Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.
SỔ TIẾT KIỆM: TÀI SẢN CHUNG HAY RIÊNG

NGUYỄN VĂN PHƯƠNG – Phòng Pháp chế- Ngân hàng ngoại thương Việt Nam

Tóm tắt: Trên thực tế, có nhiều trường hợp người gửi tiết kiệm cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng. Một vấn đề được phát sinh: nếu người cầm cố đã lập gia đình đang trong tình trạng hôn nhân, thì sổ tiết kiệm được coi là tài sản chung hay tài sản riêng? Trình tự, thủ tục cầm sổ tiết kiệm như thế nào? Các ngân hàng vẫn chưa thống nhất về giải pháp cho vấn đề này, bởi lẽ chưa có văn bản pháp luật nào tương ứng, thích hợp.
Ngày nay, thu nhập của phần lớn các hộ gia đình không những đủ trang trải những chi phí liên quan đến cuộc sống hàng ngày (ăn uống, điện nước, nhà ở, đi lại…) mà còn dư thừa một phần để gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại. Đã có nhiều trường hợp người gửi tiết kiệm cầm cố sổ tiết kiệm của mình để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế quá trình cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng còn có nhiều quan điểm khác nhau về những quy định của pháp luật.

 

Cho đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể trình tự, thủ tục cầm cố sổ tiết kiệm nói riêng mà chỉ quy định trình tự, thủ tục thế chấp, cầm cố tài sản nói chung. Căn cứ vào những quy định chung này, các ngân hàng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cầm cố sổ tiết kiệm cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của ngân hàng mình. Do đó, trình tự, thủ tục cầm cố sổ tiết kiệm giữa các ngân hàng cũng không thống nhất nhau. Một số ngân hàng ban hành văn bản quy định rằng: khi cầm cố sổ tiết kiệm, người đứng tên trong sổ tiết kiệm không cần chứng minh tình trạng hôn nhân của mình, vì sổ tiết kiệm là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Cho nên, người đứng tên có quyền sở hữu và cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng khác lại yêu cầu: khi cầm cố sổ tiết kiệm, người cầm cố phải chứng minh tình trạng hôn nhân của mình, vì sổ tiết kiệm có thể là tài sản chung của vợ chồng. Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi người đó thường trú, đang sinh sống hoặc cơ quan nơi công tác có quyền xác nhận tình trạng hôn nhân của người cầm cố sổ tiết kiệm. Nếu người cầm cố sổ tiết kiệm chưa lập gia đình hoặc đã lập gia đình nhưng vợ chồng đã ly dị hoặc một trong hai người đã chết, thì người cầm cố có toàn quyền cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng. Trường hợp người cầm cố đã lập gia đình, thì khi làm thủ tục cầm cố sổ tiết kiệm, cả vợ và chồng cùng ký kết hợp đồng cầm cố với ngân hàng hoặc người này uỷ quyền cho người kia đại diện làm tất cả thủ tục cầm cố, vay vốn ngân hàng.
Sở dĩ ngân hàng yêu cầu cả vợ và chồng cùng ký tên vào hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm hoặc có văn bản uỷ quyền là vì, theo quy định của pháp luật, tài sản thế chấp, cầm cố thuộc sở hữu của nhiều người (từ hai người trở lên) phải được cam kết bằng văn bản của những người đồng sở hữu đồng ý giao cho người đại diện vay vốn và ký hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản. Mặt khác, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định rõ: việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung. Do đó, đối với những người đã lập gia đình, thì số tiền gửi tiết kiệm có thể là tài sản chung của vợ chồng, cho dù số tiền gửi tiết kiệm đó là thu nhập riêng của vợ hoặc chồng mang lại trong thời kỳ hôn nhân.
Hơn nữa, ngân hàng là đơn vị kinh doanh, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận là chính, nên ngân hàng
không có chức năng và thẩm quyền xác minh số tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung hay tài sản riêng.
Cho nên, đối với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu như sổ tiết kiệm, thì người đi vay phải tự chứng minh quyền sở hữu của mình đối với tài sản cầm cố đó. Nếu người đi vay không có chứng cứ chứng minh được sổ tiết kiệm là tài sản riêng của mình, thì việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Trường hợp vợ hoặc chồng- người không đứng tên trong sổ tiết kiệm không có điều kiện trực tiếp đến ký hợp đồng cầm cố với ngân hàng, thì người đó có thể uỷ quyền cho đứng tên trong sổ tiết kiệm ký kết hợp đồng cầm cố với ngân hàng. Việc uỷ quyền phải lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi hợp đồng cầm cố đã được ký kết và bên đi vay đã nhận đủ vốn vay ngân hàng, thì vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới nợ cho ngân hàng. Trường hợp bên đi vay không trả được nợ đến hạn, thì ngân hàng có quyền nhận chính quyển sổ tiết kiệm cầm cố để vay thế chấp cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của hai vợ chồng.
Đáng tiếc thay, thời gian qua một số ngân hàng thương mại đã cho khách hàng vay vốn mà không có sự đồng ý bằng văn bản của cả hai vợ chồng về việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng. Do vậy, khi người đi vay không trả được nợ đến hạn, người vợ hoặc người chồng không ký kết hợp đồng cầm cố với ngân hàng trước đây mới yêu cầu ngân hàng chỉ được nhận 1/2 số tiền ghi trong sổ tiết kiệm để trừ nợ, 1/2 số tiền tiết kiệm còn lại đề nghị ngân hàng trả lại cho họ. Điều này cũng được Toà án có thẩm quyền tuyên buộc trong bản án, quyết định của mình khi các bên đưa vụ việc ra toà án xét xử.
Xuất phát từ những cơ sở pháp lý và thực tiễn nói trên, hiện nay các văn bản liên quan đến cầm cố sổ tiết kiệm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và một số ngân hàng thương mại đã quy định khách hàng phải có xác nhận tình trạng hôn nhân (đã kết hôn hay chưa kết hôn) khi cầm cố sổ tiết kiệm. Bởi vì, các ngân hàng này cho rằng: quy định này vừa phù hợp với quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, vừa bảo đảm được tính chặt chẽ, an toàn trong hoạt động tín dụng. Hơn nữa, khi nhận cầm cố, thế chấp tài sản nói chung, ngân hàng không biết được tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng của vợ chồng mà chỉ có thể xác minh được tài sản chung của vợ chồng nếu những tài sản này đã đăng ký quyền sở hữu. Quy định nói trên của ngân hàng chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho một số người vay vốn ngân hàng trên cơ sở có tài sản bảo đảm bằng sổ tiết kiệm, đặc biệt là với những đôi vợ chồng sống xa nhau (như: vợ sống ở TP. Hồ Chí Minh nhưng chồng lại sống ở TP. Hà Nội hoặc nước ngoài). Do đó, trong thời gian gần đây, tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ, một số khách hàng đã than phiền quy định cầm cố sổ tiết kiệm của ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Theo ý kiến của những khách hàng này thì vợ, chồng có quyền có tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân. Vì vậy, sổ tiết kiệm có thể được coi là tài sản riêng của vợ hoặc chồng và khi cầm cố chỉ cần người đứng tên trong sổ tiết kiệm có thể ký kết hợp đồng với ngân hàng là đủ.
Trong khi hệ thống pháp luật về cầm cố sổ tiết kiệm còn chưa hoàn thiện và còn nhiều quan điểm khác nhau về thủ tục cầm cố sổ tiết kiệm, thì trước thực trạng trên, một số chuyên gia pháp lý đã đưa ra hai giải pháp dưới đây để giúp các ngân hàng giải quyết được một phần nào những vướng mắc nói trên:
Thứ nhất: Nếu không có sự đồng ý của cả hai vợ chồng hoặc không có chứng cứ chứng minh được tài sản riêng của mình, thì ngân hàng chỉ cho khách hàng vay số tiền tối đa bằng 50% số tiền ghi trong sổ tiết kiệm tại thời điểm cho vay.
Thứ hai: Nếu có văn bản đồng ý của cả hai vợ chồng hoặc có chứng cứ chứng minh được tài sản riêng của mình, thì ngân hàng cho khách hàng vay số tiền tương đối với số tiền ghi trong sổ tiết kiệm tại thời điểm cho vay (tất nhiên, số tiền cho vay luôn luôn nhỏ hơn số tiền ghi trong sổ tiết kiệm). Trong trường hợp này, cả hai vợ chồng có thể cùng tham gia ký kết hợp đồng bảo đảm tiền vay với ngân hàng hoặc một người uỷ quyền bằng văn bản cho người còn lại đến làm thủ tục và ký kết các hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố tài sản với ngân hàng để vay vốn.
Trường hợp không chấp nhận một trong hai phương án nói trên, thì khách hàng vay có quyền rút tiết kiệm trước kỳ hạn để sử dụng vào các mục đích chính đáng của gia đình mình, như: đầu tư, kinh doanh hoặc xây dựng nhà ở… Nhưng, các giải pháp trên đây chỉ mang tính chất tình thế chứ không phải các quy định của pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho các ngân hàng thống nhất thực hiện. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm xem xét và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về việc cầm cố sổ tiết kiệm nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho các ngân hàng thương mại thực hiện./.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 1 NĂM 2002

SỔ TIẾT KIỆM: TÀI SẢN CHUNG HAY RIÊNG

Tác giả NGUYỄN VĂN PHƯƠNG – Phòng Pháp chế- Ngân hàng ngoại thương Việt Nam
Tạp chí TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 1 NĂM 2002
Năm xuất bản 2002
Tham khảo

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.