[Kỳ 3] Nghề Luật - Học và trở thành một Thư ký Toà án

Thư ký Toà án là người làm việc tại toà án và nhiệm vụ chủ yếu là ghi chép, tống đạt văn bản tố tụng, nhận, giữ, sắp xếp, chuyển hồ sơ, hướng dẫn, phổ biến cho đương sự, và làm những công việc khác để đảm bảo cho Thẩm phán Toà án thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Toà án, theo như định nghĩa của Wikipedia thì là "cơ quan thực hiện chức năng tư pháp và xét xử của một nhà nước". Cũng chính vì lẽ đó, khi nhắc đến Toà án thì dễ thấy rằng đây là một nơi tôn nghiêm và là một cơ quan quyền lực của nhà nước. Mỗi ngày, các Thẩm phán làm việc trong Toà án đều phải xét xử rất nhiều vụ việc với độ nghiêm trọng từ thấp đến cao, cũng như rất dễ mắc sai sót. Chính vì lẽ đó, Thư ký Toà án được xem như là "cánh tay phải" của một Thẩm Phán để giúp cho mọi công việc được xử lý nhanh gọn, và trơn tru hơn.

Những điều kiện tiên quyết để trở thành một Thư ký Toà án :

  • Là công dân Việt Nam, có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt
  • Đã tốt nghiệp Đại Học chuyên ngành Luật, sử dụng thành thạo máy vi tính, máy in, máy fax, ... trong công tác văn phòng
  • Đã trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức của Toà án

Các bước để trở thành Thư ký Toà án ở Việt Nam : 

Bước 1 : Bạn cần thi đỗ Đại Học chuyên ngành Luật

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường có dạy ngành Luật. Mức đào tạo thường rơi vào khoảng 4 năm học. 

Như ở kỳ 1 chúng tôi đã nói, ở Việt Nam về đào tạo ngành Luật thì có rất nhiều trường. Nổi bật nhất vẫn là 2 cơ sở đào tạo hàng đầu Việt Nam như ĐH Luật Hà Nội (Bộ Tư Pháp) và ĐH Luật TP.HCM (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ngoài ra, còn rất nhiều khoa luật của các trường Đại Học khác cũng khá uy tín và đang dần khẳng định được vị thế của mình, chẳng hạn như Đại Học Ngoại Ngữ và Tin Học TP.HCM (HUFLIT), Đại Học Tôn Đức Thắng (TDTU).

Mức điểm ở các trường đào tạo chuyên ngành Luật thường dao động từ 17 - 28 điểm. Đối với các bạn sinh viên có sức học khá, giỏi thì đây vốn là một mức điểm có thể "chấp nhận được" vì không quá thử thách, cũng không quá dễ dàng.


Ảnh : Đối với những bạn sinh viên có học lực khá - giỏi và thích thú với nghề Luật, các bạn hoàn toàn có thể chọn ĐH Luật TP.HCM (miền Nam) hoặc ĐH Luật Hà Nội (miền Bắc) để làm nơi theo học.

 

Bước 2 : Trở thành cử nhân chuyên ngành Luật

Thông thường chúng ta sẽ mất bốn năm để tốt nghiệp chuyên ngành Luật và có tấm bằng cử nhân. Đối với những bạn yêu thích công việc Thư ký Toà án, bạn phải hiểu cách vận hành của mỗi Toà án, các hoạt động tố tụng, cũng như thông thạo kỹ năng ghi chép, kỹ năng làm việc độc lập cũng như làm việc theo nhóm để phối hợp với các bộ phận khác. Trở thành cử nhân chuyên ngành Luật và có nguyện vọng trở thành một thư ký toà án, bạn bắt buộc phải rèn luyện liên tục các kỹ năng. Đồng thời bạn nên sở hữu mức điểm tích luỹ từ 8.0 trở lên để có bằng tốt nghiệp loại Giỏi, đây sẽ là lợi thế rất lớn cho bạn sau khi ra trường.

Bước 3 : Tham gia kỳ thi tuyển công chức ngành Toà án 

Trước khi trở thành một Thư ký Toà án thì bạn bắt buộc phải tham gia kỳ thi tuyển công chức ngành Toà Án. Hàng năm, trên Cổng thông tin điện tử Toà án nhân dân cấp tỉnh thường xuyên có thông báo thi tuyển công chức được đăng tải. Chú ý đến những thông tin này sẽ giúp bạn nắm bắt được thời gian cũng như tình hình thi tuyển để xác định được cho mình con đường rõ ràng trước khi bước vào kỳ thi. 

"Biết người biết ta - Trăm trận trăm thắng", những kỳ thi này thường thu hút rất nhiều nhân tài cũng như những người có kinh nghiệm và năng lực. Kỳ thi tuyển công chức vốn có tỷ lệ "chọi" cao nhằm chọn lọc ra người có đủ trí lực, cũng như bản lĩnh. Vì vậy nếu muốn vượt qua, bạn bắt buộc phải ôn luyện kiến thức mỗi ngày, không được lơ là.



 

Ảnh : Một mẫu thông báo tuyển công chức.

Bước 4 : Được cử đi học Nghiệp vụ Thư ký Toà án

Sau một thời gian công tác pháp luật nhất định, bạn sẽ được cử đi học nghiệp vụ Thư ký Toà (Một trong các điều kiện cần để trở thành Thư ký Toà án). Việc đi học nghiệp vụ là một điều bắt buộc trước khi bạn được bổ nhiệm làm Thư ký Toà Án, Ở một số trường như ĐH Luật, bạn sẽ được học nghiệp vụ này vào năm cuối trước khi đi thực tập, vì đây cũng được coi là một môn học mang tính định hướng nghề nghiệp ở các trường Đại Học.

Bước 5 : Được bổ nhiệm làm Thư ký Toà án

Khi bạn học xong nghiệp vụ Thư Ký Toà, bạn sẽ được bổ nhiệm trở thành Thư ký Toà Án, giúp việc cho Phó Chánh Án, Chánh Án, Thẩm Phán tuỳ thuộc vào nhu cầu của từng cơ quan, đơn vị. Khi trở thành một Thư ký Toà Án, bạn sẽ được tiếp xúc liên tục với các phiên toà và thu thập thêm cho mình nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là bạn cũng có thể trở thành Thẩm Phán sau nhiều năm công tác trong vị trí Thư Ký Toà.


Ảnh : Thư ký Toà án ở Việt Nam.

Và sau cùng, bạn bắt buộc phải nhớ trách nhiệm của một Thư ký Tòa án :

  •  Thực sự “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
  • Thực hiện đúng pháp luật của nhà nước, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.
  • Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật; nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện đúng các quy chế, quy định làm việc và nội quy cơ quan.
  • Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ứng xử có văn hóa để hoàn thành nhiệm vụ, công vụ được giao.
  • Có quan hệ tốt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
Thegioiluat

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC