Phương pháp nghiên cứu của lý luận nhà nước và pháp luật trong hệ thống khoa học pháp lý

Phương pháp nghiên cứu của lý luận nhà nước và pháp luật trong hệ thống khoa học pháp lý

Phương pháp nghiên cứu của một môn khoa học là những nguyên tắc, cách thức hoạt động mà môn khoa học đó sử dụng để xem xét, tìm hiểu đối tượng nghiên cứu của mình nhằm đạt tới chân lý khách quan.

1.      Phương pháp luận:

Khi tìm hiểu phương pháp nghiên cứu của khoa học trước hết phải tìm hiểu phương pháp luận của khoa học. Đó là những nguyên tắc, quan điểm có tính chất đường lối, xuyên suốt và chỉ đạo quá trình nghiên cứu. Phương pháp luận của lý luận nhà nước và pháp luật là phép duy vật biện chứng và phép duy vật lịch sử. Với những cách tiếp cận cơ bản sau:

-         Khách quan, trong nghiên cứu về nhà nước và pháp luật, nghĩa là, xem xét nhà nước và pháp luật đúng như chúng tồn tại trong thực tế, không thêm, bớt, không bịa đặt, không xuất phát từ động cơ chính trị để chỉ khen hoặc chê một chiều. Cần tìm hiểu, đánh giá một cách khách quan cả những tư tưởng, quan điểm phi macxit về nhà nước và pháp luật. Khắc phục những định kiến mang tính chủ quan phiến diện, những sai lệch khi đánh giá về vị trí, vai trò của các nhà nước và pháp luật không phải xã hội chủ nghĩa trong tiến hành phát triển lịch sử tự nhiên của nhân loại.

-         Toàn diện, tiếp cận xem xét nhà nước và pháp luật ở nhiều góc độ, phương diện khác nhau như bản chất, hình thức, chức năng, cơ chế, các mối liên hệ … của nhà nước và pháp luật.

-         Biện chứng:

  • Thừa nhận nhà nước và pháp luật là những hiện tượng không “nhất thành, bất biến” mà luôn vận động, biến đổi. Vì vậy, phải xem xét nhà nước và pháp luật trong quá trình vận động, biến đổi chúng.
  • Xem xét nhà nước và pháp luật trong mối liên hệ ràng buộc và sự tác động qua lại với các hiện tượng khác của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, ý thức xã hội …
  • Thừa nhận nhà nước và pháp luật vận động, phát triển luôn gắn liền với mâu thuẫn và việc giải quyết các mâu thuẫn như mâu thuẫn giữa các giai tầng trong xã hội, mâu thuẫn giữa cái tiên tiến với các lạc hậu, giữa cái cũ với cái mới …
  • Thừa nhận nhà nước và pháp luật luôn vận động, phát triển theo những quy luật, quy trình nhất định.

-         Duy vật:

  • Thừa nhận nhà nước và pháp luật chỉ là những hiện tượng có tính lịch sử, chúng xuất hiện ở một giai đoạn nhất định và sẽ tiêu vong ở một giai đoạn nhất định. Từ đó, đặt nhà nước và pháp luật vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể, gắn chúng với các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của giai đoạn đó để xem xét, đánh giá.
  • Nhà nước và pháp luật thuộc kiến trúc thượng tầng nên phụ thuộc cơ sở hạ tầng, vì thế, khi giải thích các hiện tượng của nhà nước và pháp luật phải luôn xuất phát từ cơ sở kinh tế - xã hội. Sự ra đời, tồn tại và pháp triển của chúng xét đến cùng do kinh tế quyết định, song không được tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế đối với các vấn đề của nhà nước và pháp luật.
  • Quần chúng nhân dân giữ vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của xã hội, trong đó có nhà nước, pháp luật.

2.      Một số phương pháp nghiên cứu cụ thể:

-         Phương pháp phân tích, nghĩa là phải chia cái toàn thể (nhà nước và pháp luật) ra thành nhiều bộ phận để đi sâu nhận thức từng bộ phận đó một cách sâu sắc, đầy đủ hơn. Nhà nước và pháp luật là những hiện tượng rất phức tạp và luôn đi liền với những vấn đề phức tạp như quyền lực chính trị, lợi ích trong những mối quan hệ chằng chịt theo nhiều chiều nên cần được phân tích, môt xẻ ở những góc độ, khía cạnh khác nhau. Thông qua phương pháp phân tích làm cho lý luận luôn đổi mới, không bị sáo mòn, sơ cứng, mỗi lần phân tích lại có thể khám phá ra những cái mới, những nét mới trong các bấn đề liên quan đến nhà nước và pháp luật.

-         Phương pháp tổng hợp, ngược lại với phương pháp phân tích, nghĩa là phải liên kết, thống nhất các bộ phận của nhà nước hoặc pháp luật đã được phân tích nhằm có được cách nhìn nhận, cách đánh giá tổng quát về vấn đề cần nghiên cứu.

-         Phương pháp trừu tượng hóa, nghĩa là trên cơ sở những cái riêng, cái có tính chất hiện tượng, ngẫu nhiên, bề ngoài của nhà nước hoặc pháp luật từ đó rút ra những kết luận mang tính chất cái chung, cái bản chất, cái tất yếu về đối tượng nghiên cứu.

Bằng phương pháp trừu tượng hóa ta có thể vượt qua những hiện tượng có tính hình thức bề ngoài, ngẫu nhiên, thoáng qua, bất ổn định, để đi đến được cái chung mang tính tất yếu, tìm ra được bản chất của vấn đề, hiện tượng, sự vật, xác định được sự ổn định, xu hướng vận động, phát triển (mang tính quy luật) của hiện tượng.

-         Phương pháp so sánh, có tác dụng tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa các vấn đề của nhà nước hoặc pháp luật cần nghiên cứu, từ đó lý giải nguyên nhân sự giống và khác nhau giữa chúng. Khi tiến hành so sánh phải:

  • Xuất phát từ bản chất của hiện tượng, sự vật, vấn đề cần phải so sánh;
  • Xuất phát từ điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử cụ thể mà những điều kiện đó tạo ra môi trường tồn tại cho sự vật, hiện tượng, vấn đề đang cần so sánh;
  • Các yếu tố truyền thống khác có ảnh hưởng tới cách tiếp cận và giải quyết vấn đề.

Có thể so sánh theo chiều dọc mang tính lịch sử (các hiện tượng pháp lý đều có quá trình lịch sử hình thành và phát triển của mình và đồng thời không tránh khỏi giác quan chính trị khi xem xét đánh giá chúng). Vì thế, khi nghiên cứu những vấn đề về nhà nước và pháp luật cần chú ý đến tính lịch sử và tính chính trị của nó, nhất là những vấn đề liên quan đến các kiểu nhà nước và pháp luật khác nhau. Cũng có thể so sánh theo chiều ngang như giữa các nhà nước, các hệ thống pháp luật. Trong quá trình so sánh, phải luôn chú ý tới tính hệ thống, tính logic và sự thống nhất của các vấn đề, chỉ ra những cái chung, cái riêng, sự tương đồng và dị biệt giữa các hiện tượng, những sự liên quan, nối kết giữa các vấn đề.

-         Phương pháp xã hội học, nhà nước là một hình thức tổ chức của xã hội, sinh ra từ xã hội, tồn tại, phát triển ngay trong lòng xã hội, nó luôn gắn bó với xã hội. Do vậy, phải nghiên cứu các vấn đề xã hội. Có như vậy mới hiểu đầy đủ hơn về nhà nước, về quản lý nhà nước đối với xã hội được tốt hơn. Nhà nước muốn đưa ra một chính sách nào đó thì phải tìm hiểu xem xã hội tiếp nhận nó như thế nào và hiệu quả thực tế của nó trong đời sống xã hội.

Pháp luật là sự mô hình hóa các quy luật, nhu cầu khách quan của xã hội thành những quy tắc xử sự mang tính phổ biến, thành công lý. Cũng như nhà nước, pháp luật sinh ra từ nhu cầu khác quan của xã hội, là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, một giá trị của xã hội văn minh … Do vậy, muốn nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu điều chỉnh, tác dụng, hiệu quả của pháp luật buộc phải tìm hiểu trong đời sống xã hội (môi trường tác động của pháp luật).

Phương pháp xã hội học được thực hiện thông qua các hoạt động như theo dõi, phỏng vấn, thăm dò dư luận xã hội … với các bước: thu nhập thông tin từ những sự kiện, đối tượng riêng rẻ để nắm được những thông tin, tư liệu thực tiễn; nghiên cứu những quan niệm, quan điểm về các vấn đề khác nhau của nhà nước, pháp luật; xử lý những thông tin, tài liệu đã thu được, từ đó kiểm nghiệm lại những luận điểm, quan điểm, khái niệm, kết luận của lý luận nhà nước và pháp luật.

-         Phương pháp hệ thống, do tính chất phức tập và sự liên kết thành các hệ thống của nhà nước, pháp luật với các hiện tượng khác (hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật, hệ thống các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội …). Khi nghiên cứu các vấn đề về nhà nước và pháp luật phải đặt chúng trong hệ thống, trong sự liên hệ, thống nhất và tính thứ bậc với các hiện tượng, sự vật khác hoặc cùng loại để nhận thức, đánh giá, không phá vỡ tính hệ thống của chúng.

Ngoài ra, còn rất nhiều những phương pháp nghiên cứu cụ thể khác như phương pháp thống kê, phương pháp dự báo khoa học, phương pháp thực nghiệm pháp lý … Các phương pháp nghiên cứu cần được sử dụng kết hợp với nhau thì mới có hiệu quả.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC