Hình thức nhà nước là gì? Hình thức nhà nước được hình thành từ ba yếu tố nào?

Hình thức nhà nước là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng. Kết quả của việc tiến hành sự thống trị về chính trị phục thuộc phần lớn vào việc giai cấp thống trị tổ chức thực hiễn quyền lực nhà nước theo hình thức nào.

Hình thức nhà nước là cách tổ chức quyền lực nhà nước và những phương pháp để thực hiện quyền lực nhà nước. Hình thức nhà nước là một khái niệm chung được hình thành từ ba yếu tố cụ thể: Hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước và chế độ chính trị.

1.   Hình thức chính thể

Đây là cách tổ chức và trình tự để lập ra các cơ quan tối cao của nhà nước và xác lập những mối quan hệ cơ bản của các cơ quan đó. Hình thức chính thể có hai dạng cơ bản là chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa.

Chính thể quân chủ là hình thức trong đó quyền lực tối cao của nhà nước tập trung toàn bộ (hay một phần) trong tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc thừa kế.

Chính thể cộng hòa là hình thức trong đó quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về một cơ quan được bầu ra trong một thời gian nhất định.

Cả hai hình thức đều có những biến dạng của mình. Chính thể quân chủ được chia thành chính thể quân chủ tuyệt đối và chính thể quân chủ hạn chế. Trong các nước quân chủ tuyệt đối, người đứng đầu nhà nước (vua, hoàng đế,…) có quyền lực vô hạn; còn trong các nhà nước quân chủ hạn chế người đứng đầu nhà nước chỉ nắm một phần quyền lực tối cao và bên cạnh đó còn có một cơ quan quyền lực khác nữa, như nghị viện trong các nhà nước tư sản có chính thể quân chủ.

Chính thể cộng hòa cũng có hai hình thức chính là cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc. Trong các nước cộng hòa dân chủ, quyền tham gia bầu cử để lập ra cơ quan đại diện (quyền lực) của nhà nước được quy định về mặt hình thức pháp lý đối với các tầng lớp nhân dân lao động (mặc dù trên thực tế, các giai cấp thống trị của các nhà nước bóc lột thường đặt ra nhiều quy định nhằm hạn chế hoặc vô hiệu hóa quyền này của nhân dân lao động). Trong các nước cộng hòa quý tộc, quyền đó chỉ quy định đối với tầng lớp quý tộc.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, do nhiều yếu tố khác nhau tác động, các hình thức chính thể cũng có những đặc điểm khác biệt. Vì vậy, khi nghiên cứu hình thức chính thể của một nhà nước nhất định cần phải gắn bó với những điều kiện lịch sử cụ thể.

Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều là nhà nước cộng hòa dân chủ được đặc trung bằng sự tham gia rộng rãi của nhân dân lao động vào việc thành lập các cơ quan đại diện của mình.

2.   Hình thức cấu trúc nhà nước

Đây là sự cấu tạo của nhà nước thành các đơn vị hành chính lãnh thổ và xác lập những mối quan hệ qua lại giữa các cơ quan nhà nước, giữa trung ương với địa phương.

Có hai hình thức cấu trúc nhà nước chủ yếu là hình thức nhà nước đơn nhất và hình thức nhà nước liêng bang.

Nhà nước đơn nhất là nhà nước có chủ quyền chung, có hệ thống cơ quan quyền lực và quản lí thống nhất từ trung ương đến địa phương và có các đơn vị hành chính bao gồm tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường). Ví dụ: Việt Nam, Lào, Ba Lan, Pháp … là các nhà nước đơn nhất.

Nhà nước liên bang là nhà nước có từ hai hay nhiều nước thành viên hợp lại. Nhà nước liên bang có hai hệ thống cơ quan quyền lực và quản lý; một hệ thống chung cho toàn liên bang và một hệ thống trong mỗi nước thành viên; có chủ quyền quốc gia chung của nhà nước liên bang và đồng thời mỗi thành viên cũng có chủ quyền riêng. Ví dụ: Mỹ, Đức, Ấn Độ, Malaixia … là các nước liên bang.

Cần phân biệt nhà nước liên bang với nhà nước liên minh. Nhà nước liên minh là sự liên kết tạm thời của các nhà nước với nhau nhằm thực hiện một số mục đích nhất định. Sau khi đã đạt được các mục đích đó, nhà nước liên minh có thể giải tán hoặc có thể phát triển thành nhà nước liên bang. Ví dụ: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ 1776 đến 1787 là nhà nước liên minh, sau đó trở thành nhà nước liên bang.

3.   Chế độ chính trị

Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp, thủ đoạn mà các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước.

Trong lịch sử, từ khi nhà nước xuất hiện cho đến nay, các giai cấp thống trị đã sử dụng nhiều phương pháp và thủ đoạn để thực hiện quyền lực nhà nước. Những phương pháp và thủ đoạn đó trước hết xuất phát từ bản chất của nhà nước đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tối của mỗi giai đoạn trong mỗi nước cụ thể. Vì vậy, có rất nhiều phương pháp thủ đoạn khác nhau nhưng tựu chung chúng được phân thành hai loại chính là: Phương pháp dân chủ và phương pháp phản dân chủ.

Những phương pháp dân chủ cũng có nhiều loại, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như những phương pháp dân chủ thật sự và dân chủ giả hiệu, dân chủ rộng rãi và dân chủ hạn chế; dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp … Cần phân biệt chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được đặc trung bằng việc sử dụng các hình thức dân chủ thật sự, rộng rãi với chế độ dân chủ tư sản đặc trưng bằng các phương pháp dân chủ hạn chế và hình thức.

Các phương pháp phản dân chủ thể hiện tính chất độc tài cũng có nhiều loại, đáng chú ý nhất là khi những phương pháp này khi phát triển đến mức độ cao sẽ trở thành những phương pháp tàn bạo, quân phiệt và phát xít.

Hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước luôn có liên quan mật thiết với chế độ chính trị. Ba yếu tố này có tác động qua lại lẫn nhau tạo thành khái niệm hình thức nhà nước, phản ánh bản chất và nội dung của nhà nước. Nhưng trong một số trường hợp, ba yếu tố này có thể không phù hợp với nhau. Ví dụ: chế độ chính trị phát xít, quân phiệt có thể có hình thức chính thể cộng hòa dân chủ. Đây cũng là điều thường gặp trong các nhà nước bóc lột.

Trong các nhà nước xã hội chủ nghĩa, ba yếu tố này phải phù hợp với nhau, phản ánh đúng bản chất và nội dung của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC