quyền và nghị viện[5]. Khi luật thành văn có thể áp dụng trực tiếp cho một tình huống cụ thể, tòa án phải ra phán quyết theo quy định thành văn; nhưng khi có sự nghi ngờ, văn bản pháp luật do nghị viện ban hành sẽ được giải thích một cách rất hạn hẹp nhằm giảm thiểu tối đa sự “xâm chiếm” của văn bản và dành cho tòa án thẩm quyền tối đa. Hệ thống các quy phạm pháp lý đã định hình cơ bản dựa trên các phán quyết của tòa án. Cần biết đặc điểm này để hiểu được bản chất của thông luật nói chung và án lệ nói riêng ở Anh quốc, nhất là đặt trong mối quan hệ giữa án lệ và luật thành văn.

Nguyên tắc stare decisis, theo đó, nghĩa vụ của thẩm phán Anh quốc phải tuân theo những quy tắc có trong những quyết định toà án được đưa ra trước đó bắt đầu ăn sâu ở Anh chỉ từ nửa sau thế kỷ XIX[6]. Việc ban hành "Luật về Tổ chức toà án" vào thời điểm này làm cho cấu trúc của hệ thống toà án trở nên rõ ràng, chặt chẽ hơn và việc nâng cao chất lượng của các tuyển tập án lệ đã hỗ trợ đáng kể cho quy tắc án lệ được đưa vào thực tế nhiều hơn.

1.2. Hệ thống toà án Anh quốc[7]

Hệ thống toà án Anh chia ra xét xử cấp cao (senior courts), với đỉnh là Tòa án tối cao Liên hiệp Anh (Supreme Court of the UK) và xét xử cấp thấp do số lượng lớn các toà cấp dưới và những cơ quan bán pháp lý tương đương thực hiện. Tuy nhiên, từ góc độ nghiên cứu án lệ, phần này của bài viết chỉ đề cập đến hoạt động của các toà cấp cao bởi những toà đó không chỉ xem xét các vụ việc cụ thể mà còn đưa ra quyết định thường vượt ra khỏi khuôn khổ của vụ án và trong những điều kiện nhất định tạo ra tiền lệ cho những vụ việc sau này.

 

Các quan toà những toà án cấp cao ở Anh có vị trí quan trọng và vai trò của họ rất to lớn. Ở Anh tồn tại một quyền lực tư pháp thực thụ mà về uy tín lẫn ý nghĩa đều không thua kém quyền lực lập pháp và hành pháp.

1.2.1. Tổ chức của các tòa cấp cao ở Anh (senior courts)

Theo Luật về Toà án năm 1971 của Anh, các tòa cấp cao ở Anh gồm: Toà tối thượng Công lý (Hight Court of Justice), Toà Vương miện (Crown Court) và Toà phúc thẩm (Court of Appeal).

Toà tối thượng gồm ba bộ phận: bộ phận Hoàng gia (Queen’s Bench Division), Tòa đại pháp - bộ phận xét xử theo luật công lý (Chancery Division) và bộ phận về luật gia đình (Family Division). Trong khuôn khổ của bộ phận Hoàng gia có Toà Đô đốc và Toà Thương mại; trong khuôn khổ Tòa đại pháp có Toà môn bài.

Toà tối thượng có gần 100 quan toà (mang danh hiệu "Justices") cộng với Chánh án (Lord) đứng đầu bộ phận Hoàng gia, Phó pháp quan (Vice Chancellor) đứng đầu Tòa đại pháp và quan toà đứng đầu bộ phận luật gia đình. Các quan toà được bổ nhiệm từ những luật sư mà đối với họ, trở thành quan toà là đỉnh cao trong đường sự nghiệp. Những vụ việc ở cấp sơ thẩm do một quan toà xét xử. Hiện nay, bồi thẩm đoàn chỉ tham gia vào những vụ việc dân sự trong những trường hợp ngoại lệ.

Toà Vương miện - một tổ chức mới do Luật về Toà án 1971 lập ra. Toà xem xét những vụ án hình sự. Thành phần của toà đa dạng hơn. Phụ thuộc vào dạng tội phạm, vụ án có thể do quan toà của Toà tối thượng, hoặc quan toà hạt (phải là quan toà chuyên nghiệp, thường xuyên làm việc), hoặc luật sư - recorders (barristers, solisiters) tạm thời gánh trách nhiệm của quan toà xem xét. Nếu bị cáo không chịu công nhận mình có tội, bồi thẩm đoàn sẽ tham gia xét xử - điều hiếm thấy hiện nay.

Toà phúc thẩm gồm có hai bộ phận: bộ phận dân sự (Civil Division) và hình sự (Criminal Division); các quan toà được gọi là pháp quan (lord - justices) và do người đứng đầu bộ phận dân sự (Master of the Rolls) lãnh đạo. Các vụ án do hội đồng gồm ba thẩm phán xem xét. Đơn kháng án sẽ bị bãi bỏ nếu đa số họ phủ quyết. Một trong những hội đồng của toà án chỉ chuyên phụ trách các vụ án hình sự - bộ phận hình sự của Toà phúc thẩm. Hội đồng này thường hoạt động với thành phần một pháp quan và hai thẩm phán từ bộ phận Vành móng ngựa hoàng gia. Khác với những hội đồng xem xét các vụ án dân sự, ở đây không chấp nhận để ý kiến của các thẩm phán thiểu số được tuyên bố công khai.

1.2.2. Tòa án Tối cao của Liên hiệp Anh (Supreme Court of UK)[8]

Trước đây, Viện Nguyên lão (Thượng viện Anh) là cấp xét xử cao nhất và chung thẩm trên toàn bộ lãnh thổ Liên hiệp Anh[9]. Từ tháng 10/2009, theo quy định của Luật Cải cách hiến pháp năm 2005, Tòa án Tối cao của Liên hiệp Anh (UKSC) được thành lập thay thế Viện Nguyên lão thực hiện công việc này[10]. Mười hai thẩm phán của UKSC do Nữ hoàng bổ nhiệm theo giới thiệu của Thủ tướng sau khi được một Ủy ban tuyển chọn đề xuất theo một quy trình phức tạp.

Luật pháp Anh không huỷ bỏ quyết định và trả vụ việc về để xử lại. Cả Tòa án Tối cao hiện nay (Viện Nguyên lão trước đây) lẫn Toà phúc thẩm đều luôn đưa ra phán quyết về những vụ việc bị kháng án.

1.2.3. Hội đồng cơ mật

Các thẩm phán của Tòa án tối cao Liên hiệp Anh đồng thời cũng là thành viên Ủy ban Tư pháp thuộc Hội đồng cơ mật có thẩm quyền xem xét những đơn kháng án đối với các quyết định của các toà án tối cao ở các lãnh thổ hải ngoại thuộc Liên hiệp Anh hoặc các nhà nước thành viên của Khối thịnh vượng chung, vì những nhà nước này không loại trừ khả năng của những đơn kháng án như thế (New Zealand, Gambia, Sirea - Leone...). Như vậy, các thẩm phán thường phải áp dụng luật pháp nước khác. Các quyết định của Uỷ ban dựa trên thông luật có uy tín như những quyết định của Viện Nguyên lão trước đây và Tòa án tối cao hiện nay[11]. Chúng đều được xuất bản trong cùng những tuyển tập về thực tiễn tòa án.

1.2.4. Xét xử các vụ việc hành chính

Ở Anh không có hệ thống đẳng cấp các toà án hành chính, cũng như không có "cấp toà cao nhất'' chuyên trách xem xét những vụ việc trong đó một trong các bên là cơ quan nhà nước. Những nỗ lực thành lập ''bộ phận hành chính'' ở Toà án tối cao đều gặp phải sự phản kháng của những ai không muốn phát triển luật hành chính theo mẫu lục địa, tức là ngoài khuôn khổ của thông luật. Tuy vậy, từ 1981 bắt đầu có danh mục những vụ việc hành chính do các cấp toà tối cao xem xét. Những vụ việc này do 9 thẩm phán của bộ phận đặc biệt thuộc Toà Hoàng gia xét xử. Có những vụ án thuộc thẩm quyền Toà phúc thẩm. Vào năm 1980 đã xác định được thủ tục chính để xem xét những yêu cầu về bãi bỏ các quyết định của cơ quan quản lý và toà cấp dưới.

2. Án lệ ở Anh: khái niệm và ý nghĩa

2.1. Khái niệm

Án lệ là “vụ án đã được giải quyết tạo cơ sở cho việc xét xử các vụ án sau này mà có những sự kiện hoặc vấn đề pháp lý tương tự”[12]. Trong đó, án lệ cũng được áp dụng đối với việc giải thích luật thành văn, có nghĩa là tòa cấp dưới phải tuân theo cách giải thích luật của tòa cấp trên.

Cần lưu ý rằng, về mặt kỹ thuật, nói một cách chặt chẽ, khi xét xử, các thẩm phán không phải tuân theo quyết định (decision) được đưa ra trong vụ án trước, mà chỉ phải tuân theo quy tắc pháp lý trong phần luận cứ chính (ratio decidendi) được đưa ra trong bản án trước[13].

Án lệ về hình thức là những bản án đã trở thành luật, tạo thành một thứ luật có tên gọi là luật án lệ (case law) hay luật do thẩm phán làm ra (judge-made law), bên cạnh luật do nghị viện ban hành (legislation hay statutory law). Tuy nhiên, như Blackstone lưu ý, luật và ý kiến của thẩm phán thể hiện trong án lệ không phải lúc nào cũng là một, vì có lúc thẩm phán cũng nhầm lẫn về luật[14]. Do đó, án lệ không phải là tuyệt đối tuân theo đối với tòa án và thẩm phán trong các vụ án tương tự sau này, khi họ cho rằng, án lệ đã không còn phù hợp với bối cảnh mới hoặc không bảo vệ được công lý.

Về bản chất, án lệ là một nguyên tắc tố tụng, theo đó: những bản án sắp sửa được tuyên không được trái với những bản án mà tòa cùng cấp hay tòa cấp trên đã tuyên và có hiệu lực trước đó nếu như tình tiết của các vụ án giống hoặc tương tự nhau.

Ở Anh (và các nước thông luật khác), án lệ ra đời trong những điều kiện sau đây:

- Khi chưa có luật nhưng tòa vẫn phải xử để bảo đảm công lý và bản án đó trở thành án lệ (precedent), nghĩa là trở thành luật cho những vụ việc tương tự. Khi phán quyết đã được tuyên, nó phải được coi là giải pháp cho vấn đề tương tự sau này; thẩm phán phải tuân theo phán quyết của vụ án tương tự được xử trước đó[15].

- Khi luật không rõ ràng, thẩm phán phải tự mình nhận thức, giải thích luật và thể hiện nhận thức trong bản án. Bản án trở thành luật cho những tình huống tương tự.

- Đã có luật nhưng phát sinh tình huống mới mà luật chưa dự liệu được nên thẩm phán phải vận dụng luật hiện hành cho tình huống mới đó.

Ở Anh cũng phân biệt án lệ “phải tuân thủ” (biding precedent) và án lệ “cần tôn trọng và cân nhắc cẩn trọng” hay còn gọi là án lệ có sức thuyết phục (persuasive precedent).

2.2. Ý nghĩa, tầm quan trọng của án lệ ở Anh

Ở Anh người ta coi trọng án lệ, vì cho rằng đây là phương thức đạt được công lý[16]. Đó là khi các bên đương sự trong các vụ án tương tự phải nhận được những phán quyết tương tự, nếu không pháp luật trở nên bất công và tùy tiện; pháp luật được đặt ra và áp dụng một cách công bằng, nhất quán và xác đáng hay thỏa đáng. Khi một nền pháp luật tạo ra và bảo đảm được ba giá trị đó thì xã hội sẽ có công lý.

Khi xã hội có công lý thì người dân sẽ được an toàn bởi các quan hệ xã hội sẽ trở nên “có thể tiên liệu” và ổn định. Theo các nhà nghiên cứu, một vấn đề trung tâm của án lệ là nó tạo ra sự nhất quán trong khi giải thích luật đối với các vụ án, kèm theo đó là sự ổn định, tiên liệu của hệ thống pháp luật trải qua thời gian[17]. Nhờ có tính ổn định, tiên liệu được, các bên trong giao dịch pháp lý sẽ lên kế hoạch hành động được tốt hơn.

Từ nhận thức ấy, có một nguyên tắc mà đến nay đã trở thành tiêu chí ở Anh quốc: trong cùng một quốc gia, không thể xử những vụ án giống nhau bằng những bản án khác nhau. Nguyên tắc này là nền tảng cho “sự thống trị của luật” (rule of law), là bức tường thành chống đỡ sự xét xử tùy tiện hoặc độc đoán của cá nhân, chống lại “sự thống trị của cá nhân”[18].

Án lệ tạo nên hiệu suất trong hoạt động của tòa án khi tránh cho tòa không phải mất công sức quá nhiều vào việc nghiên cứu, xem xét lại những vấn đề cũ, cũng như tiết kiệm công sức cho các bên có tranh chấp trên phương diện này.

Cần lưu ý rằng giá trị của án lệ nằm ở phần tinh túy nhất của nó: Phần luận cứ, tức là những quan điểm, nguyên tắc, lý lẽ mà dựa vào đó các thẩm phán đưa ra phán quyết. Trong các án lệ được công bố, không chỉ có luận cứ của các thẩm phán đa số mà có cả luận cứ của thẩm phán thiểu số. Như vậy, giá trị của một án lệ chính là trí tuệ, kinh nghiệm, tâm huyết của các thẩm phán trong việc vận dụng pháp luật, đúc kết lên thành những luận cứ có sức thuyết phục cao, làm nền tảng cho phán quyết của mình.

Như đã trình bày, ở Anh quốc, án lệ được phổ biến công khai, ai cũng có thể đọc và tìm hiểu vì sao các thẩm phán lại phán quyết như vậy. Các sinh viên luật khi học trong trường là học những tinh hoa được chưng cất từ thực tiễn ấy chứ không chỉ học lý thuyết suông. Một bản án được xét xử nghiêm túc, đúng đắn chứa đựng tinh hoa của trí tuệ và lương tâm của thẩm phán. Những giá trị ấy phải được kế thừa và lan truyền, được tôn trọng, bổ sung và hoàn thiện.

Tầm quan trọng của án lệ ở chỗ, khi áp dụng án lệ, thực tiễn toà án ở Anh còn tạo ra quy phạm pháp luật[19]. Những quy tắc trong các quyết định toà án cần được áp dụng trong tương lai, nếu khác đi sự ổn định của thông luật sẽ bị phá vỡ và sự tồn tại của nó sẽ bị đe doạ. Các luật gia Anh xem xét luật pháp nước mình chủ yếu như luật pháp của toà án. 

Các quy phạm của luật pháp Anh - đó là những quy tắc pháp lý lấy từ phần luận cứ chính (ratio decidendi) trong các quyết định do các toà cấp cao nước Anh đưa ra. Người Anh tiếp nhận những quy phạm do nhà lập pháp tạo ra chỉ trong trường hợp chúng đã qua thực tiễn toà án, dù cho chúng có như thế nào đi chăng nữa.

3. Cơ chế thực hiện án lệ ở Anh

     3.1. Quy tắc án lệ ở Anh

Án lệ vận hành dựa trên hệ thống thứ bậc của tòa án Anh quốc[20]. Về tổng thể, quy tắc án lệ ở Anh gồm các nội dung sau: 1) Những án lệ do Tòa án tối cao Liên hiệp Anh (trước đây là Viện Nguyên lão) đưa ra có tính chất bắt buộc đối với mọi toà án cấp thấp hơn; 2) Những án lệ do Toà phúc thẩm đưa ra có tính chất bắt buộc đối với mọi toà cấp dưới và (ngoài luật hình sự) đối với chính toà đó; 3) Những án lệ do Toà tối thượng đưa ra có tính chất bắt buộc đối với mọi toà cấp dưới và có ý nghĩa quan trọng, thường được sử dụng để hướng dẫn cho các bộ phận của Toà tối thượng và Toà Vương miện.

Để minh họa cho quy tắc này, xin lấy vụ án Attia kiện Công ty cung cấp gas Anh làm ví dụ (xem Hộp 1).

Hộp 1: Năm 1987 Toà phúc thẩm của Anh xử vụ bà Attia kiện Công ty cung cấp gas Anh (British Gas). Theo truyền thống xét xử của Anh, Toà phúc thẩm khi xử vụ này đã dựa trên quyết định của vụ MacLoughlin kiện O’Brian do Viện Nguyên lão Anh xét xử.

- Vụ Atia kiện Công ty cung cấp gas Anh: Attia gọi người của Công ty đến lắp hệ thống sưởi ấm cho nhà bà, nhưng trong lúc làm việc, do sơ ý, họ để lửa bén vào gác xép. Khi đội cứu hoả đến, lửa đã lan khắp nhà, và bốn tiếng sau, ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà cùng tài sản trong đó. Bà Attia đệ đơn lên toà với hai khoản kiện: đòi bồi thường thiệt hại ngôi nhà và tài sản; đòi bồi thường thiệt hại do bị sốc về tinh thần khi phải chứng kiến ngôi nhà của mình bị thiêu rụi. Công ty cung cấp gas đồng ý bồi thường thiệt hại về tài sản, nhưng từ chối bồi thường cho cú sốc tinh thần. Toà sơ thẩm cũng đồng ý với lập luận của bị đơn và bác khoản kiện thứ hai của bà. Bà Attia kiện tiếp lên Toà phúc thẩm của Anh. Toà này đã chấp thuận khoản kiện và buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại tinh thần cho bà Attia.

- Vụ MacLoughlin kiện O’Brian: O’Brian là tài xế xe tải, do sơ ý đã đụng phải chiếc xe con do ông MacLoughlin lái chở ba người con. Kết cục là ông MacLoughlin và hai người con bị thương nặng, người con thứ ba chết ngay. Bà MacLoughlin lúc ấy đang ở nhà cách đó hai dặm, được một người đi mô tô đến báo và chở bà đến bệnh viện. Bà MacLoughlin đã kiện O’Brien phải bồi thường thiệt hại tinh thần do bà bị sốc khi nghe tin dữ, sau đó càng sốc hơn khi thấy một đứa con chết, tình cảnh chồng và hai đứa con khác bị thương nặng đang đau đớn, kêu la. Toà sơ thẩm và Toà phúc thẩm đều bác đơn kiện của bà, nhưng Viện Nguyên lão đã chấp thuận, buộc bị đơn phải bồi thường cho bà.

Trước năm 1966, người ta cho rằng Viện Nguyên lão chịu ràng buộc chặt chẽ với những án lệ của mình, thậm chí nếu chúng tạo nên “sự bất công” hoặc “hạn chế sự phát triển của pháp luật”[21]. Nhưng trong Tuyên bố Thực tiễn (Practice Statement) vào năm 1966, thẩm phán Gardiner thay mặt cho 12 vị Nguyên lão pháp luật (Law Lords) đề nghị và được Viện Nguyên lão chấp nhận rằng, từ nay Viện sẽ không tuân thủ các án lệ trước đó của Viện trong những trường hợp “Viện nhận thấy làm như thế là đúng”. Đối với các tòa cấp thấp hơn, các án lệ đó vẫn có tính chất bắt buộc tuân thủ nếu chưa có án lệ mới của Viện Nguyên lão đưa ra.

3.2. Hình thức của những quyết định toà án Anh

Để hiểu được thế nào là tiền lệ bắt buộc, cần phải xem xét những quyết định (decision) của toà án Anh được cấu tạo như thế nào (xem Hộp 2).

Hộp 2: Cấu trúc của quyết định tòa án ở Anh

(1) Quyết định của tòa án trước hết trình bày một cách có hệ thống tất cả các sự kiện pháp lý (legal facts) dẫn đến xung đột, tranh chấp, làm cơ sở cho việc phân tích vấn đề pháp lý.

(2) Phân tích các vụ án trước đây tương tự như vụ đang xử, nhất là các vụ án được các bên viện dẫn. Phần này nhằm xác định vụ án nào tương tự, vụ nào cần “khu biệt”; áp dụng án lệ nào, áp dụng ở mức độ nào; xác định các nguyên tắc pháp lý được áp dụng.

(3) Ra phán quyết dựa trên (1) và (2)[22].

Quyết định của toà án Anh, nói một cách chặt chẽ được rút lại thành những công thức đơn giản: X phải trả số tiền nào đó cho Y, hợp đồng đã ký kết giữa X và Y phải huỷ bỏ, di sản của X cần phải thuộc về ai đó...

3.3. Một số khái niệm liên quan đến án lệ

Ratio decidendi và obiter dicta

Nguyên tắc án lệ đòi hỏi ở luật gia Anh sự phân tích kỹ lưỡng các quyết định toà án trước đó để phân biệt đâu là quy tắc pháp lý trong quyết định (ratio decidendi) và đâu là phần luận cứ phụ (obiter dictum)[23] trong lời giải thích (reason) của quan toà đưa ra biện luận cho quyết định của mình. Ratio decidendi sẽ tạo nên quy tắc pháp lý bắt buộc được đưa vào thành phần của luật pháp Anh và vì vậy cần được tuân theo trong tương lai.

Những gì thuộc luận cứ phụ (obiter dicta) không có ý nghĩa như thế; mục đích của nó là tạo ra tính thuyết phục cho quyết định của toà án. Có hai loại obiter dicta[24]: loại thứ nhất là các quy tắc được thẩm phán đưa ra mà không dựa trên các sự kiện pháp lý của vụ kiện; loại thứ hai là các quy tắc pháp lý do thẩm phán đưa ra dù đã dựa trên các sự kiện pháp lý của vụ kiện, nhưng không phải là cơ sở của quyết định tòa án, ví dụ như quy tắc do thẩm phán thiểu số đưa ra.

Cần phân biệt rằng, bản thân quan toà khi ra quyết định không xác định cái gì là chính yếu, còn cái gì là phụ. Điều đó sẽ do quan toà khác làm khi xem xét quyết định có phải là án lệ cho vụ việc ông ta đang giải quyết hay không.

Tiền lệ bắt buộc

Những tiền lệ bắt buộc phải tuân thủ sau này đều do các quyết định từ những toà án cao nhất - các toà cấp cao và Tòa án tối cao (trước đây là Viện Nguyên lão) tạo ra trong các luận cứ chính (ratio decidendi). Nếu đối chiếu với ba thành tố tạo nên một quyết định của tòa án trong vụ kiện, thì chỉ có thành tố (2) mới là tiền lệ bắt buộc, tức là quy tắc pháp lý được thẩm phán áp dụng để giải quyết vấn đề pháp lý xuất hiện từ các sự kiện pháp lý của vụ kiện[25]. Còn thành tố (1) - việc phân tích sự kiện pháp lý không có tính chất bắt buộc tuân thủ với bất kỳ ai; thành tố (3)- phán quyết của tòa chỉ bắt buộc với các bên.

Cần lưu ý, ngay cả khi các sự kiện pháp lý trực tiếp của vụ kiện giống hệt các sự kiện của vụ kiện trước đó, tòa án cũng không phải đưa ra quyết định tương tự. Chẳng hạn, trong vụ Qualcast (Wolverhampton) Ltd v Haynes[26], một người làm công kiện chủ không tạo điều kiện làm việc an toàn. Ở cấp sơ thẩm, thẩm phán tòa địa hạt đã tuân theo một số vụ kiện trước mà ở đó các chủ lao động cũng ứng xử như vậy và bị xử có lỗi. Tuy nhiên, đến cấp phúc thẩm, Viện Nguyên lão tuyên rằng, cách tiếp cận này của tòa sơ thẩm là không đúng, vì thẩm phán đã dựa trên các sự kiện pháp lý giống nhau, chứ không phải dựa trên các quy tắc pháp lý.

Tiền lệ tham khảo

Những trường hợp sau đây được coi là tiền lệ tham khảo, không có tính chất bắt buộc trong thực tiễn xét xử ở Anh:

- Obiter dicta: Các luận cứ phụ của tòa cấp cao hơn không có tính chất bắt buộc, nhưng là một nguồn tham khảo mạnh đối với các tòa cấp thấp hơn trong những vụ kiện khó[27]. Điển hình nhất là quy tắc pháp lý do đại thẩm phán Atkin đưa ra trong vụ Donoghue (or M’Alister) kiện Stevenson[28]. Quy tắc này vượt ra ngoài phạm vi của vụ kiện rất nhiều, do đó, chỉ được coi là obiter dictum, nhưng lại được viện dẫn và áp dụng rất nhiều trong các vụ kiện sau này và đã trở thành nền tảng của pháp luật hiện đại về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do lỗi cẩu thả (tort of negligence) ở các nước thông luật hiện nay.

- Những quyết định của toà ngang hàng, tòa cấp thấp hơn có thể được tham khảo ở tòa cao hơn ở Anh. Chẳng hạn, các quyết định của Tòa phúc thẩm Anh được coi là nguồn có tính thuyết phục đối với Viện Nguyên lão.

- Các quyết định của Ủy ban tư pháp thuộc Viện Cơ mật không có tính chất bắt buộc đối với các tòa án ở Anh, thậm chí cả tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, các quyết định đó có uy tín rất cao vì các đại thẩm phán của Viện Nguyên lão (Tòa án tối cao thay thế hiện nay) cũng chính là thành viên của Ủy ban này. Chẳng hạn, Tòa phúc thẩm Anh đã nhiều lần áp dụng quyết định của Viện Cơ mật, chứ không theo quyết định trước đó của chính Tòa này[29]. Nhưng vì không có tính chất bắt buộc, cũng đã có những trường hợp quyết định của Viện Cơ mật không được Viện Nguyên lão và Tòa phúc thẩm Anh áp dụng.

- Các quyết định của Tòa án châu Âu về quyền con người: Điều 2, Luật về quyền con người năm 1998 của Anh quy định, tất cả các tòa án khi giải quyết một vấn đề pháp lý liên quan đến quyền con người phải xem xét bất kỳ phán quyết, quyết định hoặc ý kiến tư vấn của Tòa án châu Âu về quyền con người với tư cách là một án lệ tham khảo. Tuy nhiên, các quyết định đó không có tính chất bắt buộc phải tuân theo, mà các tòa án Anh có thẩm quyền có tuân theo các quyết định đó hay không.

- Các quyết định tòa án nước ngoài: Các thẩm phán và luật sự Anh quốc có xu hướng ngày càng tăng viện dẫn các quyết định của tòa án nước ngoài, nhất là từ Scotland, Ireland, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand[30]. Như Chánh án Tòa phúc thẩm thừa nhận, “các vụ án đã được xét xử ở các nước khác nếu được sử dụng đúng sẽ là một nguồn pháp luật có giá trị”. Mặt khác, nhằm hạn chế việc viện dẫn quá nhiều luật nước ngoài, Tòa phúc thẩm Anh đã ra văn bản quy định một số trường hợp không được viện dẫn.

- Quy tắc pháp lý được đưa ra thiếu cẩn trọng: Toà phúc thẩm trong vụ Young v. Bristol Aeroplane Co Ltd[31] tuyên rằng, Tòa có quyền không tuân theo một trong những quyết định trước đó của chính Tòa này, với lý do Toà đã đưa ra quyết định đó ter incuriam, tức là do thiếu cẩn trọng. Mặc dù án lệ này nguyên thủy chỉ áp dụng cho chính Tòa phúc thẩm, nhưng các tòa án khác cũng áp dụng nó. Chẳng hạn, trong vụ R v. Northumberland Compensation Appeal Tribunal, ex parte Shaw, một nhánh tòa của Bộ phận Hoàng gia thuộc Tòa tối thượng (High Court) đã không áp dụng một quyết định của Tòa phúc thẩm với lý do quyết định đó được đưa ra thiếu cẩn trọng, Tòa phúc thẩm đã bỏ sót không viện dẫn một quyết định có liên quan của Viện Nguyên lão.

Các kỹ thuật tuân thủ, khu biệt, bác bỏ

Khi tình huống mới phát sinh tương tự như trong vụ việc trước đây, nhưng không hoàn toàn như vậy, thẩm phán ở Anh có ba lựa chọn[32]: một là, nếu thẩm phán cho rằng, cách giải quyết trong án lệ là chấp nhận được về mặt xã hội, ông/bà ta sẽ tuân thủ (follows) và áp dụng nó (applies). Hai là, nếu thẩm phán không cho là như vậy, ông/bà ta sẽ “khu biệt” (distinguishes) phán quyết trước, tức là chỉ áp dụng án lệ đối với một số sự kiện trong vụ án đang xét xử. Ba là, trong một số trường hợp, nếu thẩm phán thấy án lệ không còn phù hợp, ông/bà ta có thể bác bỏ (overules) và đưa ra phán quyết khác với quyết định trong án lệ trước đó.

Theo các nhà nghiên cứu[33], cách tiếp cận tuân thủ và áp dụng chính là để bảo đảm tính tiếp nối, bền vững, đoán định trước của pháp luật; còn kỹ thuật khu biệt và bác bỏ nhằm dành đất cho thẩm phán linh hoạt sáng tạo để bắt kịp với sự phát triển của xã hội, của cuộc sống, cũng tức là làm cho pháp luật phát triển.

3.4. Xác định “sự tương tự”

Như đã trình bày, án lệ là “vụ án đã được giải quyết tạo cơ sở cho việc xét xử các vụ án sau này mà có những sự kiện hoặc vấn đề pháp lý tương tự”. Dĩ nhiên không thể có hai vụ án giống nhau hoàn toàn, do đó, việc xác định tính chất “tương tự” là vấn đề trung tâm trong án lệ. Yếu tố then chốt của án lệ thể hiện ở chỗ rút ra từ những vụ án trước đó những nguyên tắc được coi là “học thuyết chung” để hướng dẫn những phán quyết sau này[34]. Để có cái nhìn đúng đắn hơn về cách mà tòa án Anh xác định tính chất tương tự, chúng ta thử quay lại với ví dụ về vụ án Attia kiện Công ty cung cấp gas Anh nói trên.

Điều đáng nói ở đây là, có vẻ như hai vụ kiện này khác nhau khá xa: một bên là sốc do chứng kiến những người thân thiết nhất trong gia đình bị mất và bị thương nặng; một bên là sốc do chứng kiến ngôi nhà bị thiêu rụi. Thế nhưng, Toà phúc thẩm lại lấy vụ kia làm cơ sở để xử vụ này. Tại sao? Tòa dựa vào đâu để coi đó là án lệ tương tự?

Câu trả lời nằm ở hai chữ “house” và “home”. Cả hai đều nghĩa là nhà. Nhưng khi mô tả về sự việc ngôi nhà bị cháy, Toà phúc thẩm dùng từ “house”, có thể dịch là ngôi nhà. Còn khi nói về mối liên hệ giữa bà Attia và ngôi nhà của bà, Toà lại dùng từ “home”, có thể dịch là tổ ấm. Trong tiếng Anh, house - ngôi nhà để chỉ gạch, ngói, gỗ…, những thứ vật chất đã dựng nên nền, tường, mái để con người chui ra chui vào tránh mưa, tránh nắng, tránh thú dữ… Còn khi nói đến home - tổ ấm, từ xa xưa người Anh nghĩ đến cái gì đấy khác, lớn lao hơn, thiêng liêng hơn. “Home” là bầu không khí bên lò sưởi ấm áp, sự an toàn, sự thư giãn, nghỉ ngơi, tình yêu, tụ họp, tiếng cười, nơi gìn giữ kỷ vật, gia sản cha ông…[35]. Bởi vậy, khi bất lực chứng kiến tổ ấm bị thiêu rụi dần trong ngọn lửa, bà Attia cảm thấy như bà đang bị mất đi cái gì đấy thân thương, yêu qúy nhất, như mất đi người thân của mình mà mình lại không có cách gì cứu được. Đấy là lý do tại sao Toà phúc thẩm lại dựa vào quyết định của Viện Nguyên lão, coi đó là án lệ tương tự để xử vụ kiện đang thụ lý.

3.5. Kỹ thuật ngoại lệ

Tuân thủ án lệ khi xét xử, nhưng trong vài chục năm gần đây ở Anh có xu hướng (không làm giảm ý nghĩa của quy tắc án lệ) tăng số lượng các ngoại lệ lên hoặc xác định rõ ràng hơn những trường hợp quy tắc án lệ được áp dụng đến[36]. Kỹ thuật vận dụng ngoại lệ cho thấy sự lão luyện của một thẩm phán Anh, thể hiện trong việc nắm vững kỹ thuật này, nhận biết mọi khả năng cũng như phạm vi áp dụng của nó.

Tuy nhiên, vận dụng ngoại lệ nhưng ở Anh không hề nói đến việc thay đổi thực tiễn toà án, mà chỉ nói về sự phát triển luật pháp bằng cách áp dụng kỹ thuật này. Trên thực tế, khi sử dụng kỹ thuật ngoại lệ, người ta vẫn đi đến những kết quả cần thiết mà không phá bỏ toà nhà pháp luật.

Cũng như ở lục địa châu Âu, ở Anh có những lĩnh vực mà các quy phạm có tính ổn định cao hơn, và những lĩnh vực chúng kém ổn định hơn. Khả năng phát triển có thể bị hạn chế hoặc thậm chí bị kìm hãm hoàn toàn trong một thời kỳ nào đó do một luật hay một quyết định toà án nào đó gây ra. Nhiều điều cũng phụ thuộc cả vào tâm lý của quan toà khi cần phải đưa ra những quyết định về vụ việc. Ở Anh có những thẩm phán mạnh dạn cho phép những ngoại lệ và như vậy tạo ra những cơ sở cho sự phát triển tiếp theo của luật pháp. Những thẩm phán khác bảo thủ hơn, nhiệm vụ của họ là giảm bớt sự nhiệt tình trong các đồng nghiệp.

Kỹ thuật ngoại lệ gắn liền với khái niệm của Anh về quy phạm pháp luật (legal rule). Với sự hỗ trợ của ngoại lệ, các luật gia Anh ngày càng cố gắng hạn chế phạm vi áp dụng và nội dung của những quy phạm mà đối với họ, chúng quá chung chung ở dạng ban đầu.

3.6. Công bố và trích dẫn án lệ

Không thể có án lệ nếu chúng không được lưu giữ. Ở Anh (cũng như các nước thông luật khác), án lệ được đăng tải trong các tuyển tập tòa án (Law Reports) và lưu giữ qua hàng trăm năm. Tuy nhiên, không phải mọi quyết định của tòa đều trở thành án lệ. Quy tắc án lệ có ít nhiều bị suy giảm do những điều kiện công bố các quyết định toà án trong các tuyển tập bản án. Khi công bố có sự loại trừ nhất định: công bố 75% các quyết định của Viện Nguyên lão (hiện nay: của Tòa án Tối cao), 25% các quyết định của Toà phúc thẩm và chỉ 10% của Toà tối thượng. Như vậy, hoàn toàn có thể gạt ra những quyết định không được đăng tải trong các tuyển tập thực tiễn tòa án, vì chúng không được coi là án lệ. Cách làm này giảm bớt số lượng khổng lồ của những quyết định có thể làm lạc hướng luật gia Anh và làm suy yếu uy tín của án lệ.

Những tuyển tập được trọng dụng nhất hiện nay là "Law Reports" có những loạt sau: các quyết định của Viện Nguyên lão (từ năm 2009: của Tòa án tối cao) và Uỷ ban toà án thuộc Hội đồng Cơ mật và các quyết định của ba toà cấp cao. Ngoài ra, người ta cũng thường viện đến "All England Law Reports" và "Weekly Law Reports".

Các quyết định toà án ở Anh được trích dẫn đúng như sau: Read v. Lyons (1947) A.C. 156. Trong đó, Read - nguyên đơn, Lyons - bị đơn. Chữ cái v. ở giữa - viết tắt của "versus" - "chống lại, kiện". Những dữ liệu tiếp theo cho thấy quyết định đó đăng tải trong tuyển tập “Law Reports", ở loạt A.C. -Appeal Cases (các quyết định của Toà phúc thẩm), ở tập xuất bản năm 1947, ở trang 156[37].

3.7. Quy tắc án lệ và luật thành văn (Statue law)

Quy tắc án lệ được áp dụng trong việc giải thích luật thành văn. Nhiều tác giả phê phán thực tiễn như vậy[38]. Bởi lẽ, những điều khoản của luật bị chìm trong vô số các quyết định của thực tiễn toà án. Tinh thần chung và mục đích của luật có nguy cơ bị lãng quên và mất hút trong vô số quyết định toà án mà mỗi trong số đó chỉ giải quyết vấn đề riêng rẽ. Phương thức áp dụng luật của Anh ở các toà án gây ra những e ngại cho nhà lập pháp, và Nghị viện đã thông qua những biện pháp loại bỏ sự giám sát của các toà án cấp cao đối với các toà án cấp dưới về việc việc giải thích luật ở những toà án này.

4. Án lệ - tầm minh triết của pháp luật

Chúng ta hãy quay trở lại với vụ Attia kiện Công ty cung cấp gas Anh. Để xác định đúng tính chất tương tự giữa hai vụ kiện, các thẩm phán Tòa phúc thẩm không chỉ máy móc dựa trên kiến thức, kinh nghiệm pháp lý. Họ đã vận dụng cả những vùng tri thức khác, trong trường hợp này là văn hoá, văn hoá Anh nói chung và văn hoá pháp lý Anh quốc nói riêng. Những thẩm phán trong vụ Attia là những nhà ngôn ngữ tinh tế - cách họ dùng “house” và “home” đủ để nói lên điều đó. Nhưng để là nhà ngôn ngữ tinh tế đến mức ấy, họ có một vốn văn hoá thật dày, thật minh triết. Họ đã biết cách dùng cái vốn ấy một cách uyển chuyển vào việc xét xử, chứ không chỉ máy móc dựa trên luật án lệ (case law) về bồi thường (torts) và về tài sản (property). Đây chính là thẩm quyền và cách sáng tạo pháp luật của thẩm phán Anh quốc, cũng như ở các nước thông luật khác.

Tiếp theo là chuyện pháp luật bảo vệ “tổ ấm” của mỗi con người thế nào. Người Anh luôn luôn tự nhủ, nhà ta là pháo đài của ta. Pháp luật Anh mới bảo: OK, anh cứ yên tâm, ta sẽ biến ngôi nhà của anh thành pháo đài thực thụ. Trong lịch sử pháp luật Anh quốc, không ít lần thẩm phán Anh đã bảo vệ tính chất thiêng liêng, bất khả xâm phạm của ngôi nhà - tổ ấm.

Theo truyền thống cổ luật Anh, nếu bị can giết người để tự vệ chính đáng, anh ta vô tội, tuy nhiên lại bị tước hết những quyền về tài sản. Nhưng trong vụ Semayne năm 1605, bị can không bị tước những quyền đó, vì thẩm phán lập luận, anh ta buộc phải giết người để bảo vệ home - tổ ấm của mình. Hoặc vào năm 1606, thẩm phán trong một vụ khác đã tuyên bố, gió hay mưa có thể lọt vào nhà, nhưng Vua cũng không được vào nhà thường dân nếu chưa được chủ nhà cho phép. Còn trong vụ Entick kiện Carrington năm 1765, cái tinh thần “nhà là pháo đài bất khả xâm phạm” đã được thẩm phán viện dẫn để xét xử.

Nói tóm lại, “home” - tổ ấm là một cái gì đó thật đặc biệt tại chốn pháp đình xứ sở sương mù. Bởi vậy, lịch sử pháp luật Anh quốc là một lý lẽ nữa để giải thích tại sao Toà phúc thẩm lại dựa vào vụ McLoughlin để xử cho bà Attia thắng kiện. Như vậy, đây không còn là chuyện ngôi nhà nữa. Đây đã là niềm tin mà pháp luật cố gắng tạo ra ở người dân đối với pháp luật. Trên thực tế thì pháp luật ở Anh, mà đại diện là thẩm phán, đã tạo được niềm tin như thế.

Cuối cùng, khi nói đến pháp luật, tiếng Việt chúng ta có từ “nghiêm minh”- pháp luật nghiêm minh. “Minh” có thể hiểu là “minh bạch”; hiểu như thế cũng được, nhất là hiện nay chúng ta đang muốn pháp luật minh bạch hơn. Nhưng chúng tôi nghiêng về “minh triết” nhiều hơn. Pháp luật không những cần nghiêm khắc, tội nào (trong luật hình sự), lỗi nào (trong luật dân sự) ra tội ấy, lỗi ấy; tội mức nào, lỗi mức nào thì chịu xử mức ấy. Pháp luật còn cần phải minh triết nữa. Trong tác phẩm “Một bậc minh triết thì vô ý” (Nguyên Ngọc dịch)[39], triết gia người Pháp Francois Julien có đưa ra những nhận định lý thú về minh triết Á Đông: minh triết quan tâm đến sự ngộ, đối tượng của ngộ là những gì đã biết, biết dễ, ngộ khó; minh triết quan tâm đến sự thoả đáng, điều tiết cũng làm sao cho thoả đáng; minh triết quan tâm đến tổng thể, nhờ cách nhìn nhận tổng thể mà minh triết nhậy cảm hơn với những sự bất trắc, những sự khôn lường trong tồn tại…

Thú vị là trong vụ kiện nói trên, có lẽ các vị thẩm phán Anh đã nghĩ và làm theo kiểu “minh triết” phương Đông. Một thẩm phán có thể biết rất nhiều điều luật, nhiều án lệ liên quan đến nhà cửa - house, tuy nhiên chưa chắc ông đã ngộ ra được cái hồn của tổ ấm - home. Nhưng trong vụ này, có lẽ các thẩm phán đã ngộ ra điều ấy. Họ nhìn vào vụ kiện từ một tầm tổng thể hơn tầm của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và pháp luật tài sản của Anh quốc. Có lẽ họ thấy, nếu chỉ đơn giản xử như toà sơ thẩm thì không thoả đáng đối với bà chủ nhà. Nghĩa là minh triết đã giúp pháp luật soi rọi vào những ngóc ngách, những góc khuất của cuộc đời muôn hình vạn dạng. Minh triết giúp pháp luật trở nên dễ được chấp nhận hơn trong con mắt người dân; hay nói cách khác, pháp luật điều tiết làm sao cho thoả đáng hơn. Nói tóm lại, sự uyển chuyển, cái nhìn vượt ra ngoài pháp luật, tầm minh triết khi áp dụng án lệ đã giúp làm cho con đường đến với công lý bớt nhọc nhằn và bớt xa xôi đi hơn nhiều lần.

Kết luận

Án lệ đã ăn sâu vào thực tiễn xét xử của tòa án Anh quốc, trở thành một nguồn pháp luật quan trọng hàng đầu ở nước này. Mặt khác, hiện nay luật thành văn trong pháp luật Anh không còn là nguồn luật có ý nghĩa thứ yếu. Có nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở Anh mà các nguyên tắc về trật tự pháp lý liên quan chỉ có thể tìm thấy trong luật thành văn. Hơn nữa, trong những trường hợp cần thiết, nghị viện có thể ban hành văn bản bãi bỏ án lệ.

Đến lượt mình, nhà lập pháp Anh không tạo ra được những quy phạm pháp luật có tính chất tổng quát. Nhà lập pháp Anh cố gắng đứng vững ở tầm cao của các quy phạm do thực tiễn toà án tạo ra vì chỉ có những quy phạm đó được coi là những quy phạm thực sự[40]. Về mặt khác, những nguyên tắc trong luật thành văn được các luật gia Anh công nhận hoàn toàn và hoà nhập vào hệ thống thông luật sau khi được áp dụng, khảo cứu và phát triển bởi thực tiễn toà án.

Án lệ vừa bảo đảm sự ổn định, tính tiên liệu được của pháp luật, đồng thời dành đất cho sự sáng tạo, linh hoạt. Quy tắc án lệ không phải được áp dụng một cách máy móc và làm cản trở sự phát triển của luật pháp Anh. Lịch sử đã bác bỏ cái nhìn đó[41]. Quy tắc án lệ không có mục đích nào khác ngoài việc tạo ra cho luật pháp Anh những khuôn khổ nhất định, giữ cơ cấu truyền thống. Nếu như vào thế kỷ XIX, quy tắc án lệ được tuân thủ quá sát sao cũng chỉ vì những điều kiện thời đó đòi hỏi như vậy. Hiện nay, sự phát triển xã hội đòi hỏi nhiều hơn sự mềm dẻo do nhịp độ biến đổi của xã hội. Tại Anh, quy tắc án lệ vẫn còn có hiệu lực, nhưng ở lĩnh vực cần thiết người ta đã thích ứng với những yêu cầu của thời đại. Đặc biệt, án lệ sống được, bén rễ được sâu như thế ở Anh chắc là nhờ có tầm văn hóa, tầm minh triết của những người sáng tạo ra nó - các thẩm phán Anh quốc.

 

[1] Có thể xem khá đầy đủ các bài viết, bài phỏng vấn về án lệ gần đây tại địa chỉ http://luathoc.cafeluat.com/ forumdisplay.php/73, truy cập ngày 25/4/2011.

[2] Bài viết chỉ đề cập đến Anh và Xứ Uên, bởi lẽ những lãnh thổ khác của Liên hiệp Anh như Scotland không theo thông luật, mà theo dân luật (civil law).

[3] Joseph Dainow, The Civil Law and the Common Law: Some Points of Comparison, 15 American Journal of Comparative Law 419, 1967, p. 421-422; 425-426.

[4] Konrad Zweigert and Hein Kotz, Introduction to Comparative Law, third revised ed, translated from the German by Tony Weir, Clarendon Press, Oxford, 1998, pp. 180-205; David R., Các hệ thống pháp luật chính trong thế giới hiện đại, sách dịch từ tiếng Nga, người dịch: Nguyễn Sĩ Dũng và Nguyễn Đức Lam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2003: Chương III: Hệ thống thông luật; Joseph Dainow, tlđd, tr. 421-422; 425-426.

[5] Joseph Dainow, tlđd, tr. 422.

[6]David R., Các hệ thống pháp luật chính trong thế giới hiện đại, sách dịch từ tiếng Nga, Nguyễn Sĩ Dũng và Nguyễn Đức Lam dịch, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2003: Chương III: Hệ thống thông luật.

[7]Phần này tổng hợp từ các tài liệu: David R., tlđd; Konrad Zweigert and Hein Kotz, tlđd, tr. 206-21; Richard Ward & Amanda Wragg, English Legal System, 9th Ed, Oxford University Press, 2005, pp. 93-102.

[8] Xem thêm: The Supreme Court Annual Report and Accounts 2009-2010, có tại website của Tòa án Tối cao Liên hiệp Anh http://www.supremecourt.gov.uk, truy cập ngày 15/4/2011.

[9] Xin lưu ý, không phải toàn thể Viện nguyên lão tham gia xét xử, mà 12 thẩm phán chuyên nghiệp được bầu vào Viện thực hiện công việc này (12 vị này mang danh hiệu Lords of Appeal in Ordinary, được gọi nôm na là các vị nguyên lão pháp luậ t- Law Lords).

[10] Điều đó được lý giải nhằm tách biệt chức năng tư pháp ra khỏi chức năng lập pháp của Thượng viện Anh, đảm bảo sự độc lập hoàn toàn của tư pháp, thực hiện nguyên tắc phân chia quyền lực.

[11] Vào năm 1990 Uỷ ban đưa ra hơn 50 phán quyết.

[12] Black’s Law Dictionary 1102, Bryan A. Garner ed., 8th ed., 2004, trích theo Stefanie Lindquist & Frank Cross,  Empirically Testing Dworkin’s Chain Novel Theory: Studying the Path of Precedent.

[13] Richard Ward & Amanda Wragg, English Legal System, 9th Ed, Oxford University Press, 2005, p 81.

[14] William Blackstone, Commentaries on the Laws of England, 1765, p.71, trích theo Charles J. Reid, Jr., Judicial Precedent in the Late 18th and Early 19th Centuries: A Commentary on Chancellor Kent’s Commentarries, University of St. Thomas (Minnesota), Shool of Law, Working Paper (2006).

[15] Tuy nhiên, thẩm phán chỉ có nghĩa vụ phải tuân theo phần ratio decidendi trong bản án trước, mà không có nghĩa vụ tuân theo obiter dicta. Chúng tôi sẽ giới thiệu các khái niệm này trong phần sau của bài viết.

[16]Stefanie Lindquist & Frank Cross,  Empirically Testing Dworkin’s Chain Novel Theory: Studying the Path of Precedent.

[17] Stefanie Lindquist & Frank Cross, tlđd.

[18] Earl Maltz, The Nature of Precedents, 66 N.C.L.Rev. 367, 1988, p.371.

[19] David R., tlđd.

[20] Xem chi tiết về tính chất bắt buộc của án lệ theo hệ thống thứ bậc của tòa án Anh quốc trong: Michael Zander QC, The Law-Making Process, 6th Ed, Cambridge University Press, 2004, pp. 216-256.

[21] David R., tlđd.

[22] Joseph Dainow, tlđd, tr.432; Richard Ward & Amanda Wragg, English Legal System, 9th Ed, Oxford University Press, 2005, tr. 81.

[23] Black’s Law Dictionary: “Obiter dictum là bình luận của thẩm phán đưa ra khi trình bày ý kiến của mình, nhưng không nhất thiết là phán quyết trong vụ án, do đó, không có tính chất án lệ”, Black’s Law Dictionary 1102, Bryan A. Garner ed., 8th ed., 2004.

[24] Richard Ward & Amanda Wragg, tlđd, tr. 82.

[25] Richard Ward & Amanda Wragg, tlđd, tr. 81.

[26] Đăng trong các tuyển tập: [1959] AC 743, [1959] 2 All ER 38.

[27] Richard Ward & Amanda Wragg, tlđd, tr. 85.

[28] Đăng trong tuyển tập: [1932] AC 562. Đây là một trong những vụ kiện nổi tiếng, điển hình không chỉ ở Anh, mà ở tất cả các nước thông luật. Quyết định của tòa trong vụ này đã thành kinh điển, hầu như luôn được viện dẫn trong các vụ kiện tương tự sau này.

[29]Richard Ward & Amanda Wragg, tlđd, tr. 86.

[30] Richard Ward & Amanda Wragg, tlđd, tr. 87.

[31] Đăng trong các tuyển tập: [1944] KB 718, [1944] 2 All ER 293.

[32] Joseph Dainow, tlđd, tr. 425. Xem chi tiết hơn về kỹ thuật khu biệt và bác bỏ trong Richard Ward & Amanda Wragg, tlđd, tr. 90 - 92; Michael Zander QC, tlđd, tr. 275-277.

[33] Joseph Dainow, tlđd, tr. 425. Xem chi tiết hơn về kỹ thuật khu biệt và bác bỏ trong Richard Ward & Amanda Wragg, tlđd, tr. 90 - 92; Michael Zander QC, tlđd, tr. 275-277.

[34] Stefanie Lindquist & Frank Cross, Empirically Testing Dworkin’s Chain Novel Theory: Studying the Path of Precedent, tr. 4/63.

[35] Chỉ vài câu ngạn ngữ phổ biến sau cũng đủ nói lên nhiều điều: “Home follows the family”- Tổ ấm do gia đình mang lại, “Home is where the heart is”- Tổ ấm là nơi trú ngụ của con tim, “Love makes a house a home”- Tình yêu biến ngôi nhà thành tổ ấm, “there’s no place like home”- Không đâu bằng nhà mình, “An Englishman’s home is his castle”- Đối với người Anh, nhà là pháo đài, “everybody wants to go home”- Ai cũng muốn về nhà, “give a dog a home”- Cho người ta tổ ấm trú ngụ, “Home Sweet Home”- Nhà, ôi Ngôi nhà thân thương…

[36] David R., tlđd.

[37]Viện Nguyên lão không cho phép trích dẫn những quyết định chưa được công bố của mình mà chưa xin phép trước (điều đó có thể làm được bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu).

[38] David Rene, tlđd.

[39] Trong sách: Francois Julien, Triết học phương Tây và minh triết phương Đông, sách dịch, Nxb. Đà Nẵng, 2004.

[40] David R., tlđd.

[41] David R., tlđd.

 

ÁN LỆ Ở ANH QUỐC: LỊCH SỬ, KHÁI NIỆM, NGUYÊN TẮC VÀ CƠ CHẾ THỰC HIỆN

Tác giả ThS. Nguyễn Đức Lam - Trường Đại học Khoa học Huế
Tạp chí Nghiên cứu lập pháp. Văn phòng Quốc hội, Số 3/2012, tr. 58 - 68
Năm xuất bản 2012
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.