iFan bị tố lừa đảo 15.000 tỷ và câu chuyện về mô hình đa cấp Ponzi

Mô hình Ponzi thường được nhắc đến như một hình thức lừa đảo “khét tiếng” và đã ra đời cả trăm năm nay. Mô hình này được đặt tên theo Charles Ponzi – người đặt chân lên đất Mỹ chỉ với 2 đô la trong túi nhưng gầy dựng được một đế chế với lượng tiền mặt lên đến 15 triệu đô la với lời quảng cáo trả lãi lên đến 50% trong 45 ngày để rồi “ngã ngựa” và khiến 6 ngân hàng lớn ở Boston phá sản.

Mô hình Ponzi thực chất là gì ?

Mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Mức lợi tức cao và những trò quảng cáo với tác dụng gây “mờ mắt” người tiêu dùng đã khiến họ tin tưởng và “sập bẫy” lừa. Thường mức lợi tức được “vẽ” ra có thể lên tới 10% một tuần và trong trường hợp của Ifan – NÓ LÊN TỚI 48%/tháng.

Ảnh : Charles Ponzi - một trong những người lừa đảo siêu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Một lời kêu gọi đầu tư trong mô hình lừa đảo kiểu Ponzi thường có dạng như sau:

“Hãy đầu tư cho chúng tôi tất cả số tiền bạn có và nó sẽ tăng 400% chỉ sau một năm”

“Cam kết trả lãi lên tới 15%/tuần khi tham gia dự án xxx”

“Tôi đã nhận được mức lãi suất “KHỦNG” khi tham gia dự án của công ty XXX và muốn chia sẻ nó với bạn – tìm hiểu ngay!”

Chúng ta thường rất cảnh giác với những lời kêu gọi đầu tư. Nhưng tâm lý con người từ lâu đã được chứng minh là sợ bỏ lỡ các cơ hội. Những người đứng đầu mô hình này thì lại rất biết “đánh” vào tâm lý khách hàng khi luôn đưa ra những lời mời gọi rất thiết thực, kèm theo thời hạn ảo “Chỉ còn x ngày trước khi chúng tôi kết thúc quá trình gọi vốn – bây giờ hoặc không bao giờ”. Và cho dù đã rất cảnh giác, hơn 75% số người được khảo sát đều chia sẻ rằng họ đã bị lừa mà không thể nhận ra cho tới khi khi quá muộn.

Ifan và “Chiêu trò” được áp dụng

Một nạn nhân đã chia sẻ lại với chúng tôi rằng khi tiếp xúc với Công ty Modern Tech, iFan được giới thiệu là một loại tiền kỹ thuật số được thành lập ở Singapore, dùng để thanh toán các dịch vụ giữa những nghệ sĩ nổi tiếng và người hâm mộ.

Tại Việt Nam, Công ty Modern Tech giới thiệu rằng họ là đại diện được uỷ quyền của iFan và loại tiền ảo khác là Pincoin. Họ từng tổ chức các buổi hội thảo lớn tại Hà Nội và TP.HCM để quảng bá và kêu gọi nhà đầu tư, cũng như chi rất nhiều tiền để quảng cáo trên Facebook, Youtube và Google nhằm tiếp cận những người nhẹ dạ cả tin và họ đã thực sự lừa được rất nhiều nạn nhân nhờ các chiêu trò và cả mức lãi suất cao.

Ảnh : Các nạn nhân đi đòi quyền lợi sau khi bị lừa đảo
Người này cũng kể lại rằng khi được giới thiệu về iFan, đội ngũ của Công ty Modern Tech đã cam kết trả lãi suất lên đến 48%/tháng cho nhà đầu tư. Thời gian hoàn vốn tối đa được ấn định là 4 tháng. Và nếu giới thiệu được người chơi mới tham gia vào hệ thống, họ sẽ được hưởng từ 1% - 8% số tiền mà người chơi mới đầu tư. Dù biết rõ đây là đa cấp nhưng rất nhiều người vì thấy lãi suất cao mà chấp nhận lừa gạt cả người thân, bạn bè của chính mình. Họ tin rằng nếu đầu tư vào Ifan – một bình minh tươi sáng hơn sẽ chờ đợi họ và gia đình của mình.

Và khi “màn kịch” đến hồi kết

Theo lời nạn nhân này, Công ty Modern Tech chi trả lãi suất rất đúng hạn và đầy đủ trong thời gian đầu. Nhưng khi các nạn nhân chỉ mới nhận được một phần nhỏ trong số tiền đầu tư thì công ty thông báo thay đổi hình thức trả lãi suất bằng tiền số iFan thay vì tiền mặt với giá trị công ty tự quy định là 5 USD/đồng iFan. Nhưng con số này trên thị trường tự do chỉ có giá 0,01USD/đồng iFan – THẤP HƠN TẬN 5000 LẦN!

Người này cũng cho biết thêm là ngoài việc cam kết trả lợi nhuận “khủng”, họ phần nào bị Công ty Modern Tech lôi kéo bởi những hoạt động có gắn với tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Họ giới thiệu rằng tham gia dự án này còn có các nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh, Quang Lê, Trấn Thành, Lệ Quyên,…với những người đã đầu tư và cả những người chưa đầu tư để khuyến khích họ “bơm” thêm tiền cho dự án. Đồng thời hứa hẹn sẽ thu hút số người sử dụng đồng tiền này lên tới con số 500.000.000 người và sẽ sớm IPO (Tung cổ phiếu lên sàn chứng khoán lần đầu tiên cho công chúng) lên sàn Nasdaq của Mỹ.

Thế nhưng, khi iFan bắt đầu gặp các vấn đề tài chính sau đợt suy thoái giá của Bitcoin cuối năm 2017, công ty Modern Tech đã “đăng đàn” chối bỏ mọi liên quan với iFan. Họ cho rằng bản thân công ty của họ cũng là nhà đầu tư muốn mang "lợi" đến cho mọi người nhưng chẳng may gặp phải dự án thất bại. Đến lúc này thì những người tham gia mới kịp vỡ lẽ rằng mình bị lừa đảo, nhưng những “siêu lừa” kia đều đã cao chạy xa bay và im hơi lặng tiếng trước mọi cáo buộc nhằm vào mình.

Lời kết

Mô hình Ponzi đã được áp dụng rất nhiều kể từ khi nó khai sinh ra đến nay. Với chiêu trò đánh trực tiếp vào lòng tham – những kẻ lừa đảo đã khiến cho rất nhiều nạn nhân lâm vào cảnh trắng tay. Chúng tôi muốn dành lời kết để kêu gọi mọi người hãy luôn tỉnh táo và thông thái trước mọi lời mời đầu tư hứa hẹn lãi suất “khủng” sau một thời gian ngắn. Đừng bao giờ để lòng tham đánh bại chúng ta!

Thegioiluat.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC