Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

PHÁP LUẬT LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ VIỆT NAM VỀ KHÁI NIỆM, TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VÀ MỘT SỐ ĐỀ SUẤT

Chu Thị Thanh An, ThS, Viện Nhà nước và Pháp luật.

1. Khái niệm, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo pháp luật Liên minh châu Âu

1.1 Khái niệm doanh nghiệp

Ủy ban châu Âu (Ủy ban) lần đầu tiên đưa ra định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được áp dụng chung ở Liên minh châu Âu (EU) trong Khuyến nghị số 96/280/EC ngày 03/4/1996 của Ủy ban về định nghĩa DNNVV. Khuyến nghị này sau đó được cập nhật và thay thế bởi Khuyến nghị số 2003/361/EC ngày 06/5/2003 của Ủy ban về định nghĩa doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, “một doanh nghiệp là bất kỳ thực thể nào tham gia vào hoạt động kinh tế, bất kể hình thức pháp lý (legal form) của nó. Doanh nghiệp cũng bao gồm cá nhân tự doanh (self-employed persons), hộ kinh doanh (family business) trong ngành nghề thủ công và các hoạt động khác, và các hợp doanh (partnerships) hoặc các hiệp hội (association) thường xuyên tham gia vào hoạt động kinh tế”[1]. Định nghĩa này có hai điểm đáng chú ý: Thứ nhất, doanh nghiệp (enterprise) là một trường hợp cụ thể của thực thể kinh doanh (undertaking) được nhắc đến trong khái niệm trợ cấp nhà nước tại Điều 107(1) của Hiệp ước về hoạt động của Liên minh châu Âu (TFEU), vì thế nó thỏa mãn một trong những tiêu chí khi xác định một biện pháp là trợ cấp nhà nước - đối tượng nhận trợ cấp là thực thể tham gia vào hoạt động kinh tế. Thứ hai, việc xác định một thực thể có phải là doanh nghiệp hay không phụ thuộc vào tính chất hoạt động (thực hiện hoạt động kinh tế) chứ không phụ thuộc vào hình thức pháp lý của nó. Do vậy, định nghĩa doanh nghiệp này khá rộng và các thuộc tính về mặt tổ chức như địa vị pháp lý của doanh nghiệp thuộc khu vực công hay khu vực tư, hoạt động vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận… không phải là yếu tố liên quan để xác định một thực thể là doanh nghiệp.

1.2 Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để xác định một doanh nghiệp là DNNVV, Khuyến nghị số 2003/361/EC của Ủy ban đưa ra 02 tiêu chí: (i) quy mô doanh nghiệp; và (ii) các nguồn lực khác của doanh nghiệp.

Quy mô doanh nghiệp

Theo Điều 2 Mục 1 Phụ lục của Khuyến nghị số 2003/361/EC, quy mô của một doanh nghiệp được xác định dựa trên hai tiêu chí: số lượng nhân viên (staff headcount); và hạn mức tài chính của doanh nghiệp (financial ceilings).

Số lượng nhân viên trong một doanh nghiệp được tính dựa trên số lượng người làm việc toàn thời gian, người làm việc bán thời gian, người làm việc tạm thời hoặc thời vụ trong năm được lấy số liệu. Nhân viên trong doanh nghiệp bao gồm: người lao động; người làm việc cho doanh nghiệp khác phụ thuộc vào doanh nghiệp được xem xét; người chủ sở hữu kiêm quản trị viên (owner-manager); các cộng sự (partners) tham gia vào hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp và hưởng lợi từ những lợi thế tài chính của doanh nghiệp. Nhân viên của doanh nghiệp không bao gồm: những người học nghề hoặc sinh viên tham gia vào hoạt động đào tạo nghề hoặc theo hợp đồng học nghề; người lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản hoặc trong thời gian nghỉ dành cho người bố chăm sóc con mới sinh.

Hạn mức tài chính của doanh nghiệp được thể hiện qua doanh thu hàng năm (annual turnover) hoặc/và bảng cân đối tài sản hàng năm (annual balance sheet). Doanh thu hàng năm là thu nhập của doanh nghiệp nhận được trong một năm từ việc bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ sau khi trừ các khoản hoàn lại (rebates) và không bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) hay các thuế gián thu khác[2]. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nhất thiết phải thỏa mãn cả hai yêu cầu mà có thể chọn thỏa mãn hoặc yêu cầu về doanh thu hàng năm hoặc yêu cầu về bảng cân đối tài sản hàng năm. Quy định cho phép sự lựa chọn này bởi các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và phân phối có số liệu doanh thu cao hơn những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất. Việc lựa chọn giữa tiêu chí doanh thu và tiêu chí bảng cân đối tài sản sẽ phản ánh được tình trạng tài chính tổng thể của một doanh nghiệp và đảm bảo rằng các doanh nghiệp tham gia vào các loại hoạt động kinh tế khác nhau được đối xử công bằng.

Dựa các số liệu của hai tiêu chí (i) số lượng nhân viên và (ii) hạn mức tài chính, các doanh nghiệp thỏa mãn ngưỡng theo quy định của Khuyến nghị số 2003/361/EU được xếp loại là DNNVV. Đồng thời, các số liệu này còn được sử dụng để phân DNNVV thành ba loại: (i) doanh nghiệp siêu nhỏ; (ii) doanh nghiệp nhỏ và (iii) doanh nghiệp vừa theo bảng sau:

Loại doanh nghiệp

Số lượng nhân viên

Hạn mức tài chính

Doanh thu

hoặc

Bảng cân đối tài sản

Doanh nghiệp siêu nhỏ

<10

≤  2 triệu €

≤  2 triệu €

Doanh nghiệp nhỏ

< 50

≤  10 triệu €

≤ 10  triệu €

Doanh nghiệp vừa

<250

≤  50 triệu €

≤  43 triệu €

Việc thu thập và tính toán số liệu được thực hiện hàng năm dẫn đến khả năng có những biến động ảnh hưởng đến xếp loại DNNVV của một doanh nghiệp. Vì vậy, Điều 4(2) Khuyến nghị số 2003/361/EC quy định về tính ổn định đối với doanh nghiệp có số liệu gần tới ngưỡng quy định, hoặc có nguy cơ vượt ngưỡng xếp loại DNNVV trong một năm bất thường hoặc trong thị trường có sự biến động. Theo đó, nếu một doanh nghiệp vượt quá ngưỡng quy định về số lượng nhân viên và hạn mức tài chính trong năm lấy số liệu tham chiếu thì vẫn được xếp loại là DNNVV. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không được xếp loại là DNNVV nếu các số liệu vượt ngưỡng quy định trong hai kỳ kế toán liên tiếp (consecutive accounting periods). Mục đích của Điều 4(2) là đảm bảo rằng các doanh nghiệp đang tăng trưởng không bị mất xếp loại DNNVV trừ khi doanh nghiệp vượt ngưỡng quy định trong một thời gian dài đáng kể. Mặc dù vậy, quy định này không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp vượt ngưỡng quy định do sự thay đổi chủ sở hữu sau khi thực hiện mua bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp, bởi đây không phải là tình trạng tạm thời. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có sự thay đổi chủ sở hữu cần được đánh giá trên cơ sở cơ cấu cổ đông vào thời điểm chuyển nhượng, thay vì vào thời điểm kết thúc kỳ kế toán gần nhất, vì thế doanh nghiệp DNNVV có thể mất xếp loại DNNVV ngay sau khi chuyển nhượng.

Có thể minh họa cách xếp loại DNNVV liệu theo Điều 4(2) như sau[3]:

STT

Năm tham chiếu[4]

Năm tham chiếu 1

Năm tham chiếu 2

Xếp loại DNNVV

1

DNNVV

Không là DNNVV

Không là DNNVV

Không là DNNVV

2

DNNVV

DNNVV

Không là DNNVV

DNNVV

3

DNNVV

DNNVV

DNNVV

DNNVV

4

DNNVV

Không là DNNVV

DNNVV

DNNVV

5

Không là DNNVV

DNNVV

DNNVV

DNNVV

6

Không là DNNVV

Không là DNNVV

DNNVV

Không là DNNVV

7

Không là DNNVV

DNNVV

Không là DNNVV

Không là DNNVV

8

Không là DNNVV

Không là DNNVV

Không là DNNVV

Không là DNNVV

Trong trường hợp doanh nghiệp mới thành lập và chưa có báo cáo quyết toán được duyệt thì số liệu được áp dụng để xếp loại DNNVV được lấy từ số liệu ước tính trong năm tài chính.

Các nguồn lực khác của doanh nghiệp

Theo pháp luật EU, việc xác định một doanh nghiệp là DNNVV không chỉ căn cứ vào quy mô của bản thân doanh nghiệp mà còn căn cứ vào những nguồn lực khác mà doanh nghiệp có. Nếu một doanh nghiệp thuộc sở hữu, hoặc có liên kết với doanh nghiệp lớn khác thì doanh nghiệp đó không được xếp loại DNNVV mặc dù nó đáp ứng đủ các tiêu chí về quy mô. Vì vậy, căn cứ vào cách thức thành lập, doanh nghiệp được phân thành ba loại: doanh nghiệp tự chủ (autonomous enterprise); doanh nghiệp đối tác (partner enterprise); và doanh nghiệp liên kết (linked enterprise). Việc phân loại doanh nghiệp này đồng thời là căn cứ để tính toán số liệu về số lượng nhân viên và hạn mức tài chính của một doanh nghiệp. Bất kỳ mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp khác đều cần được xem xét khi thu thập và tính toán số liệu.

Doanh nghiệp tự chủ: một doanh nghiệp là tự chủ nếu thuộc một trong ba trường hợp sau[5]: Là doanh nghiệp hoàn toàn độc lập và không có bất kỳ mối liên hệ nào với các doanh nghiệp khác; có ít hơn 25% vốn hoặc quyền biểu quyết trong một hoặc nhiều doanh nghiệp khác; và/hoặc các doanh nghiệp khác nắm không quá 25% vốn hoặc quyền biểu quyết của doanh nghiệp. Pháp luật cho phép nhiều nhà đầu tư nắm ít hơn 25% cổ phần của một doanh nghiệp và doanh nghiệp đó vẫn được xác định là “tự chủ”, miễn là các nhà đầu tư không có mối liên kết với nhau.

Tuy nhiên, một số ngoại lệ theo đó một doanh nghiệp là tự chủ mặc dù vượt quá ngưỡng 25% nếu nhà đầu tư gồm[6]: các doanh nghiệp đầu tư công; công ty đầu tư mạo hiểm và thiên thần đầu tư (business angel); các trường học và trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận; các nhà đầu tư định chế (institutional investor), bao gồm cả các quỹ phát triển vùng; cơ quan nhà nước tại địa phương có ngân sách hàng năm ít hơn 10 triệu € và có ít hơn 5.000 người cư trú.

Một doanh nghiệp tự chủ là doanh nghiệp không có mối liên kết với doanh nghiệp khác thông qua thể nhân tham gia vào hoạt động hoặc một phần hoạt động của các doanh nghiệp này trên cùng một thị trường liên quan hoặc thị trường lân cận.

Nếu một doanh nghiệp được xác định là “tự chủ” thì cách tính số lượng nhân viên và dữ liệu tài chính của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Mục I, Phụ lục của Khuyến nghị số 2003/361/EC (đã đề cập ở trên).

Doanh nghiệp đối tác: đây là trường hợp một doanh nghiệp thiết lập mối quan hệ đối tác tài chính với các doanh nghiệp khác mà không thực hiện quyền kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp đối với các doanh nghiệp này. Một doanh nghiệp là coi là doanh nghiệp đối tác nếu thỏa mãn hai điều kiện[7]:

- Doanh nghiệp nắm từ 25% vốn hoặc quyền biểu quyết trở lên (được gọi là doanh nghiệp upstream) ở doanh nghiệp khác (được gọi doanh nghiệp downstream) và/hoặc doanh nghiệp khác nắm từ 25% vốn hoặc quyền biểu quyết trở lên của doanh nghiệp đang được xem xét; và

- Doanh nghiệp không có mối liên kết với doanh nghiệp khác. Điều này có nghĩa là tổng số cổ phần mà doanh nghiệp này nắm giữ của doanh nghiệp khác không vượt quá 50%.

Để xác định quy mô của một doanh nghiệp trong trường hợp này thì phải cộng thêm số lượng nhân viên và số liệu tài chính của đối tác của doanh nghiệp theo tỷ lệ cổ phần hoặc quyền biểu quyết nắm giữ. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp nắm giữ 30% cổ phần trong một doanh nghiệp khác, thì cần phải cộng 30% số lượng nhân viên, doanh thu hoặc bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp đối tác và số liệu của mình. Nếu có nhiều doanh nghiệp đối tác thì cách tính tương tự được áp dụng đối với mỗi doanh nghiệp đối tác “upstream” hoặc “downstream” trực tiếp với doanh nghiệp được xem xét. Ngoài ra, cần phải cộng thêm các dữ liệu tương ứng của doanh nghiệp có mối liên kết với bất kỳ đối tác nào của doanh nghiệp đang được xem xét.

Trong trường hợp một doanh nghiệp do một hoặc nhiều cơ quan công quyền (public bodies) nắm giữ hoặc kiểm soát một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% trở lên vốn hoặc quyền biểu quyết thì không được xếp loại là DNNVV. Điều này là bởi sở hữu công có thể trao những lợi thế nhất định cho doanh nghiệp, đặc biệt là lợi thế về tài chính so với các doanh nghiệp có nguồn vốn từ khu vực tư. Hơn nữa, rất khó để có thể tính toán số lượng nhân viên hay dữ liệu tài chính của các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các nhà đầu tư bao gồm trường đại học công hoặc cơ quan chính quyền địa phương có quyền tự chủ. Các nhà đầu tư này có thể nắm giữ tối đa đến 50% quyền biểu quyết của một doanh nghiệp. Với bất kỳ tỷ lệ nào cao hơn 50% thì doanh nghiệp không được xếp loại DNNVV.

Doanh nghiệp liên kết: đây là trường hợp các doanh nghiệp tạo thành một nhóm thông qua sự kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đa số quyền biểu quyết của một doanh nghiệp bằng khả năng gây ra ảnh hưởng chi phối đến doanh nghiệp đó. Hai hay nhiều doanh nghiệp có mối liên kết nếu chúng có một trong những mối quan hệ sau[8]:

- Một doanh nghiệp nắm giữ đa số quyền biểu quyết của cổ đông hoặc của thành viên của doanh nghiệp khác.

- Một doanh nghiệp được trao quyền bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm đa số nhân viên thuộc bộ phận hành chính, quản lý hoặc giám sát của doanh nghiệp khác.

-  Các doanh nghiệp có hợp đồng hoặc điều khoản trong Bản ghi nhớ hoặc điều lệ của một doanh nghiệp trong nhóm các doanh nghiệp, cho phép một doanh nghiệp có quyền ảnh hưởng chi phối đến các doanh nghiệp khác.

- Một doanh nghiệp, thông qua sự thỏa thuận, được thực hiện kiểm soát duy nhất đối với quyền biểu quyết của cổ đông hoặc thành viên của doanh nghiệp khác.

Trong trường hợp các doanh nghiệp có mối quan hệ như mô tả ở trên thông qua sở hữu của một hay nhiều cá nhân thì các các doanh nghiệp được có mối liên kết nếu chúng hoạt động trên thị trường liên quan hoặc thị trường gần kề (adjacent market)[9].

Khi xác định quy mô của doanh nghiệp thì toàn bộ (100%) dữ liệu của doanh nghiệp liên kết phải được cộng vào để tính số lượng nhân viên và dữ liệu tài chính của doanh nghiệp đang được xem xét. Ví dụ, doanh nghiệp A nắm giữ 51% cổ phần của doanh nghiệp C và 100% cổ phần của doanh nghiệp D, trong khi đó doanh nghiệp B nắm giữ 60% cổ phần của doanh nghiệp A thì tổng số lượng nhân viên và hạn mức tài chính của doanh nghiệp A = 100% của A + 100% của B + 100% của C và 100% của D.

Để được xếp loại DNNVV, một doanh nghiệp phải thỏa mãn hàng loạt các điều kiện về quy mô, và doanh nghiệp đó không có mối quan hệ với các doanh nghiệp khác đến mức vượt quá ngưỡng quy định. Việc xác định quy mô của doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn trong trường hợp doanh nghiệp đó có mối quan hệ đối tác hoặc liên kết với một hay nhiều doanh nghiệp khác và có thể cần sự xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tùy từng trường hợp cụ thể khi có nhiều mối quan hệ giữa nhiều doanh nghiệp.

2. Khái niệm, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo pháp luật Việt Nam

Theo Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ, DNNVV là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa. Tiêu chí phân loại gồm quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm, trong đó tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên, cụ thể:          

Quy mô

 

 

Khu vực

Doanh nghiệp siêu nhỏ

Doanh nghiệp nhỏ

Doanh nghiệp vừa

Số lao động

Tổng nguồn vốn

Số lao động

Tổng nguồn vốn

Số lao động

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

 

10 người trở xuống

20 tỷ đồng trở xuống

Từ trên 10 người đến 200 người

Từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng

Từ trên 200 người đến 300 người

Công nghiệp và xây dựng

 

10 người trở xuống

20 tỷ đồng trở xuống

Từ trên 10 người đến 200 người

Từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng

Từ trên 200 người đến 300 người

Thương mại và dịch vụ

 

10 người trở xuống

10 tỷ đồng trở xuống

Từ trên 10 người đến 50 người

Từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng

Từ trên 50 người đến 100 người

Nghị định số 56/2009/NĐ-CP chỉ đưa ra mức khung, từ đó các cơ quan chủ trì tùy theo tính chất, mục tiêu của từng chính sách, chương trình trợ giúp có thể cụ thể hóa các tiêu chí cho phù hợp[10]. Nghị định số 56/2009/NĐ-CP cũng không đưa ra quy định cụ thể về cách thức xác định tổng nguồn vốn và số lao động bình quân năm của doanh nghiệp. Do vậy, để có được các số liệu về hai tiêu chí trên phải căn cứ vào các văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể:

Số lượng lao động bình quân năm:

Thông tư số 40/2009/TT-BLĐTXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định số lao động bình quân năm được tính dựa trên lao động sử dụng thường xuyên của doanh nghiệp. Lao động sử dụng thường xuyên của doanh nghiệp được xác định là lao động đang làm việc theo bảng chấm công của doanh nghiệp, bao gồm số lao động giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, kể cả số lao động đang nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; cán bộ quản lý doanh nghiệp và cán bộ chuyên trách của các tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội[11].

Tổng nguồn vốn:

Thông tư số 12/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định tổng nguồn vốn của doanh nghiệp là tổng nguồn vốn hoặc tổng tài sản trong bảng kế toán tại báo cáo tài chính năm gần nhất; và đối với doanh nghiệp mới thành lập, chưa có báo cáo tài chính thì tổng nguồn vốn là vốn điều lệ được ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp[12].

Thông tư số 140/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số quy định về chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DNNVV cũng quy định cách xác định tổng nguồn vốn của doanh nghiệp tương tự như trên[13]. Thông tư đồng thời quy định công ty được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ không phải là DNNVV nắm giữ trên 50% vốn, nếu công ty con đáp ứng tiêu chí về vốn hoặc lao động tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP thì được xác định là DNNVV và được giảm thuế[14].

3. So sánh quy định của Liên minh châu Âu và Việt Nam về khái niệm, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

So sánh định nghĩa và tiêu chí xác định DNNVV theo pháp luật EU và Việt Nam cho thấy những điểm khác biệt sau:

Thứ nhất, pháp luật EU sử dụng cả hai tiêu chí (i) số lượng lao động và (ii) hạn mức tài chính để xác định một doanh nghiệp là DNNVV. Trong khi đó, Việt Nam chỉ sử dụng một trong hai tiêu chí trên và ưu tiên tiêu chí tổng nguồn vốn trong xếp loại DNNVV.

Thứ hai, khi xác định quy mô tài chính của một doanh nghiệp, pháp luật EU căn cứ vào doanh thu và/hoặc bảng cân đối tài sản, trong khi đó, Việt Nam chỉ căn cứ vào tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Thứ ba, khi tính số lượng người lao động được sử dụng thường xuyên trong doanh nghiệp, quy định của Việt Nam bao gồm cả số lao động đang nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Ngược lại, pháp luật EU loại trừ những người học nghề hoặc sinh viên tham gia vào hoạt động đào tạo nghề hoặc theo hợp đồng học nghề; và người lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản hoặc thời gian nghỉ dành cho người bố chăm sóc con mới sinh khi tính số lượng lao động của doanh nghiệp.

Thứ tư, pháp luật EU đưa ra một bảng tiêu chí chung về xếp loại DNNVV cho doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Tuy nhiên, Việt Nam có sự khác biệt trong phân loại DNNVV giữa doanh nghiệp hoạt động trong 03 lĩnh vực gồm: (i) nông nghiệp và thủy sản; (ii) công nghiệp và xây dựng; (iii) thương mại và dịch vụ.

Thứ năm, khác với pháp luật EU, tiêu chí xác định DNNVV của Việt Nam không bao hàm những nguồn lực khác của doanh nghiệp, như việc có cổ phần ở doanh nghiệp khác hoặc doanh nghiệp khác có cổ phần tại doanh nghiệp đang được xem xét xếp loại DNNVV hay các doanh nghiệp có mối quan hệ đối tác.

Thứ sáu, việc xem xét và xếp loại một doanh nghiệp là DNNVV theo pháp luật Việt Nam được thực hiện hàng năm và không có quy định về việc xem xét xếp loại của hai kỳ kế toán liền kề trước kỳ kế toán được phê duyệt gần nhất để quyết định xếp loại DNNVV.

Thứ bảy, pháp luật EU và pháp luật Việt Nam đều chỉ quy định khung cho từng tiêu chí xếp loại DNNVV để các cơ quan có thẩm quyền đối với mỗi hình thức hỗ trợ cụ thể hóa các tiêu chí với mức có thể thấp hơn khung quy định. Tuy nhiên, pháp luật EU quy định rõ ràng và cụ thể cách thức xác định các tiêu chí về lao động và hạn mức tài chính, trong khi pháp luật Việt Nam cho phép cơ quan chủ trì của từng chương trình hỗ trợ cụ thể quy định về điều này.

Từ so sánh các quy định của pháp luật EU và pháp luật Việt Nam về khái niệm, tiêu chí xác định DNNVV, có thể thấy pháp luật hiện hành của Việt Nam có những điểm bất cập sau:

- Việc sử dụng tổng vốn đầu tư là một tiêu chí xếp loại DNNVV có một số hạn chế: thứ nhất, rất khó và rất phức tạp để xác định tổng vốn đầu tư ngay cả khi dựa vào bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp bởi doanh nghiệp hiếm khi ước tính chính xác giá trị của tài sản cố định và thường kê khai giảm giá trị của các tài sản này để tránh bị đánh thuế; thứ hai, tổng vốn đầu tư không phản ánh được hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

- Việc không xem xét các tiêu chí xếp loại DNNVV trong mối quan hệ của doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác sẽ không phản ánh các nguồn lực của doanh nghiệp, do vậy đôi khi hỗ trợ không được sử dụng cho đúng đối tượng cần được hỗ trợ.

- Việc không có quy định cụ thể về nguyên tắc, cách thức chung để tính toán số lượng lao động và tổng nguồn vốn có thể dẫn đến sự không thống nhất trong xác định các tiêu chí này trong phân loại DNNVV. - Việc chỉ xem xét xếp loại DNNVV căn cứ vào số liệu của hàng năm và không quy định xem xét trong một thời gian đủ dài sẽ khiến doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ một cách ổn định và thích hợp, vì vậy có thể làm giảm khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

4. Một số đề xuất hoàn thiện quy định về khái niệm, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Hiện nay, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được xây dựng và đưa ra lấy ý kiến tham vấn. Dự thảo Luật[15] có hai điểm đáng chú ý quy định về đối tượng điều chỉnh và các tiêu chí xác định DNNVV: (i) Dự thảo Luật không điều chỉnh hộ kinh doanh[16]; (ii) Dự thảo Luật đưa ra tiêu chí xác định DNNVV trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP. Dự thảo Luật quy định Chính phủ là cơ quan quy định, hướng dẫn xác định tiêu chí tổng nguồn vốn và lao động bình quân năm. Mặc dù vậy, các quy định về tiêu chí xác định DNNVV trong Dự thảo Luật không có sự khác biệt đáng kể nào so với quy định hiện hành.

Từ sự so sánh các quy định của pháp luật EU, chúng tôi đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện quy định về khái niệm và tiêu chí xác định DNNVV trong Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV:

Thứ nhất, đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Hỗ trợ DNNVV. Luật Doanh nghiệp năm 2014 không đề cập đến hộ kinh doanh trong đối tượng điều chỉnh, nhưng hộ kinh doanh được “gián tiếp” thừa nhận là một loại hình doanh nghiệp khi Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về thủ tục đăng ký kinh doanh của Luật Doanh nghiệp năm 2014 lại có quy định về đăng ký kinh doanh với hộ gia đình[17]. Do vậy, để đảm bảo sự bình đẳng giữa tất cả loại hình sở hữu, quy mô doanh nghiệp và để thúc đẩy tự do kinh doanh thì cần đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Hỗ trợ DNNVV. Khi phát triển đến quy mô nhất định, để mở rộng sản xuất, kinh doanh thì các hộ kinh doanh sẽ tự chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, xem xét quy định sử dụng doanh thu hoặc tổng tài sản trong bảng cân đối kế toán làm tiêu chí xác định khả năng tài chính của doanh nghiệp trong Luật Hỗ trợ DNNVV. Việc sử dụng tiêu chí doanh thu sẽ giúp đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, từ đó có thể khoanh vùng các doanh nghiệp thuộc phạm vi cần hỗ trợ.

Thứ ba, Luật Hỗ trợ DNNVV cần quy định các tiêu chí xếp loại DNNVV trong mối quan hệ của doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác về lao động và về khả năng tài chính. Quy định như vậy sẽ đánh giá đúng tiềm lực của doanh nghiệp, tránh việc hỗ trợ dàn trải trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn. Kinh nghiệm của EU trong quy định về xác định doanh nghiệp tự chủ, doanh nghiệp đối tác và doanh nghiệp liên kết ở trên là nguồn tham khảo tốt để Việt Nam xem xét khi xây dựng quy định về xếp loại DNNVV.

Thứ tư, Luật Hỗ trợ DNNVV cần quy định số liệu về các tiêu chí lao động và tài chính của doanh nghiệp được thu thập hàng năm, nhưng việc xếp loại DNNVV được xem xét trong một khoảng thời gian dài hợp lý, có thể là hai kỳ kế toán liên tiếp như quy định của EU. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng các hỗ trợ để phát triển ổn định, tránh trường hợp không được xét xếp loại DNNVV do những biến động bất thường./.

________________________________________

*ThS, Viện Nhà nước và Pháp luật.

[1] Điều 1 Mục I Phụ lục của Khuyến nghị số 2003/361/EC.

[2] Điều 4.1 Mục 1 Phụ lục, Khuyến nghị số 2003/361/EC.

[3] Xem Ủy ban châu Âu, Sổ tay hướng dẫn định nghĩa DNNVV (User guide to the DNNVV definition), 2015, tr. 14,  tại trang http://ec.europa.eu/DocsRoom/documents/15582/, truy cập ngày 04/9/2016.

[4] Kỳ kế toán được phê duyệt gần nhất.

[5] Điều 3(1) Mục I Phụ lục, Khuyến nghị số 2003/361/EC.

[6] Điều 3.2 (a-d) Mục I, Phụ lục, Khuyến nghị số 2003/361/EC.

[7] Điều 3(2) Mục I Phụ lục, Khuyến nghị số 2003/261/EC.

[8] Điều 3(3) Mục I Phụ luc, Khuyến nghị số 2003/351/EU.

[9] Thị trường gần kề là thị trường hàng hóa hoặc sản phẩm kế trên (upstream) hoặc kế dưới (downstream) trực tiếp với thị trường liên quan.

[10] Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP.

[11] Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 40/2009/TT-CP hướng dẫn cách tính số lao động sử dụng thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

[12] Điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 12/2015/TT-BKHĐT ban hành Danh mục lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ Phát triển DNNVV.

[13] Điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư số 140/2012/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 60/2012/NĐ-CP ngày 30/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 của Quốc hội về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

[14] Điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư 140/2012/TT-BTC.

[15] Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV (ngày 07/07/2016).

[16] Điều 2 Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV.

[17] Xem Điều  66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.

           

 

 

PHÁP LUẬT LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ VIỆT NAM VỀ KHÁI NIỆM, TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VÀ MỘT SỐ ĐỀ SUẤT

Tác giả ThS. Chu Thị Thanh An
Tạp chí Internet
Năm xuất bản 0
Tham khảo
http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/phap-luat-lien-minh-chau-au-va-viet-nam-ve-khai-niem-tieu-chi-xac-111inh-doanh-nghiep-nho-va-vua-va-mot-so-111e-suat

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.