Chức năng của nhà nước chủ nô trong hệ thống khoa học pháp lý

Chức năng của nhà nước chủ nô trong hệ thống khoa học pháp lý

1.      Chức năng đối nội:

-         Chức năng bảo vệ và củng cố chế độ sở hữu của chủ nô đối với tư liệu sản xuất và đối với người sản xuất (nô lệ), duy trì các hình thức bóc lột của chủ nô đối với nô lệ và những người lao động khác:

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, sở hữu của chủ nô bao gồm toàn bộ tư liệu sản xuất và cả người sản xuất (nô lệ). Do vậy, nhà nước chủ nô bằng rất nhiều những hình thức, biện pháp khác nhau luôn tìm mọi cách để bảo vệ sở hữu cho giai cấp chủ nô. Thông qua pháp luật, nhà nước hợp pháp hóa quyền sở hữu của chủ nô, ghi nhận quyền lực vô hạn của chủ nô đối với nô lệ. Pháp luật quy định bản thân người nô lệ chỉ là tài sản của chủ nô và nếu là nô lệ có con thì những người con này cũng thuộc tài sản của chủ nô. Mọi hành vi xâm hại tới tài sản của chủ nô đều bị chủ nô và nhà nước chủ nô trừng trị một cách hết sức dã man, tàn bạo.

Đi đôi với việc củng cố, bảo vệ chế độ sở hữu chủ nô, nhà nước chủ nô còn thực hiện sự cưỡng bức lao động đối với nô lệ, bắt nô lệ lao động để làm giàu cho chủ nô, cho nhà nước, củng cố các hình thức phụ thuộc khác nhau của nô lệ và những người lao động khác vào giai cấp chủ nô.

-         Chức năng trấn áp nô lệ và các tầng lớp người lao động khác về mọi mặt:

Từ những đặc điểm về kinh tế, chính trị, xã hội của xã hội chiếm hữu nô lệ đã dẫn tới những mâu thuẫn rất gay gắt giữa nô lệ với chủ nô. Trong xã hội thường xuyên xảy ra các cuộc khởi nghĩa liên tiếp của nô lệ và của những người lao động khác đứng lên chống lại nhà nước chủ nô, chống lại chủ nô tàn ác. Do sự phản kháng, sự đấu tranh thường xuyên của nô lệ nên chủ nô luôn phải vũ trang và sẵn sàng đàn áp nô lệ trong mọi tình huống và ở bất kỳ đâu. Nhà nước chủ nô đã sử dụng mọi biện pháp có thể mà chủ yếu là các biện pháp quân sự, bạo lực để đàn áp một cách dã man, tàn bạo các cuộc khởi nghĩa của nô lệ. Do bị hạn chế về nhiều mặt và bị đàn áp rất dã man nên hầu như các cuộc khởi nghĩa của nô lệ chống lại chủ nô đều bị thất bại, bị dìm trong máu

Ngoài việc trấn áp bằng bạo lực, nhà nước chủ nô còn thực hiện trấn áp về tinh thần đối với nô lệ và những người lao động khác. Ví dụ: ở nhà nước chủ nô Spac, những người nô lệ Hilot nếu sinh ra mà bị coi là khỏe mạnh hoặc thông minh thì sẽ bị giết chết để loại trừ khả năng phản kháng của họ trong tương lại. Thỉnh thoảng nhà nước lại tổ chức giết tập thể những người nô lệ để thị uy, khủng bố tinh thần người Hilot. Lợi dụng sự thấp kém, hạn chế của nô lệ, nhà nước chủ nô còn sử dụng tôn giáo để mê hoặc nô lệ, làm cho nô lệ luôn ở trong tình trạng khiếp đảm, run sợ, phụ thuộc, không dám đứng lên đấu tranh để thay đổi địa vị của mình trong xã hội.

-         Chức năng kinh tế - xã hội:

Các nhà nước chủ nô trong những chừng mực nhất định đều tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, giải quyết những công việc thiết yếu cho xã hội. Ở một số nhà nước chủ nô mà đặc biệt là các nhà nước chủ nô phương Đông do những đặc điểm về địa lý, khí hậu, để sản xuất và sinh sống được, người dân buộc phải xây dựng những công trình thủy lợi với quy mô lớn để tưới tiêu, ngoài ra còn phải tổ chức việc khai phá rừng, chống các loại thú dữ, bảo vệ mùa màng và các vật nuôi trong gia đình … Tất cả những công việc trên đòi hỏi sự cố gắng của cả cộng đồng mới có thể thực hiện được. Những hoạt động kinh tế - xã hội nói trên lúc đầu do các công xã, bộ lạc đảm nhiệm nhưng khi xuất hiện nhà nước chủ nô thì nhà nước buộc phải đảm nhiêm. Vì vậy, các nhà nước chủ nô đã tiến hành nhiều hoạt động kinh tế - xã hội để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội vì sự tồn tại và phát triển của xã hội chiếm hữu nô lệ.

2.      Chức năng đối ngoại:

-         Chức năng tiến hành chiến tanh xâm lược chống lại các nước khác, các dân tộc khác:

Các nhà nước chủ nô đều coi chiến tranh là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để làm giàu, thực hiện việc cướp đất, cướp tài sản của các dân tộc khác, bắt nhiều tù binh về làm nô lệ. Số tù binh bắt được sẽ làm tăng khả năng lao động bóc lột ở trong nước và còn có thể bán ra nước ngoài để thu lợi. Do vậy, các nhà nước chủ nô đều ra sức chuẩn bị lực lượng để tiến hành chiến tranh xâm lược các quốc gia khác, các dân tộc khác mỗi khi có điều kiện. Nhà nước chủ nô có thể bắt cả một đất nước, cả một dân tộc bại trận làm nô lệ và ra sức bóc lột họ. Chiến tranh xâm lược mà các nhà nước chủ nô tiến hành đã làm cho quan hệ giữa các nước luôn trong tình trạng căng thẳng, đồng thời, nó cũng làm cho mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ ngày càng trở nên gay gắt thêm.

-         Chức năng phòng thủ đất nước và thực hiện quan hệ ngoại giao, buôn bán với các quốc gia khác:

Song song với việc tiến hành chiến tranh xâm lược, các nhà nước chủ nô phải thực hiện phòng thủ đất nước chống lại các cuộc xâm lăng từ bên ngoài. Biện pháp phổ biến là xây dựng và củng cố quân đội với số lượng đông, xây thành, đắp lũy và các pháo đài vững chắc.

Ngoài ra, tùy theo tình hình cụ thể mà các nhà nước chủ nô thực hiện quan hệ ngoai giao, buôn bán với các quốc gia khác.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC