Tổng hợp quy định về quyền đối với hình ảnh của cá nhân trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Tổng hợp quy định về quyền đối với hình ảnh của cá nhân trong hệ thống pháp luật Việt Nam
1. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Mỗi người có quyền đối với hình ảnh cá nhân của mình. Đây là quyền nhân thân của mỗi người và được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Về mặt nguyên tắc, bất kỳ việc sử dụng các hình ảnh cá nhân vì mục đích gì thương mại hay phi thương mại cần sự cho phép của cá nhân đó trừ một số trường hợp nhất định. 
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình được quy định tại Khoản 1 Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015, cụ thể:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
 
Thực tế, khi ý thức pháp luật của nhiều cá nhân/tổ chức trong xã hội chưa cao, hành vi xâm phạm quyền của các cá nhân đối với hình ảnh vẫn xảy ra khá phổ biến. Các hành vi này trong nhiều trường hợp gây ảnh hưởng/tác động xấu đến tinh thần, danh dự và nhân phẩm của các cá nhân có hình ảnh. Trong trường hợp phát hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình, cá nhân có quyền:
 
  • Yêu cầu người/tổ chức có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của mình chấm dứt hành vi vi phạm.
  • Khởi kiện người có hành vi vi phạm yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường các thiệt hại về vật chất/tinh thần nếu có. 
  • Yêu cầu hoặc khởi kiện yêu cầu cá nhân/tổ chức có hành vi xâm phạm trả thù lao cho việc sử dụng hình ảnh của cá nhân trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh nhằm mục đích thương mại.
Vấn đề xử lý các hành vi vi phạm được quy định tại Khoản 3 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
.......
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

2. Các trường hợp sử dụng hình ảnh không phải xin phép 
Tất nhiên trong một số trường hợp việc sử dụng hình ảnh vì những lơi ích/giá trị nhân văn thì không cần phải xin phép cá nhân. Đây là các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015:
 
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
.......
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không xin phép.
Theo Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trong quảng cáo mà không có sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt với mức từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng. 
Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
.............
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;
b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
 
Trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân không xin phép sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
 
Điều 8. Vi phạm quy định về nội dung thông tin
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...........
e) Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.

Do vậy, cần cân nhắc xem hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực gì để có thể xác đinh mức xử lý vi phạm hành chính.

Trân trọng 
 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC