Mô hình Công ty Luật

Ngành Luật một ngành đang có nhiều triển vọng vì đáp ứng được nhu cầu của xã hội và mức thu nhập cũng khá cao so với mặt bằng chung của các ngành. Để có thể kiếm được một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp là việc không quá khó khăn. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn sinh viên ra trường lại có nhu cầu tự thân lập nghiệp đứng ra mở văn phòng, công ty riêng. Bài viết nhằm mục đích phân tích về điều kiện để mở văn phòng luật, công ty luật và các phân tích đối với từng loại hình cụ thể.


 

Điều kiện mở văn phòng luật sư, công ty Luật

 Theo khoản 3, điều 32 Luật Luật sư 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 thì điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:

Điều 32. Hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư

3. Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư:

a) Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này;

b) Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc

Theo đó, Điều kiện tiên quyết đầu tiên bạn phải là luật sư, khi đã trở thành luật sư nếu muốn thành lập tổ chức hành nghề luật sư do chính mình làm chủ thì phải có ít nhất 2 năm hành nghề liên tục theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư. Hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức. Việc hành nghề với tư cách cá nhân cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề cá nhân thì Luật sư phải tiến hành việc đăng ký hành nghề cá nhân tại Sở Tư pháp nơi có Đoàn Luật sư mà Luật sư đó là thành viên.

Các mô hình kinh doanh có thể kể đến như:

Văn phòng Luật sư

Một mô hình với cơ cấu quản lý cực kỳ đơn giản, quyền lực tập trung chính vào trưởng văn phòng, chi phí thành lập và duy trì hoạt động thấp. Việc phân phối lợi nhuận và đóng thuế rất đơn giản. Tuy nhiên, đây là loại hình mà chủ văn phòng phải chịu trách nhiệm vô hạn, khó kiếm được khách hàng lớn và nhân sự vì phụ thuộc rất nhiều vào một cá nhân. Mô hình này thường chậm phát triển hơn so với các mô hình khác. Chí có thể xuất hóa đơn dịch vụ không có thuế GTGT nên chi phí thuê văn phòng luật sư sẽ không được khấu trừ vào chi phí cho khách hàng.

 

Công ty Hợp danh

Rủi ro được chia đều cho các thành viên theo điều lệ của công ty luật, do đó vô hình sẽ tạo ra cơ chế giám sát lẫn nhau giữa các thành viên. Có điều kiện chuyên môn hóa đội ngũ, thu hút nhân sự và tìm kiếm khách hàng. Công ty Luật Hợp danh có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh vì khách hàng dễ dàng tin tưởng và lựa chọn hơn vì tính trách nhiệm trong các ý kiến tư vấn của Công ty. Loại hình này cũng có một số hạn chế phải kể đến như chịu trách nhiệm vô hạn và các thành viên phải gánh chung trách nhiệm, muốn thành lập phải có 02 thành viên là luật sư sáng lập. Chi phí điều hành cao hơn so với văn phòng luật sư. Ngoài ra việc minh bạch hóa lợi nhuận và phân chia lợi nhuận là một vấn đề khó khăn đối với các thành viên trong Công ty.

Công ty Luật TNHH Một Thành Viên

Mô hình này gần giống như mô hình một văn phòng Luật sư, khác ở chỗ công ty Luật TNHH Một Thành Viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trên số vốn đã góp. Có thể nói mô hình này được rất nhiều luật sư mới hành nghề áp dụng, vì công ty hoạt động dựa trên mối quan hệ của giám đốc công ty. Quyền quyết định được tập trung về một người nên việc ra quyết định sẽ rất nhanh chóng. Về mặt hạn chế công ty Luật TNHH một thành viên cũng tương tự như văn phòng luật sư như khó kiếm được khách hàng lớn, khó chuyên môn hóa đội ngũ, khó đào tạo nhân viên vì thiếu hụt nhân sự.

Công ty Luật TNHH Hai Thành Viên Trở Lên

Muốn thành lập công ty yêu cầu phải có 02 thành viên là luật sư thành lập, chịu trách nhiệm dựa trên số vốn đã góp. Có thể nói đây là mô hình có nhiều điểm chung với Công ty Luật Hợp danh khác ở tính chịu trách nhiệm đối với mỗi loại hình. Có thể nói đây là mô hình hoàn thiện nhất trong các mô hình Công ty Luật vì mỗi thành viên trong công ty có thể đảm nhận một công việc chuyên môn phù hợp. Do đó, Công ty có thể tổ chức đào tạo nhân viên nội bộ để chuyên môn hóa đội ngũ. Mô hình này thường có sơ đồ quản lý từ thấp đến cao khiến cho tính chuyên nghiệp trong công việc thường cao hơn các mô hình khác, khách hàng sẽ tin tưởng và dễ dàng hơn trong việc kiếm được các khách hàng lớn cũng như thu hút nhân sự về cho Công ty.

 

Thông qua bài viết trên chắc hẳn trong các bạn cũng đã có những đánh giá, nhận xét nhất định cho riêng mình về các mô hình của các Công ty Luật. Mong rằng các bạn sẽ cảm thấy bài viết trên có ích cho bản thân và đưa ra được sự lựa chọn đúng đắn nếu phát triển sự nghiệp theo hướng nêu trên.

THEGIOILUAT.VN

 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC