Những điều bạn cần biết trước khi tiến hành thủ tục ly hôn

Hiện nay, ly hôn đã trở thành một chuyện "bình thường như cân đường hộp sữa" ở Việt Nam. Cũng vì rạn nứt trong hạnh phúc, trong cuộc sống gia đình mà nhiều mối quan hệ đã tiến hành thủ tục ly hôn. Nhưng ly hôn phải làm gì, chú ý đến điều gì thì không phải ai cũng biết.

Chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang mang bầu hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Đây là quy định tại Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, theo đó: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Tuy nhiên, theo quy định này nếu người vợ yêu cầu ly hôn thì vẫn được pháp luật cho phép. Quy định này được pháp luật tạo ra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người vợ. 

Con dưới 3 tuổi sẽ được giao cho mẹ nuôi

Đây là quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, theo đó: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, khi giải quyết một vụ án ly hôn, nếu có tranh chấp về nuôi con, Tòa án sẽ dựa vào căn cứ này để quyết định cho người mẹ nuôi con dưới 3 tuổi. Một đứa trẻ dưới 3 tuổi thường có "xu hướng" quấn lấy mẹ hơn là với cha ruột nên thường các vụ ly hôn mà đứa trẻ dưới 3 tuổi thì đứa trẻ sẽ được giao cho người mẹ nuôi dưỡng trừ trường hợp giữa người mẹ và người cha có thỏa thuận gì khác.

Ly hôn thì tài sản chung sẽ chia đôi

Nếu không có các yếu tố dưới đây thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi khi ly hôn. Các yếu tố phải xét đến để chia tài sản khi ly hôn là:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Ví dụ : Sau khi kết hôn, người chồng có một mối quan hệ bên ngoài và bắt đầu ngoại tình, gây rạn nứt tình cảm giữa hai vợ chồng và vi phạm nghĩa vụ vợ chồng thì Tòa án sẽ xem xét đó là 1 yếu tố lỗi của người chồng dẫn đến ly hôn.

Có quyền lưu cư sau khi ly hôn

Đây là một quy định khá đặc biệt, quy định này cho phép vợ hoặc chồng ở lại căn nhà thuộc sở hữu của người chồng hoặc vợ sau khi ly hôn. Cụ thể quy định như sau: 

“Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Ví dụ : Khi người chồng và người vợ ly hôn và căn nhà được tòa án phân xử cho người vợ. Nếu người chồng có khó khăn ban đầu về chỗ ở thì hoàn toàn có quyền ở lại căn nhà đó trong thời hạn 6 tháng kể từ khi ly hôn để có thể tìm chỗ ở mới.

Thegioiluat.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC