Cử nhân luật bị đánh rớt vì thiếu kĩ năng

Một vị luật sư của Đoàn Luật sư TPHCM phát biểu: Luật sư là nghề triển vọng nhất hiện nay. Ông sẵn sàng trải thảm đỏ mời tân cử nhân luật về làm nhưng… với những ai giỏi ngoại ngữ. 

Tư duy luật: Cần nhưng chưa đủ 
Cái mà trường có thể cho sinh viên luật khi họ bước chân ra ngoài giảng đường, theo lời một giảng viên trẻ chính là tư duy luật, còn những kỹ năng về ngoại ngữ, tin học cũng như một số kiến thức cơ bản về thuế, kế toán là phải do sinh viên tự trau dồi và tích lũy. 
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp “đánh rớt” tân cử nhân luật chính là vì điều đó. Với họ, dẫu sinh viên luật có thể thuộc làu làu một điều luật nào đó thì vẫn chưa thể ghi điểm trong mắt họ. Cái doanh nghiệp cần là sự ứng dụng kiến thức luật vào công việc và những kỹ năng có vẻ đơn giản nhưng lại không thể thiếu như: sử dụng ngoại ngữ, tin học, trình bày vấn đề, soạn thảo văn bản, hợp đồng... Tuy là những “vũ khí” không thể thiếu nhưng thực thế hiện nay tân cử nhân luật lại không có những kỹ năng này. 

Thế là, các doanh nghiệp vẫn cứ ca bài: rất cần nhân lực ngành luật nhưng không tuyển được vì không thể nhận vào một nhân viên luật mà viết sai chính tả, hồ sơ xin việc nhàu nát, không biết sử dụng các ứng dụng gì khác của Internet ngoài Word, Excel… 
Ngày 18/12/2007, các luật sư từ văn phòng luật, đại diện các doanh nghiệp, cán bộ thành ủy, giảng viên và sinh viên trường ĐH Luật TPHCM đã ngồi lại với nhau cùng tìm hiểu về vấn đề đào tạo luật với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu xã hội. 
Luật sư Nguyễn Minh Phước phát biểu: “Chúng tôi đã mất thời gian để phỏng vấn nhưng sau khi khi vào làm việc, nhiều cử nhân luật lại còn lúng túng. Họ thiếu hiểu biết về thuế, kế toán. Đây là những kiến thức cơ bản để làm việc trong ngành luật. Mặt khác giáo trình về luật thuế, luật lao động cũng còn chung chung quá. Cử nhân luật soạn thư tư vấn cho khách hàng còn mang tính vĩ mô, xa vời quá không làm cho khách hàng hài lòng”. 
Luật sư Châu Huy Quang, văn phòng luật LCT nói: “Sinh viên luật thuộc lòng rất giỏi nhưng để có giải pháp cụ thể thì không thể làm được. Trong trường, thầy cô thi vấn đáp thường yêu cầu sinh viên đọc vanh vách một điều luật nào đó, không sai một dấu chấm phẩy (sinh viên ở hội trường vỗ tay đồng ý). Bạn có thể đưa ra những lí luận không ai cãi được nhưng khách hàng không được lợi gì từ tư vấn pháp luật cả”. 
Lỗi chính tả được luật sư Trần Duy Cảnh, Công ty luật hợp danh Luật Việt chú ý nhắc nhở sinh viên: “Khi viết sai chính tả thì người ta dẫu không biết nhiều về luật cũng sẽ phản cảm và hoài nghi về trình độ của các bạn”. Luật sư Cảnh cũng phản ánh khả năng yếu kém của sinh viên luật trong cách trình bày ý kiến của mình. 


Sinh viên Luật phải tự cứu mình 
Trước một khoảng cách quá xa giữa đào tạo và nhu cầu thực tế, nhiều người đặt vấn đề về chương trình đào tạo và khả năng sư phạm của các giảng viên “nên đi thực tiễn nhiều hơn để đào tạo sinh viên tốt hơn”. Tuy nhiên, sinh viên cũng được lưu ý về trách nhiệm của mình khi để vuột mất nhiều cơ hội và ưu ái mà các doanh nghiệp dành cho mình. “Các bạn bảo sao chúng tôi không cho tụi em cơ hội. Bản thân các em phải hiểu là chính do em chứ chúng tôi vẫn luôn rất cần cử nhân luật”, luật sư Trần Duy Cảnh nói. 
Lời khuyên của luật sư Châu Huy Quang cho những sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường là sau 2-3 năm nên đi làm để tích luỹ kinh nghiệm và biết mình thiếu gì để bổ sung. Anh khuyên các tân cử nhân luật không nên đánh đố thuật ngữ pháp lý với khách hàng. 
Trả lời câu hỏi của sinh viên Nguyễn Văn Lộc “sinh viên luật nên thể hiện mình bên ngoài như thế nào”, Luật sư Quang cho rằng các bạn trẻ nên nói như mình nghĩ và làm những gì mình cho là đúng và luôn biết khiêm tốn. Các giảng viên nên truyền lửa và truyền đạo đức cho các em. Anh cho rằng sinh viên cần nhìn thấy một thần tượng mới là những luật sư có thể nói tiếng Anh như thế nào để các em có thể noi theo. 

Thầy Vũ Duy Cương, trưởng bộ môn Luật quốc tế, ĐH Luật TPHCM phát biểu: “Nhiều khi thấy nhà tuyển dụng hay nâng lên đặt xuống với những sinh viên mới ra trường. Tại sao giữa giảng dạy và thực tiễn còn có khoảng cách. Nhiều nguyên nhân lắm, từ vĩ mô có thể là từ chính sách nhà nước, từ chương trình khung, từ việc cấm giáo việc không hành nghề luật sư. Các em sinh viên phải tự cứu mình. Các em không thể biện minh cho việc sau 4 năm đại học ra trường vẫn chưa rành rẽ vi tính, ngoại ngữ”. 
Chính những sinh viên trường Luật cũng nhìn thấy những điểm yếu của mình. Sinh viên Nguyễn Văn Lộc kể rằng vừa rồi học 11 môn thì có đến 8-9 môn thầy đọc trò chép. Các bạn thấy thiệt thòi vì cần trao đổi với giáo viên. Bạn T.T.H, khoa Luật hình sự cho biết môn giáo dục thể chất nặng nề quá, nhiều anh chị chỉ nợ môn này mà không nhận bằng. Quỳnh Anh, sinh viên Luật quốc tế cho biết dù thầy cô đã tổ chức buổi thảo luận nhưng rất ít bạn phát biểu. 
Một tin vui cho các bạn học ngành luật là sinh viên năm 3,4 có thể được thực tập tại Đoàn Luật sư TPHCM. “Ai giỏi ngoại ngữ thì tôi trải thảm đỏ ra mời”, đây là lời hứa của luật sư Nguyễn Đăng Trừng, chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM. Ông khuyên sinh viên luật phải yêu nghề, chung thủy với nghề thì mới thành công được. Thành công của ông ngày hôm nay chính là nhờ say mê nghề nghiệp.

Theo Dân Trí

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC