Tăng cường quản lý các hoạt động có liên quan đến tiền ảo

Tiền ảo hiện đang gây ra các vụ án xôn xao dư luận như vụ việc công ty bị tố lừa đảo 15 ngàn tỉ đồng vừa qua. Chính vì thế, Thủ tướng - Chính phủ vừa ban hành Chỉ Thị 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới các loại tiền ảo, tiền mã hóa.

Từ vụ công ty bị tố lừa đảo 15 ngàn tỉ đồng

Vừa qua có rất nhiều người dân lên tiếng khiếu kiện việc bị một công ty tiền ảo lừa đảo với số tiền lên tới 15 ngàn tỉ đồng. Công ty này có tên là Modern Tech và đã có nhiều đợt kêu gọi vốn, kêu gọi đầu tư ngoài đời thực cũng như trên mạng xã hội.

Tại Việt Nam, Công ty Modern Tech giới thiệu rằng họ là đại diện được uỷ quyền của iFan và loại tiền ảo khác là Pincoin. Họ từng tổ chức các buổi hội thảo lớn tại Hà Nội và TP.HCM để quảng bá và kêu gọi nhà đầu tư, cũng như chi rất nhiều tiền để quảng cáo trên Facebook, Youtube và Google nhằm tiếp cận những người nhẹ dạ cả tin và họ đã thực sự lừa được rất nhiều nạn nhân nhờ các chiêu trò và cả mức lãi suất cao.
 

Theo lời các nạn nhân, Công ty Modern Tech chi trả lãi suất rất đúng hạn và đầy đủ trong thời gian đầu. Nhưng khi các nạn nhân chỉ mới nhận được một phần nhỏ trong số tiền đầu tư thì công ty thông báo thay đổi hình thức trả lãi suất bằng tiền số iFan thay vì tiền mặt với giá trị công ty tự quy định là 5 USD/đồng iFan. Nhưng con số này trên thị trường tự do chỉ có giá 0,01USD/đồng iFan – THẤP HƠN TẬN 5000 LẦN!

Người này cũng cho biết thêm là ngoài việc cam kết trả lợi nhuận “khủng”, họ phần nào bị Công ty Modern Tech lôi kéo bởi những hoạt động có gắn với tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Họ giới thiệu rằng tham gia dự án này còn có các nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh, Quang Lê, Trấn Thành, Lệ Quyên,…với những người đã đầu tư và cả những người chưa đầu tư để khuyến khích họ “bơm” thêm tiền cho dự án. Đồng thời hứa hẹn sẽ thu hút số người sử dụng đồng tiền này lên tới con số 500.000.000 người và sẽ sớm IPO (Tung cổ phiếu lên sàn chứng khoán lần đầu tiên cho công chúng) lên sàn Nasdaq của Mỹ.

Những người nhẹ dạ cả tin đã bị lừa bởi "miếng bánh ngọt" có tên tiền ảo.

Thế nhưng, khi iFan bắt đầu gặp các vấn đề tài chính sau đợt suy thoái giá của Bitcoin cuối năm 2017, công ty Modern Tech đã “đăng đàn” chối bỏ mọi liên quan với iFan. Họ cho rằng bản thân công ty của họ cũng là nhà đầu tư muốn mang "lợi" đến cho mọi người nhưng chẳng may gặp phải dự án thất bại. Đến lúc này thì những người tham gia mới kịp vỡ lẽ rằng mình bị lừa đảo, nhưng những “siêu lừa” kia đều đã cao chạy xa bay và im hơi lặng tiếng trước mọi cáo buộc nhằm vào mình.


Xem thêmiFan bị tố lừa đảo 15.000 tỷ và câu chuyện về mô hình đa cấp Ponzi

Cho đến chỉ thị của Thủ Tướng - Chính Phủ

Theo đó, để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội do hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Chỉ đạo các Sở, ngành trực thuộc tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo, đặc biệt là : 
 
  • Hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo.
  • Mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.
2. Tuyên truyền, cảnh báo trên địa bàn để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hệ lụy liên quan đến việc mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông trong việc giúp người dân thoát khỏi "cạm bẫy" lừa đảo mà các công ty xấu giăng ra. Với sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước cùng năm Bộ lớn, quy trình quản lý ngày càng được "xiết" lại và sẽ chặt chẽ hơn.

Xem chi tiếtChỉ thị 10/CT-TTg của Thủ Tướng - Chính phủ.
Thegioiluat.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC