Chức năng của nhà nước trong hệ thống khoa học pháp lý

Chức năng của nhà nước trong hệ thống khoa học pháp lý

Bản chất, vai trò xã hội của nhà nước được thể hiện thông qua các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, gắn liền với những chức năng của nó. Nói cách khác, chức năng của nhà nước gắn liền với sự tồn tại của nhà nước.

Chức năng của nhà nước là những phương diện (mặt) hoạt động chủ yếu của nhà nước nhằm để thực hiện những nhiệm vụ đặt ra trước nhà nước. còn nhiệm vụ là những vấn đề, những mục tiêu mà nhà nước cần đạt được và bao giờ cũng có đích cuối cùng. Chức năng của nhà nước được xác định xuất phát từ bản chất của nhà nước, do các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội … của xã hội quyết định ở mỗi thời kỳ phát triển.

Chức năng nhà nước do bộ máy nhà nước thực hiện, mỗi cơ quan nhà nước sẽ thực hiện một số hoạt động nhất định: có cơ quan chuyên xây dựng pháp luật, cơ quan chuyên xét xử, cơ quan chuyên quản lý kinh tế … Cả bộ máy tạo thành một cơ chế để thực hiện chức năng nhiệm vụ của nhà nước.

-         Xuất phát từ tính xã hội, nhà nước có những chức năng như: Quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo vệ trật tự xã hội; hợp tác với bên ngoài …

-         Xuất phát từ tính giai cấp, nhà nước có những chức năng như: Trấn áp các giai cấp đối kháng, bảo vệ cơ sở kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, an toàn xã hội; bảo vệ đất nước …

Các chính sách, mục tiêu kinh tế - xã hội mà nhà nước đề ra bao giờ cũng có lợi cho lực lượng cầm quyền.

Các chức năng của nhà nước có quan hệ mật thiết với nhau. Việc xác định và thực hiện các chức năng của nhà nước luôn phải xuất phát từ tình hình thực tế của đát nước. Đồng thời, kết quả của việc thực hiện tốt chức năng này sẽ tác động mạnh mẽ và là điều kiện để thực hiện các chức năng khác.

Để thực hiện các chức năng của mình, nhà nước sử dụng nhiều hình thức và phương pháp hoạt động khác nhau, trong đó có ba hình thức hoạt động chính là:

  • Xây dựng pháp luật;
  • Tổ chức thực hiện pháp luật;
  • Hoạt động xét xử và bảo vệ pháp luật.

Phương pháp hoạt động để thực hiện các chức năng của nhà nước cũng rất đa dạng tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi nước trong những giai đoạn nhất định, nhưng nhìn chung, có hai phương pháp chính là thuyết phục và cưỡng chế.

Cùng với sự phát triển của nhà nước nói chung, chức năng của nhà nước cũng có sự phát triển. Từ chỗ, nhà nước có ít chức năng tiến tới có nhiều chức năng hơn, đặc biệt là khi tính xã hội của nhà nước ngày càng nhiều hơn, sứ mệnh của nhà nước đối với xã hội ngày càng lớn hơn. Nội dung các chức năng của nhà nước cũng từ giản đơn đến  phức tạp, từ ít đến nhiều, từ phạm vi hẹp đến quy mô lớn hơn.

Xu hướng hiện nay các nhà nước đều thu hẹp nội dung những chức năng của mình, chỉ thực hiện những công việc quan trọng, những công việc có hiệu quả, quản lý vĩ mô. Những gì mà xã hội thực hiện tốt, thực hiện có hiệu quả hơn thì nhà nước không làm mà để xã hội tự lo liệu.

Các nước lớn trên thế giới thường có xu hướng bành trướng, lạm quyền, tìm cách can thiệp vào công việc của các nước khác. Do vậy, mỗi nhà nước cần phải khôn khéo thực hiện tốt các chức năng của mình để vừa phát triển nhanh, bền vững vừa bảo vệ được những lợi ích chính đáng của dân tộc, đất nước mình.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC