Đối tượng nghiên cứu của lý luận về nhà nước và pháp luật

Lý luận về nhà nước và pháp luật là hệ thống tri thức về những quy luật phát sinh, phát triển đặc thù, những đặc tính chung và những biểu hiện quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật nói chung và của nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa nói riêng.

Mỗi môn khoa học đều có đối tượng nghiên cứu riêng của mình. Đối với lý luận về nhà nước và pháp luật cũng vậy. xem xét đối tượng nghiên cứu của lý luận về nhà nước và pháp luật là xác định phạm vi các vấn đề mà nó nghiên cứu, là giải thích sự khác nhau giữa nó với khoa học khác.

Nhà nước và pháp luật là những hiện tượng xã hội rất phức tạp và đa dạng được nhiều môn khoa học xã hội nói chung và khoa học pháp lý nói riêng nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn, Triết học nghiên cứu nhà nước và pháp luật cùng với các hiện tượng xã hội khác để rút ra những quy luật vận động và phát triển chung của xã hội; Kinh tế chính trị học cũng nghiên cứu nhà nước và pháp luật, nhưng trong phạm vi các vấn đề thuộc lĩnh vực tổ chức và quản lý nền kinh tế, trong sản xuất và phân phối …

Hệ thông khoa học pháp lý ngày càng phát triển bao gồm: các khoa học pháp lý – lý luận lịch sử (Lý luận về nhà nước và pháp luật, Lịch sử nhà nước và pháp luật, Lịch sử các học thuyết chính trị), các khoa học pháp lý chuyên ngành (Luật hiến pháp, Luật hành chính, Luật hình sự, Luật dân sự …) và các khoa học pháp lý ứng dụng (Tội phạm học, Thống kê tư pháp, Pháp y …). Tất cả các môn khoa học pháp lý nói trên đều nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực của nhà nước và pháp luật, nhưng mỗi bộ môn khoa học đó lại có đối tượng riêng. Ví dụ: Lịch sử nhà nước và pháp luật nghiên cứu quá trình phát sinh và phát triển của nhà nước theo quan điểm lịch sử, bám sát từng thời gian và sự kiện lịch sử để luận giải; khoa học luật hình sự nghiên cứu các vấn đề về tội phạm, mục đích hình phạt, điều kiện, hình thức và mức độ áp dụng hình phạt đối với những người có hành vi phạm tội …

Khác với các môn khoa học pháp lý khác, lý luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu các vấn đề về nhà nước và pháp luật một cách toàn diện. Đối tượng nghiên cứu của nó là những vấn đề chung, cơ bản nhất như bản chất, chức năng xã hội, vai trò của nhà nước và pháp luật, hình thức nhà nước, hình thức pháp luật, bộ máy nhà nước, cơ chế điều chỉnh pháp luật, những quy luật cơ bản của sự phát sinh, phát triển của nhà nước và pháp luật …

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề trên, lý luận về nhà nước và pháp luật còn có nhiệm vụ làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các bộ phận trong thượng tầng chính trị - pháp lý với các tổ chức xã hội, giữa nhà nước với cá nhân, giữa pháp luật với các quy phạm xã hội khác.

Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước pháp luật cao nhất, cuối cùng trong lịch sử, có bản chất khác với bản chất của các kiểu nhà nước và pháp luật bóc lột, có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị xã hội chủ nghĩa, là công cụ sắc bén để thực hiện quyền lực nhân dân trong chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, một mặt lý luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu một cách toàn diện các kiểu nhà nước và pháp luật nói chung, mặt khác tập trung nghiên cứu kiểu nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa, coi nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa là trọng tâm nghiên cứu của mình.

Tóm lại, Lý luận về nhà nước và pháp luật là hệ thống tri thức về những quy luật phát sinh, phát triển đặc thù, những đặc tính chung và những biểu hiện quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật nói chung và của nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa nói riêng.

Nhà nước và pháp luật có mối quan hệ mật thiết với nhau: Nhà nước không thể tồn tại thiếu pháp luật; ngược lại, pháp luật chỉ hình thành, phát triển và phát huy hiệu lực bằng con đường nhà nước và dựa vào sức mạnh của nhà nước. Mối liên hệ mật thiết có tính khách quan đó đòi hỏi một sự nghiên cứu và giải thích thống nhất các vấn đề về nhà nước và pháp luật. Vì vậy, lý luận về nhà nước và pháp luật một cách đồng tời, theo quan điểm chung thống nhất không tách rời nhau.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC