Đối tượng nghiên cứu của lý luận nhà nước và pháp luật trong khoa học pháp lý

Đối tượng nghiên cứu của lý luận nhà nước và pháp luật trong khoa học pháp lý

Đối tượng nghiên cứu của khoa học là phạm vi các vấn đề mà nó nghiên cứu làm sáng tỏ, qua đó phân biệt nó với các khoa học khác, nói cách khác, nó nghiên cứu những vấn đề và mức độ nghiên cứu như thế nào.

Nhà nước và pháp luật là hai hiện tượng phức tạp và quan trọng bậc nhất của xã hội có giai cấp. Bởi, chúng có liên quan đến: (a) mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; (b) lợi ích và địa vị của các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội; (c) tiến trình phát triển của xã hội. Vì vậy, ngay từ khi xuất hiện và trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của mình, nhà nước và pháp luật đã trở thành khách thể nghiên cứu của rất nhiều môn khoa học khác nhau. Mỗi môn khoa học nghiên cứu một số vấn đề của nhà nước và pháp luật với những mục đích, phạm vi, hóc độ và mức độ khác nhau.

Lý luận nhà nước và pháp luật nghiên cứu một cách khái quát những vấn đề chung, cơ bản, quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật. Cụ thể là:

  • Nghiên cứu bản chất, vai trò, chức năng, hình thức, bộ máy của nhà nước; bản chất, vai trò, hình thức của pháp luật, cơ chế điều chỉnh pháp luật …
  •  Nghiên cứu một cách toàn diện về tất cả các kiểu nhà nước và pháp luật (chủ nô, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa), nhưng tập trung nghiên cứu nhiều nhất và chủ yếu nhất về nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình nghiên cứu, luôn có sự liên hệ chặt chẽ với nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề trên, để tìm ra những quy luật cơ bản của nhà nước và pháp luật như: quy luật phát sinh, quy luật tồn tại, quy luật phát triển của nhà nước và pháp luật. Từ đó, đề ra kế hoạch hành động cho hiện tại và tương lai.
  • Ngoài ra, còn nghiên cứu làm rõ những mối liên hệ giữa nhà nước với pháp luật; giữa nhà nước và pháp luật với các hiện tượng khác trong xã hội như kinh tế, chính trị, đạo đức, tập quán …

Tóm lại, lý luận nhà nước và pháp luật là hệ thống tri thức phản ánh khái quát các thiết chếm các mối quan hệ đã hình thành của nhà nước và pháp luật; tìm ra những quy luật đặc thù, những đặc tính chung và những biểu hiện quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật, tạo thành cơ sở lý luận cho sự hình thành, phát triển của hai hiện tượng nhà nước và pháp luật; mối quan hệ giữa nhà nước với pháp luật và giữa chúng với các hiện tượng xã hội khác trong hiện tại và tương lại.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC