Các kiểu pháp luật trong khoa học pháp lý

Kiểu pháp luật là tổng thể những dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản, đặc thù của pháp luật, thể hiện bản chất giai cấp và những điều kiện tồn tại và phát triển của pháp luật trong một hình thái kinh tế xã hội nhất định.


Học thuyết Mác-Lenin về các hình thái kinh tế xã hội là cơ sở để phân định kiểu pháp luật. Đặc điểm của mỗi hình thái kinh tế xã hội trong xã hội có giai cấp sẽ quyết định những dấu hiệu cơ bản của pháp luật. Phù hợp với điều đó, trong lịch sử đã tồn tại bốn kiểu pháp luật:

-          Kiểu pháp luật chủ nô;

-          Kiểu pháp luật phong kiến;

-          Kiểu pháp luật tư sản;

-          Kiểu pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Ba kiểu pháp luật chủ nô, phong kiến và tư sản là những kiểu pháp luật bóc lột được xây dựng trên cơ sở của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Cho nên, mặc dù mỗi kiểu có bản chất và có cách thể hiện riêng của mình nhưng chúng đều có một đặc điểm chung là thể hiện ý chí giai cấp bóc lột trong xã hội, củng cố và bảo vệ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, bảo đảm về mặt pháp lý áp bức bóc lột giai cấp thống trị với nhân dân lao động, duy trì tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.

Khác với các kiểu pháp luật trên, pháp luật xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chiếm tuyệt đại đa số dân cư trong xã hội. Mục đích của pháp luật xã hội chủ nghĩa là thủ tiêu mọi hình thức áp bức bóc lột, xây dựng một xã hội mới trong đó mọi người đều bình đẳng và tự do.

Sự thay thế kiểu pháp luật này bằng một kiểu pháp luật khác tiến bộ hơn là một quy luật tất yếu. Cơ sở khách quan của sự thay thế đó là sự vận động của quy luật kinh tế: Quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Sự thay thế các kiểu pháp luật gắn liền với sự thay thế của các hình thái kinh tế xã hội tương ứng. Cách mạng là con đường dẫn đến những thay thế đó. Các cuộc cách mạng xã hội khác nhau diễn ra trong lịch sử đã đem lại kết quả: Pháp luật phong kiến thay thế pháp luật chủ nô, pháp luật tư sản thay thế pháp luật phong kiến, pháp luật xã hội chủ nghĩa thay thế pháp luật tư sản. Trong tương lai pháp luật xã hội chủ nghĩa sẽ tiêu vong và sau đó không còn kiểu pháp luật nào thay thế nữa. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, pháp luật xã hội chủ nghĩa cần được xây dựng hoàn thiện để phát huy cao độ vai trò là một công cụ sắc bén bảo đảm cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC