Trân trọng cảm ơn người dùng đã đóng góp vào hệ thống tài liệu mở. Chúng tôi cam kết sử dụng những tài liệu của các bạn cho mục đích nghiên cứu, học tập và phục vụ cộng đồng và tuyệt đối không thương mại hóa hệ thống tài liệu đã được đóng góp.

Many thanks for sharing your valuable materials to our open system. We commit to use your countributed materials for the purposes of learning, doing researches, serving the community and stricly not for any commercial purpose.

TRỢ CẤP TƯ VẤN CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ CÁC NỘI DUNG VIỆT NAM CÓ THỂ THAM KHẢO

 NGUYỄN THU DUNG, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Một trong những khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ở Việt Nam là việc thiếu kinh nghiệm kinh doanh và thiếu thông tin pháp lý. Mặc dù trong nhiều năm qua, chúng ta đã thực hiện các chính sách về trợ giúp tư vấn nhưng trên thực tế, việc thực thi dạng trợ cấp này hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong quá trình dự thảo, do vậy, việc tìm hiểu các kinh nghiệm của Liên minh châu Âu (the European Union - EU) trong việc quy định và thực hiện trợ cấp tư vấn sẽ là cần thiết.

1. Các quy định về trợ cấp tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của EU

Hệ thống pháp luật của EU nói chung là sự kết hợp đan xen giữa pháp luật quốc gia và pháp luật của Liên minh, do đó, điều chỉnh vấn đề trợ cấp tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được thực hiện theo pháp luật Liên minh và pháp luật của từng quốc gia.

Ở cấp độ Liên minh, về nguyên tắc, trợ cấp nhà nước nói chung bị nghiêm cấm vì nó trực tiếp tác động tiêu cực tới các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, các quốc gia cũng thừa nhận rằng, trong những tình huống nhất định thì trợ cấp nhà nước là một điều cần thiết. Do đó, các quy định của EU về trợ cấp nhà nước nói chung và trợ cấp tư vấn nói riêng chủ yếu có vai trò tạo ra khung pháp lý trong việc kiểm soát việc ban hành (cho ra đời) các loại trợ cấp nhà nước của các nước thành viên để đảm bảo rằng, sự ra đời loại trợ cấp đó không tác động tiêu cực tới thị trường chung của EU. Do đó, các quy định của EU sẽ chỉ dừng lại ở việc quy định các dạng trợ cấp nào mà các quốc gia thành viên được ban hành và trình tự, thủ tục ban hành trợ cấp đó ra sao. Việc ban hành các dạng trợ cấp sẽ phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt và các trình tự, thủ tục được quy định chặt chẽ.

Ở cấp độ quốc gia, các quy định của EU về trợ cấp nhà nước là các quy định khung để các quốc gia thành viên có thể thiết lập các hình thức trợ cấp tư vấn phù hợp với từng quốc gia mình. Do đó, mỗi quốc gia sẽ có những dạng trợ cấp tư vấn khác nhau và phương thức thực hiện trợ cấp đó cũng khác nhau. Mức độ các doanh nghiệp SMEs được tiếp cận và thụ hưởng trợ cấp dạng này sẽ do bộ máy chính quyền của từng quốc gia tổ chức thực hiện, thậm chí trong trường hợp các quốc gia là liên bang thì việc áp dụng trợ cấp tư vấn còn do chính quyền bang thực hiện[1].

Thế nào là “trợ cấp tư vấn”?

“Trợ cấp tư vấn” - thuật ngữ tiếng Anh là “Aid for Counsultancy” - được đề cập đến trong các văn bản quy định về trợ cấp của EU và phạm vi hiểu rất hẹp. Theo quy định tại Điều 18 của Commission Regulation (EU) No. 2014/651 thì trợ cấp tư vấn được hiểu là việc nhà nước hỗ trợ một phần chi phí mà doanh nghiệp SMEs phải bỏ ra để thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp bên ngoài và trong phạm vi cụ thể một sự kiện pháp lý hoặc một dự án cụ thể nào đó (sau đây gọi là trợ cấp tư vấn theo dự án[2], ví dụ: doanh nghiệp đang có nhu cầu tư vấn để tái cơ cấu doanh nghiệp).

 Trên thực tế, các SMEs thực hiện rất nhiều hoạt động liên quan đến pháp lý, từ giai đoạn bắt đầu gia nhập thị trường cho đến các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp cũng như việc thực hiện các dự án mở rộng của doanh nghiệp và trong bất kỳ giai đoạn nào, nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các SMEs cũng là cần thiết.

 Tham khảo ở Cộng hòa Liên bang Đức cho thấy, nếu yêu cầu tư vấn là việc cung cấp thông tin đơn giản, liên quan đến các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp thì nhà nước có thể cung cấp bằng các dịch vụ công miễn phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.Trong một số trường hợp, một số tổ chức phi nhà nước cũng có thể thực hiện công việc này (các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ...).

 Như vậy, có thể hiểu, trợ cấp tư vấn là một dạng trợ cấp của nhà nước về hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, có thể được miễn phí hoặc mất phí và trong trường hợp mất phí, doanh nghiệp sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí để doanh nghiệp tiếp cận với những dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp trong một dự án cụ thể.

 Do dịch vụ công tại các nước EU có trình độ phát triển cao nên những yêu cầu tư vấn liên quan đến các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp hoặc liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hành chính theo yêu cầu của cơ quan nhà nước được coi là thuộc trách nhiệm cung cấp thông tin và tư vấn đương nhiên của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi các chức năng và nhiệm vụ của mình. Mức độ và khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của doanh nghiệp sẽ do các điều kiện thực thi và năng lực thể chế của từng quốc gia thành viên.

 Do đó, các quy định về trợ cấp nhà nước của EU sẽ chỉ tập trung điều chỉnh các trợ cấp tư vấn mà nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cho các doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn chuyên sâu trong một lĩnh vực nào đó. Và đây mới là dạng trợ cấp tư vấn chịu sự điều chỉnh chặt chẽ bởi các quy định của EU[3].

 Điều kiện ban hành trợ cấp tư vấn theo dự án

 Điều kiện ban hành trợ cấp tư vấn theo dự án cũng áp dụng theo quy định chung của EU đối với tất cả các dạng trợ cấp. Về nguyên tắc, bất kỳ trợ cấp nào được tài trợ bởi nhà nước hoặc thông qua các nguồn lực của nhà nước dưới bất kỳ hình thức nào mà vi phạm hoặc đe dọa vi phạm sự cạnh tranh, từ đó tác động tới thương mại giữa các nước thành viên, thì sẽ không được coi là phù hợp với nguyên tắc thị trường nội khối (khoản 1 Điều 107 - Treaty on the Functioning of the European Union - TFEU).

 Khoản 2 Điều 107 TFEU quy định về các trường hợp được coi là tuân thủ, phù hợp với thị trường nội khối gồm:

      - Trợ cấp có tính chất xã hội, hỗ trợ cho người tiêu dùng cá nhân và trợ cấp này phải thực hiện mà không có sự phân biệt đối xử;

      - Trợ cấp nhằm khắc phục các thiệt hại gây ra bởi tự nhiên hoặc các sự kiện không lường trước được;

- Trợ cấp dành cho khu vực kinh tế cụ thể của Cộng hòa Liên bang Đức do bị chia cắt nhằm bù đắp những bất lợi kinh tế do sự kiện đó gây ra (sau 5 năm kể từ khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực thì Hội đồng châu Âu trên cơ sở đề xuất của Ủy ban châu Âu đã bãi bỏ quyết định về điều này).

      Khoản 3 quy định về các trường hợp có thể được xem xét để xác định phù hợp thị trường nội khối, gồm:

        - Trợ cấp để phát triển thực hiện một dự án quan trọng vì lợi ích chung của Cộng đồng châu Âu hoặc để giải cứu sự hỗn loạn trong nền kinh tế của một quốc gia thành viên hoặc nơi xảy ra tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng;

        - Trợ cấp để thúc đẩy sự phát triển của một hoạt động kinh tế cụ thể hoặc của một khu vực kinh tế cụ thể khi mà các dạng trợ cấp như vậy không có tác động bất lợi tới các điều kiện thương mại và rộng hơn là trái với lợi ích chung;

        - Trợ cấp để khuyến khích việc bảo tồn văn hóa và di sản khi các dạng trợ cấp này không tác động tới các điều kiện thương mại và cạnh tranh trong Cộng đồng chung châu Âu và rộng hơn là không trái với lợi ích chung;

        - Các dạng trợ cấp khác sẽ được quy định bởi quyết định của Hội đồng châu Âu được thực hiện bởi một đa số về đề xuất từ Ủy ban châu Âu.

 Trình tự, thủ tục ban hành trợ cấp tư vấn theo dự án

 Thông thường, trợ cấp nhà nước nói chung đều phải tuân thủ quy trình thủ tục ban hành một cách chặt chẽ được quy định tại Council Regulation (EU) No. 2015/1589 ngày 13/7/2015 của Hội đồng châu Âu về hướng dẫn các quy định chi tiết áp dụng Điều 108 của TFEU gồm các bước thông báo trước, kiểm tra sơ bộ và ra quyết định.

 Thông báo trước: Việc kiểm soát trợ cấp nhà nước nói chung và hỗ trợ pháp lý nói riêng yêu cầu thủ tục thông báo trước với tất cả các phương thức trợ cấp mới lên Ủy ban châu Âu. Các nước thành viên phải đợi quyết định phê chuẩn của Ủy ban châu Âu trước khi được áp dụng trên thực tế.

 Kiểm tra sơ bộ và ra quyết định: Mỗi thông báo sẽ khởi động một cuộc điều tra sơ bộ thực hiện bởi Ủy ban châu Âu. Ủy ban châu Âu sẽ yêu cầu cung cấp thông tin từ quốc gia thông báo nếu thông báo đó chưa được hoàn thiện. Nếu nước thành viên từ chối việc cung cấp thông tin nói trên trong thời gian nhất định thì thông báo đó được coi là tự động chấm dứt. Kể từ thời điểm nhận được đầy đủ thông báo, Ủy ban châu Âu sẽ có hai tháng để quyết định rằng:

      - Trợ cấp này không phù hợp với các nguyên tắc của EU;

      - Trợ cấp này là phù hợp với các nguyên tắc của EU vì những tác động tích cực nhiều hơn so với việc phá vỡ sự cạnh tranh;

      - Có sự nghi ngờ nghiêm trọng về tính phù hợp của trợ cấp với các nguyên tắc của EU và lập tức Ủy ban châu Âu  sẽ mở cuộc điều tra chuyên sâu và trợ cấp này sẽ không được thực hiện cho đến khi cuộc điều tra có được kết luận.

 Tuy nhiên, trợ cấp tư vấn theo dự án cho doanh nghiệp SMEs sẽ không phải thực hiện quy trình trên nếu mức trợ cấp không vượt không vượt quá 50% chi phí dịch vụ tư vấn[4] và không vượt quá hai triệu EU[5]. Trường hợp mức trợ cấp vượt quá 50% chi phí dịch vụ hoặc vượt quá hai triệu EU thì việc ban hành trợ cấp tư vấn sẽ phải tuân thủ theo quy trình nêu trên.

 Phạm vi và mức trợ cấp theo dự án

 Như đã nói, phạm vi trợ cấp tư vấn rất hẹp, chỉ được giới hạn các chi phí tư vấn của dịch vụ được cung cấp bởi các nhà tư vấn bên ngoài. Còn hỗ trợ tư vấn cho các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp như thuế, quảng cáo thì không thuộc đối tượng trợ cấp tư vấn này[6].

 Về nguyên tắc, không có giới hạn về mức trợ cấp. Tuy nhiên, để việc ban hành trợ cấp không phải thực hiện thủ tục thông báo trước và không cần có sự chấp thuận của Uỷ ban Châu Âu thì mức trợ cấp tối đa là không vượt quá 50% chi phí hợp lý của dịch vụ tư vấn[7] hoặc không vượt quá hai triệu EU[8]. Nếu vượt quá một trong hai chỉ tiêu trên thì việc ban hành trợ cấp phải có sự chấp thuận của Liên minh Châu Âu theo trình tự, thủ tục đã nêu ở phần trên.

2. Các dạng trợ cấp về thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Cộng hòa Liên bang Đức

 Như đã phân tích ở trên, các quy định của Liên minh châu Âu là những quy định khung nhằm kiểm soát các tác động tiêu cực của việc thực hiện các hỗ trợ của nhà nước dành cho doanh nghiệp SMEs trong đó có trợ cấp tư vấn. Do đó, việc ban hành và thực hiện các trợ cấp tư vấn của nhà nước cho các doanh nghiệp SMEs còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực thể chế của từng quốc gia, do đó, các quốc gia khác nhau sẽ có các chương trình hỗ trợ pháp lý khác nhau và cách thức thực hiện chương trình cũng khác nhau. Các phân tích sau đây sẽ tập trung vào việc ban hành trợ cấp tư vấn dành cho doanh nghiệp SMEs tại Đức.

 Dịch vụ tư vấn miễn phí

 Tại Đức, để bắt đầu một hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và việc tham khảo ý kiến tư vấn từ các chuyên gia là việc làm cần thiết.

 Ở Đức có rất nhiều cơ quan nhà nước có chức năng cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đó có thể là các đơn vị của chính quyền liên quan hoặc đơn vị của chính quyền bang[9]. Cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho các SMEs ở Đức còn có sự tham gia của các chủ thể tư với một quy trình và thủ tục tương đối công khai và minh bạch. Do đó, doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm thấy sự hỗ trợ thông tin và tư vấn từ phía cơ quan nhà nước dưới hình thức cung cấp dịch vụ miễn phí. Đây thông thường là các hỗ trợ tư vấn liên quan đến hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp như tư vấn kinh doanh, tư vấn thuế, tư vấn tài chính... Hiện nay ở Đức có rất nhiều các tổ chức cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp SMEs. Ví dụ, tư vấn về khởi nghiệp có Phòng Thương mại và công nghiệp tư vấn miễn phí các vấn đề chung trong kinh doanh hoặc Chambers of Skill Craft tư vấn miễn phí về thành lập doanh nghiệp. Về tư vấn thuế, nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm đến tư vấn thuế tại German Federal Chamber of Tax Consultants hoặc hoặc German Association of Tax Advisers, đây là liên hiệp của 16 hiệp hội tư vấn thuế có sự tham gia của hơn 36.500 tình nguyện viên cá nhân làm tư vấn thuế chuyên nghiệp ở Đức. Ngoài ra, các luật sư, công chứng viên cũng có thể tham gia hỗ trợ pháp lý và nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với trang thông tin của các các hiệp hội này như German Association of Lawyer, Federal Chamber of Lawyers, Chamber representing the German Civil Law Notaries…

 Trợ cấp tư vấn theo dự án

 Nhà đầu tư có thể thuê một công ty tư vấn tư nhân hỗ trợ mình trong quá trình chuẩn bị và bắt đầu thực hiện hoạt động kinh doanh. Ở cấp độ liên bang, từ năm 2016, một chương trình “Promoting Entrepreneurial Know-how”[10] đã được thiết lập nhằm hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp mới thành lập hoặc các doanh nghiệp đang trong giai đoạn sáp nhập hoặc tái cơ cấu.

 Nội dung chính của chương trình là hướng tới việc hỗ trợ khoản chi phí tư vấn cho các doanh nghiệp SMEs đã được thành lập hoặc đang trong giai đoạn khởi nghiệp. Đối tượng thụ hưởng là các SMEs “trẻ” hoạt động không quá hai năm; công ty hoạt động từ năm thứ ba trở lên[11]; doanh nghiệp đang gặp khó khăn về kinh tế (không tính thời gian thành lập và vị trí trụ sở chính). Các doanh nghiệp phải có trụ sở chính tại Đức và phải đáp ứng các điều kiện định nghĩa đối với SMEs theo quy định của EU. Các doanh nghiệp gặp khó khăn kinh tế được hướng dẫn cụ thể tại quy định về hỗ trợ của nhà nước trong các trường hợp tái cơ cấu các công ty phi tài chính đang gặp khó khăn.

 Trợ cấp tư vấn theo dự án sẽ không áp dụng cho các đối tượng sau:

      - Doanh nghiệp là các công ty tư vấn quản lý doanh nghiệp, tài chính, kiểm toán, tư vấn thuế hoặc luật sư, công chứng, phá sản;

      - Các công ty đang mở thủ tục phá sản hoặc đang bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;

      - Công ty tham gia vào cộng đồng tôn giáo, pháp nhân theo pháp luật công cộng;

      - Công ty và hiệp hội phi lợi nhuận.

 Hoạt động tư vấn được tài trợ cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp hoặc có nhu cầu thúc đẩy hoạt động kinh doanh, gồm hai mức độ. Một là, tham vấn chung: tư vấn tất cả vấn đề kinh tế, tài chính, nhân lực và tổ chức quản trị của doanh nghiệp. Hai là, tham vấn đặc biệt: ngoài các chủ đề tham vấn chung, thì doanh nghiệp còn có thể được tham vấn các vấn đề liên quan đến phụ nữ, người di cư, bình đẳng và cân bằng giữa cuộc sống và công việc, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, bố trí việc làm phù hợp với độ tuổi, việc làm cho người khuyết tật… Các công ty đang gặp khó khăn về tài chính sẽ nhận được khoản tài trợ đảm bảo khôi phục hoạt động và tăng cường sức cạnh tranh. Thời gian tối đa là không quá 6 tháng. Một doanh nghiệp có thể gửi nhiều đơn trợ cấp khác nhau cho nhiều hoạt động tư vấn miễn là tổng trợ cấp không vượt quá chi phí trợ cấp tối đa cho một lần tư vấn.

 Nội dung tư vấn sẽ không được tài trợ kinh phí nếu rơi vào các trường hợp sau:

      - Đã được tài trợ bởi một chương trình hoặc viện trợ nào khác;

      - Vấn đề liên quan bảo hiểm, tư vấn thuế, soạn thảo hợp đồng, kế toán;

      - Đã có ý kiến chuyên gia;

      - Các biện pháp tăng cường doanh thu, tiếp thị các sản phẩm dịch vụ y tế;

      - Trái pháp luật và vi phạm đạo đức.

 Chủ thể cung cấp dịch vụ tư vấn có thể là chuyên gia tư vấn độc lập hoặc công ty tư vấn có phần doanh thu của dịch vụ cung cấp ít nhất là 50% doanh thu (mức độ chuyên nghiệp của công ty tư vấn). Ngoài ra, họ cũng phải có những kỹ năng cần thiết trong việc lập kế hoạch, thực hiện, rà soát và phải đảm bảo tính hợp lệ hoạt động tư vấn. Các bằng chứng này có thể thông qua tuyên bố của chủ thể cung cấp dịch vụ tư vấn, mức độ chuyên nghiệp thể hiện thông qua các hoạt động tư vấn đã thực hiện…

Mức trợ cấp (số tiền tài trợ) sẽ được dựa trên chi phí tối đa để được tư vấn (cơ sở thuế) và địa điểm trụ sở chính của doanh nghiệp.

 Trình tự, thủ tục thụ hưởng: Đơn hưởng trợ cấp phải được nộp online trên ứng dụng do BAFA[12] cung cấp. Người nộp đơn và thụ hưởng phải là các doanh nghiệp. Một trung tâm kiểm soát sẽ kiểm tra đơn và thông báo cho người nộp đơn về kết quả. Chỉ khi nhận được thông báo chấp thuận thì mới có cơ sở để ký kết thỏa thuận tài trợ tư vấn.

 Các công ty khởi nghiệp và các công ty đang gặp khó khăn có nhu cầu xin tài trợ tư vấn của một công ty tư vấn thì phải thực hiện việc cung cấp thông tin miễn phí với một nhà tư vấn có tên trong danh sách đối tác tư vấn trước khi nộp đơn yêu cầu trợ cấp. Thời hạn để được xem xét là cuộc tư vấn này diễn ra không quá ba tháng trước thời điểm doanh nghiệp nộp đơn (trừ trường hợp với công ty chứng khoán thì không cần thỏa mãn điều kiện này). Danh sách các đối tác cung cấp tư vấn sẽ được công khai tại các trung tâm kiểm soát.

 Sau khi nhận được thông báo, trong thời hạn 6 tháng, doanh nghiệp phải chuẩn bị các tài liệu cần thiết và cũng nộp trực tuyến thông qua ứng dụng của BAFA. Các tài liệu gồm:

      - Bản yêu cầu hình thức tư vấn và chữ ký của người nộp đơn;

      - Bản chuẩn bị và chữ ký của các ứng viên tư vấn;

      - Xác nhận của người đại diện trong khu vực về việc cung cấp thông tin tư vấn miễn phí trước đó (chỉ áp dụng với các doanh nghiệp khởi nghiệp và công ty đang gặp khó khăn);

      - Báo cáo tư vấn từ các chuyên gia tư vấn;

      - Các hóa đơn của công ty tư vấn;

      - Tuyên bố của người nộp đơn về lệ phí và phần vốn chủ sở hữu sẽ được sử dụng để thuê dịch vụ tư vấn.

 Các trung tâm kiểm soát sẽ tiến hành kiểm tra các tài liệu nêu trên và đệ trình cho BAFA quyết định. Các đánh giá và thanh toán tiền trợ cấp được thực hiện sau khi có đánh giá cuối cùng của  BAFA.

3. Các nội dung Việt Nam có thể tham khảo

 Trước hết, cần tìm hiểu thực trạng hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp SMEs ở Việt Nam hiện nay.

 Thực trạng trợ cấp tư vấn cho các SMEs ở Việt Nam  

 Các hỗ trợ pháp lý dành cho SMEs hiện nay ở Việt Nam nằm trong chính sách chung về hỗ trợ pháp lý cho tất cả doanh nghiệp, được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và Điều chỉnh nội dung dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014[13]. Theo đó, việc hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp nói chung và các SMEs nói riêng thực hiện theo các phương thức sau:

a) Hỗ trợ tư vấn thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước. Đây là phương thức hỗ trợ thường xuyên được thực hiện thông qua các hoạt động gồm:

    - Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp (Điều 8, 9 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP). Đây được coi là phương thức hỗ trợ chung, tức là việc hỗ trợ dành cho tất cả các doanh nghiệp mà không phải dành cho một doanh nghiệp cụ thể nào.

    - Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật (Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP). Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý. Nói cách khác, trách nhiệm giải đáp pháp luật trước tiên thuộc về chính quyền địa phương. Khi giải đáp của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các Bộ có liên quan giải đáp.

    - Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay gồm: Ở trung ương là các Cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ chuyên ngành; Các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (giải đáp các thông tin về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ); Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (giải đáp các thông tin về đăng ký doanh nghiệp); Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) [14]. Ở địa phương là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong phạm vi lĩnh vực do mình quản lý.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Gồm Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hỗ trợ pháp lý của các Bộ, ngành và các địa phương[15]. Đây là phương thức hỗ trợ được xác lập căn cứ vào thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, ở từng địa phương, được áp dụng ưu tiên cho các đối tượng khác nhau. Phương thức này giúp khai thác được các nguồn lực và sự tham gia của các chủ thể khác ngoài cơ quan nhà nước trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Ở cấp địa phương, ví dụ Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2014 của UBND thành phố Hà Nội theo Quyết định số 1002/QĐ-UBND ngày 20/2/2014 ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2014, gồm các hoạt động hỗ trợ pháp lý: Điều tra, đánh giá thực trạng công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp để xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý; Bồi dưỡng kiến thức theo chuyên đề; Xây dựng, biên soạn, in ấn sổ tay hỗ trợ pháp lý; Thực hiện chương trình phổ biến pháp luật trên đài truyền hình; Thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp (trong đó có các SMEs).

Riêng hình thức hỗ trợ để các doanh nghiệp SMEs sử dụng dịch vụ tư vấn của các tổ chức khác thì Nhà nước mới đang khuyến khích, còn khuyến khích bằng cách nào thì chưa có quy định cụ thể (khoản 4 Điều 12 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP). Trên thực tế, sự hỗ trợ tư vấn chủ yếu được huy động từ nguồn viện trợ quốc tế theo mô hình tư vấn tại chỗ. Nổi bật là các dự án tài trợ của JICA hỗ trợ tư vấn cải tiến kỹ thuật, quy trình sản xuất, cải tiến chất lượng, từ đó, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối được với các doanh nghiệp nước ngoài[16].

c) Hỗ trợ tư vấn thông qua hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hiệp hội ngành hàng. Các hoạt động hỗ trợ tư vấn gồm[17]:

    - Tham gia, phổ biến chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình quốc gia có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    - Phản biện chính sách.

    - Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ trợ giúp co doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực.

Đánh giá chung

Một là, hỗ trợ pháp lý đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp

Theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI trong vòng 6 năm thì chỉ số có điểm số thấp nhất là chỉ số minh bạch. Tại Cổng thông tin điện từ của chính quyền địa phương, các trang điện tử chính thức chỉ đăng những gì mà cơ quan nhà nước muốn đăng mà không phải là đăng những gì doanh nghiệp cần. Hệ thống văn bản pháp luật, văn bản điều hành còn lộn xộn, nhiều trường hợp trang web của Bộ thiếu rất nhiều văn bản điều hành của chính Bộ quản lý.

Tuy nhiên, cũng theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 thì tình hình đăng tải thông tin tại cổng thông tin điện tử của địa phương đã được cải thiện[18].        Ngoài ra, quy định về trách nhiệm giải đáp pháp luật của cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế. Mặc dù doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình quản lý, nhưng việc thực hiện quyền này đến đâu lại phụ thuộc vào thiện chí của cơ quan nhà nước. Hơn nữa, quy định “việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” (Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) rõ ràng là gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đưa ra yêu cầu giải đáp pháp luật nhưng lại phải thỏa mãn là không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Do đó, khi nhận được câu trả lời từ phía cơ quan nhà nước thì thường là các câu trả lời chung chung, không đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp.

Hai là, các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang trùng chéo nhau và nhiều hoạt động hỗ trợ không trực tiếp dành cho doanh nghiệp SMEs

Qua các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành do Thủ tướng Chính phủ ban hành và Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của UBND thành phố Hà Nội, có thể thấy, rất nhiều các hoạt động hỗ trợ trùng nhau. Điều đáng nói là kinh phí để thực hiện các hoạt động này lại đến từ hai nguồn khác nhau (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), vô hình trung đã gây ra một sự lãng phí nguồn lực không cần thiết.

Rất nhiều hoạt động hỗ trợ mà đối tượng thụ hưởng trực tiếp không phải là doanh nghiệp, ví dụ việc nâng cao năng lực cho người thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong trường hợp này, nếu quản trị dự án, chương trình không tốt thì sự tác động tới đối tượng mục tiêu mà hoạt động hỗ trợ hướng tới là các doanh nghiệp SMEs lại không đáng kể và đó cũng là một sự lãng phí nguồn lực không cần thiết. 

Ba là, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho doanh nghiệp đã được tăng cường, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế

Nhiều địa phương có nhận thức tốt về vai trò hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên để tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý mà không chỉ phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ Chương trình 585 (Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014). Nhiều hiệp hội, ngành nghề và các doanh nghiệp lớn có tài chính đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các cán bộ của doanh nghiệp mình (Như Agribank, Vietcombank…)

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế chủ yếu từ các chương trình sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước như nội dung chương trình không phù hợp với thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp. Sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nhà nước thì thường mang tính hình thức, chưa nhận thức được tầm quan trọng của chương trình hỗ trợ pháp lý[19].

Bốn là, hoạt động hỗ trợ tư vấn của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng còn kém hiệu quả

Thực tế là hoạt động cung cấp dịch vụ cho Hội viên, trong đó có dịch vụ tư vấn của các hiệp hội nói chung và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng chưa được nhận thức đúng đắn, do đó năng lực thực hiện tư vấn còn hạn chế[20].

 Một số nội dung Việt Nam có thể tham khảo

 Kinh nghiệm ở EU và ở Đức cho thấy, cần phải nhận thức rất rõ về những nhu cầu tư vấn từ phía doanh nghiệp để Nhà nước có những chính sách hỗ trợ hợp lý, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng.

 Có thể nhận thấy rằng, chỉ có hai mức độ yêu cầu tư vấn từ phía doanh nghiệp. Một là các yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện các yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp SMEs (quan hệ công và liên quan đến thủ tục hành chính). Trong quan hệ này, doanh nghiệp phải biết Nhà nước yêu cầu mình thực hiện những gì để làm theo, do đó, các yêu cầu cung cấp thông tin dạng này thường được thực hiện dưới hình thức là các dịch vụ công do cơ quan nhà nước cung cấp có thể miễn phí hoặc thu phí (ở Đức chủ yếu là miễn phí). Trách nhiệm của Nhà nước là phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện được công việc này như cơ sở vật chất (điện tử, trang thông tin) và đội ngũ nhân lực tư vấn nhằm đảm bảo các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn thông tin đáng tin cậy và có chất lượng. Việc hỗ trợ để cải thiện cơ sở vật chất hay nâng cao năng lực của đội ngũ tư vấn thì châu Âu không coi đó là dạng trợ cấp cho SMEs bởi đơn giản là đối tượng thụ hưởng của nó không phải là SMEs. Điều này khác hoàn toàn với Việt Nam.

 Hai là, các nước châu Âu quan niệm rằng, việc doanh nghiệp đưa ra các yêu cầu cung cấp thông tin tư vấn liên quan đến hoạt động quản lý của Nhà nước là đương nhiên, nằm trong trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và Nhà nước phải đảm bảo để doanh nghiệp thực hiện được hoạt động đó. Thực tiễn ở châu Âu - với một nền tảng nhận thức pháp lý, thói quen pháp lý khác với Việt Nam, thì Nhà nước cũng không có ý tưởng là phải phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp. Điều này cũng hoàn toàn khác với Việt Nam. Do đó, trong quan niệm của châu Âu, trợ cấp tư vấn cho doanh nghiệp SMEs hướng tới thỏa mãn các yêu cầu tư vấn của doanh nghiệp là công việc bản thân Nhà nước không thể thực hiện được, nên phải nhờ tới khu vực tư nhân, tức là các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Điều này được lý giải rằng, trong các trường hợp xuất hiện nhu cầu tư vấn đòi hỏi phải có trợ cấp tư vấn thì thường là các yêu cầu tư vấn không nằm trong thẩm quyền quản lý doanh nghiệp của Nhà nước, do đó, Nhà nước không thể cung cấp được cho doanh nghiệp. Đồng thời, tự bản thân doanh nghiệp cũng không thể tìm ra câu trả lời nếu không có sự tham gia của một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, nằm bên ngoài Nhà nước. Và ý nghĩa của việc Nhà nước hỗ trợ nằm ở chỗ: sự hỗ trợ một phần chi phí sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính để thuê tổ chức chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn cho mình.

 Từ nhận xét trên đây, có thể nêu lên một số định hướng sau:

 Thứ nhất, cải thiện năng lực thể chế của các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp ở Việt Nam là cần thiết nhưng không nên xem đó là một trong những hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp SMEs bởi đối tượng thụ hưởng khác nhau. Các chính sách này sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực thể chế hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí. Kết quả đầu ra của quá trình hỗ trợ phải là sự cải thiện về năng lực cung cấp các dịch vụ công của Nhà nước, trong đó có dịch vụ cung cấp thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Do đó, để tránh trùng chéo, các hoạt động hỗ trợ liên quan đến cải thiện năng lực cung cấp tư vấn miễn phí dành cho những chủ thể cung cấp tư vấn miễn phí như các cơ quan nhà nước hoặc các hiệp hội cần phải được bóc tách và quy định trong một chương trình chung.

Thứ hai, việc cải thiện năng lực thể chế của các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp không chỉ đơn giản dựa vào các hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ chi phí… mà phải xuất phát từ việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Về nguyên tắc, cơ quan nhà nước làm đúng phận sự của mình cũng đã là một sự hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện được điều này, pháp luật về minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước phải được hoàn thiện. Doanh nghiệp phải có đủ cơ sở pháp lý và điều kiện đảm bảo để thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin và giải đáp pháp luật của mình.

Thứ ba, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước là không đủ, do đó, cần có sự tham gia tích cực của khu vực tư là các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, nâng cao năng lực thể chế cho các tổ chức này cũng là một hình thức hỗ trợ gián tiếp cho các doanh nghiệp SMEs thành viên./.

 

[1] http://www.stateaidlaw.eu/46_192.php, truy cập ngày 13/5/2016.

[2] Đây chỉ là cách gọi của người viết để phân biệt với dạng hỗ trợ tư vấn bằng hình thức dịch vụ công, không phải là một thuật ngữ pháp lý hay tên gọi chính thức của dạng trợ cấp.

[3] Các văn bản quy định về trợ cấp tư vấn theo dự án hiện nay của EU: Treaty on the Functioning of the European Union (TFEU) tại các điều 107, 108, 109; Commission Regulation (EU) No 651/2014 ngày 17/6/2014 về một số loại trợ cấp tuân thủ thị trường nội khối theo quy định tại Điều 107 và 108 của TFEU; Council Regulation (EC) No 1588/2015 ngày 13/7/2015 về việc áp dụng điều 107 và 108 của TFEU; Council Regulation (EU) 2015/1589 ngày 13/7/2015 về quy định chi tiết áp dụng điều 108 của TFEU.

[4] Article 18(2) Commission Regulation (EU) No. 651/2014 of 17 June 2014 declaring certain categories of aid compatible with the internal market in application of Article 107 and 108 of the Treaty

[5] Article 4 (1d) Commission Regulation (EU) No. 651/2014 of 17 June 2014 declaring certain categories of aid compatible with the internal market in application of Article 107 and 108 of the Treaty

[6] Khoản 3 Điều 18 Commission regulation (EU) No. 2014/651.

[7] Khoản 2 Điều 18 Commission regulation (EU) No. 2014/651.

[8]http://ec.europa.eu/competition/state_aid/studies_reports/sme_handbook.pdftruy cập ngày 15/5/2016

[9]https://www.existenzgruender.de/DE/Service/Beratung-Adressen/Linksammlung/Gruender-innen-Migrationshintergrund/inhalt.html là danh sách các Trung tâm thông tin của Nhà nước

[10]http://www.bafa.de/bafa/de/wirtschaftsfoerderung/foerderung_unternehmerischen_know_hows/index.html truy cập ngày 14/5/2016

[11]Theo quy định này thì tất cả các doanh nghiệp SMEs đều có thể được hưởng trợ cấp. Việc phân loại thành các loại đối tượng này chỉ có ý nghĩa cho việc xác định mức trợ cấp phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp.

[12] BAFA có tên tiếng Đức là Dus Budesamt fur Wirtschaft und Ausfuhrkontrolle, tên tiếng Anh là Federal Office for Economic Affairs and Export Control có thể dịch là Văn phòng của Liên bang về các vấn đề về kinh tế và kiểm soát xuất khẩu. Xem: http://www.bafa.de/bafa/de/das_bafa/index.html, truy cập ngày 15/5/2016

[13] Đây là giai đoạn tiếp theo của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành mà trước kia được ban hành theo Quyết định số 585/2010/QĐ-TTg ngày 05/05/2010 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014 (còn được gọi là Chương trình 585)

[14] VCCI là tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân (Quyết định số 123/2003/QĐ-TTG ngày 12/6//2003 về việc phê chuẩn Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

[15]Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 gồm 3 dự án thành phần là(1) tăng cường năng lực cho cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ; (2) hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý; (3) hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp

[16] Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa http://business.gov.vn/T%C6%B0li%E1%BB%87u/tabid/214/catid/566/item/13609/tinh-hinh-th%E1%BB%B1c-hi%E1%BB%87n-chinh-sach-ch%C6%B0%C6%A1ng-trinh-tr%E1%BB%A3-giup-phat-tri%E1%BB%83n-doanh-nghi%E1%BB%87p-nh%E1%BB%8F-va-v%E1%BB%ABa.aspx truy cập ngày 14/5/2016

[17] Quyết định số 1927/QĐ-BNV ngày 30/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

[18] Hồ sơ CPI 2015, trang 4.

[19] Trần Vũ Hải, Thực trạng hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp hiện nay và một số giải pháp, Hội thảo “Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc: Thực trạng và giải pháp”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, ngày 12/10/2012.

[20] VCCI, Báo cáo Thực trạng năng lực hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam năm 2013.

TRỢ CẤP TƯ VẤN CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ CÁC NỘI DUNG VIỆT NAM CÓ THỂ THAM KHẢO

Tác giả NGUYỄN THU DUNG
Tạp chí Tạp Chí Nghiên Cứu Lập Pháp Online
Năm xuất bản 2017
Tham khảo
http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/tro-cap-tu-van-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-cua-lien-minh-chau-au-va-cac-noi-dung-viet-nam-co-the-tham-khao

Tiếng Việt

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.

English

Bạn vui lòng đăng nhập để download tài liệu, việc đăng ký hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm quản lý và hỗ trợ người dùng trên hệ thống. Xin cám ơn.
Nếu bạn thấy văn bản này có dấu hiệu vi phạm, vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý văn bản này trong thời gian sớm nhất.