GÓC KHUẤT CỦA NGHỀ LUẬT SƯ TRANH TỤNG. Tôi có nên chọn nghề luật sư tranh tụng sau khi tốt nghiệp trường luật

Luật sư có lẽ đang là một nghề hot khi các quan hệ xã hội đang ngày càng trở nên phức tạp. Khi các bộ phim tô vẽ nghề luật sư đặc biệt là luật sư tranh tụng như một nghề hâp dẫn và đầy thú vị. Công việc trên thực tế của một luật sư tranh tụng ngược lại khá “trần trụi” và buồn tẻ. Các bạn đang tìm kiếm những cuộc phiêu lưu “như phim” trong sự nghiệp của mình hãy cân nhắc những lăng kính xám màu của nghề luật sư tranh tụng sau đây nhé:

1. Công việc của một luật sư tranh tụng thường khá nhàm chán

Việc xử lý các vụ tranh tụng thường tuân theo các trình tự và nguyên tắc cứng nhắc được quy định trong các văn bản luật. Các công việc vì thế thường là khá đơn điệu đối với nhiều người. Tất nhiên, như bao công việc khác vẫn có một số thứ tạm gọi là thú vị như tiếp xúc khách hàng hay tranh luận tại phiên toà. Tuy nhiên bên cạnh đó, có rất nhiều công việc nhàm chán như nghiên cứu bút lục, hồ sơ, viết đơn kiện và các giấy tờ pháp lý khác, chuẩn bị checklist, tóm tắt và báo cáo. Những công việc đó thường tốn rất nhiều thời gian và buồn ngủ.

2. Công việc của luật sư tranh tụng rất áp lực về thời gian

Công việc giải quyết các vụ tranh chấp tại toà thường rất cập rập về mặt thời gian. Quá trình này sẽ phát sinh nhiều deadline, nhiều công việc nhỏ nhặt mà luật sư phải thực hiện mỗi ngày. Việc quên hay chậm trễ một cuộc hẹn hay chậm nộp đơn khởi kiện có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích của khách hàng. Điều này khiến cho cuộc sống của luật sư tranh tụng thường khó có những phút giây thanh thản nếu không biết cách sắp xếp thời gian hợp lý. Bạn nhất định phải là một người có đầu óc tổ chức tốt, thích nghi nhanh và đặc biệt là có thể làm việc dưới áp lực cao.

3. Không phải khách hàng nào cũng dễ chịu

Đây là điều bạn bắt buộc phải đối mặt. Không phải khách hàng nào cũng thấu hiểu và thông cảm với những gì bạn phải làm khi cố gắng bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Điều này tích hợp với những vấn đề pháp lý mà họ đang gặp phải làm cho trải nghiệm của luật sư tranh tụng với khách hàng nhiều lúc rất nặng nề. Những biểu hiện như nóng nảy, hậm hực, hối thúc hay thậm trí buông bỏ và thiếu hợp tác là tương đối phổ biến trong quá trình bạn cố giải quyết một vụ việc.

4. Quá trình tranh tụng thường kéo dài

Thông thường việc kéo nhau ra toà không phải là cách nhanh nhất và tốt nhất để các bên giải quyết vấn đề của mình. Trung bình trong những vụ việc dân sự, thời gian từ lúc tiếp nhận vụ việc đến khi vụ việc được đưa ra xét xử khoảng từ 6 tháng - 2 năm, tuỳ vào tính chất của vụ việc. Trong quá trình này khách hàng thường có dấu hiệu mất bình tĩnh, luật sư cần thường xuyên trấn an và bảo đảm vụ việc đang được tiến hành xử lý. Đối với nhiều luật sư yếu kỹ năng, điều này có thể dẫn đến tình trạng hứa thật nhiều và cũng thất hứa thật nhiều.

Ở một góc độ khác, trong quá trình xử lý vụ việc, sẽ có những giai đoạn đặc biệt gấp rút với nhiều công việc, nhiều deadline. Thời gian làm việc của luật sư có thể vượt xa con số 48 giờ /tuần. Dĩ nhiên luật sư rất cần các kĩ năng để xử lý stress và tạo sự cân bằng trong cuộc sống.

5. Công việc tranh tụng thường phức tạp và liên quan đến nhiều bên

Nhiều người không có những tố chất để xử lý những công việc có nhiều bên tham gia, khi mà tình cảm, lợi ích và những giá trị đạo đức đan xen. Trong nhiều vụ việc khác, bên đối thủ hoặc luật sư của họ không hợp tác, những vấn đề này làm cho công việc của luật sư tranh tụng thêm phần phức tạp và nặng nề. Đây cũng là lý do nhiều luật sư ưa thích tư vấn trong các giao dịch thương mại hơn giải quyết các vụ việc tranh tụng.

6. Thu nhập từ các vụ việc tranh tụng

Trong nhiều trường hợp bạn chỉ có thể thu tiền từ khách hàng nếu bạn thắng trong một vụ việc. Những vụ việc đó là tương đối phổ biến như yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, vụ việc hôn nhân gia đình, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…. Khi cố gắng xử lý vụ việc có những lúc bạn sẽ thua và lúc đó công sức và thời gian bạn bỏ ra trong vụ việc sẽ trở thành một con số không tròn trĩnh.

Ngoài ra, bạn còn phải rất tỉnh táo khi cân nhắc mức phí dịch vụ. Khi những vụ việc kéo dài và có nhiều diễn biến phức tạp, số tiền phí mà bạn đã báo trước cho khách có thể không xứng đáng với công sức và chi phí bạn bỏ ra. Vì vậy, luật sư không chỉ đau đầu với cách xử lý vụ việc mà trong một số trường hợp là cả cách tính phí sao cho hợp lý.

7. Da mặt có cần phải dày?

Áp lực trong các vụ việc vô cùng lớn còn không khí trong những phiên tranh tụng hay phiên làm việc giữa các bên thường rất máu lửa. Các luật sư, thẩm phán, nhân viên, cán bộ toà án và các bên thông thường rất nóng nảy và đôi lúc sẵn sàng bùng nổ. Là một luật sư tranh tụng chắc chắn bạn cần học cách kiểm soát tốt cảm xúc để không có những phản ứng tiêu cực làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ hay công việc của mình.

KẾT LUẬN

Nếu sau khi đọc một loạt những ý kiến tiêu cực về luật sư tranh tụng và cảm thấy có lẽ mình không thực sự phù hợp hay được chuẩn bị cho công việc này thì đừng quá thất vọng nhé. Bạn hoàn toàn có thể trở thành luật sư trong các lĩnh vực khác như luật sư chuyện về bất động sản, quyền sở hữu trí tuệ, M&A hay hôn nhân gia đình. Các lĩnh vực khác đó có lẽ sẽ ít rắc rối, ít phức tạp hơn nhưng vẫn có nhiều lợi ích và cơ hội cho những luật sư nói riêng và người hành nghề luật nói chung nhé.

 

THEGIOILUAT.VN

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC