Động cơ Phạm tội trong Luật Hình sự là gì

Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Động cơ phạm tội thuộc về trạng thái tâm lý của người phạm tội, là động lực bên trong thôi thúc họ thực hiện tội phạm. Chỉ những tội có lỗi cố ý mới có động cơ phạm tội. Những tội phạm có lỗi vô ý không có động cơ phạm tội mà chỉ có thể có động cơ xử sự: Trong thực tế có một số động cơ phạm tội thường gặp như động cơ vụ lợi, động cơ đê hèn, động cơ cá nhân, động cơ do ghen tuông, động cơ do căm ghét, trả thù,...

Phân biệt động cơ phạm tội với động cơ của xứ sự:

Hành vi của con người trong trạng thái tâm lý bình thường đều được thực hiện do sự thúc đẩy của một hoặc một số động cơ nhất định. Trừ một số trường hợp phạm tội vô ý do cẩu thả, hành vi của con người mới không có động cơ rõ rệt. Những trường hợp còn lại (dù đó là tội phạm do cố ý hay vô ý do quá tự tin), hành vi của con người đều có những động cơ nhất định thúc đẩy. Nhưng trong các tội phạm có lỗi vô ý, chủ thể hoàn toàn không mong muốn thực hiện tội phạm nên không thể có động cơ phạm tội (không có “động lực hành thôi thúc họ thực hiện tội phạm”). Chính vì vậy, ở các tội vô ý không có động cơ phạm tội mà chỉ có thể có động cơ của xử sự.

Dấu hiệu động cơ phạm tội có ý nghĩa trong việc định tội, định khung hình phạt và quyết định hình phạt.

- Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu có ý nghĩa định tội trong mọi cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, một số tội phạm trong BLHS quy định động cơ phạm tội là dấu hiệu định tội thì người phạm tội bắt buộc phải có động cơ đó. Ví dụ: Một số tội phạm trong BLHS quy định dấu hiệu định tội là động cơ vì vụ lợi hay vì động cơ cá nhân khác thì người phạm tội bắt buộc phải có động cơ này (ví dụ các tội phạm được quy định tại các Điều 162, 177, 316, 357 BLHS).

- Một số tội phạm trong BLHS quy định động cơ là dấu hiệu định khung hình phạt. Ví dụ: Khoản 1 Điều 123 BLHS quy định “động cơ đê hèn” là dấu hiệu định khung hình phạt của tội giết người.

- Nếu động cơ phạm tội không được quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt trong tội phạm cụ thể thì nó có thể trở thành tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: phạm tội vì động cơ đê hèn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 BLHS; động cơ phạm tội do phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 BLHS.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC