KỸ NĂNG TỰ BẢO VỆ BẢN THÂN CỦA NGƯỜI HÀNH NGHỀ LUẬT

Không chỉ những người không biết luật mới gặp rắc rối về luật, luật sư hay pháp chế doanh nghiệp cũng là những nghề tương đối rủi ro. Nhiều người đã và đang vướng vào những rắc rối pháp lý do những tai nạn nghề nghiệp khách quan hoặc do chính sự bất cẩn của bản thân. Vì vậy, để sống được với nghề luật không phải dễ dàng và chúng ta cần tự trang bị cho mình những kỹ năng nhất định.

TUYỆT ĐỐI KHÔNG TƯ VẤN TRÁI PHÁP LUẬT

Việc tư vấn những nội dung trái pháp luật không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công ty, đồng nghiệp, mà còn dẫn đến trách nhiệm pháp lý của cá nhân người tư vấn.

Người làm luật không thể và không nên tư vấn cho người khác thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Cần có cách diễn giải phải phù hợp với bản chất sự việc để tránh sự hiểu nhầm rằng mình đang “xui” đồng nghiệp/thân chủ vi phạm pháp luật. Việc sử dụng các từ ngữ chính xác cũng tạo ra sự khác biệt và tính an toàn trong ý kiến tư vấn của người hành nghề luật. Ví dụ thay vì dùng những từ nguy hiểm và nhạy cảm như “trốn thuế” thì nhiều trường hợp không phải là hành vi trốn thuế mà “tối ưu hoá về thuế trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành” hoặc người ta có thói quen sử dụng từ "lách luật" nhưng thực tế chính xác nhất lại là "phương án xử lý vấn đề trên cơ sở các quy định pháp luật".

LƯU LẠI MINH CHỨNG ĐỂ BẢO VỆ BẢN THÂN MÌNH

Luôn luôn lưu lại những minh chứng về yêu cầu của khách hàng/đồng nghiệp cũng như việc tư vấn của bản thân trong suốt quá trình làm việc. Bạn sẽ không muốn đến một ngày bị tố tư vấn sai và đổ trách nhiệm khi mà thực tế bạn đã tư vấn đúng. Tất cả các thông tin kể cả những thông tin mà mình đã có cũng nên có sự xác thực lại bằng văn bản (hoặc email) của bên yêu cầu/khách hàng. Đó là lý do tại sao trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, mặc dù hoàn toàn có thể nói chuyện trực tiếp hay gọi điện thoại, người ta vẫn thường xuyên sử dụng email như một công cụ giao tiếp chính thống. 

LUÔN NẮM “ĐẦU CHUÔI” TRONG MỌI TRƯỜNG HỢP CÓ THỂ

Cũng sẽ không có gì bất hợp lý nếu chúng ta yêu cầu khách hàng ký hợp đồng hoặc thanh toán toàn bộ hay một phần phí tư vấn trước khi bạn thực hiện cung cấp dịch vụ. Quá trình cung ứng dịch vụ có thể tiềm ẩn rất nhiều biến cố và nhiều luật sư đã có kinh nghiệm thương đau trong việc đòi thù lao của khách hàng. Tranh chấp hay khởi kiện chính khách hàng của mình là việc không một luật sư nào muốn trừ trường hợp bất đắc dĩ. Vì vậy, thẳng thắn với khách hàng ngay từ đầu về quyền, lợi ích và chi phí của luật sư là một cách giảm thiểu đáng kể những rủi ro mà người làm luật phải đối mặt. Ngược lại, việc yêu cầu ký kết hợp đồng và thanh toán trước một phần hay toàn bộ chi phí cũng phần nào thể hiện sự chuyên nghiệp và giá trị của luật sư.

NÊN CÓ NHỮNG RÀNG BUỘC VỀ TRÁCH NHIỆM TRONG CÁC Ý KIẾN TƯ VẤN

Thông thường ý kiến tư vấn của nhân viên pháp chế/luật sư thường chỉ được sử dụng trong những tình huống hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy, bạn có thể thêm vào những nội dung ràng buộc vào ý kiến tư vấn như:

“ Nội dung tư vấn này được đưa ra trên cơ sở hệ thống pháp luật hiện hành và các thông tin do khách hàng cung cấp, vì vậy, quý khách cần bảo đảm những thông tin cung cấp là đúng sự thật và cân nhắc trước khi sử dụng những ý kiến tư vấn của chúng tôi.”

Điều này sẽ giảm thiểu đáng kể rủi ro của người tư vấn khi khách hàng tự ý diễn giải và làm theo ý mình.

BẢO ĐẢM TÍNH ĐỘC LẬP TRONG SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG

Có một nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong hoạt động của người làm luật đó là người làm luật cần có được một vị thế độc lập trong cả tư duy và hành động. Thông thường, khi thực hiện tư vấn, người làm luật thường phải chịu rất nhiều sức ép từ nhiều phía khác nhau. Đó là sức ép từ sếp đối với nhân viên trong một quan hệ lao động. Đó cũng có thể là mối quan hệ khách hàng và bên cung ứng dịch vụ khi mà khách hàng là thượng đế. Do đó , nếu như bản lĩnh của người làm luật không vững vàng, sẽ rất khó mà duy trì một vị thế độc lập. Hãy nhớ rằng, người làm luật khi tư vấn chỉ nên dựa vào các quy định pháp luật, tình tiết mà khách hàng cung cấp và kinh nghiệm của bản thân mình. Cần tránh trở thành một người được thuê về để nói những gì mà sếp/khách hàng muốn nghe và để chịu trách nhiệm khi có những rắc rối phát sinh.

KHÔNG CHIỀU KHÁCH HÀNG

Các bạn hãy hiểu rằng công ty không thuê các bạn về làm một liều thuốc giảm đau. Sếp/khách hàng của bạn dĩ nhiên mong muốn thuê bạn về để có góc nhìn thực tế về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp. Vì vậy đừng cả nể, ru ngủ đồng nghiệp hay khách hàng để rồi vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng. Lúc đó dĩ nhiên là luật sư càng khó ăn khó nói với sếp/thân chủ của mình.

Ngược lại, hãy cứ thẳng thắn về những khó khăn và rủi ro mà doanh nghiệp đang phải đối mặt kể cả trong trường hợp những khó khăn đó chỉ ở mức tiềm ẩn. Tuy nhiên, nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, sếp/khách hàng sẽ hiểu và đánh giá đúng hơn những sức ép, tài năng của luật sư/nhân viên pháp chế, sự đóng góp và công sức mà một luật sư đã bỏ ra để thực hiện công việc. Nếu bạn nói với sếp rằng công việc đơn giản lắm, không có rủi ro gì vậy vai trò của bạn trong doanh nghiệp là gì. Vì vậy, là một luật sư/ nhân viên pháp chế cần phải tinh tế trong góc độ ứng xử này.

THEGIOILUAT.VN

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC