Trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn

Cuốn sách tập trung vào các phương thức ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp thương mại - xem xét các loại tranh chấp trong thương mại quốc tế và mô tả phương thức ngăn ngừa hoặc giải quyết; nêu các nguyên tắc cơ bản áp dụng cho trọng tài thương mại quốc tế; giải thích cách soạn thảo một điều khoản trọng tài và cung cấp các điều khoản mẫu chọn lọc; các phụ lục cung cấp toàn văn các công ước và quy tắc tố tụng trọng tài quốc tế và danh sách các tổ chức trọng tài quy chế trên thế giới.

Phương thức giải quyết tranh chấp được phân tích chủ yếu trong bài viết này là trọng tài quốc tế. Các bên có thể lựa chọn và đôi khi là bắt buộc phải đưa vụ việc ra giải quyết tại một tòa án quốc gia hoặc cơ quan hành chính quốc gia (ví dụ, trong các tranh chấp về đánh thuế). Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và vì đa số các hợp đồng là hợp đồng mua bán, hợp đồng phân phối, hợp đồng li-xăng, và hợp đồng liên doanh, nên một doanh nhân có thể cảm thấy bất tiện nếu giải quyết tranh chấp ở tòa án hoặc cơ quan hành chính quốc gia. Hơn nữa, tranh chấp có thể bị xét xử ở các tòa án tại nơi tiến hành các hoạt động kinh doanh của bên kia, trước những người có cùng quốc tịch với bên kia, bằng ngôn ngữ của bên kia và theo các quy tắc thủ tục của quốc gia của bên đối lập. Vì vậy, đạt được tính trung lập và tính linh hoạt là hai lý do cơ bản tại sao trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR), như trung gian, lại được phát triển với sự ủng hộ và hợp tác của các tòa án quốc gia. Ngoài ra, những nhân tố khác như giới hạn về thời gian, kiến thức chuyên ngành cần thiết, tính bí mật và – đặc biệt liên quan đến trọng tài – khả năng thực hiện trên phạm vi quốc tế, cũng là các lý do tốt để sử dụng trọng tài hoặc ADR.

Khái niệm Giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR) tương đối mới nhưng cũng đã được sử dụng rộng rãi. Các nơi trên thế giới hiểu ADR rất khác nhau. Trong cuốn sách này, ADR được dùng để chỉ tất cả các phương thức, ngoài tranh tụng (thông qua các tòa án) và trọng tài, nhằm ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp với sự trợ giúp của bên thứ ba.
TRỌNG TÀI VÀ TRANH TỤNG TẠI TÒA ÁN QUỐC GIA.
Trọng tài và các phương thức ADR, nói chung là các phương thức giải quyết ngoài toà án, không cạnh tranh với tranh tụng tại toà án quốc gia. Tranh tụng tại toà, trọng tài và ADR là các phương thức bổ sung lẫn nhau. Thực tế, trọng tài không thể phát triển mà không có sự hợp tác và kiểm soát cuối cùng của các toà án quốc gia. Không có gì đáng ngạc nhiên đối với các doanh nhân trên toàn thế giới  khi cuốn sách này đặc biệt tập trung vào trọng tài. Trọng tài đã trở thành phương thức được sử dụng phổ biến để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế và hiện tại là phương thức bắt buộc phải thi hành và ràng buộc về mặt pháp lý duy nhất có thể thay thế cho tranh tụng tại toà án quốc gia. Tuy nhiên, cuốn sách này không có ý định thuyết phục các bên sử dụng trọng tài hoặc ADR thay cho các toà án quốc gia. Rất nhiều các tranh chấp thương mại được giải quyết hàng ngày thông qua tranh tụng và phù hợp hơn khi giải quyết bởi một toà án quốc gia. Mọi sự lựa chọn nên được tiến hành phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi hợp đồng. Các phương thức giải quyết tranh chấp phải được xem xét cẩn thận vào thời điểm ký kết hợp đồng

Có sự khác biệt cơ bản và thực tế giữa tranh tụng ở toà và trọng tài (ở phạm vi hẹp hơn, kể cả các phương thức ADR). Nếu một bên muốn chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cho một hợp đồng cụ thể, trên thực tế, quyết định đó phải được đưa ra khi soạn thảo hợp đồng và phải đưa vào một điều khoản dưới dạng một điều khoản của hợp đồng. Đây là một đặc trưng của trọng tài. Ngược lại, các toà án luôn sẵn sàng giải quyết các vụ kiện thậm chí cả khi không có bất kỳ điều khoản cụ thể nào đề cập đến thẩm quyền của họ. Vì vậy, các  lợi thế của trọng tài chỉ có thể đạt được nếu các doanh nhân hiểu biết về luật hợp đồng. Một khi tranh chấp phát sinh, nếu các bên không có thoả thuận trọng tài trước, nhìn chung sẽ là quá muộn. Vào thời điểm ký kết hợp đồng, các bên cũng nên nghĩ đến trung gian, thẩm định chuyên môn và các phương thức ADR khác, nếu các bên muốn có cơ hội nhận được đầy đủ lợi ích từ các phương thức đó sau này. Đó chính là lý do tại sao cuốn sách này dành một phần để hướng dẫn soạn thảo các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng.

Cuốn sách này sẽ cung cấp cho các doanh nhân một bức tranh toàn cảnh hơn và cách hiểu đầy đủ hơn về các phương thức thực tế sẵn có để ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp thương mại. Rõ ràng hiện nay trọng tài quốc tế và các phương thức ADR tỏ ra khá hiệu quả, được sử dụng rộng rãi và liên tục phát triển.

Phần một đề cập tới các loại tranh chấp khác nhau có thể phát sinh trọng thương mại quốc tế và mô tả các phương pháp ngăn ngừa hoặc giải quyếtcác tranh chấp.

Phần hai đề cập một cách ngắn gọn các nguyên tắc cơ bản áp dụng cho trọng tài thương mại quốc tế.

Phần ba sẽ giúp người đọc phát triển các kỹ năng trong soạn thảo các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng và nêu ra các lựa chọn khác nhau phù hợp với hoàn cảnh hợp đồng và ý muốn của các bên.

Các phụ lục bao gồm toàn văn các công ước và quy tắc tố tụng trọng tài quốc tế, cũng như các thông tin hữu ích về các tổ chức, các trung tâm trọng tài và ADR quan trọng. Phần cuối của cuốn sách là danh mục sách tham khảo và bảng chú giải.

Không giống như hầu hết các cuốn sách luật, cuốn sách này không dẫn chiếu đến bất kỳ một luật án lệ nào nhằm mục đích để người đọc cảm thấy thoải mái, mặc dù cuốn sách này được dựa trên quyết định của các toà án quốc gia và các phán quyết trọng tài.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC