Chính Thể Đại Diện (Representative government) - John Stuart Mill

Chính thể đại diện (Representative government), Bàn về Tự do (On Liberty) và Chủ nghĩa công lợi (Utilitarianism) là ba tác phẩm được chọn lựa như các tác phẩm tiêu biểu của John Stuart Mill trong bộ sách Great Books Of The Western World (Encyclopedia Britanica, 1994). Cùng với tác phẩm Nền dân trị Mỹ của Alexis de Tocqueville (đã được NXB Tri thức ấn hành 2006), tác phẩm Chính thể đại diện của J.S. Mill được xem như những khảo cứu mang tính nền tảng đối với các thiết chế chính trị-xã hội ở các nước Anh và Mỹ thế kỷ XIX.

Giải thích cho việc Mill luôn được quan tâm trên cả phương diện cá nhân lẫn xã hội đó là về mặt nhân cách cá nhân, ông là một người vô cùng nhã nhặn, có trái tim nhân ái, một quý ông trí thức, một người tài ba. Ai có thể nào không quý mến con người này. Cuộc đời mẫu mực của ông - một hình mẫu cao nhất cho tính nghiêm chỉnh thời nữ hoàng Victoria - vẫn còn được yêu thích và ngưỡng mộ. Nền giáo dục khủng khiếp mà ông tiếp thu, dưới sự chỉ dẫn của người cha khắt khe và giáo điều - một con người dường như không hề có khiếu hài hước và không từng cảm thông với người khác, là một huyền thoại. Ba tuổi ông học bảng chữ cái Hy Lạp, bảy tuổi đọc Plato (bằng tiếng Hy Lạp), học tiếng Latin năm tám tuổi và đọc logic của Aristotle năm mười một tuổi. Sự suy sụp vào năm 20 tuổi của ông cũng là một huyền thoại. Thời gian đó ông tự hỏi mình liệu ông có hạnh phúc hơn nếu mọi cải cách mà ông và cha tin tưởng thành hiện thực và ông kinh hoàng nhận ra rằng câu trả lời là “không”.


John Stuart Mill (1806 - 1873) là một nhân vật mẫu mực cho những người tự do và dân chủ xã hội ở Anh quốc trong hơn 150 năm. Trong cuốn tiểu sử mới của Mill, Richard Reeves cho rằng ảnh hưởng của ông đến hệ tư tưởng thế kỷ XXI thậm chí sẽ còn nhiều hơn những tác động về mặt tư tưởng của ông trong cuộc tranh đấu vô cùng cam go chi phối toàn bộ đời sống thế giới nửa cuối thế kỷ XX giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Dự báo này có cơ sở của nó. Mill là một trong những bậc thầy vĩ đại được Thủ tướng Anh Gordon Brown tôn vinh trong diễn văn của ông về sự tự do ở Anh quốc vài tuần trước đây và các nghiên cứu về Mill vẫn tiếp tục được mở rộng.

Tầm trí tuệ của Mill cũng làm người ta kinh ngạc như nền giáo dục mà ông thụ hưởng. Tác phẩm Các hệ thống logic(1843) và Những nguyên lý của kinh tế chính trị (1848) là những cuốn sách bán chạy nhất thời đó, mỗi cuốn được tái bản bảy lần. Tiểu luận “Bàn về Tự do” (1859) chắc chắn là tác phẩm chính trị nổi tiếng nhất ở Anh quốc. Nhưng Mill không phải một nhà lý luận tháp ngà. Ông là thành viên Quốc hội trong ba năm và là một thành viên đặc biệt nhất (cuốn hút nhất) của Hạ Nghị viện.

Ông không bỏ tiền vào cuộc vận động tranh cử cho mình, và khi bị chất vấn tại một hội nghị với phần đông là giai cấp lao động, ông đã từ chối rút lại lời chỉ trích rằng những giai cấp lao động là “những kẻ quen thói dối trá”. Mặc dù vậy, những thành công của ông với cương vị một thành viên quốc hội là đáng kể. Sửa đổi nổi tiếng của ông vào Dự luật Cải cách 1867 – thay từ “người - person” cho từ “người (đàn ông) - man” – đã cho phụ nữ quyền bầu cử 50 năm trước khi họ thực sự giành được quyền này, lần đầu tiên đem sự nghiệp quyền bầu cử của nữ giới lên chương trình nghị sự của chính giới... Ông là người trọn đời đấu tranh cho nữ quyền, vào tù vì ủng hộ cho việc kiểm soát sinh đẻ (chỉ trong hai ngày), đấu tranh cho cải cách ở vùng đất của người Ireland và cổ vũ cho một hình thức chủ nghĩa xã hội thị trường, dựa trên hợp tác xã của những người lao động.

Mối tình bền lâu của ông cùng Harriet Taylor - vợ của một dược sĩ thành đạt có khuynh hướng chính trị cực đoan - tạo ra những câu chuyện trong văn học Anh.

Không có gì phải nghi ngờ rằng Mill đã đứng bên phía chính nghĩa trong những cuộc tranh đấu chính trị lớn nhất thời đại ông. Ông đã đấu tranh cho phụ nữ, cho người Ireland, cho Đạo luật Cải cách 1832 và 1867, cho cách mạng 1848, ủng hộ những người miền Bắc trong cuộc nội chiến ở Mỹ, cho cuộc vận động thành lập hợp tác xã và thật đáng ngạc nhiên, ông cổ vũ cho Quốc tế I, và đôi khi ủng hộ Karl Marx – nhà lãnh đạo của Quốc tế I. Ông chống lại chế độ quý tộc, phản đối những thu nhập không làm mà có, chống lại Napoleon III, chống lại sự buôn  bán, khai thác, tàn nhẫn, bất công ở bất cứ đâu... Mill không chỉ là một nhà tư tưởng mà còn là một con người hành động.


Tác phẩm Chính thể đại diện -  Trích Lời giới thiệu của người dịch

Chính thể đại diện (Representative government), Bàn về Tự do (On Liberty) và Chủ nghĩa công lợi (Utilitarianism) là ba tác phẩm được chọn lựa như các tác phẩm tiêu biểu của John Stuart Mill trong bộ sách Great Books Of The Western World(Encyclopedia Britanica, 1994). Chính thể đại diện là một tác phẩm thuộc lĩnh vực triết học về chính trị và xã hội được xuất bản năm 1861. Như vậy tác phẩm này được viết cách đây đã gần một thế kỷ rưỡi và người ta có thể đặt câu hỏi liệu nó có thể có giá trị gì với độc giả Việt Nam ngày nay? Đó cũng là câu hỏi mà người dịch tự đặt ra cho mình khi bắt tay vào công việc đầy khó khăn và mạo hiểm là dịch một tác phẩm không mấy “hấp dẫn” như tác phẩm này.

Theo hiểu biết của tôi thì đây là một trong các tác phẩm kinh điển về nền dân chủ phương Tây. Cùng với tác phẩm Nền dân trị Mỹ của Alexis de TocquevilleBản dịch của Phạm Toàn, NXB Tri thức, 2006.

Hơn thế nữa, hai chục năm đã trôi qua kể từ khi đất nước ta chọn lựa chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường. Những biến đổi kinh tế dẫn đến nhiều đổi thay lớn, tốt cũng như xấu, trong xã hội. Tình hình tất yếu đòi hỏi phải có những điều chỉnh đối với các thiết chế tổ chức xã hội và để thực hiện việc này một cách đúng đắn thì phải học hỏi tri thức của nhân loại. Chúng tôi cho rằng tác phẩm Chính thể đại diện của J.S. Mill xứng đáng để chúng ta quan tâm tham khảo. Tác phẩm này từ thời Minh Trị đã được người Nhật dịch sang tiếng Nhật với nhan đề “Chính thể đại nghị”. Chúng tôi không dùng cách chuyển ngữ này vì e ngại độc giả hiểu lầm chủ đề của tác phẩm chỉ giới hạn thảo luận về loại chính thể có hình thức nghị viện nhất định. Nhưng trong suy tưởng của J.S. Mill thì “chính thể lý tưởng tốt nhất là hình thức chính thể trong đó chủ quyền, hay quyền kiểm soát tối cao như một phương sách cuối cùng, được trao cho toàn thể khối tập hợp cộng đồng; mỗi một công dân không chỉ có tiếng nói trong việc vận dụng chủ quyền cơ bản ấy, mà còn ít nhất cũng thỉnh thoảng được yêu cầu tham gia thực sự vào việc cai trị bằng cách đích thân thực hiện một chức năng nào đó, mang tính địa phương hay tổng quát.” (Chương III). Ông viết: “Người ta phán xét chính thể thông qua tác động của nó lên con người, tác động của nó lên những sự việc, thông qua việc nó tạo nên các công dân như thế nào và nó làm gì với họ; xu thế của nó là cải tiến hay làm hư hỏng bản thân dân chúng, tính tốt xấu của việc làm mà nó thực hiện cho họ và thông qua họ.” (Chương II)

Như vậy chúng ta thấy ông không có ý đề ra một khuôn mẫu hình thức cứng nhắc nào để đạt được chính thể lý tưởng mà luôn ý thức rõ ràng rằng mỗi dân tộc phải tự tìm cho mình một kiểu cách tổ chức các thiết chế, sao cho thích hợp nhất với các đặc điểm cũng như trình độ tiến bộ của dân chúng. Có thể nêu ra một số điểm quan trọng trong nội dung tác phẩm như sau:

1) Tình trạng của dân chúng quyết định sự thành bại của chính thể

2) Chức năng của các bộ phận quyền lực hợp thành chính thể đại diện

a) Quyền lực kiểm soát tối thượng thuộc về nhân dân thông qua các đại diện

b) Hoạt động của bộ phận hành pháp

c) Hoạt động của cơ quan đại diện địa phương

3) Một số chủ đề liên quan đến đặc thù của nước Anh thế kỷ XIX

[...]

Nguyễn Văn Trọng

 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC