Dịch vụ quá cảnh hàng hóa là gì? Đặc điểm pháp lý của dịch vụ quá cảnh hàng hóa

Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận cải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh.

Dịch vụ quá cảnh hàng hóa là gì?

Theo quy định tại Điều 249 LTM 2005, dịch vụ quá cảnh hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân thực hiện việc quá cảnh cho hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam để hưởng thù lao.

Đặc điểm pháp lý dịch vụ quá cảnh hàng hóa

Thứ nhất, việc quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam phải được thực hiện bởi thương nhân kinh doanh dịch vụ quá cảnh hàng hóa. Theo quy định tại Điều 250 LTM 2005, thương nhân kinh doanh dịch vụ quá cảnh phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics. Theo hướng dẫn tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP thì thương nhân kinh doanh dịch vụ quá cảnh là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải, dịch vụ giao nhận. Xét về mặt bản chất, dịch vụ quá cảnh có sự khác biệt nhất định đối với dịch vụ vận tải thông thường, vì dịch vụ quá cảnh đòi hỏi trách nhiệm của bên kinh doanh dịch vụ quá cảnh trong việc làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa quá cảnh. Công việc này được xem như đại lý làm thủ tục hải quan (một hoạt động cần thiết trong dịch vụ giao nhận hàng hóa). Vì thế để có thể kinh doanh quá cảnh, doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh cả dịch vụ: dịch vụ vận tải lẫn dịch vụ giao nhận hàng hóa.

Thứ hai, về hàng hóa quá cảnh, Điều 242 LTM 2005 quy định rằng mọi hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài đều được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây: (i) Hàng hóa là các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và các loại hàng hóa có độ nguy hiểm cao khác (trừ khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép); (ii) Hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (trừ khi được sự cho phép của Bộ trưởng Bộ Thương mại – nay là Bộ Công thương).


 

Thứ ba, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền hiện việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động quá cảnh hóa. Mặc dù về nguyên tắc, Việt Nam thừa nhận quyền quá cảnh hàng hóa của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước thực hiện quyền giám sát và quản lý hoạt động này thông qua các quy định sau:

  • Hàng hóa quá cảnh phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khi nhập khẩu vào Việt Nam và tại cửa khẩu xuất khi xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (khoản 1 Điều 242 LTM 2005);
  • Hàng hóa quá cảnh phải chịu sự giám sát của hải quan Việt Nam trong suốt thời gian quá cảnh (Điều 245 LTM 2005);
  • Việc quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam phải được thực hiện quan các tuyến đường quá cảnh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải (Điều 243 LTM 2005).

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC