Chế độ cộng sản nguyên thủy và tổ chức thị tộc – bộ lạc

Chế độ cộng sản nguyên thủy là hình thái kinh tế - xã hội đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Đó là một xã hội không có giai cấp, chưa có nhà nước và pháp luật. Nhưng những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nhà nước và pháp luật lại nảy sinh chính trong xã hội đó.

Vì vậy, việc nghiên cứu về xã hội cộng sản nguyên thủy sẽ là cơ sở để giải thích nguyên nhân làm phát sinh nhà nước và pháp luật, tạo điều kiện để hiểu rõ bản chất của chúng.

Để tìm hiểu về xã hội cộng sản nguyên thủy, trước hết cần nghiên cứu cơ sở kinh tế của nó, bởi vì cơ sở kinh tế là yếu tố cơ bản quyết định đời sống xã hội. Cơ sở kinh tế của xã hội cộng sản nguyên thủy là chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thấp kém, công cụ lao động thô sơ, con người chưa có nhận thức đúng đắn về thiên nhiên và về bản thân mình, họ luôn luôn trong tình trạng mềm yếu, hoảng sợ và bất lực trước những tai họa của thiên nhiên thường xuyên xảy ra, năng suất lao động thấp … Trong những điều kiện và hoàn cảnh đó, con người không thể sống riêng biệt mà phải dựa vào nhau, cùng chung sống, cùng lao động và cùng hưởng thụ những thành quả lao động chung. Để có thể cùng chung sống, cùng lao động và hưởng thụ những thành quả lao động, một nguyên tắc phân phối đặc trưng đã hình thành, đó là nguyên tắc bình quân. Mọi người đều bình đẳng trong lao động và hưởng thụ, không có ai có tài sản riêng, không có người giàu, kẻ nghèo, không có tình trạng người này chiếm đoạt tài sản của người kia. Xã hội chưa phân chia thành giai cấp và không có đấu tranh giai cấp.

Chính những điều kiện kinh tế đó đã quyết định đời sống xã hội của chế độ cộng sản nguyên thủy. Tế bào cơ sở của xã hội không phải là gia đình mà là thị tộc. Thị tộc là kết quả của một quá trình tiến hóa lâu dài. Nó xuất hiện ở một giai đoạn khi xã hội đã phát triển đến một trình độ nhất định.

Sự xuất hiện của tổ chức thị tộc là một bước tiến trong lịch sử phát triển của nhân loại, nó đã đặt nền móng cho việc hình thành hình thái kinh tế - xã hội đầu tiên trong lịch sử - hình thái kinh tế - xã hội cộng sản nguyên thủy. Tổ chức thị tộc đã thực sự là một tổ chức lao động và sản xuất, một bộ máy kinh tế - xã hội.

Cơ sở kinh tế đặc trưng bằng chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động đã quyết định mối quan hệ giữa người với người trong tổ chức thị tộc. Mọi người đều tự do, bình đẳng, không một ai có đặc quyền, đặc lợi đối với người khác trong cùng một thị tộc. Trong thị tộc đã tồn tại sự phân công lao động, nhưng mới chỉ là sự phân công lao động tự nhiên giữa đàn ông và đàn bà, giữa người già và trẻ nhỏ để thực hiện các loại công việc khác nhau chứ chưa mang tính xã hội.

Thị tộc tổ chức theo huyết thống. Ở giai đoạn đầu do những điều kiện về kinh tế, xã hội và hôn nhân, do phụ thuộc vào địa vị chủ đạo của người phụ nữ trong thị tộc, các thị tộc đã được tổ chức theo chế độ mẫu hệ. Dần dần, sự phát triển của kinh tế xã hội đã tác động làm thay đổi quan hệ trong hôn nhân; mặt khác địa vị của người phụ nữ trong thị tộc cũng thay đổi. Người đàn ông đã giữ vai trò chủ đạo trong đời sống thị tộc và chế độ mẫu hệ đã chuyển thành chế độ phụ hệ.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC