NƯỚC PHÁP THỜI MACRON (Phần 1)

Emmanuel Macron trở thành tổng thống Pháp khi ông mới 39 tuổi, và có rất ít kinh nghiệm hoạt động chính trị (hoạt động chính trị được 2 năm và thành lập Đảng được 1 năm). Như câu chuyện dân gian “thầy bói xem voi” của Việt Nam, những người nhìn vào “tuổi nghề” của ông sẽ lo sợ rằng sự thiếu kinh nghiệm của ông sẽ đẩy nước Pháp đến khủng hoảng, còn một bộ phận khác lại cho rằng ông là người của thời đại mới, có tư duy và hành động khác hẳn những chính khách thời kỳ trước đây đã thi nhau lãnh đạo để rồi thi nhau thất bại và đẩy đưa một trong những nền kinh tế - công nghệ hàng đầu thế giới vào ngõ cụt. Vì thế, Macron đang đứng trước những chướng ngại vật khó khăn vì ông vừa phải lấy lại lòng tin của các cử tri, đại biểu vốn nghi ngờ năng lực của ông, vừa phải cải cách một cường quốc đã thụt lùi rất nhiều so với trước đây, chậm thích nghi với thời đại, luôn sống trong hào quang của quá khứ và không có thói quen hy sinh quyền lợi cá nhân.

Vấn đề đi hay ở lại

Bầu cho Macron, cử tri Pháp đã tránh cho nước Pháp và EU một cuộc phiêu lưu chính trị với hậu quả khó lường. Dân Pháp không chỉ phải lựa chọn giữa hai nhân vật chính trị, mà phải lựa chọn giữa hai ngả đường: hoặc theo chủ nghĩa dân túy, bế quan toả cảng của đảng FN hoặc sống và thích nghi với thời đại toàn cầu hoá. Cử tri Pháp đã lựa con đường thứ hai mặc dù họ vẫn phê phán một Liên minh châu Âu bị thế lực tư bản thao túng thay vì liên hiệp của nhân dân và họ vẫn e ngại toàn cầu hóa với đầy những đe dọa về kinh tế, an ninh, văn hóa, xã hội.

Cả thế giới chờ đợi tin tức từ Paris, bởi vì đó không phải là một cuộc bầu cử đơn thuần của một quốc gia mà đó là một vấn đề đặt ra cho tất cả các quốc gia, từ Âu sang Á. Mỹ và Anh đã lựa chọn theo chủ nghĩa dân túy, vậy còn Pháp? Có thể nói, Pháp là thuốc thử cuối cùng để các quốc gia khác quyết định lại chính sách kinh tế - chính trị của họ trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Với sự đắc cử của Macron, cử tri Pháp đã từ chối chính sách bế quan tỏa cảng của Front National (FN, Mặt Trận Dân Tộc). Trong 11 ứng cử viên tranh cử vòng đầu, Macron là người duy nhất ủng hộ EU một cách tích cực nhất, chủ trương phải mở cửa, hòa nhập với xu thế mới của thời đại. Đó là một thái độ can đảm, bởi vì bênh vực liên minh châu Âu, cổ vũ chuyện mở cửa nền kinh tế trong làn sóng chỉ trích của cử tri, không phải ai cũng dám làm, nhất là khi tranh cử. Các ứng cử viên khác từ cực tả sang cực hữu đều chống EU bởi vì họ xem đó là vật tế thần đổ lỗi cho tất cả những khó khăn của Pháp, trong khi thực tế cho thấy tình trạng tụt hậu của người Pháp là do chính người Pháp, họ đã có một loạt sai lầm trong các chính sách kinh tế, chính trị, quân sự và tự đánh mất vai trò cường quốc của mình trên chính trường quốc tế. Vấn đề đi hay ở của Pháp đã được Macron giải quyết nhưng để xua tan làn sóng chỉ trích của cử tri về liên minh châu Âu, Macron cần tiếp tục giải quyết bài toán dung hòa lợi ích giữa nhân dân Pháp và EU?

Vấn đề liên quan đến đồng euro

Kinh tế nước Pháp chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ sự suy thoái của đồng euro nhưng ông Macron không chọn giải pháp rời khỏi eurozone và sử dụng đồng tiền riêng của Pháp, cũng không dùng chính sách sử dụng hai loại tiền cho hai mục đích như đối thủ tranh cử của ông - bà Le Pen: Euro dành cho ngoại thương, đồng Franc xài trong nước. Ông chọn con đường phục hưng đồng tiền này. Quan điểm của ông là phải có một chính phủ tài chính với một bộ trưởng tài chính duy nhất cho cả khu vực đồng euro với những chính sách kinh tế, tài chính chặt chẽ để quản lý, thúc đẩy tỷ giá euro và xa hơn nữa là ông muốn eurozone trở thành một liên minh tiền tệ có thể “hợp nhất” các khoản nợ. Đức sẽ hoan nghênh hầu như tất cả những điều này bởi vì nó hứa hẹn sẽ áp đặt kỷ luật tài chính nặng nề đối với các quốc gia eurozone không muốn chơi theo luật. Tuy nhiên, người Đức lo sợ những mối đe dọa từ một liên minh tiền tệ có thể hợp nhất nợ của các quốc gia thành viên. Họ nhìn thấy ở đó viễn cảnh sẽ trao cho Hy Lạp và Italy ‘chìa khóa vào Kho bạc Đức’ vào thời điểm mà Anh sẽ không tham gia trợ cấp cho châu Âu dưới bất kỳ hình thức nào. Vẫn còn một hướng đi cho việc tái cấu trúc đồng euro nhưng cả Pháp và Đức đều không muốn đi trên con đường này: cấu trúc đồng euro theo khu vực Bắc Âu và Nam Âu. Tồi tệ hơn, nếu khu vực đồng euro bị chia cắt như thế, Pháp sẽ cân nhắc về vị thế từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của mình và cho rằng họ cần phải ở khu vực đồng euro Bắc Âu danh giá, trong khi khả năng và năng lực kinh tế hiện tại cho thấy nước Pháp sẽ có không gian phát triển và khả năng cạnh tranh cao hơn ở khu vực đồng euro Nam Âu. Một hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan cho nước Pháp. Đồng tiền euro hiện tại được ví như là một ngôi nhà không lối ra của Pháp và nếu “kiến trúc sư” tài ba Macron có thể giải quyết được vấn đền nan giải này thì vấn đề phục hưng nền kinh tế Pháp đã được giải quyết một nửa. 

Minh Tiến (bài viết độc quyền của Thegioiluat.vn)

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC