Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA NGHỊ SĨ ĐỐI VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN Ở MỘT SỐ NƯỚC

NGUYỄN THỊ MAI THOA, ThS. Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Việt Nam cũng như nghị sĩ của nghị viện các nước trên thế giới đều giữ vai trò là người đại diện của cử tri, thay mặt cử tri để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, sau khi được bầu, nghị sĩ phải chịu trách nhiệm trước cử tri, xây dựng và giám sát việc thực thi các chính sách bảo đảm các quyền cơ bản của công dân. Ở Việt Nam, 70 năm qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; đóng góp vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Nghị viện các nước trên thế giới có thể được hình thành từ những nền tảng chế độ chính trị, chế độ bầu cử khác nhau, nhưng về cơ bản các nghị sĩ đều phải có được sự tín nhiệm của cử tri. Bởi vậy, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của cử tri trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm và là hoạt động mang tính chất tự nhiên của nghị sĩ tất cả các nước. Đối với Quốc hội Việt Nam, hoạt động của ĐBQH trong lĩnh vực theo dõi, đôn đốc và đánh giá việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân còn là một hình thức giám sát. Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 tiếp tục ghi nhận: “ĐBQH liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo”[1] và “ĐBQH giám sát thông qua các hoạt động sau đây: ...Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân”[2].

Để giúp các vị ĐBQH làm tốt nhiệm vụ trong lĩnh vực hoạt động giám sát, thực thi vai trò đại diện và có mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, chúng tôi lựa chọn giới thiệu và đánh giá, so sánh về hoạt động của nghị sĩ một số nước trong việc tiếp nhận, xử lý và theo dõi, giám sát việc xử lý đơn thư, kiến nghị của công dân.

 Đối với nghị sĩ Nghị viện Nhật Bản

Theo Hiến pháp, Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến. Hoàng đế Nhật là biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất của dân tộc, tham gia vào các nghi lễ quốc gia nhưng không giữ bất kỳ quyền lực chính trị nào. Nhà nước Nhật Bản được tổ chức theo chế độ đại nghị. Bộ máy nhà nước được xây dựng theo nguyên tắc tam quyền phân lập khá triệt để, trong đó, quyền lập pháp thuộc về Nghị viện, quyền hành pháp thuộc về Nội các và quyền tư pháp thuộc về hệ thống Toà án. Nghị viện được tổ chức theo cơ cấu lưỡng viện, bao gồm Hạ viện và Thượng viện. Theo quy định tại Điều 41 của Hiến pháp, Hạ viện Nhật Bản là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan lập pháp duy nhất của quốc gia. Nghị viện ban hành luật, quyết định ngân sách và những vấn đề quan trọng khác[3]. Mục đích của việc áp dụng chế độ lưỡng viện là nhằm phản ánh tốt nhất ý kiến đa dạng của người dân vào hoạt động chính trị của quốc gia, cân bằng lợi ích của địa phương với lợi ích toàn thể và đảm bảo tính thận trọng trong quá trình xem xét các vấn đề chính trị của đất nước.

Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân và theo dõi việc xử lý đơn thư của công dân là một phần quan trọng trong hoạt động của nghị sĩ. Theo quy định, có thể có ba loại đơn thư được gửi tới nghị viện: đơn thỉnh nguyện, đơn kiến nghị và đơn trần tình. Đơn thỉnh nguyện là đơn của cá nhân công dân trình bày mong muốn hoặc than phiền về hoạt động của các cơ quan công quyền hoặc đoàn thể tại địa phương. Người dân khi bị xâm phạm vào những quyền lợi, lợi ích cụ thể do các hành vi hành chính trái pháp luật có thể gửi tới hai viện các nội dung thỉnh nguyện như yêu cầu được bảo vệ hoặc khiếu nại. Quyền gửi đơn thỉnh nguyện của công dân được bảo hộ bởi Hiến pháp Nhật Bản và các cơ quan, tổ chức nhận được đơn có nghĩa vụ nghiêm túc giải quyết. Tại Thượng viện Nhật Bản, việc xử lý đơn thỉnh nguyện của công dân được quy định tại Luật Nghị viện và Quy chế hoạt động của Thượng viện. Theo đó, các đơn thỉnh nguyện của công dân muốn được Thượng viện xử lý cần phải được một nghị sĩ chấp nhận giới thiệu. Đơn này sẽ được gửi đến Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Thượng viện sẽ giao một ủy ban của Thượng viện thẩm tra. Ủy ban đó là nơi quyết định có gửi đơn thỉnh nguyện yêu cầu Chính phủ xử lý hay không. Trong trường hợp đơn được gửi tới Chính phủ, Chính phủ sẽ phải báo cáo Thượng viện quá trình xử lý. Ủy ban thẩm tra và Chính phủ đều phải gửi văn bản tới nghị sĩ (người giới thiệu đơn) kết quả thẩm tra, xử lý đơn thỉnh nguyện của công dân[4]. Thông tin về quá trình xử lý, kết quả xử lý đơn của công dân được nghị sĩ thông báo và chuyển tải thường xuyên, đầy đủ tới công dân. Bên cạnh đó, nghị sĩ cũng cùng với công dân xem xét tính đúng đắn của việc giải quyết đơn thỉnh nguyện của người dân. Trong trường hợp người dân chưa thỏa mãn với kết quả giải quyết, nghị sĩ tiếp tục yêu cầu cơ quan hữu quan xem xét, đồng thời có thể hướng dẫn người dân về thủ tục đưa vụ việc ra tòa án. Quy trình thỉnh nguyện tuy có một số mặt phiền hà, như bắt buộc phải trải qua đầy đủ các bước theo quy định hay chỉ được thụ lý trước khi kỳ họp kết thúc khoảng một tuần, tuy nhiên, đây là một trong những hình thức hiệu quả giúp tăng cường mối liên hệ giữa nghị sĩ và người dân.

Ngoài đơn thỉnh nguyện của cá nhân công dân, đơn kiến nghị là đơn của các đoàn thể ở địa phương về việc tổ chức các sự kiện công ích của họ gửi tới nghị viện. Đơn kiến nghị được gửi theo quy định của Luật Chính quyền địa phương, bao gồm thư do Hội đồng địa phương các cấp gửi lên Quốc hội và thư do tổ chức liên minh của những người đứng đầu chính quyền địa phương hoặc Chủ tịch Hội đồng địa phương các cấp gửi tới nghị viện[5]. Thượng viện tiếp nhận toàn bộ các đơn này, đăng trên công báo của Thượng viện và gửi tới các Ủy ban liên quan để tham khảo. Tuy nhiên, Thượng viện không có trách nhiệm phải trả lời và các Ủy ban nhận được đơn cũng không phải tổ chức thẩm tra nội dung. Đơn trần tình là đơn của cá nhân công dân về các vấn đề khác nhau, có thể gửi trực tiếp đến Chủ tịch Thượng viện mà không cần một nghị sĩ giới thiệu. Đơn này sẽ do thư ký của Chủ tịch Thượng viện trực tiếp giúp Chủ tịch trả lời công dân.

Việc theo dõi, giám sát quá trình xử lý đơn thư và trả lời công dân về quá trình cũng như kết quả xử lý được các nghị sĩ Nhật Bản hết sức coi trọng bởi họ luôn mong muốn làm hài lòng cử tri, những người đã bầu ra nghị sĩ và tin tưởng gửi gắm vào nghị sĩ mong muốn, nguyện vọng của mình đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương.

Đối với nghị sĩ Nghị viện Singapore

Singapore là quốc gia áp dụng chế độ cộng hòa lập hiến, nguyên thủ quốc gia là Tổng thống. Nghị viện theo chế độ một viện, Tổng thống[6] lựa chọn đại diện của Đảng cầm quyền chiếm đa số ghế trong Nghị viện làm Thủ tướng, lựa chọn các Bộ trưởng từ trong toàn thể các nghị sĩ Quốc hội theo giới thiệu của Thủ tướng. Quyền hành pháp do Tổng thống, Nội các và các Bộ trưởng nắm giữ, hoạt động của họ được giám sát bởi Nghị viện là cơ quan đại diện của nhân dân và là cơ quan nắm giữ quyền lập pháp. Quyền tư pháp được giao cho Tòa án Tối cao và Tòa án cấp dưới[7].

Nghị viện Singapore bao gồm các nghị sĩ do người dân bầu và nghị sĩ không do dân bầu. Nghị sĩ không do dân bầu gồm các nghị sĩ được chỉ định và các nghị sĩ đại diện cho các đảng chính trị không nhận đủ số phiếu bầu của người dân để có ghế trong Quốc hội (còn gọi là nghị sĩ không có khu vực cử tri). Hiện tại, Nghị viện Singapore có 101 thành viên, trong đó có 09 nghị sĩ được chỉ định và 03 nghị sĩ không có khu vực cử tri. Theo Hiến pháp, mỗi nhiệm kỳ, sẽ có không quá 9 nghị sĩ chỉ định và không quá 9 nghị sĩ không có khu vực cử tri[8] (nghị sĩ không do dân bầu là cơ chế để Quốc hội Singapore có thêm ý kiến đa chiều từ các tầng lớp nhân dân, trong bối cảnh Đảng Nhân dân hành động (PAP) cầm quyền luôn chiếm đại đa số ghế trong Nghị viện từ khi được thành lập tới nay).

Nghị sĩ Singapore thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó, gặp trực tiếp là hình thức quan trọng và thường xuyên nhất. Nghị sĩ tiếp xúc với cử tri khoảng 5 buổi mỗi tuần vào các buổi tối tại khu vực bầu cử để nghe kiến nghị của cử tri, trả lời các vấn đề mang tính cá nhân do cử tri đặt ra; đồng thời tham vấn ý kiến cử tri khi chuẩn bị ban hành các chính sách mới có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân[9]. Ví dụ, ông Alex Yam Ziming, Chủ tịch điều hành (Executive Director) của Đảng Hành động nhân dân cầm quyền là nghị sĩ được bầu ra tại khu vực bầu cử lớn nhất Singapore với số lượng cử tri là 80.000, ngoài việc tiếp xúc cử tri 5 ngày mỗi tuần, tới thăm các gia đình cử tri hoặc tổ chức sự kiện với cử tri vào cuối tuần còn tổ chức phiên gặp gỡ cử tri (Meet people Session) vào các ngày thứ Hai[10]. Sau khi có ý kiến, kiến nghị của cử tri, nghị sĩ gửi thư cho Thủ tướng về các vấn đề của cử tri họ thu thập được từ các cuộc tiếp xúc (thư được gửi thẳng đến bộ phận đại diện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm điều phối việc giải quyết vấn đề đó). Cho dù nghị sĩ có là bộ trưởng của bộ liên quan trực tiếp đến vấn đề của cử tri yêu cầu giải quyết, họ cũng không được sử dụng thẩm quyền của mình để trực tiếp giải quyết mà phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình quy định. Quy định này nhằm bảo đảm sự công bằng giữa cử tri ở các khu vực bầu cử khác nhau và bảo đảm mọi vấn đề của người dân đều được quan tâm xem xét một cách bình đẳng, đúng quy trình. Nghị sĩ thường xuyên theo dõi sát sao và phản hồi đầy đủ với người dân về những kiến nghị của họ. Đây cũng là quá trình hoạt động mang tính chất tổng hợp của nghị sĩ, vừa làm hài lòng cử tri vừa giám sát các hoạt động hành pháp, đồng thời vừa thu thập thông tin phục vụ các hoạt động chất vấn, điều trần, lập pháp khác tại các diễn đàn của nghị viện (tại các Ủy ban và tại các phiên họp toàn thể).

Phản hồi của người dân từ các cuộc tiếp xúc cử tri là một kênh quan trọng để xem xét hiệu quả của các chính sách, cũng cho thấy vấn đề quan tâm của một người, một nhóm người, một địa phương và của cả nước. Nếu cùng một vấn đề được nhiều người, nhiều địa phương nêu lên thì đã trở thành vấn đề của đất nước và phải được nhanh chóng, nỗ lực giải quyết. Đối với những chính sách người dân chưa hiểu, cũng cần giải thích để người dân hiểu. Vì vậy, gặp gỡ cử tri và theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri vô cùng quan trọng với nghị sĩ, với Chính phủ và với đảng cầm quyền ở Singapore.

Đối với nghị sĩ Nghị viện Ba Lan

Ba Lan là một nước chuyển đổi ở Đông Âu, có mô hình chính thể hỗn hợp và đang có những thành công trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Hiện nay, Ba Lan theo chế độ cộng hòa và chủ nghĩa dân chủ nghị viện, Hiến pháp Ba Lan (ban hành tháng 4 năm 1997) quy định thể chế cơ bản của nhà nước là thể chế đại nghị. Cũng giống như Nhật Bản, chế độ tam quyền phân lập ở Ba Lan được quy định rõ, quyền lập pháp do Thượng nghị viện và Hạ nghị viện, quyền hành pháp do Tổng thống và Chính phủ, quyền tư pháp do Tòa án thực thi[11]. Tổng thống được quy định là “đại diện tối cao của nước Cộng hòa Ba Lan, người bảo đảm sự liên tục của quyền lực quốc gia”, là nguyên thủ quốc gia “giám sát sự tuân thủ Hiến pháp, giám sát chủ quyền, an ninh và sự bất khả xâm phạm và không thể chia tách của lãnh thổ quốc gia”[12]. 

Cũng như ở Singapore và Nhật Bản, gặp gỡ, thu thập, gửi kiến nghị và theo dõi việc xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri được coi là trách nhiệm tự nhiên của nghị sĩ Ba Lan bởi sự ủng hộ của cử tri chính là yếu tố quyết định sự nghiệp chính trị của một nghị sĩ và chính đảng của họ.

Đơn, thư, kiến nghị của cử tri được các nghị sĩ thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như: gặp gỡ trực tiếp, qua bưu điện, thư điện tử, mạng xã hội, qua các tổ chức xã hội... Nếu không có chương trình nghị sự tại Nghị viện thì nghị sĩ sẽ thực hiện các hoạt động tiếp xúc với cử tri tại các văn phòng. Trong thời gian nghị sĩ vắng mặt, thư ký hoặc các tình nguyện viên sẽ tiếp người dân, ghi chép lại các nội dung kiến nghị và chuyển tới nghị sĩ. Tất cả các kiến nghị của cử tri đều được nghị sĩ trả lời (kể cả trong trường hợp câu trả lời chỉ là “xin lỗi, tôi không giúp gì được cho ông, bà trong việc này”[13]) và không phụ thuộc vào việc quan điểm chính trị của kiến nghị đó như thế nào. Đối với những vấn đề có thể trực tiếp giải thích, xử lý, nghị sĩ sẽ trả lời ngay cho cử tri. Nếu đó là một vụ việc mà nghị sĩ cần can dự trực tiếp thì nghị sĩ sẽ gửi câu hỏi đến bộ trưởng hoặc các cơ quan của chính phủ phụ trách vấn đề liên quan. Nghị sĩ cũng có thể hướng dẫn hoặc giới thiệu người có đơn, thư, kiến nghị đến đúng địa chỉ người có thẩm quyền giải quyết. Nghị sĩ và thư ký của nghị sĩ sẽ cùng với người có kiến nghị theo dõi, xem xét việc trả lời, xử lý của người có thẩm quyền. Trong trường hợp cho rằng việc xử lý không thỏa đáng hoặc không đúng pháp luật, nghị sĩ có thể kiện ra tòa án hoặc sử dụng luật sư, trợ lý của mình hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đưa vụ việc ra tòa án.

Ngoài ra, các nghị sĩ cũng sử dụng khá hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống các tổ chức xã hội và quyền trình dự án luật để hỗ trợ cho hoạt động giám sát của mình, trong đó có hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, ở cấp độ ủy ban, đại biểu có thể yêu cầu các bộ trưởng đến trả lời điều trần về một số vấn đề cụ thể theo kiến nghị của cử tri và yêu cầu truyền hình trực tiếp các phiên họp đó để công luận theo dõi.

Một số nội dung ĐBQH Việt Nam có thể tham khảo 

Nghiên cứu về hoạt động của nghị sĩ một số nước trong việc liên hệ với cử tri, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, chúng ta có thể tham khảo một số nội dung hữu ích như sau:

Thứ nhất, đa dạng hóa hình thức tiếp xúc cử tri để thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri: Nghị sĩ ở Nhật Bản, Singapore và Ba Lan đều có nhiều hình thức tiếp xúc cử tri. Về cơ bản, hình thức phổ biến nhất là tiếp xúc ở Văn phòng nghị sĩ. Nghị sĩ thường có 02 văn phòng, một ở Thủ đô và một ở khu vực bầu cử. Ngoài 02 Văn phòng này, nghị sĩ Ba Lan, Singapore còn trực tiếp đến các khu dân cư để gặp gỡ cử tri, trong một số trường hợp, nghị sĩ còn đến gặp cử tri tại các hộ gia đình. Đặc biệt, ở cả hai nước, đa số nghị sĩ sử dụng công cụ tương tác trong trang web của mình, nhiều nghị sĩ sử dụng mạng xã hội để giữ liên hệ với cử tri. Trong khi ở Việt Nam, theo quy định của Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, ĐBQH tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội; tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Tuy vậy, trên thực tế, các đại biểu chủ yếu tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau các kỳ họp Quốc hội, các hình thức tiếp xúc khác hiếm khi được thực hiện. Do vậy, đơn thư, kiến nghị của người dân chủ yếu được gửi đến đại biểu qua bưu điện, đại biểu nghiên cứu và quyết định can dự vào một vụ việc nhất định, chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền xử lý và giám sát việc xử lý. Để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện của mình và thắt chặt hơn nữa mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri, việc đa dạng hóa hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu là hết sức cần thiết.

Thứ hai, quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi đơn, thư, kiến nghị của người dân được các nghị sĩ tuân thủ hết sức nghiêm túc, chặt chẽ. Ví dụ, việc một nghị sĩ kiêm bộ trưởng ở Singapore vẫn gửi đơn của người dân đến Văn phòng Thủ tướng Chính phủ để xử lý theo đúng quy trình mặc dù nội dung đơn thư thuộc lĩnh vực mà mình phụ trách. Hoặc nghị sĩ Ba Lan luôn luôn trả lời mọi đơn thư, kiến nghị của người dân, kể cả khi họ không giúp gì được cho người dân đối với trường hợp cụ thể đó. Ngoài ra, nghị sĩ các nước cũng thường xuyên hướng dẫn người dân về cách thức và quy trình gửi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý trong những tình huống khác nhau. Việc tuân thủ quy trình xử lý đơn thư ở Singapore là một nội dung nên được áp dụng ở Việt Nam, bởi lẽ nó không chỉ bảo đảm sự công bằng giữa các cử tri được đại diện bởi một đại biểu bình thường và cử tri được đại diện bởi một đại biểu là quan chức, mà còn bảo đảm sự bình đẳng trong địa vị pháp lý giữa các nghị sĩ trong nghị viện. Bên cạnh đó, không đại biểu nào có thể dùng thẩm quyền, vị trí đặc biệt của mình để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho một nhóm cử tri so với một hoặc một nhóm cử tri khác.

Thứ ba, về tuyển chọn và sử dụng đội ngũ giúp việc của nghị sĩ: Ngoài thư ký làm việc toàn thời gian tại các văn phòng nghị sĩ, nghị sĩ Ba Lan còn thuê các luật sư với hình thức làm việc bán thời gian để giúp nghị sĩ xem xét các kiến nghị của cử tri, theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của cử tri và tham mưu cho nghị sĩ về tính hợp pháp, sự thỏa đáng của việc xử lý các kiến nghị đó của các cơ quan hữu quan. Nghị sĩ Singapore sử dụng rất hiệu quả lực lượng tình nguyện viên, các tổ chức xã hội và các chuyên gia trong việc giúp nghị sĩ liên hệ với cử tri, thu thập kiến nghị của cử tri và theo dõi việc xử lý kiến nghị của cử tri. Trong thời điểm hiện nay, khi Quốc hội nước ta đang nghiên cứu để triển khai thực hiện chủ trương bố trí thư ký giúp việc cho mỗi ĐBQH thì những kinh nghiệm về việc sử dụng lực lượng tình nguyện viên, việc thuê luật sư làm việc bán thời gian cho nghị sĩ... là những bài học đáng quý.

Thứ tư, việc sử dụng công luận: Báo chí, truyền hình và mạng xã hội là các phương tiện thường xuyên được nghị sĩ các nước sử dụng hết sức hiệu quả để nêu lên những vấn đề cử tri quan tâm, đồng thời, gây sức ép đối với các cơ quan, tổ chức thuộc Chính phủ khẩn trương giải quyết, xử lý. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, với sự ra đời của Kênh truyền hình Quốc hội và một loạt các chuyên mục như “Quốc hội với cử tri”, “Diễn đàn lập pháp”...  thông tin về nội dung hoạt động của Quốc hội, các ĐBQH đã được các cơ quan thông tấn, báo chí kịp thời chuyển tải đến công chúng. Tuy vậy, ĐBQH chưa thực sự sử dụng công luận như một phương tiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, nhất là hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm cho ĐBQH khóa XIV, nhất là trong điều kiện hết sức thuận lợi hiện nay, khi ngoài các phương tiện thông tin đại chúng khác, Quốc hội còn có Đài truyền hình và tờ nhật báo của riêng mình.

Thứ năm, về ngành nghề kiêm nhiệm của nghị sĩ: Singapore và Ba Lan đều cho phép các nghị sĩ duy trì nghề nghiệp riêng của mình (khi nghị sĩ có thể sắp xếp quỹ thời gian để vừa bảo đảm thực hiện trách nhiệm nghị sĩ và công việc riêng). Tuy nhiên, để tránh xung đột lợi ích trong hoạt động giám sát, các nước đều quy định nghị sĩ không kiêm nhiệm các vị trí trong bộ máy hành pháp, tư pháp hoặc các cơ quan, doanh nghiệp có sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước (trừ các chính khách như bộ trưởng, thủ tướng tùy theo thể chế chính trị của mỗi nước).

Nghị sĩ Nghị viện các nước cũng như ĐBQH Việt Nam không tự mình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, nhưng là địa chỉ mà người dân đặt niềm tin để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, hy vọng người đại diện của Nhân dân có tiếng nói giúp cho những mong muốn ấy đến được nơi có thẩm quyền giải quyết và được giải quyết đúng pháp luật. Đó cũng chính là khởi nguồn và là mục đích của hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân của ĐBQH. Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa là cơ sở, vừa là mục tiêu, động lực trong hoạt động của ĐBQH; góp phần làm cho Quốc hội, ĐBQH ngày càng thấu hiểu tình hình thực thi pháp luật, đồng thời gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm trước Nhân dân./.

 

[1] Khoản 2, Điều 79 Hiến pháp 2013.

[2] Khoản 1, Điều 47 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

[3]  Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia, Nxb. Hồng Đức, H., 2012, tr. 23.

[4] Theo Chương IX Luật Nghị viện Nhật Bản, từ điều 79 đến điều 82, http://www.sangiin.go.jp/eng/law/diet/index.htm.

[5] Theo Luật Chính quyền địa phương Nhật Bản, nguồn: http://law.e-gov.go.jp/cgi-bin/idxsearch.cgi.

[6] Tổng thống được Hội đồng Cố vấn Tổng thống (Council of Presidential Advisers) tham mưu về những vấn đề theo các quy định sau đây của Hiến pháp: Điều 22 (bổ nhiệm cán bộ), Điều 22A(1) (các Ban Tác nghiệp - Statutory Board), Điều 22B(2) (quyền từ chối dự toán ngân sách và dự toán ngân sách bổ sung), và Điều 22B(7) (không phê duyệt các giao dịch (transaction) của Ban Tác nghiệp (Statutory Board)), Điều 22C(1) (bổ nhiệm giám đốc doanh nghiệp công ích), Điều 22D(2) (không phê chuẩn dự toán ngân sách và dự toán ngân sách bổ sung của doanh nghiệp công ích), Điều 22D(6) (không phê duyệt giao dịch (transaction) của doanh nghiệp công ích), Điều 142(1A) (“Quỹ Phát triển”), Điều 144 (về vay nợ và bão lãnh của Chính phủ), Điều 148A (bảo lưu phê chuẩn dự toán ngân sách), Điều 148B (cho phép chi trước khi phê chuẩn dự toán ngân sách), Điều 148G (cho phép sử dụng tiền dự phòng không thể hấp thụ trong nhiệm kỳ Tổng thống hiện tại).

[7] Những nội dung này được quy định tại Điều 23 (quyền hành pháp), Điều 38 (quyền lập pháp), Điều 93 (quyền tư pháp).

[8] Parliament of Singapore, 2013 (Tài liệu giới thiệu do Quốc hội Singapore phát hành).

[9] Theo Văn phòng Quốc hội, Báo cáo Đoàn công tác Kết quả chuyến công tác tại Xinh-ga-po và Ba Lan trong khuôn khổ chương trình hợp tác với JICA về nghiên cứu so sánh về tổ chức và hoạt động của Quốc hội ngày 19/5/2016.

[10] http://www.parliament.gov.sg/mp/alex-yam-ziming.

[11] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia, Sđd, tr. 444.

[12] Xem 10, Điều 126, Hiến pháp Ba Lan, tr. 478.

[13] Theo lời bà Jolanta Szczpinska, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Ba Lan - Việt Nam và là Chủ tịch Nhóm nghị sĩ là đảng viên đảng cầm quyền trong Quốc hội.

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA NGHỊ SĨ ĐỐI VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN Ở MỘT SỐ NƯỚC

Tác giả NGUYỄN THỊ MAI THOA
Tạp chí Tạp Chí Nghiên Cứu Lập Pháp Online
Năm xuất bản 2017
Tham khảo
http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/hoat-111ong-giam-sat-cua-nghi-si-111oi-voi-viec-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-cua-cong-dan-o-mot-so-nuoc

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.