MỘT SỐ CÁCH ĐỂ CÓ KINH NGHIỆM HÀNH NGHỀ CHO DÂN LUẬT

Là một sinh viên luật mới ra trường, bạn có trong tay bằng cấp, kỹ năng, và quan trọng nhất là kiến thức đủ để bạn có thể giải quyết những vấn đề pháp lý. Tuy nhiên nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm. Thật sự ức chế khi họ luôn đòi hỏi kinh nghiệm nhưng lại không cho các bạn trẻ cơ hội để có được kinh nghiệm. Có hàng trăm lí do để chúng ta không đồng ý với quan điểm của nhà tuyển dụng nhưng đó lại là sự thật. Vậy làm gì để có thể có lợi thế trong cuộc cạnh tranh tìm việc vốn đã vô cùng gay gắt đối với dân luật là một câu hỏi muôn thuở của các thế hệ sinh viên luật. Nhân dịp nghỉ hè, hãy cùng THEGIOILUAT.VN điểm qua một số cách để có thể tích luỹ kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhé.


1. ĐI THỰC TẬP

Vì mục đích tiết kiệm chi phí nhiều công ty, văn phòng luật áp dụng chính sách sử dụng sinh viên cho một số vị trí, công việc trong Công ty. Nhiều công việc trong các văn phòng luật không đòi hỏi phải có kinh nghiệm như trực văn phòng, sắp xếp hồ sơ, nộp hồ sơ, liên hệ với các cơ quan nhà nước. Các công việc này nghe có vẻ nhàm chán nhưng nếu biết cách làm và có thái độ phù hợp, thực tập viên có thể có nhiều kinh nghiệm hữu ích.

Tuy vậy hãy nhớ đừng đòi hỏi quá nhiều về lương hay trông đợi quá nhiều về sự dạy bảo. Khi mà kiến thức và kinh nghiệm còn chưa đủ, sự đóng góp của các bạn vào Công ty rất hạn chế. Trong nhiều trường hợp, thời gian và công sức mà các luật sư bỏ ra để hướng dẫn các bạn còn nhiều hơn khi họ tự làm. Hơn nữa, những người trong công ty luật thường rất bận vì vậy hãy chủ động tìm tòi học hỏi từ những công việc được giao. Thay vì ngồi đó và xem việc chỉ bảo, dạy dỗ là đương nhiên, là nghĩa vụ của các luật sư, hãy chủ động đặt câu hỏi và nhờ các đồng nghiệp có kinh nghiệm hướng dẫn ngay khi có thể.

2. CÁC CÔNG VIỆC TRONG MỘT DỰ ÁN

Bạn có thể tìm kiếm các dự án và những công việc mang tính thời vụ từ bạn bè hoặc những người quen biết. Không nhất thiết phải là thành viên hay là cổ đông trong các dự án đó nhưng bạn hoàn toàn có thể tham gia với tư cách người phụ trách về mặt pháp lý. Một dự án đầu tư dù lớn hay nhỏ cũng sẽ liên quan đến rất nhiều những thủ tục pháp lý rồi hồ sơ giấy tờ khác nhau. Việc tiếp xúc và phần nào chịu trách nhiệm với các vấn đề pháp lý sẽ giúp bạn rèn luyện được tính cẩn thận và bản lính những tố chất cực kỳ quan trọng với những người hành nghề luật dù ở cương vị nào.

3. CÔNG VIỆC TẠI CÁC TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁP LÝ

Một số trường đại học hoặc các tổ chức đoàn thể (báo chí, đoàn thanh niên cơ sở…) thường tổ chức các trung tâm hỗ trợ pháp lý hoạt động thường xuyên hoặc định kỳ. Bạn sẽ không thể trông đợi bất kỳ khoản thu nhập nào khi tham gia vào những trung tâm như vậy. Bù lại những vụ việc mà bạn được tiếp nhận và giải quyết đa số là những vụ việc thực tế. Việc làm việc tại các trung tâm như vậy sẽ cho bạn kỹ năng tiếp xúc khách hàng, kỹ năng thu thập thông tin, xác định vấn đề và có lẽ thú vị hơn hết là cảm giác có thể giúp đỡ người khác bằng năng lực và chuyên môn của mình.

4. CÁC CÔNG TÁC TÌNH NGUYỆN, HOẠT ĐỘNG VÌ CỘNG ĐỒNG

Nhiều tổ chức tình nguyện, từ thiện rất cần những tình nguyện viên để hỗ trợ trong các hoạt động của mình. Nếu may mắn bạn có thể kiếm được một chân trong những đoàn tình nguyện tư vấn pháp luật miễn phí. Nếu không được như vậy thì việc tham gia nhiều hoạt động, tiếp xúc với nhiều người cũng sẽ cho bạn nhiều kinh nghiệm và kỹ năng quý giá. Ngoài ra, việc tham gia các công tác vì cộng đồng cũng làm một điểm sáng trong CV xin việc hay xin học bổng của bạn sau này.

5. THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ

Nếu bạn vẫn còn là sinh viên đại học, một số hoạt động ngoại khoá có thể giúp các bạn đến gần hơn với nghề luật. Các phiên toà ở Việt Nam được tổ chức xét xử công khai và lịch xét xử được công bố tại các trụ sở toà án. Các bạn có thể đến tham gia các phiên toà để xem cách mà các nhân vật thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình. Ngoài ra, các cuộc thi về pháp lý cũng là cơ hội để mài dũa các kĩ năng. Các cuộc thi phiên toà giả định (như Moot Competition của Đại Học Luật – thông thường được tổ chức vào mùa hè) sẽ cho phép các thí sinh hoá thân vào các vụ việc thực tế, Kinh nghiệm làm việc nhóm, xử lý vấn đề pháp lý và tranh luận sẽ là những kỹ năng vô cùng có giá trị đối với bất kỳ một người học luật nào.

Đối với các bạn trẻ có lẽ cái nhiều nhất nhưng cũng là quý giá nhất với mỗi người đó là thời gian và sức khoẻ. Vì vậy, thay vì vùi mình vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sang, hãy sử dụng những tài nguyên của các bạn một cách hiệu quả nhé. Chúc các bạn may mắn và thành công.

LÂM

THEGIOILUAT.VN

 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC