Du học thạc sĩ Luật tại Mỹ

Mình vừa cố gắng viết một bài chia sẻ những kinh nghiệm góp nhặt trong một năm học tập tại Mỹ: Chia sẻ những góp nhặt trong quá trình học thạc sỹ luật tại Mỹ. Bài viết còn thiếu sót, mong mọi người thông cảm. Mọi người có thể liên lạc với mình qua [email protected]


Tuần rồi, tôi vừa được nhận visa vào Mỹ để theo đuổi chương trình thạc sĩ một năm tại Washington College of Law, trường luật của American University. Đây là một tin cực kỳ vui và ý nghĩa. Nó là bước đầu tiên trên con đường mà tôi đã hoạch định từ những tìm hiểu và trải nghiệm của những tháng ngày làm việc sau khi tốt nghiệp. Bước đầu là tốt nghiệp cử nhân luật tại Việt Nam. Làm việc một hoặc hai năm trong lĩnh vực tư vấn để lấy kinh nghiệm. Rồi lấy bằng thạc sĩ tại nước ngoài. Làm việc tại các tổ chức quốc tế hoặc các công ty luật nước ngoài tại Singapore hoặc may mắn hơn thì Hong Kong. Cuối cùng là quay về Việt Nam để ổn định công việc. Tôi không rõ sẽ có bao nhiêu người đồng tình và chia sẻ tính khả thi của kế hoạch này. Tuy nhiên cần phải nói là nó không hề mới. Tôi được biết (chứ chưa hề quen) bạn Đặng Thị Thu Quyên, sinh viên luật khoa Quốc tế khóa 30, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh. Bạn này là dân học tiếng Pháp, học thạc sĩ tại Pháp và hiện tại đang làm tại UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Development, một cơ quan quan trọng của Liên Hiệp Quốc) sau thời gian thực tập tại đây. Tôi từng được làm việc chung dự án với (đương nhiên chỉ được biết tên chứ không được trao đổi trực tiếp) chị Doãn Quỳnh Linh, một luật sư Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ở Hà Nội, chị lấy bằng thạc sĩ luật ở Singapore, sau đó làm việc cho Orrick, Herrington & Sutcliffe LLP tại Hong Kong. Hiện tại chị Linh đã quay về Việt Nam để thành lập công ty luật LVN & Associates. Tôi nghĩ rằng đâu đó sẽ còn có những người khác cũng đang có một sự ngiệp tương tự. Chặng đường của tôi sẽ còn rất dài và khó khăn, và có thể không như mong muốn. Nhưng dám làm là đã thành công rồi nên tôi muốn chia sẻ những điều bên dưới vì biết đâu cũng có những người đang ấp ủ một con đường như thế.

Tại sao phải du học

Nếu không học ngành luật, câu hỏi này không khó trả lời. Nhưng ngành luật thì sao? Học và nghiên cứu về pháp luật trong nước đã khó và đòi hỏi phải luôn cập nhật. Đi nước ngoài để học pháp luật của người ta à? Tốt nghiệp rồi làm gì, làm sao cạnh tranh được với những người lớn lên và được đào về luật bài bản trong khi ngôn ngữ của mình không phải là tiếng mẹ đẻ. Tốt nghiệp rồi về nước thì những điều đã học có áp dụng được không. Vì vậy tôi xác định việc đi du học không phải là học về kiến thức pháp luật cũng như hệ thống pháp luật của nước ngoài, hoặc ít nhất đây không phải là điều cần đặt nặng.

Học ở đây là học cách thức làm việc, tiếp cận vấn đề, phương pháp tư duy và đưa ra giải pháp. Pháp luật không hề khô khan. Luật sư tư vấn không phải là quân sự quạt giấy. Đặc biệt trong những lĩnh vực mà pháp luật không rõ ràng hoặc cần tính suy luận cao. Có những trường hợp khi tư vấn cho khách hàng nước ngoài, luật sư không thể chỉ sao chép câu chữ trên văn bản luật mà tư vấn. Luật sư phải vận dụng các câu chữ và tư duy của mình để giải thích quy định pháp luật một cách logic nhất mà vẫn đảm bảo tính hợp pháp của suy luận đó.

Học ở đây là học cách viết lách và các trình bày bằng văn bản các nghiên cứu của mình. Thử tưởng tượng bạn tốt nghiệp đại học ngành luật. Bạn đi làm, dù lĩnh vực tố tụng hay tư vấn, dù công ty luật lớn hay văn phòng luật sư nhỏ. Bạn sẽ dành thời gian bao nhiêu cho việc viết và nâng cao khả năng trình bày của mình. Không phải chỉ đi học mới phải nghiên cứu và viết. Nghề luật, dù là lĩnh vực nào, cũng cần phải nghiên cứu và viết. Đừng tưởng viết chỉ mang tính học thuật. Nó còn mang tính thương mại rất cao. Đặc biệt đối với các công tư vấn luật, chuyên phục vụ cho các khách hàng nước ngoài thì việc viết lách là một phương pháp PR rất tốt. Các bài báo tiếng Anh chất lượng tốt trên các tạp chí hoặc tờ báo uy tín trong và ngoài nước luôn đem lại sự chú ý đáng kể từ các khách hàng nước ngoài. Trong nghề tư vấn, mọi thứ phải được văn bản hóa chứ không thể lời nói gió bay. Một tư vấn hoặc ý kiến pháp lý được viết ra mà khách hàng phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần do sự tối nghĩa hoặc trình bày tồi đồng nghĩa với sự thất bại của luật sư.

Địa điểm và chương trình học phù hợp

Việc đi du học ngành luật tại các nước phát triển không phải là chuyện gì to tát. Đối với sinh viên luật các nước khác, việc đi du học là điều cần thiết nếu muốn tiến xa trong nghề nghiệp. Chính vì vậy mà tại các nước vốn coi giáo dục là ngành công nghiệp không khói, các trường đại học luật có mở các khóa chỉ chuyên đào tạo cho các sinh viên luật nước ngoài hoặc chuyên ngành thương mại quốc tế. Bỏ qua yếu tố điều kiện gia đình thì sẽ có rất nhiều lựa chọn đối với địa điểm du học. Trong hiểu biết của tôi thì có một số đất nước và chương trình sau khá hấp dẫn. Châu Á thì có Singapore, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Singapore thì nơi lý tưởng của lĩnh vực hàng hải và IP (trích lời của một giáo sư Singapore mà tôi đã làm việc chung trong dự án Cơ chế một cửa Việt Nam). Nhật Bản thì có học bổng của đại học Nagoya (luật sư thành viên của IC, anh Bùi Ngọc Hồng đã từng theo học ở đây trong hai năm với học bổng toàn phần). Hàn Quốc thì có trường TBLU [Transnational Law and Business University]. Trường này có liên kết với Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (luật sư của IC, chị Nguyễn Ngọc Hà đã theo học ở đây). Úc và Châu Âu (Thụy Điển, Hà Lan,…), ngoại trừ Anh, cũng là những nơi lý tưởng với học phí và các học bổng. Rất tiếc tôi không thể nêu chi tiết hơn được vì tôi chọn Mỹ. Các bạn có thể tham khảo thêm chi tiết tại: www.llm-guide.com. Trang web này giúp tôi rất nhiều trong việc lựa chọn trường, cân nhắc chương trình học và học phí.

Tôi chọn Mỹ, cụ thể là Washington D.C vì nhiều lý do, xin nêu một số quan trọng nhất. Thứ nhất, xét về thực tế các công ty luật nước ngoài nổi tiếng có nhiều văn phòng trên thế giới và đã có mặt tại Việt Nam thì hầu hết là của Mỹ hoặc Anh (trừ Allens Arthur Robison của Úc và Gide Loyrette Nouel của Pháp). Cá nhân mình thì lại không thích nước Anh. Thế nên chọn Mỹ. Thứ hai, xét về đào tạo thạc sĩ nói chung, các trường tại Washington D.C đều có tên trên bảng xếp hạng. Trường có hạng càng cao thì học phí càng đắt. Bù lại, với danh tiếng cùng với alumni (cựu sinh viên) toàn những nhân vật nổi tiếng thì ít nhất lý lịch của bạn cũng sẽ được làm đẹp khi lấy bằng do các trường này cấp ra. Thứ ba, xét về tính quốc tế thì có lẽ Washington D.C là ứng viên số 1 so với các bang khác của Mỹ. Rất nhiều công ty luật, Mỹ lẫn các nước khác, có văn phòng ở đây. Cũng như các tổ chức thế giới quan trọng như World Bank hay IMF chọn làm đặt trụ sở. Cơ hội để giao lưu với sự đa dạng là rất lớn. Cùng với một số lý do khác nữa, tôi đã chọn theo học chương trình International Legal Studies Program của Washington College of Law.

Riêng đối với việc du học tại Mỹ, tôi xin nói thêm về sự nhầm lẫn của một số người đối với LSAT (Law School Admission Test – kỳ thi dành cho những người muốn học ngành luật tại Mỹ) và việc hành nghề tại Mỹ. Một số người thân quen ở nước ngoài cứ tưởng rằng tôi học để làm luật sư hành nghề tại Mỹ. Họ khuyên tôi phải học ở đại học chuyên ngành nào khác rồi thi LSAT thì mới được học luật. Tuy nhiên, như đã nói, tôi đi du học không phải để học pháp luật của Mỹ, càng không có ý định hành nghề tại Mỹ. Do đó LSAT là không cần thiết. Cũng cần nói thêm là việc một luật sư nước ngoài muốn trở thành luật sư tại Mỹ là điều có thể. Từng tiểu bang sẽ có quy định riêng cho vấn đề. Nhưng điều này không nằm trong phạm vi của bài viết nên tôi sẽ không đề cập đến nó.

Chuẩn bị cho việc du học

Đối với ngành luật, có rất nhiều việc đặc thù mà bạn cần phải làm trước khi đi du học.
Đầu tiên là tiếng Anh. Có hai kỳ thi cho bạn lựa chọn. Toefl iBT và IELTS, tùy vào quốc gia và trường mà bạn theo học. Theo tìm hiểu, tôi nhận thấy rằng TOEFL iBT thông dụng hơn vì nó được chấp nhận cả ở Úc và Châu Âu. Phạm vi chấp nhận của IELTS thì hơi hẹp tại Mỹ. Cần lưu ý rằng so với ngành khác thì các trường luật đòi hỏi trình độ tiếng Anh khá cao. Tại Mỹ, thông thường các trường yêu cầu điểm TOEFL iBT từ 90 trở lên. Một số ít chỉ đòi hỏi 87. Một số cá biệt yêu cầu trên 100. Đừng lo nếu bạn không may thiếu vài điểm. Houston Law Center, trường luật của University of Houston là một trong những trường ở Mỹ mà tôi rải đơn xin nhập học. Trường này yêu cầu 100 trong khi tôi chỉ có 95. Tôi mạnh dạn gửi email cho họ và giải thích rằng dù chỉ có 95 điểm nhưng trình độ tiếng Anh của tôi đủ để theo học. Họ đồng ý và tư vấn rằng tôi có thể giải thích trong Statement of Purpose (sinh viên phải tự soạn để nộp cho trường, trong đó nêu rõ mục đích học và động lực cá nhân cho việc học) rằng tôi thường xuyên sử dụng tiếng Anh trong quá trình làm việc của mình. Kết quả là tôi đã được chấp nhận vào học. Nhưng tiếc là tôi vẫn chọn trường ở Washington D.C.

Thứ hai là học và thi lớp luật sư. Đối với tôi, đây là nhiệm vụ và nghĩa vụ cần hoàn thành sớm trước khi đi du học. Dù học gì thì tôi vẫn muốn là một luật sư Việt Nam có khả năng hành nghề quốc tế. Trì hoãn việc trải qua 6 tháng ròng rã tại Học viện tư pháp cùng với những kỳ thi đau tim là điều không nên và có thể khiến cho việc du học của bạn không thoải mái.

Thứ ba là thư giới thiệu. Đây là một tờ A4 nhỏ nhưng có võ và có sức nặng. Mọi hồ sơ xin nhập học, bất kể là quốc gia nào, đều phải có. Thông thường là hai hoặc ba thư. Bạn có thể xin thư giới thiệu của thầy cô đã từng giảng dạy tại trường hoặc sếp của mình. Cái này khó mà dễ, dễ mà khó. Bạn không phải lo nếu có những mối quan hệ thân thiết với các thầy cô từ thời sinh viên hoặc những vị sếp dễ tính lẫn dễ thương. Tôi may mắn có vị sếp dễ thương và dễ tính. Nhờ anh mà tôi có được một thư giới thiệu của sếp lẫn giảng viên ở trường cũ (Đại học luật Tp. Hồ Chí Minh). Có một điều các bạn cần phải tính đến là cần bao nhiêu thư giới thiệu. Ban đầu do chủ quan nên tôi chỉ xin sếp lẫn thầy ký cho một bản. Về sau nhận thấy rằng mình cần nộp nhiều trường để có nhiều lựa chọn nên tôi đành phải làm phiền hai người này ký một lần khoảng mười bản.

Thứ tư là email. Có thể thừa nhưng không nói không được. Hãy mạnh dạn soạn và gửi email trực tiếp đến các trường nếu các bạn có thắc mắc. Thực tế mà nói thì không phải tôi giỏi giang gì nhưng các trường đều rất cần sinh viên nước ngoài. Tại Mỹ, học phí của sinh viên nước ngoài mắc hơn nhiều so với sinh viên trong nước. Cho nên họ rất chịu khó liên lạc và “dụ” bạn theo học. Một số trường nổi tiếng thì có thể hơi chậm trễ và lơ là trong việc trả lời. Thậm chí có trường phải đợi đến khi tôi gửi email trực tiếp cho hiệu trưởng mới chịu trả lời. Nhưng quan trọng là bạn có cơ hội tốt để nâng cao khả năng giao tiếp của mình bằng tiếng Anh.

Bài viết này xin dừng lại ở đây. Chặng đường con xa và tôi vẫn còn phải đi rất nhiều. Hy vọng rằng tôi sẽ còn nhiều điều để chia sẻ. Mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ - luật sư tương lai sẽ đi được cho mình những bước đi hoành tráng và rực rỡ trên con đường nghề nghiệp.

THEO http://loionlegal.blogspot.com/

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC