Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

PHÁT TRIỂN ĐẠI LÝ THUẾ: CHỜ LUẬT ĐỂ “THÔNG ĐƯỜNG”

Tính đến ngày 15.6, cả nước có 296 doanh nghiệp với khoảng 750 người được phép hành nghề đại lý thuế. Con số này được cho là quá ít trong điều kiện nền kinh tế có hơn 550.000 doanh nghiệp, 1,7 triệu hộ kinh doanh và hàng triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện khai thuế. Làm gì để phát triển đại lý thuế tương xứng nhu cầu phát triển là vấn đề lớn đang đặt ra hiện nay.

Chưa đáp ứng nhu cầu

 Hầu hết các đại lý thuế không hoàn toàn “sống” được nhờ hoạt động kinh doanh liên quan đến thủ tục về thuế mà phải làm thêm các dịch vụ khác như làm sổ sách kế toán, thành lập doanh nghiệp, đào tạo hoặc thậm chí làm đại lý vé máy bay, bán văn phòng phẩm… Có khá nhiều đại lý thuế mở ra đã không hoạt động được, phải hoạt động cầm chừng, chuyển đổi ngành kinh doanh khác hoặc giải thể ngay sau năm đầu tiên thành lập.

Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Nghĩa

Ngày 19.7.2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 117/2012/TT-BTC hướng dẫn hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế đại lý thuế. Mục đích của các đại lý thuế nhằm cung cấp cho người nộp thuế (là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân người nộp thuế) dịch vụ làm thủ tục về thuế như đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và các thủ tục hành chính thuế khác. Như vậy, các đại lý thuế vừa giúp người nộp thuế chấp hành đúng pháp luật thuế, vừa giúp cơ quan thuế giảm được chi phí về nguồn lực trong việc giám sát tuân thủ thực hiện các quy định về chính sách thuế.

Mặc dù vai trò của các đại lý thuế đã rõ, song trên thực tế, số lượng đại lý thuế hiện vẫn còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế. Hiện, cả nước có hơn 550.000 doanh nghiệp, 1,7 triệu hộ kinh doanh, hàng triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Song tính đến ngày 15.6, mới có 296 doanh nghiệp với khoảng 750 người (trong tổng số gần 2.800 người có chứng chỉ) được phép hành nghề đại lý thuế, tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Đình Cư, nguyên nhân khiến các đại lý thuế chưa phát triển bởi khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động đại lý thuế mới ở bước sơ khai, chưa hoàn chỉnh. Các quy định về quyền lợi, trách nhiệm của đại lý thuế trong hành nghề liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế; quy định về chuẩn mực kiến thức, đạo đức hành nghề, mối quan hệ với tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, đào tạo cập nhật, giám sát chất lượng dịch vụ... chưa cụ thể. Do đó, các đại lý thuế còn lúng túng, chưa thực sự chủ động trong hoạt động kinh doanh. Cơ quan quản lý thuế cũng chưa có cơ sở pháp lý để quản lý chất lượng hoạt động đại lý thuế, chưa nhận thấy sự cần thiết của đại lý thuế và có sự phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động của các đại lý thuế. Chính vì thiếu hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động đại lý thuế nên các doanh nghiệp và người nộp thuế cũng chưa yên tâm khi sử dụng dịch vụ của đại lý thuế. “Thực tiễn xảy ra khá phổ biến là cơ quan thuế, cán bộ thuế không liên lạc với đại lý thuế mà vẫn trực tiếp liên lạc với người nộp thuế khi cần kiểm tra các thông tin kê khai, nộp thuế và các thủ tục hành chính thuế trong kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại. Điều đó gây sự e ngại và phiền phức cho người nộp thuế khi sử dụng dịch vụ của đại lý thuế” - ông Cư nói.

Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Nghĩa bổ sung, lý do để các đại lý thuế chưa phát triển còn bởi địa vị pháp lý trong hệ thống hành thu còn thấp. Bên cạnh đó, người nộp thuế chưa có ý thức đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế của mình do công tác tuyên truyền pháp luật thuế đến xã hội chưa đầy đủ, hệ thống đại lý thuế còn mỏng và yếu, chưa làm hết vai trò tuyên truyền và động viên thuế đến tất cả các cộng đồng doanh nghiệp… Đôi khi tồn tại tư tưởng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, không đoàn kết cùng với nhận thức nghề đại lý thuế tương tự như “cò dịch vụ thuế”, do đó các đại lý thuế khó tồn tại ổn định và lâu dài.

Nâng tầm để xứng tiềm năng

Theo đánh giá, hiện nay, các đại lý thuế còn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình hoạt động. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 117/2012/TT-BTC, đại lý thuế chỉ được thực hiện chức năng kê khai thuế. Trong quá trình dịch vụ, hầu hết doanh nghiệp đều yêu cầu được soát xét báo cáo kế toán và tư vấn thuế, tuy nhiên đại lý thuế lại không được phép làm. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các viên chức thuế chưa hiệu quả và sự cạnh tranh không lành mạnh của các cá nhân làm kế toán thuế cũng ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ thuế hợp pháp.

Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 6.000 người có chứng chỉ hành nghề đại lý thuế, tối thiểu 10% số người nộp thuế là pháp nhân sử dụng dịch vụ đại lý thuế, tối thiểu 90% số doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ do đại lý thuế cung cấp. Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, trước tiên cần xây dựng luật về đại lý thuế; đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của xã hội và viên chức thuế về đại lý thuế nhằm giúp pháp luật đại lý thuế đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa nghề đại lý thuế và chấn chỉnh hoạt động kế toán tư nhân bất hợp pháp; khuyến khích khởi nghiệp doanh nghiệp đại lý thuế đối với sinh viên mới ra trường, ở vùng sâu, vùng xa. Muốn vậy, phải mở rộng chức năng đại lý thuế, tăng số lượng đại lý thuế bằng việc quy định một cá nhân chỉ được mở một đại lý thuế, pháp luật thuế phải được xây dựng rõ ràng, cụ thể hơn để giảm thiểu trách nhiệm của đại lý thuế…

Còn theo ông Nguyễn Đình Cư, thời gian tới, cần nâng tầm đại lý thuế với chức năng thu hộ ngân sách đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và với các sắc thuế mà đại lý thuế có làm dịch vụ kê khai thuế. Như vậy, căn cứ hợp đồng dịch vụ, các đại lý thuế có thể trở thành đại diện pháp luật của người nộp thuế tại cơ quan thuế. Điều đó sẽ phản ánh đầy đủ vai trò là cầu nối giữa người nộp thuế với cơ quan thuế, đồng thời góp phần xã hội hóa dịch vụ công, giảm đáng kể áp lực công việc và nhân lực ngành thuế. “Trong trường hợp Dự án Luật Đại lý thuế được xem xét ban hành vào năm 2018 như dự kiến thì các mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được và có thể còn vượt hơn nhiều” - ông Cư tin tưởng.

Vũ Thủy

PHÁT TRIỂN ĐẠI LÝ THUẾ: CHỜ LUẬT ĐỂ “THÔNG ĐƯỜNG”

Tác giả Vũ Thủy
Tạp chí Người Đại Biểu Nhân Dân
Năm xuất bản 2016
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.