Nguồn gốc và con đường hình thành pháp luật theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin

Nguồn gốc và con đường hình thành pháp luật theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin

1.      Nguồn gốc của pháp luật

Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Leenin cho rằng, cũng như nhà nước, pháp luật là sản phẩm của sự phát triển xã hội. Pháp luật không phải là ý chí của thượng đế hay của một lực lượng siêu nhiên nào ngoài trái đất gán ghép vào xã hội. Pháp luật nảy sinh trong đời sống xã hội, là kết quả của sự biến đổi xã hội từ xã hội không có giai cấp sang xã hội có giai cấp:

  • Trong xã hội nguyên thủy chưa có nhà nước thì cũng chưa có pháp luật. Để quản lý, điều chỉnh các quan hệ xã hội khi đó người ta dựa vào tập quán, đạo đức, tín điều tôn giáo,… là những công cụ điều chỉnh thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích chung của các thành viên trong xã hội nên được mọi người thừa nhận và tự giác tuân theo.
  • Nguyên nhân làm xuất hiện nhà nước cũng chính là nguyên nhân làm xuất hiện pháp luật, nghĩa là, khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định (xem phần nguyên nhân xuất hiện nhà nước) thì những công cụ quản lý như đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo, … không còn khả năng hoặc không thể duy trì quản lý xã hội được nữa, vì ý chí các thành viên trong xã hội không còn thống nhất; lợi ích các giai cấp trong xã hội đã có sự khác biệt căn bản, thậm chí đối lập với nhau. Trong điều kiện đó, để có thể giữ cho xã hội trong vòng “Trật tự”, đồng thời bảo vệ được lợi ích của giai cấp mình, giai cấp, lực lượng thống trị đã thông qua nhà nước hình thành ra một công cụ điều chỉnh mới là pháp luật.

Như vậy, pháp luật ra đời  do nhu cầu xã hội để quản lý một xã hội đã phát triển ở một giai đoạn nhất định, giai đoạn xã hội đã phát triển quá phức tạp, đã xuất hiện những giai cấp có lợi ích đối lập với nhau và nhu cầu  chính trị - giai cấp để bảo vệ lợi ích cho giai cấp, lực lượng thống trị về kinh tế và chính trị trong xã hội.

Theo quan điểm Mác – Leenin thì, pháp luật ra đời và tồn tại gắn liền với xã hội có giai cấp, nó là sản phẩm của sự phát triển xã hội vừa mang tính khách quan ( sinh ra do nhu cầu đòi hỏi của xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định) vừa mang tính chủ quan (phụ thuộc ý chí nhà nước của giai cấp, lực lượng thống trị).

Cần chú ý là khi nhà nước ra đời thì các hình thức tổ chức của con người trước đó (thị tộc, bộ lạc) không còn tồn tại, nhưng khi pháp luật ra đời, các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác vẫn song song cùng tồn tại với nó.

2.      Các con đường hình thành pháp luật

Quan điểm Mác – Lenin cho rằng, pháp luật được hình thành chủ yếu bằng hai con đường cơ bản như sau:

Thứ nhất, nhà nước tuyên bố (thừa nhận) một số các quy tắc đã có sẵn trong xã hội như tập quán, đạo đức, tín điều tôn giáo … thành pháp luật và dung quyền lực nhà nước bảo đảm cho chúng được tôn trọng, được thực hiện.

Thứ hai, nhà nước đặt ra những quy tắc xử sự mới. Những quy tắc này thường do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt ra thông qua những trình tự, thủ tục, hình thức nhất định.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC