Tặng cho nhà giữa ông nội cho cháu nội thì thủ tục như thế nào và có phải đóng thuế hay không?

Tặng cho nhà giữa ông nội cho cháu nội thì thủ tục như thế nào và có phải đóng thuế hay không?

Câu hỏi: tôi năm nay 25 tuổi, cha tôi mất sớm nay ông nội tôi dự định cho tôi một căn nhà để ra ở riêng. Tôi không biết thủ tục thực hiện như thế nào cũng như có phải đóng thuế hay không và đóng bao nhiêu. Mong nhận được tư vấn của luật sư. 

 

Thân gửi bạn

Liên quan đến câu hỏi của bạn về vấn đề tặng cho bất động sản giữa ông nội và cháu nội chúng tôi đã tham khảo các văn bản pháp luật sau:

-       Bộ luật dân sự 2015

-       Luật đất đai 2013

-       Luật thuế thu nhập cá nhân 2007

-       Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ.

-       Luật quản lý thuế 2006

Trong trường hợp bất động sản là tài sản riêng của ông nội bạn thì việc ông nội bạn tặng cho bất động sản cho bạn là hoàn toàn hợp pháp. Trong trường hợp tài sản tặng cho là tài sản chung của nhiều người (ví dụ tài sản chung của ông và bà bạn chẳng hạn) thì việc tặng cho phải có sự đồng thuận của tất cả chủ sở hữu.

1. Về thủ tục tặng cho:

Việc tặng cho phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản và phải được công chứng/chứng thực.

Theo quy định tại Điều 459 Bộ luật dân sự 2015, việc tặng cho bất động sản phải thực hiện như sau:

 

“Điều 459. Tặng cho bất động sản

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”

 

Do đó, trong trường hợp bạn không chắc chắn về việc tự soạn thảo hợp đồng tặng cho bất động sản, chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ với luật sư hoặc tham vấn các chuyên gia tại các phòng công chứng để có thể được hỗ trợ tốt nhất.

 

2. Thuế thu nhập cá nhân

Theo nguyên tắc, người có thu nhập từ các giao dịch mua bán phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên trong trường hợp tặng cho giữa ông nội và cháu nội thif theo quy định tại Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa ông nội và cháu nội thuộc về thu nhập được miễn thuế. Cụ thể:

 

Điều 4. Thu nhập được miễn thuế

1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

Theo quy định của luật quản lý thuế năm 2006 thì mặc dù thuộc diện được miễn thuế nhưng bạn và gia đình vẫn phải thực hiện việc làm hồ sơ thủ tục miễn thuế tại cơ quan quản lý về thuế theo quy định pháp luật. Cụ thể bạn có thể xem quy định tại Điều 62, 63 Luật quản lý thuế năm 2006:

 

Điều 62. Hồ sơ miễn thuế, giảm thuế

1. Trường hợp người nộp thuế tự xác định số tiền thuế được miễn thuế, giảm thuế, hồ sơ gồm có:

a) Tờ khai thuế;

b) Tài liệu liên quan đến việc xác định số thuế được miễn, số thuế được giảm.

2. Trường hợp cơ quan quản lý thuế quyết định miễn thuế, giảm thuế thì hồ sơ miễn thuế, giảm thuế gồm có:

a) Văn bản đề nghị miễn thuế, giảm thuế trong đó nêu rõ loại thuế đề nghị miễn, giảm; lý do miễn thuế, giảm thuế; số tiền thuế được miễn, giảm;

b) Tài liệu liên quan đến việc xác định số thuế được miễn, số thuế được giảm.

 

Điều 63. Nộp và tiếp nhận hồ sơ miễn thuế, giảm thuế

1. Trường hợp người nộp thuế tự xác định số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm thì việc nộp và tiếp nhận hồ sơ miễn thuế, giảm thuế được thực hiện đồng thời với việc khai, nộp và tiếp nhận hồ sơ khai thuế quy định tại Chương III của Luật này.

2. Trường hợp cơ quan quản lý thuế quyết định miễn thuế, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế thì việc nộp hồ sơ miễn thuế, giảm thuế được quy định như sau:

a) Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thì hồ sơ được nộp tại cơ quan hải quan có thẩm quyền giải quyết;

b) Đối với các loại thuế khác thì hồ sơ được nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

3. Việc tiếp nhận hồ sơ miễn thuế, giảm thuế được quy định như sau:

a) Trường hợp hồ sơ miễn thuế, giảm thuế được nộp trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ;

b) Trường hợp hồ sơ miễn thuế, giảm thuế được nộp bằng đường bưu chính, công chức quản lý thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan quản lý thuế;

c) Trường hợp hồ sơ miễn thuế, giảm thuế được nộp bằng giao dịch điện tử thì việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ miễn thuế, giảm thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử;

d) Trường hợp hồ sơ miễn thuế, giảm thuế chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải thông báo cho người nộp thuế để hoàn chỉnh hồ sơ.

 

Do đó, bạn cần phải chuẩn bị các tài liệu để chứng minh quan hệ nhân thân giữa bạn và ông nội bạn để nộp kèm cho cơ quan thuế ví dụ bản sao giấy khai sinh của bạn và giấy khai sinh của cha bạn để làm căn cứ.

Trân trọng.

 

 

 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC